Mẹo Vặt

Bọ lành bọ độc: Kiến ba khoang

Tuesday, 03/05/2016 - 11:35:35

Rove beetles được gọi là kiến ba khoang, vì trên thân nó có 3 khoang màu đen, với 2 khoang màu vàng chen giữa. Kiến ba khoang thân dài, mình dây, có thể bay, hoặc chạy rất nhanh. Khi chạy, chúng thường cong đít lên trông như con bọ cạp, nên có người cũng ngạo nó là “kiến cắp đít.”

Bài VŨ HẰNG


Côn trùng, kiến, bọ… trong vườn nói chung là không được ai ưa thích. Nhưng không phải côn trùng nào cũng làm hại vườn rau quả. Lần trước chúng ta đã phân biệt cặp đôi bọ lành-bọ dữ có tên Lady Bird và Mexican Bean Beetle, gọi tạm là bọ rùa và bọ Mễ. Nhưng trong khi Lady Bird chỉ ăn sâu rầy, góp phần giúp cây trái phát triển tốt tươi lành mạnh, Mexican Bean Beetle lại ăn lá, đọt non, và trở thành hung thần của vườn rau. Hôm nay, chúng ta lại xem tới một cặp đôi khác, khá giống nhau, nhưng một thứ lành một thứ dữ: Rove beetle (kiến ba khoang) và Earwig (kiến đuôi kìm). Nhưng trước hết, chúng ta hãy nói về những điều thú vị bất ngờ liên quan đến Rove Beetle.

Kiến ba khoang (rove beetle) cũng gọi là “con cắp đít”

Rove Beetle: Bọ lành hay bọ độc?

Rove beetles được gọi là kiến ba khoang, vì trên thân nó có 3 khoang màu đen, với 2 khoang màu vàng chen giữa. Kiến ba khoang thân dài, mình dây, có thể bay, hoặc chạy rất nhanh. Khi chạy, chúng thường cong đít lên trông như con bọ cạp, nên có người cũng ngạo nó là “kiến cắp đít.”

Kiến ba khoang không phải là thứ bọ lạ, bọ mới, hoặc hiếm hoi gì. Chúng quần cư ở xứ Úc, nhưng cũng xuất hiện thường xuyên ở nhiều nơi khác, không thiếu ở Việt Nam hay ở Mỹ. Chúng thường sống ở những nơi ẩm ướt, như ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, ruộng rau, hoặc ở những nơi đang xây cất. Trong những ngày mưa dầm ướt át, ban đêm, kiến ba khoang thường tìm theo ánh đèn bay vào nhà để tìm một nơi khô ráo ẩn mình. Ban ngày, bạn có thể thấy kiến bò lổm nhổm trên mặt đất, với đôi cánh cúp vào bụng, trông y như … con kiến (thực ra, Rove Beetle không phải là kiến). Nhiều người vô ý để kiến ba khoang đốt, hoặc ra tay đập trước, khi thấy chúng bay vào nhà để khỏi bị đốt, rốt cuộc mình mẩy sưng vù, nhức nhối khổ sở suốt ba, bốn ngày trời chứ không ít.

Đối với đa số người Việt, kiến ba khoang là một loài rất đáng sợ, đáng ghét, nếu gặp chúng ở đâu là phải lo tiêu diệt trừ khử cho kỳ được. Nói tóm lại, kiến ba khoang là loại côn trùng độc, rất độc.

Nhưng nhà nông xứ Mỹ lại xếp kiến ba khoang vào loại bọ lành, thậm chí họ còn phải mua chúng về để có số đông thả vào vườn. Là vì, theo sách vở, kiến ba khoang sẽ tìm ăn sâu rầy, trứng ruồi muỗi… nói chung là những loài côn trùng chuyên phá phách vườn tược. Người nông dân Mỹ tin tưởng nơi kiến ba khoang như một đội quân trừ sâu diệt rầy rất hiệu quả, để bảo đảm sự an toàn cho cây trái.

Như vậy là sao? Kiến ba khoang thực sự là phúc thần, hay ác thần? Chẳng lẽ, các “ông bà thần” này bắt nạt tùy mặt, thấy dân Việt là chích cho phù thân, phù mỏ, nhưng gặp dân Mỹ thì cúc cung phục vụ? Đúng là một câu đố khó trả lời, nhưng sự thực lại rất đơn giản. Các thầy cô trong ngành côn trùng học giải thích như sau:

- Kiến ba khoang không đốt hoặc cắn con người. Kiến ba khoang cũng không thể chích, vì nó không có vòi.
- Nhưng máu trong bụng kiến chứa một độc chất rất mạnh, gọi là Pederin, có thể gây viêm mắt viêm da nặng trong nhiều ngày trời.

- Kiến ba khoang trở thành một thùng độc chất khi bị giết. Khi gặp kiến bay vào nhà, đậu trên tường, trên vách, hoặc bám trên thân thể, chúng ta thường phản ứng bằng cách giơ tay ra đập, giống như đập ruồi, đập muỗi…. Con kiến không chống cự nổi, đành chết bẹp xác trên tay người đập nó. Đó cũng là lúc thùng độc chất trong bụng kiến nổ ra, bám vào da thịt của “kẻ tấn công” và bắt đầu phát tác, hành hạ…. Như vậy, kiến không phải là “kẻ tấn công” mà chỉ là nạn nhân bị giết, và kẻ tấn công được nhận lãnh “phần thưởng” đau đớn của mình.

Nói một cách khách quan, Kiến Ba Khoang không chỉ ác với dân Việt, mà Rove Beetle lại hiền với dân Mỹ. Thực ra, nó không phân biệt chủng tộc, không biết ai là Việt, ai là Mỹ. Bất cứ ai tấn công nó cũng sẽ nhận được “phần thưởng” giống nhau. Sở dĩ người Việt trở thành nạn nhân của kiến (thực ra, nạn nhân của chính mình) là vì có thể chúng ta thích động chân, động tay, thích đập. Ngoài ra, do môi trường ẩm thấp, cỏ lác mọc quanh, nhà cửa chúng ta dễ trở thành một nơi ẩn trốn an toàn, thu hút kiến bay vào nhà trong những ngày trời trở mưa….

Vậy, dù là Việt hay Mỹ, chúng ta cần phải “biết điều” với kiến ba khoang. Các thầy cô đề nghị mình làm như vầy:
- Đừng tấn công kiến. Có nghĩa là, đừng đụng chạm vào nó. Đập cho nó chết bẹp xác lại càng không nên. Nếu lỡ gặp kiến bò trên người, hãy thổi hoặc xịt nước cho nó rơi khỏi da thịt mình.
- Ra vườn nên mặc áo dài tay, quần dài ống, hạn chế phơi phóng da thịt ra ngoài tới mức tối đa.
- Trong lúc làm vườn mà vô tình dẫm đạp hoặc đập vào mình kiến, lập tức rửa ngay bằng nước pha xà bông. Nọc độc của kiến có thể từ từ ngấm vào da thịt. Nhưng rửa ngay sau khi vừa chạm mọc sẽ khử được phần lớn, không cho nó thấm vào da thịt mình.
- Sau đó, nên đắp “thạch nhã đam” (aloe vera gel) vào chỗ bị nọc. Bị nặng quá là phải tìm thầy thuốc.
Nếu “biết điều” như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ bị Rove Beetle tấn công. Thực ra, Rove Beetle không tấn công ai bao giờ, nó chỉ tìm giết những thứ côn trùng phá hoại mùa màng của chúng ta mà thôi. Công bằng mà nói, Rove Beetle vẫn là một loài bọ lành. Nhưng biết bụng nó là một “quả bom”, chực chờ nổ tung khi có ai lỡ tay chạm vào, liệu bạn có dám nhờ cậy đến “phúc thần” này nữa không?
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT