Bình Luận

Bình tĩnh và tin tưởng

Wednesday, 13/06/2018 - 08:24:04

Ách đô hộ, lần này mang tính kinh tế; họ không chiếm đất mà chỉ khai thác nguồn lợi tại ba tỉnh, Quảng Ninh, Khánh Hòa, và Kiên Giang (Phú Quốc). Sức chống đối của quần chúng quá mạnh, nên ĐNN đành gác dự án Đặc Khu Kinh Tế lại.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Hai 11 tháng Sáu 2018 Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, kêu gọi “nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào những quyết định của Đảng, Nhà nước.”

Không có chữ 'và' giữa hai chữ Đảng, Nhà Nước, vì Đảng là Nhà Nước, và Nhà Nước là Đảng.
Trong câu nói quen miệng đó có thể bà Ngân không ý thức được là bà xin người Việt quốc nội hai thứ mà họ không còn nữa để cho bà; hai thứ đang trở thành hiếm hoi đó là bình tĩnh và tin tưởng.


Người dân trong nước đã hết bình tĩnh trước sự đàn áp của chế độ cộng sản. Họ tràn xuống đường để biểu tình tại Sài Gòn vào ngày Chủ Nhật, 10 tháng Sáu, 2018.

Sau nhiều thành tích của Đảng, Nhà Nước (ĐNN) bán biển, bán đất, bà Ngân đòi người dân Việt đừng hàm hồ, đừng vội chống việc ĐNN lại bán thêm cho ngoại bang nhiều nguồn lợi nữa. Bà bảo mọi người bình tĩnh, vì ĐNN không bán gì cả, như nhiều người vu oan, mà chỉ cho ngoại bang thuê dài hạn 99 năm; hợp đồng thuê mướn có thể tái tục ký đi, ký lại vài chục lần nữa, cho bằng với câu hát “một ngàn năm đô hộ giặc Tầu.”

Ách đô hộ, lần này mang tính kinh tế; họ không chiếm đất mà chỉ khai thác nguồn lợi tại ba tỉnh, Quảng Ninh, Khánh Hòa, và Kiên Giang (Phú Quốc). Sức chống đối của quần chúng quá mạnh, nên ĐNN đành gác dự án Đặc Khu Kinh Tế lại.

Ngày hôm sau -12 tháng Sáu 2018- họ ban hành luật An Ninh Mạng (ANM). Trong tổng số 466 đại biểu (ĐB) Quốc Hội (QH), 423 ĐB có mặt biểu quyết thông qua luật An Ninh Mạng (ANM); chỉ có 15 người không tán thành, và 28 người không biểu quyết. Tỉ lệ tán thành luật ANM là 86.86%.
Luật ANM là gì mà được đại đa số ĐB tán thành đến như vậy?

Đài BBC đem câu hỏi đó ra phỏng vấn linh mục Phan Văn Lợi, một trong những người phản đối luật ANM; linh mục cho biết ông phản đối luật ANM vì luật này xâm phạm ba quyền của người dân và gây năm hậu quả tác hại cho đất nước.

Hôm mùng 10 tháng Sáu, 2018 -hai ngày trước ngày dự luật ANM được QH thông qua- linh mục Lợi phổ biến trên trang Facebook của ông một bích chương liệt kê 5 hậu quả của dự luật ANM.
Cũng hôm đó, linh mục Nguyễn Văn Lý gửi một email kêu gọi mọi người tiếp tục biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và ANM.

BBC hỏi: Linh mục có cách nào để giải thích về luật này một cách rất bình dân để ai cũng có thể hiểu được không? Hỏi cách khác, linh mục thường giải thích về luật này với giáo dân như thế nào?
LM Phan Văn Lợi: Theo định nghĩa thông thường của các quốc gia thì luật An Ninh Mạng là luật làm ra để bảo vệ an ninh ở trên mạng cho người dân, cho chính quyền, hay cho những tổ chức. Tức là luật này chống sự xâm nhập của các hacker, của những kẻ lên mạng để tìm những cái mã số hay thông tin cá nhân của người khác để mà lợi dụng hay làm bậy. Nhưng Luật ANM ở Việt Nam này thì hoàn toàn ngược lại. Nó là luật của đảng cộng sản, của một chế độ độc tài đảng trị luôn luôn băn khoăn về cái chuyện phải kiểm soát người dân về mọi phương diện.

Thành ra với tôi Luật An ninh mạng của Việt Nam nó xâm phạm ba quyền.
Thứ nhất là nó xâm phạm quyền riêng tư, do việc nhà cung cấp mạng phải xác thực căn cước người dùng, và cung cấp những căn cước đó cho cơ quan chấp pháp khi có yêu cầu, mà không qua tòa án. Như vậy thì cơ quan chấp pháp có quyền yêu cầu lý lịch cá nhân bất cứ lúc nào, mà không cần phải chứng minh là người đó có vi phạm pháp luật hay là không. Đó là xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân.

Thứ hai, luật ANM này xâm phạm quyền tự do ngôn luận, khi nó buộc nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xóa thông tin đăng tải trên mạng, những thông tin mà cơ quan chấp pháp cho là xấu và phải xóa đi trên tài khoản người dùng, theo yêu cầu của chính quyền, nhưng cùng một lúc lại phải đưa các thông tin đó cho công an. Trong khi đó thì các thông tin bị cho là xấu này được liệt kê rất mơ hồ. Ở tại Việt Nam này, những tội gọi là phản động, là chống lại chính quyền đều là rất mơ hồ, để nhà cầm quyền muốn diễn giải sao cũng được cả.

Thứ ba, Luật ANM xâm phạm, hay nói đúng hơn cướp đi quyền sử dụng internet của người dân. Khi mà nhà cung cấp dịch vụ mạng phải không được cung cấp hay phải ngừng cung cấp dịch vụ internet cho những cá nhân đăng tải lên mạng những thông tin mà nhà chức trách cho là thông tin xấu theo luật. Như vậy thì sao? Chỉ cần nhà chức trách cho là một cá nhân hay một tổ chức đăng những tin xấu tin độc thì họ sẽ bị mất quyền sử dụng internet.

ĐNN còn hiểu lầm một tổ chức của ngoại quốc, Bộ Tư Lệnh Tác Chiến Không Gian Mạng; họ tưởng đó là một tổ chức quân sự, nên ngày mùng 8 tháng Giêng ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với nhiều tướng lãnh VC tới bộ Quốc Phòng dự lễ công bố quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác Chiến Không Gian Mạng (BTL/TCKGM)
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phúc nói lên cái lầm của Việt Cộng, khi ông chỉ thị BTL/TCKGM phối hợp chặt chẽ” với Bộ Công An và Bộ Thông Tin, Truyền Thông.

Ông dặn dò biên chế lực lượng "phải tinh gọn, trang bị vũ khí phải đồng bộ, hiện đại nhất."
Thật ra Bộ Tư Lệnh Tác Chiến Không Gian Mạng của những cường quốc là để chống những cường quốc thù địch khác chen vào mạng của mình để đánh rối, gây đình trệ, hỗn loạn những sinh hoạt quốc phòng và kỹ nghệ được điều khiển bằng mạng.

BTL/TCKGM của Trung Cộng còn chủ trương đánh cắp bí mật quốc phòng và kỹ thuật của Mỹ nữa; trong lúc thủ tướng Phúc chỉ thị ba quân “tuyệt đối không để các thế lực thù địch móc nối, làm ảnh hưởng đến uy tín của quân đội.”

Thủ tướng là viên chức điều hành guồng máy chính trị cả nước, mà ông ta không hiểu BTL/TCKGM là ký gì thì quả là đáng lo.
Người Việt quốc nội cứ bình tĩnh và tin tưởng sẽ có ngày thủ tướng Phúc chỉ thị binh sĩ thay thi sĩ để ... làm thơ.
(ndt)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT