Đạo và Đời

Biết ơn

Wednesday, 06/11/2019 - 07:08:55

Người đời thích xin ơn hơn là tạ ơn Thiên Chúa. Có câu chuyện về sự xin ơn và tạ ơn Chúa như sau: Một hôm Chúa sai hai thiên thần xuống trần gian làm nhiệm vụ...


Bài LM JOSEPH NGUYỄN THÁI

Người đời thích xin ơn hơn là tạ ơn Thiên Chúa. Có câu chuyện về sự xin ơn và tạ ơn Chúa như sau: Một hôm Chúa sai hai thiên thần xuống trần gian làm nhiệm vụ, một vị đi thu gom những lời cầu xin của con người; còn vị kia thì thu nhặt những lời tạ ơn của người đời dâng lên Chúa.
Chỉ vài giờ sau, vị thiên thần thu gom lời cầu xin đã trở về với hai va-li lớn chứa đầy những lời cầu xin. Sau nhiều ngày chờ mãi vẫn không thấy thiên thần thứ hai trở lại thiên đàng, Thiên Chúa lại sai một thiên thần khác bay xuống trần gian đi tìm, thì mới hay thiên thần thứ hai đang vất vả bay đi khắp phố phường, làng mạc… vì sau nhiều ngày vị này vẫn chưa gom được bao nhiêu những lời tạ ơn Thiên Chúa!

Tin Mừng hôm nay thuật lại, (Lc 17:11-19), cả mười người phong cùi đều được lành sạch, tuy nhiên, trớ trêu thay chỉ có một người trở lại gặp Đức Giesu để tạ ơn, mà người đó lại là người Samari ngoại đạo. Còn chín người kia vẫn mang danh là người của dân Chúa tuyển chọn mà lại vô ơn! Chúa đã phải thốt lên chua xót, “Thế chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17:17-18). Chúa đánh giá cao lòng biết ơn của người Samari nên đã củng cố lòng tin của anh và xác định tư cách tôn giáo của anh, “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Biết ơn là thái độ của một người có giáo dục và nhân cách. Người xưa đã dạy về lòng hiếu thảo biết ơn như sau: “Uống nước nhớ nguồn; Làm con phải hiếu; Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… Về phạm vi đức tin, người tín hữu cần ý thức về công ơn lớn lao của Thiên Chúa đã làm cho mình, để từ đó tỏ lòng biết ơn Ngài như con thảo đối với cha hiền. Quả vậy, cuộc sống chúng ta là một chuỗi những hồng ân của Chúa: Có những ơn do Thiên Chúa trực tiếp ban và cũng có những ơn Chúa nhờ tay người khác ban cho chúng ta. Vì thế, thánh Bênađô đã dạy, “Tôi xin anh em điều này là hãy tránh thói xấu lớn lao là sự vô ơn. Chớ gì đời chúng ta là một lời cám ơn liên lỉ... Tuy nhiên chúng ta đừng chỉ nói lời cám ơn suông, nhưng hãy biết sử dụng những ơn lành Chúa ban. Đó là điều Chúa đòi hỏi chúng ta.”

Vậy thì Chúa muốn chúng ta diễn tả sự biết ơn bằng những cách:
- Phải biết ơn bằng hành động: Bài đọc I trong thánh lễ hôm nay cho thấy lòng biết ơn phải được biểu lộ bằng hành động noi gương viên tướng Naaman người xứ Aram (x. 2 V 5,14-17).
- Phải vui vẻ đón nhận mọi điều xảy đến: Cám ơn Chúa vì những điều may lành như ý mình thì dễ, nhưng phải cám ơn cả về những điều rủi ro trái ý, lại không dễ dàng chút nào. Vì thế chúng ta cần tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho ta: vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại, an lành khỏe mạnh cũng như rủi ro tật bệnh… Vì những điều đó đều hữu ích cho phần rỗi của chúng ta, như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã quả quyết: "Tất cả đều là hồng ân."

- Phải luyện tập thành thói quen cám ơn: Cha mẹ công giáo cần tập cho con cái biết cám ơn những người làm ơn cho mình ngay từ khi chúng bập bẹ nói. Mỗi tối, chúng ta cũng hãy nhớ lại những ơn tinh thần vật chất nhận được trong ngày, rồi dâng lời tạ ơn Chúa như thánh Phaolô đã viết: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu" (1 Cr 1, 4).

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT