Đạo và Đời

Biết cách nghỉ ngơi

Thursday, 19/11/2020 - 06:30:16

Anh Tín, một giám đốc công ty công nghệ, đã thành công trong mọi lãnh vực: sự nghiệp, công danh, tiền bạc...


Hòa Thượng Giới Đức có bút hiệu là Minh Đức Triều Tâm Ảnh, là một trong những người sáng lập Chùa Huyền Không ở Huế. (Hình: Tâm Huy)


Lời HÒA THƯỢNG GIỚI ĐỨC

(Tóm lược từ bài giảng Biết Cách Nghỉ Ngơi của Ngài Giới Đức giảng tại tịnh thất Đức Quang, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, Đà Lạt ngày 15 tháng 11, 2020, đăng trên Ngọa Tùng Âm Facebook.)

Anh Tín, một giám đốc công ty công nghệ, đã thành công trong mọi lãnh vực: sự nghiệp, công danh, tiền bạc... nhưng đột nhiên anh cảm thấy mệt mỏi, không chịu đựng đời sống ấy nữa, từ bỏ tất cả, tìm về “ẩn cư” trong một góc rừng tại Xã Lát, Lạc Dương với nhu cầu tối thiểu.

Cảm xúc “hành động tâm linh” ấy của anh Tín, Thầy có tặng bốn câu thơ:

Bỏ phố thị, tìm về rừng,
Phồn hoa đô hội, xin đừng nhớ tôi!
Sớm nghe chim hót lưng vời,
Chiều xem sương nước, thấy đời nhẹ không.

Anh Tín là một trung niên này dáng người tầm thước, vóc chắc khoẻ, mày rậm, mắt sáng... bước đi vững chãi, tự tin... Con người này khi quyết định là quyết định dứt khoát. Bỏ tất cả để về rừng tìm chỗ nghỉ ngơi. Thầy nói anh là người “Biết Cách Nghỉ Ngơi.”

Tuy nhiên, Biết Cách Nghỉ Ngơi ấy có nhiều cấp độ:

1. Tâm trí nghỉ ngơi

Do nhu cầu công việc, chạy đuổi công việc trong xã hội kinh tế thị trường; lợi nhuận không còn là đồng tiền bán mua qua lại - mà chính là chất xám, tế bào não quyết định. Món hàng, một sản phẩm làm ra hôm qua, hôm nay đã cũ, phải căng óc tìm món hàng mới, sản phẩm mới.

Thần kinh căng như dây đàn không biết lúc nào đứt vỡ! Và năng lượng bị phát tán ra bên ngoài coi chừng bị cạn kiệt.

Vậy Biết Cách Nghỉ Ngơi là để cho tâm trí được nghỉ ngơi và năng lượng được phục hồi như sách Hoàng Đế nội kinh nói: “Điềm đạm vô vi, chân khí tùng chi!”

2. Thân nghỉ ngơi

Cái thân của mọi công dân ở các thành phố lớn bị 10 loại nhiễm độc: Không khí, nước, ánh sáng, âm thanh, màu sắc, nhu cầu, tiện nghi, vật thực, thói quen, hóa chất...

Ngoài ra, do cạnh tranh mưu sinh nên những tâm địa xấu xa, vô cảm... kéo theo tâm tham, tâm sân đã vượt ngưỡng - chính chúng đổ tràn ra không gian sống những năng lượng tiêu cực làm vấy độc cả thân lẫn tâm.
Xa chốn phồn hoa đô hội, rõ ràng là cả thân và tâm khỏi bị nhiễm độc.

3. Tâm trí nghỉ ngơi cấp độ 2

Khi thân ở rừng thì cây cỏ, thiên nhiên do vận hành, sinh chuyển tự nhiên nên tế bào được hấp thu năng lượng lành mạnh. Nó sẽ tự phục hồi mà không cần linh đan, diệu dược.

Thế nhưng, tâm trí vẫn còn “làm việc.” Như nhân vật duyên sự trong câu chuyện, anh vẫn miệt mài làm việc. Thứ nhất là vì “dư lực” của công việc cũ nó như quán tính. Thứ hai, cũng có thể do đam mê từ “thiên tài hoặc chuyên gia công nghệ” của mình.

Đến chỗ này thì nên học cách cho tâm trí thật sự nghỉ ngơi thôi. Thiền sẽ dạy cho mọi người điều đó; đơn giản thôi, mỗi ngày ba thời ngồi hít vô thở ra với Niệm và Giác; Niệm là ghi nhận đối tượng và Giác là thấy rõ đối tượng - mỗi lần 30 phút. Rứa thôi, nhưng mà thật sự tâm trí được nghỉ ngơi đấy.

4. Buông xả.

Khi thân đã được môi trường sinh học lành mạnh nuôi dưỡng thì coi như thân đã yên - nhưng tâm phải học buông xả nữa.

Nói gọn nghĩa buông xả: Đừng để cho tâm chấp thủ, dính mắc vào cái gì, mục đích nào, lý tưởng gì. Nếu bước ba ta cho tâm trí nghỉ ngơi thì bước này ta trả lại cho nó bầu trời tự do, không bị ràng buộc bởi những ước lệ phạm trù nào.

Học hạnh buông xả thì tâm trí mới nghỉ ngơi thật sự.

5. Nghỉ ngơi tạo tác luân hồi

Chúng sanh làm việc từ trăm năm này sang trăm năm khác, kiếp này kiếp khác; làm việc khắp ba cõi sáu đường mà không chịu nghỉ ngơi. Chúng làm việc cật lực, đổ dồn tâm trí vào những ước mơ, những mục đích tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, quyền lực. Chúng cật lực với khát khao, với tham vọng... để rồi đau khổ, thống khổ là cái gì phải trả trong định luật nhân quả lạnh lùng nhưng rất công bằng, phân minh.

Qua bốn bước nghỉ ngơi ở trên, bậc trí trên thế gian này, từng bước cảm nhận được, chứng nghiệm được sự an lạc thầm lặng trong nội tâm: sự an lành, an lạc vô nhiễm, thanh lương không có bóng dáng của phiền não.
Bước nghỉ ngơi thứ 5 là “không có làm việc nữa;” tâm trí không còn muốn lăng xăng tạo tác trong ba cõi, sáu đường nữa: Một sự nghỉ ngơi tuyệt đối: Sinh diệt diệc dĩ, tịch diệt hiện tiền!
Ai muốn sự nghỉ ngơi trọn vẹn ấy thì phải tu tập minh sát tuệ (Vipassanā -đāna).

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT