Hôm Nay Ăn Gì

Biến tấu gỏi từ hoa, lá quanh vườn

Tuesday, 14/04/2020 - 03:49:04

Hoa và lá cây, những thứ đáng yêu này, tưởng đơn giản chỉ để trang trí trong vườn, nhưng khi cần thiết, đó là những món ăn ...


(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Hoa và lá cây, những thứ đáng yêu này, tưởng đơn giản chỉ để trang trí trong vườn, nhưng khi cần thiết, đó là những món ăn rất ngon, rất bổ dưỡng, rất hấp dẫn và sâu thẳm tâm trạng…

Không biết tự bao giờ, người miền Bắc có thói quen ăn củ, ăn quả và lấy hoa để làm đẹp, thế nên hầu hết các loại hoa với người miền Bắc là để làm đẹp, nhà nghèo nhà giàu gì không cần biết, nhưng chắc chắn ở Hà Nội, cứ vào nhà thì sẽ thấy, có tệ lắm cũng có vài chậu hoa đang nở đặt đâu đó nơi bắt mắt trong nhà, sang một chút thì mua bó hoa về cắm, sang hơn nữa thì mua những cành hoa quí về cắm, mua hoa bưởi về thả trong chiếc thau đồng chứa lưng nước đặt trước cửa để mùi thơm bay vào khắp nhà, dìu dịu, rất dễ thương và trầm ấm. Người Bắc nói chung và người Hà Nội nói riêng thiên về ăn củ và quả.

Khác với người Bắc, người miền Trung thích ăn thân cây và lá cây, từ cây cải cho đến cây dền, rau lang, đọt bí, lá hành lá tỏi, lá gừng lá nghệ… Nhìn chung, nói tới bữa ăn của người miền Trung, thời khó khăn, dĩa rau luộc và chén mắm cáy chắc chắn phải có. Đến thời có chén cơm manh áo đầy đủ hơn, tiền bạc dư dả một chút thì dĩa rau, chén mắm trong bữa ăn trở thành thức ăn để nhớ, thức ăn của hồn cốt, của khí chất đất đai và lòng người… Nhìn chung, người miền Trung vẫn ăn củ, quả, nhưng món chính vẫn là thân và lá.

Khác, người miền Nam lại thích ăn hoa, ăn bông. Từ bông điên điển cho tới bèo dâu, bèo lục bình, bông bồn bồn, bông sen, bông súng, thậm chí bông bưởi, bông sầu riêng, bông hồng, bông huệ, bông chuối… Có thể nói người miền Nam ăn đến hơn 90% các loại bông của các loại cây. Không có bông nào là không thể ăn được. Mà không những ăn được, còn ăn ngon, ăn đẹp, ăn tình tứ, ăn điệu nghệ… Đương nhiên người miền Nam vẫn ăn củ, quả nhưng đây không phải là thức ăn xuất hiện thường xuyên trong bữa cơm gia đình người miền Nam.

Vô tình, từ thời khai canh mở đất, ông bà từ miền Bắc thiên di vào phương Nam. Mộ tổ tông của các tộc họ người Việt ở bậc cao nhất vẫn nằm trên đất Bắc. Không hiểu phong cách, thói quen ăn của ba miền có liên quan gì đến tâm thức hay qui ước nguồn cội nào đó chăng?! Bởi thói quen ăn của người Việt, tính từ Bắc vào Nam gồm gốc, đến thân, đến ngọn… Đương nhiên đây chỉ là nghi vấn, giả định cho vui lúc trà dư tửu hậu chứ không hẳn câu chuyện nghiêm túc.

Nhưng, xét về đời sống phiêu diêu, không ổn định và cả bất định, thì trong căn tính, thói quen của người miền Trung và miền Nam có gì đó tội nghiệp hơn so với miền Bắc. Bởi muốn đào củ phải có thời gian lâu, phải trồng cây hoặc chờ cây có củ, muốn ăn thân thì thời gian chờ cây xanh cũng có lâu nhưng chí ít cũng nhanh hơn đợi cho cây xanh, xong lại ra hoa, rồi mới có trái, có củ… Có lẽ, do quá trình thiên di, ông bà đã cảm được điều này nên tự tập cho mình thói quen ăn cây, cây vừa đủ xanh thì ăn, nhanh và dễ, không cầu kỳ như ở chốn quê vốn dĩ lâu đời…

Đến người miền Nam, không rõ có vì nguyên nhân khai canh mở đất, Nam tiến, cuộc sống quá khó khăn và đất đai sình lầy, ngập mặn nên rất khó để trồng bất kỳ loại củ nào, ông bà đã cố tình quên hẳn thói quen ăn củ và cả ăn cây bởi hai lý do: Nếu là cây trồng thì sẽ chật vật để trồng ra cái cây, đến thì nhổ ăn là mất gốc, còn đợi ra hoa thì có thể hái ăn dần dà… Và lý do thứ hai, do cuộc sống phiêu bồng và có chút gì đó vô định, không thấy ngày mai giữa vùng sình lầy và lạ lẫm, người ta không màng tới chuyện trồng trọt rau xanh như ở chốn cố hương mà cứ tìm những loại hoa để ăn. Trên đời này không có gì tạm bợ hơn cưỡi ngựa xem hoa, ra đồng hái hoa qua bữa… Dường như cái thói quen, cái văn hóa ăn bông của người miền Nam đầy sang chảnh và thanh lịch bây giờ lại hàm chứa căn cội ẩn chất thân phận lưu đày, lưu vong, biệt xứ của ông bà thuở mới khai hoang, mở cõi… Có thể, rất có thể như vậy!

Và, khi chúng ta đang trong thời kỳ mà mọi thứ trên mặt đất này đều lạ lẫm, hoang vu và có chút gì đó chết chóc đe dọa, con người luôn đối mặt với cõi rỗng không yên tĩnh mà đáng sợ… Thì, đâu đó, cái thói quen ăn hoa, ăn bông, của chút gì đó tạm bợ, chút gì đó ngậm ngùi lại quay về.

(Tom/ Viễn Đông)

Riêng món gỏi hoa, lá, có nhiều quanh vô số kể quanh vườn nhà, và cũng xin nhấn mạnh, đây không phải là món cứu đói mà là món tạo vị lạ, món giúp tăng cường kháng thể, vitamin cho cơ thể. Từ lá đinh lăng, lá gừng non, lá lộc vừng non, lá chuối non (đọt chuối) đến lá bầu đường, lá rau má, lá rau càng cua, lá diếp cá, lá rau dền, lá cải, lá hoa cúc, lá sen… Cộng với các loại hoa của lá này. Chỉ cần một ít thịt bò hay thịt heo, thịt dê… hoặc tôm, cua, thậm chí cá, phi dầu phụng hành tỏi ớt thật thơm, bỏ thịt, cá vào tao lên cho thơm, cho thêm chút muối vừa đủ mặn là có thể trộn gỏi chung với các loại lá vừa nói trên.

Muốn cho món ăn đậm đà thêm chút thì cần thêm chén nhỏ nước mắm đường, tỏi, chanh, ớt pha loãng, rưới lên món gỏi, trộn đều, nhẹ tay thì có thể ăn với bánh tráng, ăn với cơm… Dường như món này ngon khác lạ, trẻ em sẽ không ăn được. Nhưng với người lớn, món ăn không cay nhưng dễ chảy nước mắt. Cho dù lúc ăn vẫn vui vẻ như mọi khi, nhưng dường như trong sâu thẳm, mùi vị của hoa, lá có gì đó thẩm thấu đất trời và tình quê, thức gọi tình người… Làm cho món ăn có vị rất đặc biệt. Xin hãy thử, và cầu chúc mọi người luôn mạnh khỏe, bình an trong một bữa cơm thật ấm áp, ý nghĩa!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT