Đời Sống Việt

Biển học tiếng Việt mênh mông (kỳ hai)

Wednesday, 09/09/2015 - 07:53:27

Riêng tôi hằng ngày có câu tâm niệm:
"Một chẳng chấp, hai chẳng chấp, chất chứa trong lòng chi cho khổ,

Ghi lại theo bài hướng dẫn của GS Trần Chấn Trí (TS Ngôn Ngữ Học và Văn Chương, Giảng Viên Tiếng Việt & Ngôn Ngữ Học Tiếng Việt tại UCI )

Phượng Vũ

Bên cạnh đó một số chữ (giống như thời trang) được dùng lại sau một thời gian bị lãng quên: Bưu Điện ( tiếng Hán xưa) - Bưu Cục ( thời Pháp thuộc) - Bưu Điện ( nay dùng lại) hay một chữ khác: Tú Tài (VNCH) - Tốt nghiệp phổ thông ( sau 75) - Tú tài (hiện nay báo chí trong nước dùng lại chữ thi tú tài). Bên cạnh đó có một số chữ rất có ý nghĩa khi Cộng sản thay đổi chữ dùng:
- Nhà chức trách (VNCH) nghĩa là có chức năng và có trách nhiệm với dân.
- Cơ quan chức năng (XHCN) không hề có trách nhiệm với dân (dân bị bắt vô đồn CA chết khá nhiều) hay là vụ một dân biểu Quốc Hội phát biểu khi QH làm sai: “Chúng tôi đại diện cho nhân dân nên khi quốc hội làm sai thì nhân dân chịu trách nhiệm...”(?)
- Công An Nhân Dân, Tòa Án Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân..., nghĩa là cái gì cũng "nhân dân" hết, trừ kho bạc nhà nước hay đất đai nhà nước quản lý.
Sau 75 người Cộng sản muốn dùng chữ khác với VNCH nên đã cho ra đời nhiều tiếng Hán Việt mới. Ta thử làm bảng so sánh một số chữ, để thấy chữ nào gần với tiếng Việt hơn, và chữ nào mang âm hưởng Tàu nhiều hơn để dùng cho đúng, vì qua cách dùng chữ cũng thể hiện tinh thần yêu "tiếng nước tôi". Tôi nghĩ đây cũng là 1 cách “thoát Trung” mà trong nước đang hô hào. Có một điều là để tránh dùng chữ “trước 75” (sẽ bị nói là níu kéo quá khứ), ta sẽ dùng chữ “Tiếng Việt thuần túy” hay “Tiếng Việt chuẩn”.
Tiếng Việt chuẩn - Tiếng Hán Việt mới
- Giữ lại - Bảo lưu
- Trả lời - Đáp án
- Mục tiêu - Tiêu chí
- Đề nghị - Đề xuất
- Hành nghề - Tác nghiệp
- Suy nghĩ - Tư duy
- Lại gần - Tiếp cận
- Bán quảng cáo - khuyến mãi
- Bất ngờ - Đột xuất
- Không làm được - bất khả thi
- Phẩm chất - Chất lượng ( phẩm chất và số lượng?)
- Ghi tên - Đăng ký
Có lẽ chúng ta cùng đồng ý với nhau là tiếng Việt chuẩn gần với tiếng Việt và ít âm hưởng Trung quốc hơn, đặc biệt là với 2 chữ cuối, vì nó không đúng nghĩa và mang nặng âm hưởng Tàu. Tôi thắc mắc với từ “phản hồi” ( mang âm hưởng TQ nhiều quá, có lẽ lấy từ trong nước ra) mà các báo và các trang Web Việt Ngữ đang dùng, có một chị đề nghị thay bằng từ “góp ý” ( có lẽ là nói gọn của “góp thêm ý kiến”), thầy chịu quá, khen tấm tắc tiếng “góp ý” vừa đầy đủ ý nghĩa vừa mang tính VN nhẹ nhàng dễ thương hết sức. Vậy thì xin quý vị chủ bút lưu ý điểm này giùm để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở hải ngoại. Bên cạnh đó có một số chữ mới mà chính thầy cũng công nhận là: "quá đúng, rất hay và chính xác" như:
- Kinh nghiệm và trải qua ---------------------- trải nghiệm
- Hành động và thái độ-----------------------động thái.
Tôi bèn đề nghị nếu nó "quá đúng, rất hay và chính xác" thì mình nên chấp nhận? Thầy lắc đầu! Bên cạnh đó tôi cũng thấy một số chữ cũng khá chính xác như:
- Nơi xảy ra sự việc ----------------------- hiện trường
- Thăm viếng và ngắm cảnh-------------------tham quan
Theo tôi nghĩ mình ghét chủ nghĩa Cộng sản, chứ đâu ghét tiếng Việt, khi nó hay và đúng thì mình phải chấp nhận dùng nó thôi. Thầy bèn cười bảo “Cô này từ nãy tới giờ lo binh phe bên kia không nghen, cho tôi xin số phone, không thôi lát sau giờ học cho tôi gặp riêng để nói chuyện mới được”, làm tôi nghe mà giật mình, vì ở VN khi đi dạy hay đi học mà bị đòi “gặp riêng” là có vấn đề rồi. Nhưng đây là xứ Mỹ, nên mỗi người đều có quyền có ý kiến riêng, đâu phải là dưới chế độ độc tài Cộng Sản mà chỉ có ý đảng là trên hết dù đảng dắt “cả nước xuống hố” (CNXH), ai nói khác là sẽ bị vô tù... Chính vì thế mà tôi yêu quê hương tự do thứ hai của tôi.Và thầy cương quyết giữ vững lập trường: "không thích dùng chữ của người mình không ưa". Thậm chí tôi biết có người còn ghét dùng cả những "câu thơ hay" của các tác giả trong nước. Đúng là một kiểu "ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng". Riêng tôi hằng ngày có câu tâm niệm:
"Một chẳng chấp, hai chẳng chấp, chất chứa trong lòng chi cho khổ,
Trăm điều bỏ, ngàn điều bỏ, thong dong tấc dạ thế mà vui!"
Trở lại với việc dùng tiếng Việt, thầy cho biết đôi khi mình chấp nhận dùng sai để được xã hội chấp nhận mình. Ví dụ: Chúng cư ( đúng)---- Chung cư (sai); Hiệp chúng quốc (đúng)-----Hiệp chủng quốc ( sai), nhưng bây giờ cả xã hội ai cũng dùng chữ "chung cư" và "hiệp chủng quốc" nên mình cũng phải dùng theo để được chấp nhận.
Bên cạnh đó có nhiều từ bây giờ tôi mới nghe nói như "nhớ nhung" (nhớ ít) mà "nhung nhớ"(nhớ nhiều) không biết thầy nói đùa hay nói thiệt đây? Rồi câu "con kiến kiện củ khoai" (Kiện là khiêng, kiện hàng), nhưng người ta cứ hiểu sai là "thưa kiện". Có câu thầy cho người Việt dùng sai một cách “rất đúng” như câu:
“Châu tầm châu, mã tầm mã” (đúng) Châu là thuyền, tàu, người đi thuyền kiếm bạn bè đi chung cho vui, như 1 câu thơ nổi tiếng ở Quảng Nam:
"Chỗ nào vui bằng chỗ mô,
chỗ nào vui như chỗ Phố, chỗ Hàn.
Dưới sông tàu chạy, trên đàng ngựa đua".
Người Việt đọc chữ "châu" lại tưởng lầm là con trâu, bèn dịch ra "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" (ý xấu) nên sai một cách "rất đúng" vì trâu, ngựa là hai loài thú gần nhau. Người Việt có biệt tài dùng tiếng của nước khác, nhưng lại biến hóa nó thành của riêng mình mà có khi lại còn hay hơn! "Ấy mới hay, ấy mới tài". Như "Truyện Kiều" (Đoạn Trường Tân Thanh) của Nguyễn Du lấy ý từ tác phẩm "Kim Vân kiều" của Trung Quốc, nhưng tác giả đã tái tạo và biến hóa nó thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, tả tình tả cảnh đều điêu luyện để mô tả xã hội phong kiến Việt Nam ngày xưa. Ngày nay Truyện Kiều được khen ngợi và dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới và được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, trong khi “Kim Vân Kiều” chỉ là một truyện loại xoàng không được ai để ý tới.
Trên đây tôi vừa mời các bạn vào thăm một góc nhỏ của "Biển học tiếng Việt mênh mông ". Hy vọng các bạn sau khi đọc xong thêm lòng yêu mến tiếng Việt và cùng nhau góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, như lời chị bạn thường nhắc nhở tôi: "Ở hải ngoại , người Việt bây giờ chỉ còn có một cách để biểu hiện lòng yêu nước cụ thể hằng ngày: đó là cố gắng gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, đừng để nó bị tha hóa bởi tiếng nước ngoài, nhất là của Trung Quốc". Chẳng lẽ chúng ta lại đành lòng như nhà thơ Nguyễn Du đã từng nói:
"Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững, lại giầy cho tan!"?

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT