Bình Luận

Biển Đông gợn sóng

Monday, 01/02/2016 - 11:50:07

Ông Cui Tiankai, đại sứ Trung Cộng tại Hoa Kỳ, nói với phóng viên Christiane Amanpour của đài CNN, “cuộc khiêu khích chính trị và quân sự này là thái độ gây hấn rất quan trọng.”

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Bảy 30 tháng Giêng 2016, khu trục hạm Curtis Wilbur lững thững đi vào “hải phận” 12 hải lý của một trong 7 hòn đảo nhân tạo được dựng lên quanh quần đảo Trường Sa; chuyến hải hành đó tạo phản ứng “phẫn nộ” cho Trung Cộng.


Khu trục hạm Curtis Wilbur

Hạm trưởng Bill Urban nói, “Vùng biển này được ba quốc gia -Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam- công bố là hải phận của họ; nước nào cũng đòi phải xin phép họ, trước khi vào hải phận; nhưng tổng tư lệnh quân lực Hoa Kỳ Obama nói Hải Quân Hoa Kỳ vẫn cứ tiếp tục xê dịch trên bất cứ vùng biển nào luật biển cho phép tự do hàng hải. Biển Đông là một."
Curtis Wilbur chỉ là chiến hạm thứ nhì đi vào hải phận Trường Sa; trước đó 3 tháng -ngày 27 tháng Mười 2015, khu trục hạm Lassen cũng đã vào sát hòn đảo nhân tạo Subi Reef trong quần đảo Trường Sa.
Giới quan sát cho là lần này, lập trường của Hoa Kỳ không cứng rắn bằng lần trước, vì chiếc Curtis Wilbur vào hải phận Trường Sa như một chuyến hải hành không ác ý (innocent passage), với hệ thống radar tắt, sân trực thăng không hoạt động.

Ông Cui Tiankai, đại sứ Trung Cộng tại Hoa Kỳ, nói với phóng viên Christiane Amanpour của đài CNN, “cuộc khiêu khích chính trị và quân sự này là thái độ gây hấn rất quan trọng.”

Dã tâm làm chủ Biển Đông của Trung Cộng không chỉ rõ rệt thôi, mà còn to lớn và rất kiên trì nữa; họ đầu tư rất nhiều -cả công lẫn của- như việc nhẫn nại thổi vài triệu thước khối cát dưới lòng biển lên những bãi đá ngầm, nối những bãi đá đó thành một diện tích đủ lớn để xây một đường bay dài đến mức phóng pháo cơ cũng có thể đáp được.

Tuy nhiên, ngoài dụng ý chứng minh Biển Đông là trục giao thông tự do của toàn thể thế giới, chuyến hải hành của khu trục hạm Curtis Wilbur còn có một mục đích khác, gần hơn, và cũng thiết thực hơn: nhắc Trung Cộng Biển Đông vẫn còn là nhược điểm của họ, để họ nhượng bộ Hoa Kỳ trên một đòi hỏi khác -tiếp tay Hoa Kỳ trừng phạt Bắc Hàn và đòi quốc gia này ngưng việc xây dựng khả năng nguyên tử.
Ba ngày trước chuyến “hải hành không ác ý” của chiếc Custis Wilbur, ngoại trưởng John Kerry đến Bắc Kinh để yêu cầu Trung Cộng trừng phạt Bắc Hàn về tội thí nghiệm bom nguyên tử, và nói rõ với chủ tịch Tập Cận Bình ý định của Hoa Kỳ dứt khoát giải quyết đe dọa nguyên tử của Bắc Hàn.

Dù Hoa Kỳ đã thành công trong việc trừng phạt kinh tế Iran, buộc nước này phải ngưng bỏ công cuộc nghiên cứu làm bom nguyên tử, nhưng Hoa Kỳ lại không có lợi khí kinh tế, không có khả năng tạo túng thiếu cho Bắc Hàn, như họ đã tạo túng thiếu cho Iran, và cho cả Nga, để đòi hai quốc gia tuân thủ quan điểm của Hoa Kỳ.

Lý do khiến Hoa Kỳ không trừng phạt kinh tế Bắc Hàn được, là Bắc Hàn không giao thương, không nhập cảng, xuất cảng bất cứ món gì của các nước khác -trừ Trung Cộng. Sau khi gặp Tập Cận Bình, ngoại trưởng Kerry thảo luận với ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị (Wang Yi) về nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, trừng phạt Bắc Triều Tiên mạnh hơn, sau vụ thử bom nguyên tử lần thứ tư, bị coi là “một đe dọa đối với toàn thế giới.”


John Kerry đến Bắc Kinh yêu cầu Trung Cộng trừng phạt Bắc Hàn

Sau cuộc thảo luận kéo dài suốt 4 tiếng đồng hồ ngày 27 tháng Giêng 2016 với Vương Nghị, Kerry tuyên bố lập trường đôi bên còn nhiều khác biệt.

Trong một cuộc họp báo ông giải thích là phải có nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề hơn mới có thể tạo áp lực, bắt Bắc Hàn trở lại bàn hội nghị 6 quốc gia tiếp tục thảo luận về đề tài “một nước Triều Tiên không có vũ khí nguyên tử.”

Bắc Kinh không muốn gia tăng trừng phạt; Vương Nghị nói trừng phạt chỉ tạo căng thẳng, gây tình trạng bất ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Lập trường của Hoa Kỳ là Trung Cộng phải sử dụng tình trạng giao thương với Bắc Hàn như áp lực đòi Bắc Hàn thay đổi lập trường về việc chế tạo bom nguyên tử.
Kerry nói ngày Bắc Hàn tiến bộ thêm chút nữa, để có thể chế tạo một đầu đạn nguyên tử đủ nhỏ, đủ nhẹ để đặt lên mũi hỏa tiễn, bắn vào lãnh thổ Hoa Kỳ chỉ còn cách xa vài năm nữa; và Hoa Kỳ không dung dưỡng hậu họa đó.

Sau giải pháp làm khó Trung Cộng trên Biển Đông, Hoa Kỳ đang toan tính một giải pháp khác là bố trí nhiều giàn hỏa tiễn THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) tại những quốc gia Á Châu đồng minh với Hoa Kỳ -như Nam Hàn, Nhật, Đài Loan, Phi Luật Tân; THAAD là loại hỏa tiễn diệt hỏa tiễn, mức kiến hiệu gần 100% đã được chứng minh trong cuộc chiến giữa Do Thái và quân Hamas chiếm giữ giải bờ biển Gaza. Thống kê ghi nhận trong 4,564 phi đạn -gồm hỏa tiễn và đạn súng cối- chỉ có 224 quả bắn được vào khu cư trú của người Do Thái.


Hỏa tiễn THAAD

Từ một năm nay, Bắc Kinh chống việc Hoa Kỳ bố trí hỏa tiễn THAAD tại các quốc gia Á Châu; phụ tá ngoại trưởng Trung Cộng Liu Jianchao phát biểu, “Trung Quốc và Nam Hàn đã thẳng thắn thảo luận về việc bố trí THAAD trên lãnh thổ Nam Hàn, và Trung Quốc hy vọng Hán Thành ghi nhận quan tâm của Trung Quốc đối với nguy cơ đó.”

Hình thức áp lực thứ ba Hoa Kỳ có thể sử dụng để đòi Trung Cộng ép Bắc Hàn ngưng sản xuất bom nguyên tử là kinh tế; hiện Trung Cộng xuất cảng mỗi năm 856 tỉ mỹ kim sản phẩm qua Hoa Kỳ, Tây Âu, và Nhật; nếu nguồn lợi khổng lồ đó bị nghẽn trong thời gian ngắn -một vài tháng- Trung Cộng có thể tái xét thái độ.

Trở lại với Biển Đông để thấy mặt biển chưa nổi sóng, mà mới chỉ gợn sóng, vì Biển Đông không trực tiếp liên hệ đến vấn đề bom nguyên tử của Bắc Hàn; THAAD và kinh tế tạo áp lực trực tiếp hơn, và cũng mạnh hơn đối với Trung Cộng.

Tuy nhiên, nếu Mỹ nghiêm chỉnh trong nhận xét về nguy cơ nguyên tử Bắc Hàn, thì chắc chắn nguy cơ đó sẽ phải được giải quyết, như Mỹ đã giải quyết những khó khăn quân sự và chính trị với Nga và Iran bằng cách phong toả kinh tế.

Dù sao Mỹ vẫn còn là siêu cường trên cả 2 bình diện quân sự và kinh tế, để có khả năng ép Bắc Hàn đông lạnh mọi chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử mà không cần đến chiến tranh.



Nguyễn đạt Thịnh
Kính thưa quý vị độc giả,
Nếu quý vị đánh giá bài báo này là “đọc được”, tác giả trân trọng mời quý vị đọc thêm 73 bài nữa được tuyển chọn và in trên 540 trang giấy vàng lợt, khổ 6x9, trình bày trang nhã, đầy đủ hình ảnh, sách đóng chỉ, bìa cứng, giá $30.
Mua sách xin quý vị gửi chi phiếu về địa chỉ: Nguyễn Đạt Thịnh, 515 Crestwater Ct.
Houston, TX 77082.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT