Thế Giới

Biển Đông: Chiến hạm Mỹ áp sát bãi đá Chữ Thập

Wednesday, 28/08/2019 - 07:55:15

Khu trục hạm Wayne E. Meyer của Hải Quân Hoa Kỳ đã tiến vào vùng 12 hải lý của đá Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hôm thứ Tư.


Khu trục hạm Wayne E. Meyer (Flickr/US Navy)


Khu trục hạm Wayne E. Meyer của Hải Quân Hoa Kỳ đã tiến vào vùng 12 hải lý của đá Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hôm thứ Tư.
Phát ngôn viên Reann Mommsen của Hạm Đội Bảy cho biết khu trục hạm (destroyer) được trang bị hỏa tiễn dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke đã hoạt động trong phạm vi 12 hải lý của hai đảo đá Chữ Thập và Vành Khăn, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Cộng, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận vùng biển này dành cho mọi quốc gia theo luật quốc tế.
Trong khi đó tại Việt Nam, chủ tịch Hội Luật Quốc Tế VN (VSIL), Tiến Sĩ Nguyễn Bá Sơn đã gửi thư đến Giáo Sư Hoàng Tiến-Chủ Tịch Hội Luật Quốc Tế Trung Cộng (CSIL) khẳng định sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam của tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8.

Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 28 tháng 8, đồng thời đăng tải bức thư của hội luật Việt Nam gửi đến hội luật Trung Cộng.
Theo nội dung thư, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Sơn bày tỏ sự lo ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây do phía Trung Cộng gây ra trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông. Trong đó có hoạt động của tàu Hải Dương 8 (HD8) và các tàu thuyền của Trung Cộng ở khu vực nói trên vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặt biệt là Công Ước của Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Ông Sơn đưa ra ba lập luận khẳng định khu vực tàu HD8 đang hoạt động nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định trên cơ sở Điều 57 và Điều 76 của UNCLOS. Đây hoàn toàn không phải là khu vực chồng lấn hoặc có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng.
Bên cạnh đó, ông cho rằng với những viện dẫn của một số chuyên gia luật quốc tế Trung Cộng để cho rằng khu vực tàu HD8 và các tàu khác của Trung Cộng đang hoạt động là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Cộng là hoàn toàn phi lý. Không có bất cứ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế và UNCLOS cho “đường chín đoạn”.

Cuối cùng ông cho rằng Việt Nam và Trung Cộng đều là các quốc gia thành viên của UNCLOS, tự nguyện chấp nhận sự ràng buộc của Công Ước, nên mọi cách giải thích, áp dụng trái với quy định của Công Ước đều không có giá trị. Điều này cũng đã được Tòa Trọng Tài trong vụ kiện Biển Đông giữa Phi Luật Tân và Trung Cộng xác nhận.
Cũng liên quan đến Biển Đông, một hiệp hội của Trung Cộng đã gửi lời xin lỗi vụ tàu cá của nước này đâm chìm tàu cá Phi Luật Tân ở khu vực bãi Cỏ Rong rồi chạy đi và bỏ mặc thủy thủ đoàn giữa biển.
Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân cho biết một lá thư gửi đến chính phủ Manila để nói về vụ tàu cá Trung Cộng và Phi Luật Tân va chạm trên Biển Đông tại khu vực bãi Cỏ Rong, trong thư viết rõ đây là “tai nạn.”
Ngoài ra, trong thư cũng cho biết kết quả điều tra xác minh tàu cá Trung Cộng là một tàu thuộc tỉnh Quảng Đông, và người gửi thư thông báo rằng hiệp hội nước này đã có báo cáo điều tra tai nạn. Đồng thời, bày tỏ sự hối tiếc về vụ tai nạn và muốn chia sẻ cảm thông với các ngư dân Phi Luật Tân.
Phía Phi Luật Tân đã nhận được đề nghị chính thức yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên thực tế. Văn phòng tổng thống Phi Luật Tân trong cùng ngày thứ Tư, 28 tháng 8, cũng đã xác nhận thông tin về lời xin lỗi từ hiệp hội Trung Cộng.

Vụ việc đâm chìm tàu cá Phi Luật Tân xảy ra vào ngày 9/6/2019. Tàu cá Trung Cộng đã đâm vào tàu cá Phi Luật Tân tại khu vực bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa, gần tỉnh Palawan của Phi Luật Tân, sau đó tàu Trung Cộng đã bỏ mặc toàn bộ ngư dân Phi Luật Tân trên biển và được tàu cá Việt Nam giải cứu bàn giao lại cho hải quân Phi Luật Tân.
Hiện Tổng Thống Rodrigo Duterte đang có chuyến thăm Trung Cộng lần thứ 5.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT