Đạo và Đời

Biến đổi để được sống

Wednesday, 28/02/2018 - 08:04:43

Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là người. Có nghĩa là Ngài có hai bản tính và cách thông thường chúng ta gọi Ngài là “Thiên Chúa làm người.” Từ địa vị Thiên Chúa, Ngài đã chấp nhận trở nên một con người phàm hèn. Như thế Ngài đã biến hình để trở nên nhỏ bé giống chúng ta.

Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật II Mùa Chay năm nay tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu tỏ vinh quang của Ngài qua việc biến hình trên núi cao. Kinh Thánh đã không nói Ngài biến hình trên núi nào. Nhưng theo sự chú giải được lưu truyền từ xưa đến này trong Giáo Hội thì đó là núi Tabor.


Tranh vẽ kể lại câu chuyện ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan nhìn thấy Chúa Giêsu biến hình trên Núi Tabor cùng Môsê và tiên tri Êlia, tại Nhà Thờ Núi Tabor. (Crossroads Initiative)

Câu chuyện này đã được tường thuật bởi ba tác giả Tin Mừng là Matthêô, Marcô và Luca. Ba vị tông đồ có diễm phúc được nhìn thấy Chúa biến hình trên núi ngày hôm đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Họ đã nhìn thấy dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời và áo Ngài trở nên trắng như tuyết.

Rồi các ông lại còn thấy Môsê và tiên tri Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài. Theo những tường thuật của Kinh Thánh thì trong mọi biến cố, Phêrô vẫn luôn luôn là người nhanh phản ứng. Trước cảnh thần linh tuyệt vời đó, ông đã thưa với Chúa rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, chúng tôi xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia.” Đang khi ông còn đang nói thì có đám mây bao phủ các Ngài và từ trong đám mây có tiếng phán ra: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người.”

Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là người. Có nghĩa là Ngài có hai bản tính và cách thông thường chúng ta gọi Ngài là “Thiên Chúa làm người.” Từ địa vị Thiên Chúa, Ngài đã chấp nhận trở nên một con người phàm hèn. Như thế Ngài đã biến hình để trở nên nhỏ bé giống chúng ta.

Trong câu chuyện biến hình của Chúa Nhật tuần này, ba vị tông đồ đã thấy một phần nào vinh quang của Thiên Chúa bị che dấu trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa cao sang, nhưng hoàn toàn trút bỏ mọi vinh quang của Thiên Chúa để đến với con người, chỉ vì muốn đem con người về với Thiên Chúa. Thiên Chúa vì quá yêu thương con người cho nên đã phải chấp nhận biến đổi để trở thành phàm nhân. Cái giá phải trả cho mối tình này đó là sự tự hạ và trút bỏ để làm của lễ ban ơn cứu độ cho loài người.

Thánh Phao lô đã viết: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8).

Trong cuộc đời của chúng ta, một lúc nào đó, chúng ta sẽ ý thức hơn về ơn gọi làm Kitô hữu. Chúng ta có vội nắm ngay cơ hội đó để biết làm cuộc đời của mình nên giống Chúa Kitô? Nên giống Chúa Kitô có nghĩa là chúng ta phải biến đổi. Được biến đổi là một ân huệ lớn lao: Từ cuộc sống tội lỗi bước vào đời sống của ơn thánh, từ những người ngồi trong bóng tối, được nhìn thấy ánh sáng huy hoàng của ơn cứu độ, từ sự hư mất giờ đây được chuộc lại, từ sự chết bước vào sự sống đời đời.

Mỗi một năm vào Mùa Chay, chúng ta lại được nghe bài tường thuật Chúa Giêsu biến hình trên núi. Nhưng việc biến hình trên núi của Chúa Giêsu sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không biết biến hình, nghĩa là không biết biến đổi, không bước ra khỏi cuộc sống tội lỗi để được sống trong ơn sủng của Thiên Chúa. Hãy cố gắng thêm một lần nữa. Hãy cố gắng trèo lên núi cao với Chúa và được ở mãi bên Ngài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT