Hôn Nhân, Cuộc Sống

Bị tước quyền thăm cháu khi con cái ly hôn

Sunday, 11/06/2017 - 07:22:50

Nếu mối liên hệ giữa bạn và bố mẹ lũ nhỏ căng thẳng, dịch vụ cố vấn gia đình cho ông bà và con cái có thể giúp bạn có được nguồn gốc của cuộc xung đột mà không liên quan đến các cháu.

Bài ĐOAN TRANG

Hầu hết người lớn tuổi hy vọng dành những năm tháng còn lại của mình cho con cháu. Tuy nhiên, đối với một số người, đây lại là thời gian đau khổ khi họ phải chứng kiến cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thậm chí tan vỡ của con cái. Thậm tệ hơn, họ, những ông bà nội, ông bà ngoại bị cấm không được gặp cháu mình, khi cha mẹ chúng ly hôn.


Cháu đeo theo bà ra làm vườn. (Getty Images)

Bị cấm thăm cháu nội

Đó là câu chuyện của ông bà Judith và J.H. Fleming ở Perkins, Oklahoma. Khi con trai họ và vợ ly hôn, Flemings cố gắng tìm mọi cách để lấp đầy tình thương mà đứa cháu phải gánh chịu khi “mẹ một đường, cha một nẻo.” Judith đã nuôi nấng đứa cháu nội gái sáu ngày một tuần, thậm chí họ còn giúp đỡ cô con dâu về mặt tài chính. Nhưng khi quyết định lập gia đình mới, cô con dâu đột nhiên cắt đứt, không cho Flemings nuôi hoặc đến thăm cháu gái.

Bà Judith Fleming nói, “Tôi thật sự đau khổ, nỗi đau không thể diễn tả nổi, chồng tôi cũng rất đau lòng. Chúng tôi bị cấm không được nuôi cháu trong vòng sáu tháng."

Con trai của Fleming có quyền thăm con như là một phần trong thỏa thuận ly hôn, nhưng anh ta lại chuyển đi sống ở một tiểu bang khác nên không thể giúp đưa cháu về thăm ông bà nội được.
Fleming nói rằng cháu nội là một phần quan trọng nhất của bà và chồng bà, vì đứa cháu ấy đã lớn lên trong vòng tay chăm sóc và nuôi dưỡng của hai người, khi bố mẹ bé ly hôn. Thật vậy, một số nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tình cảm giữa ông bà và cháu quan trong thứ hai, sau mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Một nghiên cứu của Đại học London cho biết gần một nửa những người là ông bà được khảo sát cho biết mối liên hệ với cháu (nội hoặc ngoại) gần gũi hơn bất cứ ai khác, kể cả người bạn đời của mình (vợ hay chồng). Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng 66% những người mất liên lạc với cháu của mình sau khi cha mẹ chúng ly hôn hoặc ly thân đã trải qua thời gian đau buồn kéo dài hai, ba năm, và bị ảnh hưởng sức khỏe về tinh thần lẫn thể chất.

Ông Arthur Kornhaber, chủ tịch và là người sáng lập Quỹ Dành Cho Ông Bà, nói, “Ông bà cho cháu những điều mà chúng không thể học được ở nơi nào khác. Mối quan hệ ông bà cháu không chỉ là sợi dây liên kết trong mỗi gia đình, mà còn có ý nghĩa quan trọng với những người ở độ tuổi xế chiều trong xã hội."

Đưa nhau ra tòa

Không còn cách nào khác, ông bà Flemings đã nhờ tòa phán xử, quyết đòi lại quyền của mình, tức là được gặp cháu nội. Cuối cùng, nhà Flemings đã thắng. Họ được tòa xử cho phép được gặp cháu nội mỗi tháng một lần, vào ngày cuối tuần của tuần cuối cùng trong tháng.

Trên thực tế, không phải vụ kiện nào tương tự như của Flemings cũng được tòa xử như thế. Mặc dù tất cả 50 tiểu bang trên toàn Hoa Kỳ đều đưa ra luật cho phép ông bà có quyền thăm cháu, nhưng luật pháp đã bị thách thức ở một số tiểu bang vi hiến.

Trong khi đó, Richard Kent, luật sư gia đình tại Fairfield, Connecticut nói trên website Grandparents.com, “Những bậc làm ông bà thật ra chẳng có quyền gì cả. Nếu đứa trẻ chết, ông bà còn có thể bị cấm, không được thăm viếng cháu của mình, trừ khi họ sống với cháu từ nhỏ, hoặc đã dành nhiều thời gian để chăm sóc chúng. Theo luật của Connecticut, ông bà bị đối xử như những người lạ mặt với cháu ruột của mình.”
Một phần của vấn đề bắt nguồn từ một vụ kiện tại Tối Cao Pháp Viện vào năm 2000. Trường hợp này khá phức tạp: bà Jenifer và ông Gary Troxel đã thỉnh cầu được gặp cháu của họ sau khi con trai, Brad, tự sát. Brad không cưới Tommie Granville, dù cô ấy sanh cho Brad hai cô con gái - Natalie và Isabelle. Khi họ ly thân, Brad về sống ở nhà cha mẹ mình, nơi mà Natalie và Isabelle thường xuyên đến thăm ông bà nội. Sau cái chết của cha, các cô gái tiếp tục đi thăm ông bà của mình, nhưng mẹ của chúng bắt đầu hạn chế cho chúng đi thăm ông bà.

Bà Jenifer Troxel, ngụ tại Anacortes, Washington, nói, “Đó là một cú đánh khủng khiếp đối với chúng tôi. Trong khi chúng tôi vẫn chưa hết đau buồn về cái chết của con trai mình, việc mẹ chúng nó ngăn cản không cho chúng đến thăm càng làm cho chúng tôi bị tổn thương hơn." Ông bà đã ra tòa theo luật của tiểu bang Washington.

Tòa án tối cao đã đứng về phía Troxels, và xử cho họ quyền thăm viếng một lần cuối tuần mỗi tháng, một tuần vào mùa hè và bốn giờ vào mỗi ngày sinh nhật của các cô gái. Nhưng khi Granville kháng nghị quyết định - cùng lúc cô kết hôn với Kelly Wynn, người chính thức nhận nuôi con của cô, tòa phúc thẩm xóa bỏ quyết định trước đó về quyền thăm viếng của Troxels.

Không từ bỏ, Troxels đã đưa vấn đề lên Tòa Thượng Thẩm Washington. Khi vụ kiện được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ xét xử, các thẩm phán hàng đầu của quốc gia đồng ý rằng luật của tiểu bang Washington quá cứng nhắc. Tuy vậy, trong vụ kiện này, phán quyết của tòa không rõ ràng. Các thẩm phán đưa ra sáu ý kiến khác nhau.

Tìm kiếm lựa chọn thay thế tòa án

Các chuyên gia nghiên cứu các quyền của ông bà cho rằng kiện ra tòa là phương sách cuối cùng trong các tranh chấp thăm viếng. Tiến sĩ Kornhaber, người đồng tác giả một số cuốn sách về chủ đề về ông bà, cho biết, “Tôi khuyên bạn nên ra tòa chỉ khi nào bạn gặp phải bức tường gạch, có nghĩa là bị cấm cản hoàn toàn từ bố/mẹ của những đứa trẻ.”

Trong trường hợp của Troxel, Kornhaber nhận xét rằng mẹ của Isabelle và Natalie đã không phản đối việc thăm viếng. Kornhaber nhấn mạnh, “Cô ấy chỉ không đồng ý để cho Troxels thường xuyên thăm nom bọn trẻ. Vì vậy, trường hợp này hoàn toàn khác so với các vụ căng thẳng hơn là cha mẹ những đứa trẻ cấm không cho cha mẹ của họ đến thăm cháu.”

Để giúp bạn tránh gặp trường hợp “bị cửa đóng sập” về mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà và cháu, và cung cấp tốt hơn cho nhu cầu của trẻ em, các chuyên gia đưa ra những lời khuyên sau:

“Hãy kiên nhẫn giữ thông tin liên lạc cởi mở, và cố gắng để hiểu con cái của bạn và hiểu luật pháp quy định như thế nào. Trong luật pháp, Kornhaber nói, “Nếu bố mẹ những đứa trẻ tức giận, rất có thể cơn giận sau đó giảm dần và họ sẽ tìm bạn, khi họ nhận ra rằng tốt nhất cho đứa trẻ khi chúng được gặp ông bà trong cuộc sống.”

Nếu mối liên hệ giữa bạn và bố mẹ lũ nhỏ căng thẳng, dịch vụ cố vấn gia đình cho ông bà và con cái có thể giúp bạn có được nguồn gốc của cuộc xung đột mà không liên quan đến các cháu.

Trong những khoảng thời gian bạn không được gặp các cháu của bạn, cố gắng giữ liên lạc với chúng thông qua một số phương tiện khác. Các chuyên gia về quyền của ông bà khuyên bạn nên gọi nói chuyện với cháu mình qua điện thoại, hoặc viết thiệp và thư cho chúng biết là bạn yêu chúng. Nếu các em đủ tuổi để hiểu, hãy giải thích rằng bạn rất muốn được gặp chúng, nhưng hiện tại điều đó không thể thực hiện được vì một số vấn đề. Đừng đi vào chi tiết cụ thể, và đừng đổ lỗi cho cha mẹ của chúng.
Nếu kết quả không đạt được như mong muốn, khi đó bạn vẫn có thể đưa vụ việc ra tòa. Nhưng trước khi ra tòa, hãy thử dùng các dịch vụ hòa giải. Ở đây bạn sẽ được nghe những điều nhẹ nhàng, hợp lý, được gặp những người có thái độ thân thiện hơn so với người của tòa án.

Nếu điều tệ nhất xảy ra, có nghĩa là bạn bị thua, bạn phải đợi cho đến khi cháu của bạn đủ tuổi để tự đi tìm kiếm bạn. Tiến sĩ Kornhaber nói, “Suốt 30 năm nghiên cứu về đề tài này, tôi gặp rất nhiều người cho biết họ đã không được gặp ông bà của mình từ khi tòa quyết định cha mẹ họ đường ai nấy đi. Nhiều người trong số đó nói họ biết ông bà rất yêu thương mình, và vì thế họ đã tìm gặp ngay ông bà của mình khi đủ tuổi."

(Tổng hợp từ Healthday.com, The Foundation for Grandparenting, Grandparents United for Children”s Rights Inc.)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT