Hoa Kỳ

Bị Trump giận, Bộ Trưởng Sessions từng đề nghị từ chức

Wednesday, 07/06/2017 - 09:45:18

Việc ông Sessions đề nghị từ chức được loan tin trước tiên bởi đài ABC News. Nữ phát ngôn viên Sarah Isgur Flores của Bộ Tư Pháp, người có mặt cùng với ông Sessions ở Atlanta vào hôm thứ Ba, đã từ chối đưa ra ý kiến về đề nghị từ chức của ông Sessions.


Tổng Thống Donald Trump và Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions tại Tòa Bạch Ốc vào cuối tháng Ba. (Getty Images)

 

HOA THỊNH ĐỐN – Trong mấy tháng gần đây, Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions đã không còn “mặn nồng” với Tổng Thống Donald Trump như trước, dù ông từng là nghị sĩ đầu tiên công khai ủng hộ cuộc vận động tranh cử của Trump khi chưa có nhiều người tin là ông có thể làm tổng thống. Những nguồn tin từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn cho thấy sự rạn nứt đã không nhỏ khi mà ông Sessions phải đề nghị từ chức nếu Trump không muốn ông làm việc trong chính phủ nữa.

Theo hai nhân vật thân cận với Tòa Bạch Ốc cho biết, lời đề nghị từ chức diễn ra sau khi mối liên hệ giữa Bộ Trưởng Sessions với Tổng Thống Trump đã trở nên căng thẳng hơn,

Sự lạnh lùng bắt đầu trong tháng Ba, khi ông Sessions tuyên bố đứng bên ngoài cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016. Ông Sessions đã loan báo việc ông rút khỏi cuộc điều tra ngay sau khi ông trở thành bộ trưởng tư pháp, và cách một ngày sau khi báo Washington Post tiết lộ rằng chính ông Sessions cũng đã gặp đại sứ Nga Sergey Kislyak hai lần trong cuộc vận động tranh cử, và ông không khai báo sự việc ấy cho Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, trong cuộc điều trần để cho ông được chuẩn nhận trong tháng Giêng.

Ông Trump đã biết được quyết định rút khỏi cuộc điều tra của bộ trưởng tư pháp, chỉ một thời gian ngắn trước khi ông Sessions nói trong một cuộc họp báo. Từ đó cơn giận của tổng thống kéo dài cả mấy tháng, theo những người thân cận với Tòa Bạch Ốc cho biết.

Ông Trump cũng cảm thấy thất vọng vì vấn đề lệnh cấm du hành của ông bị đình trệ trong các tòa án liên bang, mà ông cho là đáng lý Bộ Trưởng Sessions phải đẩy mạnh hơn.

Người ta không biết rõ ông Sessions đã đề nghị từ chức khi nào, chỉ biết là ông Trump không chấp nhận lời đề nghị được đưa ra trong thời điểm rất ngắn. Trong mấy tuần trước và sau đó, ông Trump cảm thấy bực mình với ông Sessions trong những lần gặp gỡ riêng tư đầy căng thẳng, theo hai người thân cận với Tòa Bạch Ốc cho hay. Hai người này xin được giấu tên để nói thẳng thắn về chuyện ấy. Ông Trump nói rõ rằng mặc dù ông không thích việc ông Sessions quyết định rút khỏi cuộc điều tra, nhưng ông vẫn có niềm tin vào bộ trưởng tư pháp của ông.

Việc ông Sessions đề nghị từ chức được loan tin trước tiên bởi đài ABC News. Nữ phát ngôn viên Sarah Isgur Flores của Bộ Tư Pháp, người có mặt cùng với ông Sessions ở Atlanta vào hôm thứ Ba, đã từ chối đưa ra ý kiến về đề nghị từ chức của ông Sessions.

Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng vẫn kéo dài. Mới ngày thứ Hai đầu tuần này, ông Trump chế giễu lệnh cấm du hành được sửa đổi, và chỉ trích cách thức Bộ Tư Pháp xử trí sắc lệnh gây tranh cãi này. Trong những lời viết trên Twitter, ông Trump gọi lệnh cấm mới ấy là “đúng về mặt chính trị,” và nói rằng Bộ Tư Pháp nên tìm một “phiên bản nghiêm ngặt hơn nhiều.”

Trước khi ông Sessions rút khỏi cuộc điều tra về việc Nga can thiệp, ông và Tổng Thống Trump có mối gắn bó chặt chẽ. Ông Sessions là nghị sĩ đầu tiên ủng hộ ông Trump ngay từ giai đoạn đầu của cuộc vận động tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, khi có ít nhà lập pháp thuộc đảng Cộng Hòa ủng hộ ứng cử viên này.
Hai ông Trump and Sessions chia sẻ những quan điểm tương tự về những vấn đề chính yếu tại Hoa Kỳ, trong số đó có tội phạm và di dân. Tại thượng viện, ông Sessions tranh đấu cho một lập trường cứng rắn về vấn đề giới hạn di dân, và tiếp tục lên tiếng về việc bắt giữ và truy tố những di dân sống bất hợp pháp, khi ông đi khắp nước Mỹ.

Ông Trump đã nói về tội phạm gia tăng trong bài diễn văn nhậm chức, và thề sẽ làm chấm dứt “cuộc tàn sát dân Mỹ.” Ông Sessions đã biến một cuộc truy dẹp nghiêm khắc chống lại tội phạm thành mục ưu tiên hàng đầu của ông, đảo ngược chính sách bao dung hơn của chính phủ Obama, và ra chỉ thị cho các công tố viên liên bang của ông theo đuổi những hình phạt nặng nhất, trong số đó có những bản án tối thiểu bắt buộc, trong một bước hướng tới việc trở lại với cuộc chiến chống ma túy trong hai thập niên 1980 và 1990.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT