Đạo và Đời

Bí tích rửa tội

Wednesday, 16/01/2019 - 08:45:51

“Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa” (Lc 3, 16). Như thế, Gioan chỉ làm phép rửa sám hối giúp con người biết mở lòng ra cho thời cứu độ đang tới.

Bài LM Trần Văn Kiểm

Một trong những tác vụ quan trọng mà thánh Gioan Tẩy Giả đã làm khi thi hành sứ mạng dọn đường cho Chúa đến, đó là thực hiện phép rửa thống hối. Đây là phép rửa Gioan đã làm tại sông Giođan cho tất cả những ai thành tâm đến nghe lời của ông, và muốn được đón nhận hồng ân Thiên Chúa bằng cách quay trở về với Ngài. Phép rửa của Gioan không tẩy xóa tội lỗi, nhưng đó là cách để giúp cho người ta biết ăn năn sám hối, cải thiện đời sống của mình, và mở cửa lòng ra để đón nhận Đấng Cứu Thế là Đấng sẽ thực sự tẩy xóa tội lỗi và ban ơn cứu độ, là Chúa Giêsu Kitô.

Theo tiếng Hán Việt, “Tẩy Giả” có nghĩa là “người làm phép rửa.” Cho nên Gioan Tẩy Giả có nghĩa là Gioan làm phép rửa. Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã xác nhận rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa” (Lc 3, 16). Như thế, Gioan chỉ làm phép rửa sám hối giúp con người biết mở lòng ra cho thời cứu độ đang tới.

Tại sao Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng vô tội và là “Đấng xóa tội trần gian” như thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng, lại đến với Gioan để chịu phép rửa sám hối? Thật sự Ngài chẳng cần phải lãnh nhận phép rửa này. Nhưng để khai mạc thời đại của ơn cứu độ, Ngài đã chọn cách thức này để cho chúng ta biết rằng Ngài gần gũi chúng ta, xuống tận bùn nhơ để cứu vớt những con người từ bùn nhơ tội lỗi. Không ai là không có tội, tội tổ tông và tội riêng của mỗi người!

Lạ lùng thay, phép rửa sám hối của Gioan khi được Chúa Giêsu lãnh nhận đã trở thành phép rửa mạc khải một sự vĩ đại chưa từng xảy ra giữa trời và đất như đã được các sách Tin Mừng ghi lại: “Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán: Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3, 21-22). Trời đã mở ra, Ba Ngôi Thiên Chúa đã cùng khai mạc thời đại ơn cứu độ.

Một cụ già được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong tuổi đã xế chiều. Một hôm có người trong giáo xứ hỏi cụ bao nhiêu tuổi, cụ trả lời là mới được hai tuổi. Người kia ngạc nhiên thì được cụ giải thích rằng cụ được hai tuổi bởi vì cụ mới được rửa tội cách đây hai năm. Đúng thế! Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội chính là ngày chúng ta được sinh ra để tiếp nhận sự sống mới trong Chúa Giêsu Kitô và trở thành con cái của Thiên Chúa.

Sách Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: Bí Tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và là cửa mở ra để lãnh nhận mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Chúa Giêsu Kitô, được gia nhập và tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).

Bí Tích Rửa tội chính là cuốn sổ thông hành để chúng ta bước vào cửa thiên đàng. Những người đã rửa tội đang giữ cuốn sổ thông hành đó. Nhưng chúng ta đừng bao giờ dại dột đốt cuốn sổ thông hành này hoặc làm mất nó, bằng đời sống chối bỏ đức tin, hoặc đời sống khô khan nguội lạnh và tội lỗi. Nếu mất nó thì phải cố gắng tìm lại!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT