Mẹo Vặt

Bí quyết tìm đồ nhựa an toàn

Tuesday, 03/01/2017 - 08:31:33

Là vì, tuy gọi chung là plastic, nhưng có thứ nọ thứ kia, và bởi vì plastic là một chất liệu không thể thiếu trong đời sống, các thầy cô trong kỹ nghệ hóa chất đã giúp chúng ta phân loại những gì là lành, ít độc, và những gì phải tuyệt đối tránh.

Bài VŨ HẰNG

Lần trước chúng ta đã nói rằng đồ nhựa - nhựa dẻo cũng như nhựa cứng, gọi chung là Plastic - có chứa hóa chất độc hại. Nhưng chúng ta vẫn phải dùng, không ai có thể hoàn toàn tẩy chay được, bởi vì nó có mặt ở mọi nơi: Người ta dùng nó để gói bánh mì, để đựng bơ đậu phụng, để chứa đồ khô, chế đồ chơi con nít, chế bình sữa…. Bạn thử đi một vòng quanh chợ với quyết tâm không mua bất cứ một mặt hàng nào có plastic xem. Thất bại, không thể được, đúng không? Thế nhưng, tẩy chay theo kiểu vơ đũa cả nắm như vậy cũng không được. Là vì, tuy gọi chung là plastic, nhưng có thứ nọ thứ kia, và bởi vì plastic là một chất liệu không thể thiếu trong đời sống, các thầy cô trong kỹ nghệ hóa chất đã giúp chúng ta phân loại những gì là lành, ít độc, và những gì phải tuyệt đối tránh.

Đồ nhựa ở mọi nơi, không thể thiếu nó. Bảo rằng nguy hiểm phải tránh thì làm sao tránh hết được?

Phân loại plastic

Phân loại plastic là một việc làm rất cầu kỳ và phức tạp. May thay, công việc khó khăn này đã có người làm hộ. Về phần mình chúng ta chỉ cần mở to đôi mắt để ghi nhận những kết quả đó. Nhưng lạ thay, cái công việc dễ dàng và rất quan trọng ấy, đa số chúng ta cũng chẳng làm. Có thể vì không biết đến công khó của các thầy cô. Hoặc, vì không biết làm sao để nhận ra những kết quả ấy. Thực ra, câu trả lời là vô cùng dễ dàng, chúng ta chỉ cần lưu ý: Lật đáy lên là mọi bí mật sẽ bật mí, trong một tích tắc, bạn sẽ tận dụng được hết cái túi khôn của các nhà khoa học. Là vì, ở dưới đáy tất cả các sản phẩm plastic các thầy cô đều ghi vào đó một ký hiệu, một mật mã mà ai đọc cũng hiểu miễn là biết mẹo vặt sau đây:

Một, hai, bốn, năm

Các sản phẩm nhựa hiện bán trên thị trường được phân thành bảy loại, trong đó có bốn loại – một, hai, bốn, năm - được coi là an toàn, có thể dùng làm đồ đựng thực phẩm cho con người. Nếu lật đáy một sản phẩm nhựa mà đọc được một con số khác thì, đừng mua. Đối với người nội trợ, nhớ như vậy là đủ. Tuy nhiên để cho công bằng với các mặt hàng plastic khác, chúng ta phải dành ra ít dòng nói về đặc tính của từng loại.

                                           Đây là ký hiệu của những sản phẩm nhựa an toàn

Plastic #1: Polyethylene Tereohthalate (PET or PETE)

Mặc dầu cái tên dài lòng thòng khó đọc, chúng ta chỉ cần nhớ rằng đây là plastic loại 1, an toàn để sử dụng. Đây là chất liệu để chế những chai soda 2 lít, chai dầu nấu ăn, hũ bơ đậu phụng, nước đóng chai… Plastic loại 1 này có độ rò rỉ (hóa chất) chậm, nghĩa là mức độ nguy cơ thấp miễn là bạn chỉ nên dùng nó MỘT LẦN. Ah! Cái câu “miễn là” thì rõ ràng chúng ta không để ý, bởi thế uống hết coca rồi mà nhiều người không nỡ liệng bỏ cái chai, vẫn cứ dùng để mang nước đi làm hết ngày này qua ngày khác. Đúng là không nên, trăm lần không nên!

Plastic #2: High-Density Polyethylene (HDPE)

Plastic loại 2 có độ rò rỉ (hóa chất) rất chậm, mức độc hại thấp, không thấy nguy cơ cho sức khỏe. Chất nhựa này dùng để chế chai đựng sữa tươi, hũ bơ, yogurt…. Có nhà sản xuất dùng nó để chế đồ đựng bột giặt, chai xà bông gội đầu. Đây là chất nhựa an toàn nhất. Nếu cần đồ đựng bằng nhựa, bạn chỉ nên mua những sản phẩm chế bằng plastic loại 2 này mà thôi.

Plastic #3: Polyvinyl Chloride (PVC)

Plastic loại 3 tuyệt đối không nên dùng. Sản phẩm PVC dễ dàng nhận diện nhất là các ống nhựa dẫn nước, được bày bán ở những cửa hàng sửa chữa nhà cửa như Home Depot, Lowes. Nó cũng đuợc dùng để chế bàn ghế đặt ngoài vườn, nước lau cửa sổ, hoặc chai đựng xà bông nuớc. Một số nhà sản xuất dùng nó để chế chai nước, chai nước trộn xà lách (salad dressing). Các thầy cô cho biết loại nhựa này chứa chlorine, về lâu dài sẽ nhả ra chất dioxin và phthalates cực kỳ nguy hiểm. Gặp những hộp đồ ăn làm bằng chất nhựa này, chúng ta phải tránh xa.

                                 Chỉ cần một mẹo nhỏ là có thể phân biệt lành dữ: Lật đáy chai lên
 

Plastic #4: Low-Density Polyethylene (LDPE)

Chất nhựa này không thấy có nguy cơ về sức khỏe. Nếu thấy hộp đựng đồ ăn ghi ký hiệu này, bạn có thể yên tâm. Ngoài đồ ăn, nó còn được dùng trong nhiều sản phẩm khác như túi đựng rác, túi đựng đồ đi chợ, túi đựng quần áo dry-clean. Sao lại phí của vậy nhỉ?

Plastic #5: Polypropylene (PP)

Không thấy nguy cơ cho sức khỏe, chất nhựa này được dùng để chế nắp chai, ống hút nước ngọt, một số loại bình sữa trẻ em. Nhựa số 5 có độ nóng chảy cao, có thể dùng để chế những chai nhựa chứa nước nóng, sữa nóng hoặc đồ ăn nóng.

Plastic #6: Polystyrene (PS)

Chất nhựa này được gọi là “Styrofoam”, dễ dàng rỉ độc chất vào thực phẩm. Những thứ này phải được dùng rất hạn chế nếu có liên quan tới đồ ăn, chẳng hạn những cái ly “xốp”, hộp đựng food to go, đĩa đựng thịt trong siêu thị, vỉ đựng trứng, v.v..

Plastic #7

Loại nhựa số 7, không có tên dài dòng, nhưng lại chứa một thứ độc hại hạng nhất mà các nhà khoa học gọi là BPA (bisphenol A, hay polycarbonate). Nhưng sản phẩm nhựa số 7 này vẫn nhan nhản trên thị trường, trong những thùng nước 5 gallon, tách nhựa trong, đồ đựng đồ ăn và nước giải khát, một số bình sữa trẻ em….. Có điều khó nghĩ cho chúng ta là một số sản phẩm loại này lại ghi thêm BPA-Free, có nghĩa là “Tôi là nhựa số 7 đây, nhưng yên tâm, tôi không chứa chấp BPA là thứ hóa chất mà quí vị sợ nhất đâu!” Nghe mâu thuẫn và khó hiểu quá, phải không bạn? Các thầy cô bảo rằng, gặp sản phẩm số 7 có ghi BPA-Free, chúng ta nên dè dặt và thận trọng tìm hiểu kỹ càng hơn. Để được an tâm vững bụng, chúng ta cứ nên tránh luôn cho tiện việc sổ sách.
Nói tóm lại, xin đừng quên lật đáy lên. Chỉ với một động tác đơn giản ấy thôi chúng ta cũng có thể tránh được nhiều di hại đáng tiếc sau này đấy. Hy vọng các bạn sẽ không quên!
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT