Mẹo Vặt

Bí mật trong đồ đóng hộp, đóng chai

Tuesday, 27/10/2015 - 08:09:54

Nhưng còn những thứ có bảng kê khai hợp lệ, chúng ta phải hiểu thế nào, để bảo đảm có được những thực phẩm vừa ăn ngon, vừa thích hợp? Có hai qui định về thành phần mà nhà sản xuất buộc phải kê khai trên nhãn hiệu: Thành phần (ingredients) và yếu tố dinh dưỡng (nutrition facts).

Bài VŨ HẰNG


Thực phẩm đã được chế biến (processed food) trước khi đưa ra thị trường thường mang trong bụng nó nhiều bí mật. Nhưng nếu để ý một chút, chúng ta sẽ bật mí được ngay: Là vì thành phần cấu tạo phải được ghi rõ trên nhãn hiệu để người đi chợ biết rõ mình đang mua cái gì, mình mang cái gì về nhà cho mọi người ăn.

Bảng liệt kê thành phần phải được ghi trên nhãn hiệu thực phẩm




Chẳng hạn, một cái bánh pha chế hầm bà lằng đủ thứ, ăn vào rất “đã” miệng nhưng ai biết những gì xào xáo bên trong? Bình thường, những sản phẩm bán trên thị trường Hoa Kỳ đều phải liệt kê đầy đủ do sự đòi hỏi của luật pháp. Nhưng chắc chắn không thiếu những sản phẩm lọt lưới, được đưa ra bán mà thiếu bảng kê khai, hoặc kê khai không đúng. Vậy nếu gặp bất cứ sản phẩm nào như hộp bánh trung thu, hộp kẹo, chai nước tương, chai nước mắm… không đáp ứng tiêu chuẩn kê khai, tốt nhất là đừng mua.

Nhưng còn những thứ có bảng kê khai hợp lệ, chúng ta phải hiểu thế nào, để bảo đảm có được những thực phẩm vừa ăn ngon, vừa thích hợp? Có hai qui định về thành phần mà nhà sản xuất buộc phải kê khai trên nhãn hiệu: Thành phần (ingredients) và yếu tố dinh dưỡng (nutrition facts).

Liệt kê thành phần

Về việc liệt kê thành phần cấu tạo (Ingredients), cơ quan Kiểm Soát Dược Phẩm Thực Phẩm (FDA) của chính phủ Hoa Kỳ đòi hỏi rằng: Thành phần cấu tạo phải được liệt kê theo thứ tự trọng lượng, có nghĩa là món nào nặng kể trước, món nhẹ hơn kể sau. Thí dụ như hộp đậu, mặc dầu mở ra chẳng thấy gì khác ngoài đậu, nhà sản xuất cũng phải nói rõ: Pinto Beans, Water, Salts. Có nghĩa là, đậu chiếm phần lớn, tiếp đó là nước (water) và sau cùng là muối. Trong bản liệt kê thành phần của một hộp cà chua, chúng ta đọc thấy:

- Tomatoes (cà chua): Chiếm phần lớn trọng lượng
- Water (nước): Chiếm phần thứ nhì, trọng lượng chỉ nhẹ hơn cà chua
- High Fructose Corn Syrup (HFCS): Như chúng ta đã biết đây là chất ngọt có hại, cần tránh. Ấy vậy mà trong hộp cà chua này, HFCS xếp hạng 3, chỉ sau nước
- Salt (muối); Xếp hạng 4
- Partially hydrogenated soybean oil: Thành phần xếp hạng 5 này, nếu chỉ là dầu đậu nành (soybean oil) thì đỡ tội, nhưng lại có chữ “partially hydrogenated” là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm: Theo Dr. Melina Jampolis, một bác sĩ chuyên môn về dinh dưỡng, thì nó chính là “chất béo có thể làm tăng mỡ xấu trong máu.”.

- Natural flavoring: Chất thiên nhiên làm tăng mùi vị, nhẹ nhất trong hộp cà chua.
Trên đây chỉ là một thí dụ tưởng tượng. Nhưng nếu trong thực tế, gặp một hộp cà chua có những thành phần như HFCS và Partially Hydrogenated Oil ở mức độ đó, bạn có chùn tay lại không? Cứ như Hằng thì chẳng mua!


                                           Hoặc, nó có thể nằm dưới đáy, sau Nutrition Facts

Rất tiếc, theo thăm dò của các vị sư phụ thì có tới 60% số người đi chợ chẳng buồn đọc mấy hàng chữ quan trọng đó. Mà nhà sản xuất cũng đâu có muốn phô ra nếu không bị luật pháp bắt buộc. Nên họ mới miễn cưỡng ghi trong những hàng chữ nhỏ, ở một góc khuất nẻo mà chỉ những nội tướng có đôi mắt tinh tường mới nhận ra thôi.

Ông thầy và bà cốt

Trong khi phân tích thành phần trong bảng Ingredients, chúng ta nên để ý trường hợp “ông thầy ăn một bà cốt ăn hai”, nghĩa là món phụ lấn át món chính. Thí dụ, bảng Ingredients ghi “Oats, Honey, Peanut Butter, Water, Salt” được phân tích như sau:

- Oats (lúa mạch): Là loại ngũ cốc có nhiều chất xơ, tốt cho hệ thống tiêu hóa. Thành phần này được kể đầu tiên, vì nó có trọng lượng lớn nhất.
- Honey (mật): Hạng 2 là mật, có thể ít hơn lúa mạch một ít.

- Peanut butter (bơ đậu phụng): Chiếm hạng 3, thua Oats và thua cả Honey.
Nhưng rất có thể nếu cộng Honey và Peanut Butter lại, trọng lượng 2 thứ này còn nhiều hơn cả Oats. Rốt cuộc, chúng ta tưởng mình ăn lúa mạch, thực ra là ăn mật và bơ đậu phụng.

Bây giờ, xin mời bạn lại xem một bảng Ingredients khác, bao gồm “Oats, Honey, Sugar, Peanut Butter, Water, Salt”, trong đó Oats là thành phần nặng nhất, nhưng nếu cộng Honey (mật), Sugar (đường) và Peanut Butter (bơ đậu phụng) thì hóa ra: Oats chỉ là thành phần thiểu số!

Nếu chỉ cốt ăn cho ngon miệng, bất kể “chúng” quậy ra sao trong bụng mình, thì bạn khỏi mất công đọc Ingredients làm gì cho hại mắt. Nhưng nếu sợ cao mỡ, cao máu, sợ béo phì như thùng phi biết đi …. chúng ta nên dành chút thời giờ làm quen với Ingredients: Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài chữ, nhà sản xuất có cố tình biến hóa để làm khó cũng không qua mặt được chúng ta đâu.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT