Gỡ Rối Tơ Lòng

Bị bạn trai bỏ, còn tức

Friday, 08/09/2017 - 08:25:05

Điều làm tôi vừa đau đớn vừa tức giận, đó là ổng tìm cách chiếm đoạt tình cảm của "máy bay bà già" bằng một lời nói dối. Ổng nói với bà kia rằng ổng vẫn "phòng không chiếc bóng." Có lẽ vì vậy mà "máy bay bà già" đồng ý nối duyên với ổng.

Tâm sự với Cô Ba Little Saigon

Bị bạn trai bỏ, còn tức
Tôi có một vấn đề cần nhờ Cô Ba giải đáp giùm. Số là sau 14 năm góp gạo nấu cơm chung, cách đây hai năm, tự nhiên ông bạn trai của tôi quyết định chia tay một cái rụp. Ổng không thèm nói thẳng vào mặt tôi nữa. Buổi sáng hôm đó, ông để lại cho tôi một tờ giấy "good-bye" rồi biến mất luôn. Lân la hỏi thăm những người chung chỗ làm, tôi biết bà chủ của ổng giới thiệu cho ổng một "máy bay bà già" từng ly dị hai lần! Chèn ơi! Tuy nhiên, nhìn bà này cũng còn ngon cơm, mặc dù mối quan hệ mới này đi kèm theo ba đứa lóc nhóc.
Điều làm tôi vừa đau đớn vừa tức giận, đó là ổng tìm cách chiếm đoạt tình cảm của "máy bay bà già" bằng một lời nói dối. Ổng nói với bà kia rằng ổng vẫn "phòng không chiếc bóng." Có lẽ vì vậy mà "máy bay bà già" đồng ý nối duyên với ổng.

Chồng thích diễu mà không hay thì làm sao? (Getty Images)


Cô Ba thân mến ơi, mới đây ông bạn trai cũ của tôi gởi tin nhắn vào điện thoại di động của tôi, cho biết ổng và "máy bay bà già" vừa đính hôn với nhau! Tôi cảm thấy tức giận nhưng cũng tội nghiệp cho người phụ nữ này. Tôi không hiểu bả đã trải qua "hai tập phim" rồi, nghĩ sao mà tiếp tục làm tập thứ ba vậy?
Vì tôi sống với ông bạn trai cũ tới 14 năm, tôi biết ổng rõ quá xá. Ổng chỉ muốn người khác phục vụ thôi, chứ không bao giờ nghĩ tới phục vụ người khác. Trong suốt 14 năm đó, ổng chưa một lần dẫn tôi đi chơi xa hoặc đi ăn tối. Chiều chiều, đi làm về là ổng cắm mặt vào cái TV. Tôi không muốn bà này rồi cũng đau khổ như tôi. Cô Ba ơi, tôi có nên nói ra sự thật về con người ông này cho bà kia biết không?

Cô Ba trả lời:
Cô em ở New Jersey thân mến, đôi khi sự thật đem tới một kết quả tốt đẹp. Đôi khi không phải. Trong trường hợp của cô em, sự thật cũng đành bó tay, vì không thể giúp mang ông bạn trai cũ của cô em trở về. Sự thật là cô em vẫn còn đau đớn vì mất ông ấy sau 14 năm tưởng là "gạo đã nấu thành cơm."
Tôi cho rằng ông ấy và vị hôn thê đã biết rõ về nhau sau hai năm chung sống. Tôi tin rằng bất cứ điều gì cô em nói ra vào thời điểm này cũng chẳng ăn thua gì. E là họ còn cười nhạo cô em thêm. Thôi, đời mình thì mình phải lo, cô em à. Cứ bước thẳng tới trước, đừng ngoái đầu lại nữa. Tương lai của cô em nằm ở phía trước mặt, không phải phía sau lưng. Thân chúc cô em chóng lành vết thương.

Chồng thích kể chuyện... bậy
Cho phép em gọi là "chị Ba" cho gần gũi hơn và dễ tâm sự hơn nhé. Chị Ba ơi, chồng em là một người đàn ông tuyệt vời. Tuy nhiên, khoảng vài năm đổ lại, không biết mắc chứng gì mà ảnh sinh tật khoái kể chuyện "tiếu lâm." Đi tới đâu, mọi người cũng "bị" nghe ảnh kể chuyện. Bất kể người quen lẫn người lạ, tay bắt mặt mừng xong là ảnh "vô đề." Mà than ôi, chuyện "tiếu lâm" của ảnh không chỉ nhạt nhẽo mà còn bậy bạ.
Có lần, công ty ảnh và công ty em tổ chức tiệc tân niên chung với nhau. Sau khi nâng ly "dzô, dzô" là ảnh bắt đầu kể chuyện cho tất cả những người ngồi chung bàn nghe. Trong bàn có cả phụ nữ, vậy mà ảnh lại đi kể chuyện "Hồi đó ông Adam và bà Eva làm cái gì?" Chị nào chị nấy ngượng ngùng, cắm mặt xuống dĩa đồ ăn. Em sợ chồng em bị người ta chê cười, bị đồng nghiệp đặt tên "thằng cha kể chuyện bậy." Ảnh nói đó là chuyện ảnh nghe từ những người tập "gym" chung với ảnh.
Em biểu ảnh sì-tốp đi, đừng có chuyện kể nữa. Nhưng ảnh cho là "chuyện tiếu lâm" mà, đâu có hại gì đâu, thế là ảnh vẫn cứ tiếp tục. Em hăm dọa ảnh rồi, lần sau có em ngồi chung bàn mà ảnh vẫn còn kể chuyện bậy là em bỏ về nhà đó. Nhưng ảnh chỉ cười cười. Chị Ba ơi, giúp em giải quyết chuyện này với.

Cô Ba trả lời:
Cảm ơn em muốn gọi tôi bằng "chị Ba." Ờ, nghe gọi vậy, tôi cảm thấy mình trẻ hơn cả chục tuổi. Tôi nhận thấy nếu chồng em thường kể chuyện tiếu lâm cho đồng nghiệp chung chỗ làm, thì mình giải quyết cũng dễ. Em tìm cách trò chuyện với vợ của đồng nghiệp chồng em, những người mà em cho là "ngượng ngùng" ngồi chung bàn.
Em nói với họ là em không chịu nổi những câu chuyện đó. Rồi em hỏi ý kiến của họ. Nếu họ đồng ý với em, có chung cảm giác bực bội như em tại bàn tiệc, thì em và họ tập trung thành một nhóm, quyết liệt yêu cầu chồng em không kể chuyện bậy mỗi khi có mặt vợ của đồng nghiệp.
Tôi hy vọng rằng chồng em hiểu được thông điệp này.

Tiệc chia tay đồng nghiệp
Tôi làm việc chung với một phụ nữ tên A., vừa mừng sinh nhật lần thứ 60 vào tuần trước. Tiệc sinh nhật được con gái chị A. tổ chức rất xôm tụ. Tuần này, chị A. nộp đơn xin nghỉ hưu bắt đầu từ ngày 1 tây tháng sau. Nhưng theo một nguồn tin rất quen thuộc từ phòng nhân sự, tôi biết chị A. nộp một đơn khác, xin công ty cho chị tiếp tục làm công việc part-time cũng kể từ ngày 1 tây tháng sau.
Cô Ba ơi, mới đây, tôi được công ty giao cho công việc giao việc tổ chức tiệc chia tay chị A., đồng thời, tôi cũng được con gái chị mời tới dự tiệc "bất ngờ" dành cho chi A., và được gợi ý mỗi người mang theo một món quà chia tay. Ủa, kỳ lạ quá hè. Nếu chị A. vẫn còn làm việc cho công ty, tại sao công ty phải làm việc chia tay? Và tại sao tôi phải mang quà chia tay tới tặng nếu ngày nào tôi cũng gặp chị A. trong văn phòng? Chuyện này thiệt là khó hiểu quá, cô Ba ơi!

Cô Ba trả lời:
Thân chào anh Tư đang bị khó hiểu ở Michigan. Câu hỏi "tại sao" của anh chỉ có cấp trên của anh, hoặc ông chủ của anh mới trả lời được thôi, vì đó là quyết định của họ. Chuyện chị A. đệ đơn xin nghỉ hưu, rồi lại đệ đơn xin tiếp tục làm part-time, là chuyện thường tình xảy ra mỗi ngày anh Tư à. Nếu anh được công ty giao cho công việc sắp đặt kế hoạch tổ chức tiệc chia tay chị A., anh cứ làm theo mệnh lệnh. Còn chuyện con gái chị A. tổ chức tiệc, nếu cảm thấy không thích thì cứ ở nhà, anh Tư nhé.

Tôi bị bệnh run tay parkinson
Tôi phải dẹp bỏ mọi mặc cảm bệnh tật để viết thư cho Cô Ba, rất mong Cô Ba nhín chút thời gian để hồi âm. Tôi 60 tuổi, là một người vợ, người mẹ, người bà vẫn còn rất thanh xuân và năng động. Không ngờ gần đây, tôi được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson giai đoạn đầu. Nếu không nói ra thì không ai biết, vì tôi đang sống một cuộc đời bình thường như mọi người.Triệu chứng của tôi là run bàn tay phải. Tôi đang tìm cách giấu diếm tình trạng này không để một ai biết. Lúc nào cũng thọc bàn tay phải vào túi áo hoặc túi quần. Mỗi khi đi nhà hàng, tôi cứ giấu bàn tay phải dưới tấm napkin, hoặc đặt trên đùi và tập ăn bằng bàn tay trái. Nhưng tôi biết một ngày nào đó, mình không thể giấu diếm được căn bệnh này.

Giờ đây thì tất cả thành viên gia đình tôi nhận thấy điều đó. Con gái tôi hỏi, "Tay mẹ bị sao vậy?" và tôi trả lời, "Tay mẹ không sao cả, chỉ run một chút thôi." Các con cháu tôi có kiến thức y học nên đoán ra căn bệnh Parkinson. Họ tế nhị và cố gắng không nhắc đến bàn tay của tôi, nhưng điều đó lại khiến tôi tủi thân, khóc thầm hoài.
Cô Ba ơi, tôi có nên thông báo với họ về tình trạng bệnh tật của mình không, và làm như thế nào thì hợp lý nhất? Tôi rất biết ơn lời chỉ dẫn của Cô Ba.

Cô Ba trả lời:
Chị ở Belmont thân mến. Đầu thư, tôi muốn chia sẻ với chị về tâm trạng vừa lo lắng vừa buồn rầu của chị, sau khi được chẩn đoán bị bệnh Parkinson giai đoạn đầu. Tôi hy vọng chị đã thực hiện một số nghiên cứu online, và được an ủi vì biết rằng có những tiến bộ trong việc điều trị căn bệnh này.
Chị cũng như tôi đều biết rằng một bàn tay run lẩy bẩy dễ thu hút sự chú ý của người khác, và ai cũng muốn hỏi chị "bị gì vậy." Do đó, tôi thực sự muốn chị chủ động nói ra tình trạng sức khỏe của mình. Nhưng tôi cũng muốn chị chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc trò chuyện này, cố gắng bình tĩnh và càng ít nước mắt càng tốt. Sau đó, chị nhờ thành viên gia đình thông báo với bạn bè chị, bạn bè họ và những người quen biết.
Mạnh mẽ lên chị nhé, thân mến.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT