Đời Sống Việt

Berlin và 3 cộng đồng người Việt

Thursday, 20/10/2011 - 08:28:31

Cảm giác đầu tiên là Berlin không hào nhoáng như các thành phố lớn ở Mỹ như Chicago hoặc New York, v.v. - hoặc ở khu vực này nó không hào nhoáng.

Anvi Hoàng/Viễn Đông

Theo như hướng dẫn trên mạng, sau khi ra khỏi phi trường Tegel ở Berlin dễ dàng lấy xe bus đi đến nhà ga Zoologischer Garten - là một trong những nhà ga trung tâm, không phải là lớn nhất ở Berlin nhưng cũng là một điểm tập trung của hầu hết các xe bus, và đón xe điện cũng ở đây. Thế là tôi và ông xã tìm máy bán vé tự động, mua 2 vé, rồi leo lên xe bus. 20 phút sau thì đến nhà ga. Từ nhà ga đến khách sạn chỉ có 2 cây số. Trời buổi trưa sáng sủa, lại luôn thể muốn ngắm cảnh ngắm người, nên chúng tôi quyết định đi bộ tàn tàn cho vui.

Cảm giác đầu tiên là Berlin không hào nhoáng như các thành phố lớn ở Mỹ như Chicago hoặc New York, v.v. - hoặc ở khu vực này nó không hào nhoáng. Khách du lịch sẽ không “wow” khi đặt chân đến Zoologischer Garten ở Berlin, nhưng Berlin lại có sức thu hút khác. Thành phố sống động, mà không có vẻ tất bật như ở Mỹ. Nhộn nhịp nhưng vẫn thoải mái. Có lẽ vì vậy mà rất kỳ lạ, tôi đi trên đường mà có cảm giác quen thuộc như đang đi ở đường phố Sài Gòn… trước thời kinh tế mở cửa.


Cung điện Charlottenburg - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Phải chăng vì cái vẻ không hào nhoáng làm cho người ta không bị choáng ngợp mà tôi cảm thấy Berlin thân thuộc? Hoặc vì đường phố nhỏ và có những đoạn hai bên đường và tim đường được trồng cây mát mẻ mà tôi lại nhớ tới các con đường bóng mát ở Sài Gòn? Cũng có thể là cả hai. Chỉ biết không gian ở đây làm người ta cảm thấy nhẹ nhàng. Vào giờ này, xe cộ đi lại vừa phải. Nói chung là yên tĩnh. Chúng tôi thong thả ngắm cảnh và suy nghĩ miên man.

* Berlin chiều tối
Nhịp sống vào ban chiều và đêm ở Berlin lại khác hẳn, như thể một ngày làm việc được phân bố cân bằng giữa làm và chơi. Sau 5 giờ chiều, người lớn đi kèm trẻ em tụ tập ở những đài phun nước tại công trường mà vui chơi. Kiến trúc các đài phun nước có tính mỹ thuật cao để ai đi ngang cũng phải tò mò ghé lại nhìn và nhận xét.


Đài phun nước ở Alexanderplatz - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Nhóm thanh niên thì tập trung ở Wittenbergplatz gần khu vực nhà ga Zoologischer. Hầu hết những chỗ ngồi ngoài trời của các hàng quán ở đây là đầy chật người. Họ uống bia và tán gẫu đến tận khuya. Tất cả những hoạt động này không phải là sinh hoạt cuối tuần mà là hàng ngày. Xem ra, người Mỹ đúng là làm việc căng nhất thế giới rồi.
Tôi thấy nhiều người lớn tuổi hơn tập trung ở khu vực Lutzoplatz. Ở đây thật yên tĩnh. Không phải đường hẻm nhỏ cũng không phải đường chính, và không có người và xe cộ tấp nập qua lại. Thỉnh thoảng người ta thấy các xe bus 2 tầng chạy qua, chỉ là vì Lutzoplatz là tuyến đường chính của xe bus M49 mà khách du lịch sử dụng rất nhiều. Ở đây cũng tập trung một số nhà hàng Việt, Thái, Ấn rất bắt mắt.


Trần nhà sơn/dát vàng trong cung điện Charlottenburg - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Trần nhà sơn/dát vàng - Charlottenburg - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

* “Lần đầu tiên”

Ngày hôm sau tôi đi thăm Charlottenburg - là cung điện lớn nhất ở Berlin, được Vua Frederick III đặt xây vào cuối thế kỷ 17 làm nhà nghỉ mùa hè cho vợ là Hoàng Hậu Sophie Charlotte. Cung điện bị phá hủy hoàn toàn do bị ném bom vào chiến tranh thế giới thứ hai. Đến thập niên 1950 thì được xây lại rất kỹ lưỡng. Nhìn bên ngoài thì không có ấn tượng mạnh mẽ gì, nhưng bên trong cung điện rất đẹp. Tôi phải công nhận đây là lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là “nguy nga tráng lệ”. Rất nhiều phòng trong cung điện, trên cũng vàng, dưới cũng vàng. Vàng chói cả mắt. Về sau tôi hỏi me tôi, sao cung điện nước người ta nguy nga thế, còn Việt Nam mình thì chỉ toàn gỗ thôi. Bà bèn bảo: “Ôi trời, Việt Nam mà bắt dân xây như vậy thì nổi loạn sao. Hồi xưa Tự Đức chỉ bắt xây có chừng đó mà đã nổi loại rồi!”. Ừ, té ra dân mình có tinh thần đấu tranh dữ à!


Trần nhà sơn/dát vàng - Charlottenburg - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Cửa đi vào phòng tiếp khách/yến tiệc - Charlottenburg - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Trang trí vàng trên trần, tường, gương, ghế trong phòng tiếp khách/yến tiệc
- Charlottenburg - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Ngoài Charlottenburg, không thể bỏ qua Quần Đảo Viện Bảo Tàng (Museum Island). Là một nhóm 5 viện bảo tàng với những bộ sưu tập được xem là quý giá nhất trên đời, Quần Đảo Viện Bảo Tàng được UNESCO công nhận là di tích văn hóa thế giới năm 1999. Lúc tôi tới nơi, Bảo Tàng Pergamon có vẻ đông khách nhất - phải chen chân ở cửa ra vào. Có lẽ nhiều người cũng như tôi bị thu hút bởi bộ sưu tập về nền văn minh cổ Ba Tư ở Pergamon. Gây ấn tượng nhất trong bộ sưu tập này là Cổng Thành Babylon Ishtar - một phần cổng được dựng lại gần đúng kích cỡ nguyên thủy từ những di tích khảo cổ tìm được vào năm 1902-1914 ở khu vực ngày nay là Iraq. Lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến một “kỳ quan thế giới” mà cảm thấy chua chát về sức mạnh của đồng tiền và quyền lực (chính phủ Đức lúc đó phải “công phu” lắm mới đem những di vật khảo cổ này vô Đức được). Chỉ tội nghiệp cho người dân Iraq, văn minh một thời hoành tráng, bây giờ cổ vật làm đẹp cho bảo tàng của người ta!


Cổng Thành Babylon Ishtar - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Cổng Thành Babylon Ishtar - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

* Cộng đồng người Việt thứ nhất
Nghe nói Alexanderplatz vui lắm, nên tôi quyết định đến tận nơi xem. Alexanderplatz có vẻ khác hẳn khu vực nhà ga Zoologischer. Dân ở đây đa dạng hơn – từ da đen tới da vàng đều có cả. Tôi thấy nhiều thiếu niên da màu chơi trượt ván ngoài đường. Mọi người chung quanh dường như cũng vội vã hơn. Không khí cũng như hỗn tạp hơn - rất nhiều người đi lại xung quanh, rất nhiều hoạt động đang diễn ra cùng một lúc, làm tôi có cảm giác hơi bồn chồn lo lắng. Xem ra thì người ta vẫn có thể cảm nhận được ranh giới không chính thức phân chia “đông/tây” ở Berlin khi đi từ Zoologischer - thuộc Tây Đức cũ, qua Alexanderplatz - thuộc Đông Đức cũ. Xung quanh công trường Alexanderplatz là những tòa nhà vuông vức, kiên cố. Đây chắc chắn là di tích của kiến trúc thời Đông Đức cũ.


Một góc công trường Alexanderplatz - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Tháp Truyền Hình (Television Tower) gần Alexanderplatz - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Lúc trên xe bus đi về phía Alexanderplatz, tôi đọc thấy bảng một số nhà hàng Việt Nam. Chúng tôi ghé một nhà hàng nằm cách công trường vài trạm xe bus. Tiệm ăn đông. Khách ăn có cả người Việt và người Tây. Trang trí trong nhà hàng đẹp mắt. Chúng tôi hỏi chuyện cô chủ người từ miền Bắc thì biết cô đã ở đây mấy chục năm rồi. Hồi trước là qua Đức theo chương trình lao động hợp tác.
Ngồi một hồi thấy một anh Việt Nam vào bàn bên cạnh. Anh này vào là được tiếp đón ngay. Thức ăn ra nhanh và ăn xong không thấy trả tiền. Sau khi anh ăn xong, cô chủ quán ra ngồi nói chuyện với anh. Tôi nghe phong phanh đâu được mấy chữ “mở rộng”, “thêm khách hàng”, “địa bàn”, “kinh doanh”. Sau khi anh này đi khỏi, ông chồng ngồi bên cạnh hích tôi, “Chắc là mafia đó!”.
Tôi không ngạc nhiên. Khi hai miền nước Đức thống nhất, người Việt Nam trước kia sang Đông Đức đi lao động hợp tác không được nhìn nhận là dân tị nạn chính thức như những người đi vượt biên tị nạn chính trị sau năm 1975. Nhiều người trong số lao động hợp tác này rơi vào tình trạng khó khăn. Họ thường tiếp tục sống ở khu vực Đông Đức, không tìm được công việc ổn định, nhiều người vướng vào đường dây tội phạm do buôn bán thuốc lá lậu hoặc lập băng đảng làm ăn.
Vào những năm 1995-97, tin tức tường thuật trên báo chí, truyền hình của Đức về người Việt Nam chỉ toàn là các vụ chém giết lẫn nhau trong băng đảng, hoặc các vụ buôn bán thuốc lá lậu. 2 chữ “Việt Nam” hay đi đôi với các chữ “bán thuốc lá” hoặc “mafia thuốc lá”. Ngày nay, người Đức hiểu biết nhiều hơn về người Việt Nam qua vô số triển lãm nghệ thuật và các chương trình văn hóa. Nhưng mafia nhà hàng thì chắc là vẫn còn. Có thể anh kia là một trong số đó. Biết đâu được… Vì vậy, ăn thì ngon, nhưng xong rồi thì chúng tôi cuốn gói cho nhanh.


 Mái vòm trần và bên trong Sony Center ở Potsdamer Platz - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

* Cộng đồng người Việt thứ hai

Đã đi ăn ở “đông” rồi, cũng phải thử ăn ở “tây” xem sao. Potsdamer Platz là địa điểm chúng tôi phải ghé thăm. Ở đây có nhiều tòa nhà cao tầng kiến trúc rất hiện đại được cả thế giới ca ngợi như Kollhoff Tower, Sony Center, Bahn Tower, mái vòm bằng kính của Tòa Nhà Quốc Hội (Reichstag dome). Gần ngay đó là Cổng Thành Brandenburg nổi tiếng (Brandenburg Gate) và di tích của Bức Tường Bá Linh cũ. Rất đông khách du lịch ở đây tranh nhau chụp hình cổng và tường. Gạch từ Bức Tường Bá Linh được dùng để lát xuống đường tạo thành một làn ranh đánh dấu nơi trước đây là chân tường Bá Linh cũ. Nếu nhìn kỹ trên mặt đường ở một số nơi, ví dụ gần tòa nhà quốc hội, người ta có thể thấy làn gạch này.


Cổng Thành Brandenburg (Brandenburg Gate) - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Di tích Bức Tường Bá Linh cũ - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Cách nơi đây vài ba trạm xe bus là nhà hàng của chị Nguyệt và anh Tỷ. Nhà hàng rất đẹp, ấm cúng. Khi bước vào nhà hàng tôi chạm mặt anh Của, là một đầu bếp của nhà hàng. Anh trẻ và đẹp trai quá trời. Tóc cắt cao, da sáng, nét mặt thanh tú, giống y chang mấy diễn viên Hàn Quốc mà mấy cô trẻ trẻ chết mê chết mệt. Tôi hỏi: “Anh có phải người Việt không?”. Anh Của cười rất tươi bảo phải, giọng miền Nam rặt, rất dễ gần. “À”, tôi thầm nghĩ, “dân vượt biên đây”.
Hầu hết người Việt đi du học ở Đức trước 1975 hoặc đi vượt biên sau 75 sinh sống ở “tây” Đức. Chị Nguyệt quê ở Châu Đốc, anh Tỷ người Kiên Giang. Vượt biên năm 1986 và được tàu Đức vớt. Lúc này người Đức rất tốt với người Việt. Họ giúp đỡ rất nhiều để người tị nạn ổn định cuộc sống. Sau một thời gian đi làm thuê, anh chị mở nhà hàng làm ăn tự do.
Tôi gọi bún bò Huế. Ngon trứ danh. Làm tôi nhớ đến các món ăn Việt Nam hồi xửa hồi xưa tôi từng ăn. Phải nói đây là lần đầu tiên sau 10 năm sống ở Mỹ, tôi ăn thức ăn Việt Nam ở nước ngoài mà cảm thấy nhớ hương vị Việt Nam. Lâu nay cứ nghe nói hoài “hương vị quê hương”, thì ra nó như thế này. Đúng là vô giá. Phải chăng vì rau cải ở Đức tươi như ở Việt Nam? Hoặc rau thơm cũng rất mặn mà? Hoặc lại gặp đồng hương hợp tình hợp ý? Tôi phải công nhận thức ăn ngon. Tôi khen chị Nguyệt nấu ăn ngon quá, nhưng có thể chị nghĩ tôi khen xã giao thôi nên chị chỉ cười mà không nói gì. Hoặc là tính chị ít nói như thế.
Vừa ăn vừa nói chuyện, từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối mà chưa muốn đi. Các anh chị cứ bảo, “ngồi chơi nói chuyện cho vui, chứ đi đâu mà vội”. Cùng ngồi “ngâm” với chúng tôi là anh Ngôn – đi làm hãng. Khi chúng tôi đến, anh đã có mặt ở nhà hàng rồi. Anh người Sài Gòn, qua Đức trước 75. Tinh thần “chính chị chính em” của anh Ngôn khá cao, và anh có nhiều chuyện “hấp dẫn” lắm, nên nói hoài không hết chuyện. Cộng thêm anh Tỷ, anh Của, chị Nguyệt - cứ như là pháo rang.
Anh Ngôn xem anh Tỷ, chị Nguyệt, anh Của như em út trong nhà và thường hay ghé quán chơi. Sau 7 giờ khách vãn một lúc, gia đình anh Tỷ dọn cơm ăn. Anh Ngôn cũng như người nhà, cùng ngồi ăn. Anh chị Tỷ mời vợ chồng tôi ăn thêm cho vui. Nhưng thật tình còn bụng nào mà ăn. Ngoài tô bún bò ứ hự, anh Tỷ, chị Nguyệt và anh Của tiếp trà nóng liên tục, lại đãi ăn bánh ngọt của Đức. Không biết có phải số tôi hên hay không, hoặc là có ông chồng vui tính làm “quới nhân”, mà đi dâu cũng gặp đồng hương thật tình thế này. Tôi cảm thấy thật ấm lòng, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thế là chúng tôi cà kê thêm một hồi lâu nữa.


Bên trong Mái Vòm bằng kính (Reichstag dome) - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Mái Vòm bằng kính (Reichstag dome) nhìn từ sân thượng - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

* “Cộng đồng” người Việt thứ ba
Nói đến chuyện nhà hàng Việt Nam ở Berlin, tôi kể là có đi ăn ở một tiệm Việt Nam rất ngon ở khu Lutzoplatz. Anh Ngôn hỏi:
- Tiệm đồng bóng đó hả?
- Hả? Sao anh biết là đồng bóng? Tôi hơi chột dạ, nhưng thấy buồn cười vì lâu lắm rồi không nghe hai chữ “đồng bóng” thế này.
- Đi ăn mà không biết hả? Thế nói chuyện có để ý không? Anh Ngôn hỏi lại.
- Ừ, bây giờ nghe anh nói thì thấy đúng vậy thật. Tôi đáp.
Quả thật chúng tôi có nói chuyện cả buổi với anh chủ nhà hàng người Việt Nam ở Lutzoplatz tới hai lần. Anh rất vui vẻ, tử tế, cởi mở. Nghiệm lại thì chắc là đồng tính thật. Anh nói anh ở rất gần đây thôi. Lutzoplatz thuộc Tây Đức cũ, gần ranh giới với Đông Đức cũ. Sau buổi nói chuyện với anh Ngôn, tôi và ông xã tò mò quá, ngày hôm sau đi dọc con đường phía sau khách sạn tìm hiểu.
Đường sá ở đây rộng rãi, sạch sẽ. Cây, vườn được chăm sóc cẩn thận. Nhìn phía xa là một tòa nhà cao tầng, tôi thấy ngay một lá cờ màu sắc cầu vồng tung bay trên tầng thượng. Thì ra là thế - đây là khu vực của người đồng tính mà anh Ngôn nhắc đến đây. Lutzoplatz rất gần với các khu phố của người đồng tính như Nollendorfplatz hoặc Schoneberg. Và Berlin là thành phố có dân số người đồng tính lớn thứ ba ở Châu Âu, chỉ sau London và Amsterdam. Thế là chúng tôi phát giác ra “cộng đồng” người Việt thứ ba ở Berlin. Vui nhé.
* * *
Ngày nay, hơn 20 ngàn người Việt Nam sinh sống ở Berlin. Trong số này, trên 6 ngàn mang quốc tịch Đức, trên 13 ngàn vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Nhiều người Việt Nam ở Berlin vẫn xem là mình có những khác biệt nhất định với nhau, nhưng sự hiện diện của người Việt ở Berlin và câu chuyện kinh doanh của họ là điểm nổi bật chung của người Việt sinh sống tại Đức cần được nhắc đến.
Người Việt ở Berlin không đông bằng người Thổ Nhĩ Kỳ (trên 175 ngàn) hoặc người Ba Lan (trên 92 ngàn), nhưng các cửa tiệm, nhà hàng của người Việt Nam và các tiệm bán thức ăn Châu Á khá phổ biến. Những nhà hàng sang trọng, hấp dẫn của Việt Nam có tác dụng đánh thức cảm nhận của người Đức về sự hiện diện của một nhóm dân thiểu số và phản bác tin xấu về họ trên báo chí (*). Nên nhớ rằng để có một nhà hàng sang trọng như thế cần vốn đầu tư đáng kể. Hơn nữa, người chủ đặt tên Việt Nam cho nhà hàng của mình chứ không lấy tên chung chung như “nhà hàng Châu Á”. Hai điều này cho thấy người chủ Việt Nam đã khá thành công và có sự tự tin nhất định về sự hấp dẫn của thức ăn Việt Nam đối với người Đức. Cho nên, dù người Đức chưa chấp nhận đây là nước của người di cư hoặc nước đa văn hóa thì thực tế là ngày nay, các nhà hàng Việt Nam đã trở thành một phần của cảnh quan đô thị ở Berlin. Người Đức ngày nay đi ăn hàng như là hành động “địa phương hóa” và hội nhập vào phong trào toàn cầu hóa trên thế giới (*).
Vậy mới nói không thể coi trường giá trị của văn hóa ẩm thực và tính đại diện của nó cho đặc trưng văn hóa của người lưu vong. Người Đức có thể chưa thật sự mở “lòng” đối với người Việt di cư, nhưng đã mở “dạ” với văn hóa ẩm thực Việt Nam rồi. Hãy chờ xem!

Ghi chú:
(*) Claire Sutherland (2007). “Digesting diasporas : Vietnamese migrants and German multiculturalism”, in Rethinking diasporas: hidden narratives and imagined borders. Newcastle upon Tyne: Cambridge Scholars Publishing, pp. 39-51.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT