Sức Khỏe

Bệnh loãng xương

Friday, 31/05/2019 - 05:08:53

Sáng nay tôi đi khám bệnh, ông bác sĩ hỏi tôi cao bao nhiêu, tôi nói 5 feet 2. Ông bảo, chắc chắn chiều cao của bà đã giảm xuống rồi đó, người già nào cũng thế. Tôi cũng biết vậy vì thấy bà cụ tôi ngày càng thấp đi, nhưng mình vẫn không muốn tin.

 

Sáng nay tôi đi khám bệnh, ông bác sĩ hỏi tôi cao bao nhiêu, tôi nói 5 feet 2. Ông bảo, chắc chắn chiều cao của bà đã giảm xuống rồi đó, người già nào cũng thế. Tôi cũng biết vậy vì thấy bà cụ tôi ngày càng thấp đi, nhưng mình vẫn không muốn tin. Nhưng đúng thật, hôm nay chiều cao của tôi chỉ còn 5 feet 1, mất béng đi 1 inch. Thôi rồi, tôi đã có một trong những dấu hiệu của bệnh loãng xương, hay rỗng xương cũng thế.

Bệnh loãng xương làm cho xương trở nên yếu và giòn, dễ gãy đến mức té ngã hoặc chỉ căng thẳng nhẹ như cúi xuống hoặc ho cũng có thể gây ra gãy xương. Gãy xương liên quan đến loãng xương thường xảy ra ở xương hông, cổ tay hoặc cột sống.

Xương là một loại mô sống, liên tục hủy hoại và được thay thế. Loãng xương xảy ra khi việc tạo ra xương mới không theo kịp việc loại bỏ xương cũ. Loãng xương ảnh hưởng đến đàn ông và phụ nữ thuộc mọi chủng tộc. Nhưng phụ nữ da trắng và châu Á - đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi đã mãn kinh - có nguy cơ cao nhất. Thuốc men, việc ăn uống lành mạnh và tập thể dục dùng trọng lực (weight-bearing) có thể giúp ngăn ngừa mất xương hoặc tăng cường xương đã yếu.

1. Nguyên nhân

Khi bạn còn trẻ, cơ thể bạn tạo ra xương mới nhanh hơn xương cũ bị phá vỡ nên khối lượng xương của bạn tăng lên. Hầu hết mọi người đạt đến khối lượng xương cao nhất vào đầu những năm 20 tuổi. Khi mọi người già đi, khối lượng xương bị mất nhanh hơn so với tốc độ nó được tạo ra.

Nguy cơ phát triển bệnh loãng xương phụ thuộc một phần vào khối lượng xương bạn làm ra được khi còn trẻ. Khối lượng xương lúc nhiều nhất của bạn càng cao, bạn càng có nhiều "xương trong ngân hàng" và bạn càng ít có nguy cơ mắc bệnh loãng xương khi có tuổi.

2. Triệu chứng

Thông thường đoạn đầu của bệnh mất xương không có triệu chứng. Nhưng một khi xương của bạn đã bị suy yếu do loãng xương, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Đau lưng, gây ra bởi một đốt sống bị gãy hoặc sụp
- Mất chiều cao theo thời gian
- Hay đứng ngồi khom lưng
- Dễ gãy xương hơn nhiều so với bình thường
Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về bệnh loãng xương nếu bạn qua thời kỳ mãn kinh sớm hoặc đã dùng corticosteroid trong nhiều tháng, hoặc nếu bố mẹ bạn từng bị gãy xương hông.

3. Các yếu tố rủi ro

a. Những yếu tố không thể thay đổi

Một số yếu tố nguy cơ gây loãng xương nằm ngoài tầm kiểm soát, không thể thay đổi, gồm có:
- Giới tính. Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh loãng xương hơn nam giới.
- Tuổi tác. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh loãng xương càng cao.
- Chủng tộc. Bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao nhất nếu bạn là người da trắng hoặc gốc Á.
- Lịch sử gia đình. Có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh loãng xương khiến bạn có nguy cơ cao hơn, đặc biệt là nếu mẹ hoặc cha bạn bị gãy xương hông.
- Kích thước khung thân. Đàn ông và phụ nữ có khung cơ thể nhỏ thường có nguy cơ cao hơn vì họ có thể có khối lượng xương ít hơn để dùng khi có tuổi.

b. Mức kích tố

Loãng xương thường thấy hơn ở những người có quá nhiều hoặc quá ít một vài kích tố nhất định trong cơ thể. Thí dụ:
- Kích tố giới tính. Có ít kích tố giới tính thì dễ bị suy yếu xương. Việc giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ khi mãn kinh là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra bệnh loãng xương. Đàn ông sẽ bị giảm dần nồng độ testosterone khi có tuổi. Việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt làm giảm nồng độ testosterone ở nam giới và phương pháp điều trị ung thư vú làm giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ có nguy cơ đẩy nhanh việc mất xương.
- Các vấn đề về tuyến giáp. Quá nhiều kích tố tuyến giáp có thể gây mất xương. Điều này xảy ra nếu tuyến giáp của bạn hoạt động quá mức hoặc nếu bạn dùng quá nhiều thuốc kích tố tuyến giáp để điều trị bệnh tuyến giáp hoạt động kém.
- Các tuyến khác. Loãng xương cũng có liên quan đến tuyến cận giáp (parathyroid) và tuyến thượng thận hoạt động quá mức.

c. Cách ăn uống

Loãng xương có nhiều nguy cơ xảy ra ở những người có:
- Lượng calcium thấp. Thiếu calcium suốt đời đóng một vai trò trong sự phát triển bệnh loãng xương. Lượng calcium thấp góp phần làm giảm mật độ xương, mất xương sớm và tăng nguy cơ gãy xương.
- Rối loạn ăn uống. Ăn quá ít và thiếu cân làm suy yếu xương ở cả nam và nữ.
- Giảu phẫu đường tiêu hóa. Giải phẫu để giảm kích thước của dạ dày hoặc để loại bỏ một phần ruột sẽ giới hạn diện tích bề mặt để hấp thụ chất dinh dưỡng, bao gồm cả calcium.

d. Steroid và các loại thuốc khác

Sử dụng lâu dài các loại thuốc corticosteroid uống hoặc chích, chẳng hạn như prednison và cortisone, cản trở việc tái tạo xương. Loãng xương cũng có liên quan đến các loại thuốc dùng để chống lại hoặc ngăn ngừa động kinh, trào ngược dạ dày, ung thư, cấy ghép bị đẩy ra.

e. Một vài tình trạng y tế

Nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn ở những người có một số vấn đề y tế nhất định thí dụ như bệnh celiac, bệnh viêm ruột, bệnh thận hoặc gan, ung thư, Lupus, ung thư tủy, viêm khớp dạng thấp

f. Cách sống

Một số thói quen xấu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, thí dụ:
- Lối sống ít vận động. Những người ngồi nhiều có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn những người năng động hơn. Bất kỳ bài tập và hoạt động dùng trọng lực (weight-bearing) nào thúc đẩy sự cân bằng và tư thế tốt đều có lợi cho xương của bạn, nhưng đi bộ, chạy, nhảy, khiêu vũ và cử tạ có vẻ đặc biệt hữu ích.
- Uống rượu quá mức. Uống thường xuyên hơn hai ly nước có cồn mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
- Sử dụng thuốc lá. Vai trò chính xác của thuốc lá trong bệnh loãng xương không được hiểu rõ ràng, nhưng nó đã được chứng minh rằng việc sử dụng thuốc lá góp phần làm cho xương yếu.

4. Biến chứng

Gãy xương, đặc biệt là ở cột sống hoặc hông, là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương. Gãy xương hông thường do té ngã và có thể dẫn đến tàn tật và thậm chí tăng nguy cơ tử vong trong năm đầu tiên sau chấn thương. Trong một số trường hợp, gãy xương cột sống có thể xảy ra ngay cả khi bạn không bị ngã. Đốt xương sống có thể yếu đến mức chúng có thể bị nát bét, có thể dẫn đến đau lưng, mất chiều cao và tư thế gập người về phía trước.

5. Phòng ngừa

Dinh dưỡng tốt và tập thể dục thường xuyên là những điều cần thiết để giữ cho xương của bạn khỏe mạnh trong suốt cuộc đời của bạn.
- Chất đạm. Protein là một trong thành phần chính xây dựng xương. Một số người không ăn đủ protein. Người ăn chay và người ăn thuần chay có thể ăn đủ protein nếu họ cố tình tìm kiếm các nguồn protein, chẳng hạn như đậu nành, các loại hạt, đậu và sữa và trứng. Người lớn tuổi cũng có thể ăn ít protein vì nhiều lý do. Họ có thể uống thêm protein nếu muốn.
- Trọng lượng cơ thể. Thiếu cân làm tăng nguy cơ mất xương và gãy xương. Dư cân hiện nay được biết là làm tăng nguy cơ gãy xương ở cánh tay và cổ tay của bạn. Như vậy, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp sẽ tốt cho xương cũng như cho sức khỏe nói chung.
- Calcium. Đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 50 cần 1,000 miligam calcium mỗi ngày, tăng lên 1,200 miligam ở phụ nữ 50 tuổi và nam giới 70. Nguồn calcium tốt gồm có: Các sản phẩm sữa ít béo, rau lá xanh đậm, cá hồi đóng hộp hoặc cá mòi có xương, các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, ngũ cốc và nước cam đã được tăng cường calcium.
Nếu bạn cảm thấy khó có đủ calcium từ việc ăn uống của mình, hãy cân nhắc việc uốn thêm calcium. Tuy nhiên, quá nhiều calcium có thể liên quan đến sỏi thận. Mặc dù chưa rõ ràng, một số chuyên gia cho rằng quá nhiều calcium, đặc biệt là trong các thuốc bổ, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Viện Y Khoa khuyến cáo rằng tổng lượng calcium, từ thuốc bổ và cách ăn uống, không nên quá 2,000 miligam mỗi ngày cho những người trên 50 tuổi.
- Vitamin D. Vitamin D làm tăng khả năng hấp thụ calcium của cơ thể và giúp sức khỏe của xương theo những cách khác. Mọi người có thể nhận đủ lượng vitamin D từ ánh sáng mặt trời, nhưng bạn có thể thiếu vitamin D nếu sống ở vĩ độ cao, nếu bạn luôn ở trong nhà, hoặc nếu bạn thường xuyên sử dụng kem chống nắng hoặc tránh ánh nắng mặt trời hoàn toàn vì nguy cơ ung thư da. Các nhà khoa học chưa biết liều vitamin D tốt nhất hàng ngày cho mỗi người. Một điểm khởi đầu tốt cho người lớn là 600 đến 800 đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày, bằng thực phẩm hoặc thuốc bổ. Đối với những người không có nguồn vitamin D khác và đặc biệt là khi sống ở nơi ánh nắng mặt trời hạn chế, có thể cần bổ sung. Hầu hết các sản phẩm vitamin tổng hợp chứa từ 600 đến 800 IU vitamin D. Dưới 4,000 IU vitamin D mỗi ngày là an toàn cho hầu hết mọi người.
- Tập thể dục. Tập thể dục có thể giúp bạn có được bộ xương khỏe và làm chậm việc mất xương. Tập thể dục sẽ có lợi cho xương của bạn bất kể bạn bắt đầu khi nào, nhưng bạn sẽ đạt được nhiều lợi ích nhất nếu bạn bắt đầu tập thể dục thường xuyên khi bạn còn trẻ và tiếp tục tập thể dục trong suốt cuộc đời. Kết hợp các bài tập luyện sức mạnh với các bài tập dùng trọng lượng (weight-bearing) và cân bằng. Tập luyện sức mạnh giúp tăng cường cơ bắp và xương ở cánh tay và cột sống trên của bạn và các bài tập dùng trọng lượng - như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, nhảy dây, trượt tuyết và các môn thể thao tác động - ảnh hưởng chính lên xương ở chân, hông của bạn và cột sống thấp hơn. Các bài tập thăng bằng như taichi có thể làm giảm nguy cơ té ngã đặc biệt là khi bạn già đi. Bơi lội, đạp xe và tập thể dục trên các máy có thể là một bài tập tim mạch tốt, nhưng chúng không giúp cho việc làm tốt sức khỏe của xương.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT