Sức Khỏe

Bệnh lở môi (Cold sore)

Friday, 13/07/2018 - 11:57:07

Cả hai loại virus này đều có thể mọc ở miệng hoặc bộ sinh dục và có thể lây lan qua đường tình dục bằng miệng. Lở môi có thể lây lan ngay cả khi không thấy vết loét.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Ai cũng đã từng 1 lần bị bệnh lở môi. Một ngày nào đó, bạn bỗng cảm thấy ngưa ngứa, tê tê trên môi. Sau đó, những mụn nước nhỏ xuất hiện, có thề chụm lại thành từng nhóm. Các mụn nước sau đó vỡ ra, một lớp mài mọc lên trên và khô lại , sau đó tróc đi. Lở môi thường lành trong 2 đến 4 tuần mà không để lại sẹo.
Lở môi (cold sores hay fever blisters) là một bệnh nhiễm trùng do siêu vi rất thường thấy. Lở môi lan truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như khi hôn. Bệnh này do một loại siêu vi tên herpes simplex 1 (HSV-1) có liên quan mật thiết đến loại siêu vi gây ra bệnh herpes ở cơ quan sinh dục là herpes simplex 2 (HSV-2). Cả hai loại virus này đều có thể mọc ở miệng hoặc bộ sinh dục và có thể lây lan qua đường tình dục bằng miệng. Lở môi có thể lây lan ngay cả khi không thấy vết loét.

Triệu chứng
Lở môi thường đi qua nhiều giai đoạn:
· Ngứa và cảm giác châm chích. Nhiều người thấy ngứa ngáy, cảm giác nóng như bỏng và châm chích quanh môi khoảng một ngày hoặc lâu hơn trước khi xuất hiện một vết nhỏ gây đau và phồng rộp.
· Các mụn nước nhỏ thường mọc trên mép ngoài của môi, xung quanh mũi hoặc trên má.
· Chảy nước và mọc mài. Các mụn nước nhỏ có thể hợp lại thành 1 nhóm, sau đó vỡ ra, để lại các vết loét cạn, có chất lỏng rịn ra, sau đó đóng mài.
Triệu chứng có thể khác nhau, tùy theo lần đầu bị hay tái phát. Chúng có thể kéo dài vài ngày, và mụn nước có thể mất từ hai đến bốn tuần mới lành hoàn toàn. Tái phát thường xuất hiện tại cùng một vị trí mỗi lần và thường nhẹ hơn lần bùng phát đầu tiên.

Khi bị bệnh lần đầu, một số người cũng có thêm các triệu chứng:
· Sốt
· Nướu bị xói mòn, đau
· Đau cổ họng
· Nhức đầu
· Đau bắp thịt
· Các hạch bạch huyết bị sưng
Trẻ em dưới 5 tuổi có thể bị các vết lở môi mọc bên trong miệng nên thường bị nhầm lẫn với bệnh mụn nhiệt (canker sore). Canker sore chỉ liên quan đến màng nhầy và không phải do virus herpes simplex gây ra.

Khi nào nên đi khám bệnh
Lở môi thường tự hết không cần điều trị. Nên đi khám bác sĩ nếu:
· Bạn bị hệ miễn dịch suy yếu
· Các vết lở không lành trong vòng hai tuần
· Các triệu chứng nặng hơn
· Bạn thường xuyên bị lở môi
· Mắt bị xốn, khó chịu

Nguyên nhân
Lở môi do một số loại virus herpes simplex (HSV) gây ra. HSV-1 thường gây ra lở môi. HSV-2 thường gây ra lở sinh dục. Tuy nhiên, loại nào cũng có thể gây lở trên vùng mặt hoặc trên bộ phận sinh dục. Hầu hết những người bị nhiễm virus không có triệu chứng.

Lở môi thường dễ lây nhất khi có mụn nước. Nhưng bệnh nhân có thể truyền virus sang người khác ngay cả khi không đang có mụn nước. Dùng chung đồ dùng ăn uống, dao cạo râu và khăn tắm, cũng như hôn, có thể lây lan
HSV-1. Quan hệ tình dục bằng miệng có thể lây truyền HSV-1 vào bộ phận sinh dục và HSV-2 lên môi.
Khi các vết lở môi đã lành, virus sẽ nằm im trong tế bào thần kinh trong da của bạn và sau đó có thể nổi lên làm lở môi ở cùng một nơi như trước. Việc tái phát bệnh có thể được kích hoạt bởi:
· Nhiễm virus hoặc sốt
· Thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như những thay đổi liên quan đến kinh nguyệt
· Căng thẳng
· Mệt mỏi
· Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và gió
· Những thay đổi trong hệ miễn dịch

Các yếu tố rủi ro
Khoảng 90% người lớn trên toàn thế giới - ngay cả những người chưa bao giờ có triệu chứng nhiễm trùng virus này - có xét nghiệm dương tính với siêu vi gây ra lở môi.
Những người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao bị biến chứng. Một số bệnh và điều trị y tế làm tăng nguy cơ biến chứng của bạn, bao gồm:
· HIV/AIDS
· Phỏng nặng
· Eczema
· Hóa trị ung thư
· Thuốc chống tống tháo (anti-rejection) sau khi ghép nội tạng

Biến chứng
Ở một số người, virus gây ra các vết lở môi có thể gây ra các vấn đề ở các khu vực khác của cơ thể, bao gồm:
· Đầu ngón tay. Cả HSV-1 và HSV-2 đều có thể lan ra các ngón tay. Đây là loại nhiễm trùng thường được gọi là herpes whitlow. Trẻ em hay mút ngón tay cái có thể truyền bệnh từ miệng đến ngón cái.
· Mắt. Virus đôi khi có thể gây nhiễm trùng mắt. Nhiễm trùng tái đi tái lại có thể gây sẹo và thương tích trong mắt, có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực hoặc mù lòa.
· Lở ở một vùng da lớn. Những người bị eczema có nguy cơ bị các vết lở lan rộng khắp cơ thể của họ. Đây là một trường hợp cấp cứu.
· Các cơ quan khác. Ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, virus cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan như tủy sống và não.

Phòng ngừa
Bác sĩ có thể cho thuốc kháng virus để uống thường xuyên, nếu bạn thường xuyên bị mụn lở hoặc nếu bạn có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng. Nếu ánh sáng mặt trời dường như kích hoạt sự tái phát, hãy thoa kem chống nắng lên chỗ vết lở có thể mọc lại.
Để tránh lây lan vết lở môi cho người khác hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể, bạn có thể thử một số phương pháp sau
 -Tránh tiếp xúc da kề da với người khác khi có mụn nước. Siêu vi lây lan dễ dàng nhất khi mụn lở chảy nước.
-Tránh dùng chung vật dụng: Khăn tắm, son dưỡng môi và các vật dụng khác có thể làm lây lan siêu vi khi có mụn nước.
-Rửa tay kỹ: Khi bị lở môi, hãy rửa tay cẩn thận trước khi sờ vào chính mình và những người khác, đặc biệt là trẻ sơ sinh.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT