Đạo và Đời

Bảy lần vượt biên, ba lần Phật độ

Thursday, 08/04/2021 - 07:38:58

Tôi tên Trang Nguyễn, gọi theo kiểu Mỹ vì tôi sống ở California khá lâu.


Một nhóm thuyền nhân Việt Nam đang vui mừng trong lúc tiến tới tàu cứu vớt trong hải phận quốc tế tháng 9, 1978. (Fred Ihrt/ LightRocket via Getty Images)


Bài HUYỀN TRANG

Tôi tên Trang Nguyễn, gọi theo kiểu Mỹ vì tôi sống ở California khá lâu. Pháp danh Huyền Trang. Tôi xin được chia sẻ một cách ngắn gọn câu chuyện lẽ ra rất dài dòng, vì tôi đi vượt biên đến những bảy lần, trong đó có chen lẫn những người bị chết, người bị bắt tù đày… Trong chuyện vượt biên tôi là kẻ khờ dại. Chỉ biết muốn đi và dám đi. Thế mà tôi đều qua trót lọt, giờ nghĩ lại cũng không rõ tại sao. Không giải thích cách nào khác hơn là do cứu độ của Ân Trên, là Phật, là Phật Bà.

Xin vào ngay câu chuyện được cứu độ lần đầu. Đó là vào chuyến đi thứ ba của chúng tôi sau hai lần đi hụt. Chuyến đầu đang sửa soạn ra chỗ hẹn thì được tin… bị bể ở Vũng Tàu. Lần đó người anh họ tổ chức đã bị bắn chết. Chuyến thứ ba này tôi dắt theo hai con nhỏ lên sáu lên tư, cô em gái dắt đứa cháu gái lên ba. Vừa rục rịch xuống bãi thì lại có tin… bể. Mọi người tứ tán chạy. Lúc đó chúng tôi đang ở khu rừng nhỏ chạy dần vào đồng ruộng. Cũng may mùa khô nên ruộng không có nước. Hai bên lề có cây nhỏ và bụi rậm. Trời tối mịt, chỉ có chút trăng, thật không thấy biết phương hướng gì chứ đừng nói đường đi phía trước.

Hai phụ nữ ốm yếu cứ thế mà lớp bồng lớp kéo ba đứa bé chạy. Không biết chạy đi đâu cho thoát. Hình như có tiếng súng xa xa. Đột nhiên trước mặt xuất hiện một bóng người nam mặc áo trắng. Người đó quơ tay chỉ đường và nói: “Chạy thẳng phía trước một chút rồi quẹo phải.” Chớp mắt một cái, không còn thấy người đó đâu. Chúng tôi không kịp nghĩ suy gì, cứ làm theo lời chỉ. Quả thật độ năm phút sau thì đã đến một ngôi chùa nhỏ xưa cũ, nằm riêng biệt không ở trong xóm.

Tối hôm đó, đội vượt biên khờ khạo này có chỗ trú thân… trên mặt đất. Không ngủ được, tôi suy nghĩ phải làm gì cho ngày mai với đội trưởng mù mờ, đội phó ốm yếu và đám lính quèn hôi sữa này. Em tôi, pháp danh là Tâm An, có chiều tâm linh hơn, cứ thắc mắc, sao kỳ quá, không thấy chân của ông chỉ đường. Tôi chợt nhớ lại ân nhân, quả thật tôi cũng chẳng thấy mặt người đó, mà bằng cách nào ông ấy biến mất nhanh như vậy? Nếu là người tử tế đã chỉ đường sao không đến giúp đỡ trẻ con phụ nữ nheo nhóc? Thật không hợp lý. Với lại, sao ở giữa rừng núi đồng ruộng lại có người nam áo trắng, thông thường người dân ruộng rẫy chỉ mặc màu sậm.

Sáng ra, trước khi rời chùa tìm cách đi về nhà, tôi có hỏi thăm về người đó, ở chùa không ai biết. Buổi sáng ra trước cổng chùa chúng tôi mới nhận thấy có một bức tượng Quan Âm cao hơn người thật màu trắng rất đẹp, uy nghi đứng. Tự dưng chúng tôi liên tưởng đến người áo trắng bí mật dưới ánh trăng mờ tối hôm qua?

Lần cứu độ thứ nhì diễn ra trong một chuyến đi thử xuống bãi để dò đường, một mình tôi đi cùng với một nhóm khách và người tổ chức. Lần này tôi được đi Nha Trang biển xanh cát trắng. Vừa đến nơi sau chuyến đi xe lửa đứng, phái đoàn chúng tôi được hướng dẫn phân tán nhiều chỗ ngụ cho an toàn. Hẹn ngày hôm sau xuống bãi. Ngay tối hôm đó có tin cầu về Sài gòn bị đặt bom giật sập, và không lưu thông được nữa. Phải chờ.

Hôm sau khách đươc phân tán ra để cho an toàn vì đi chung dễ bị nghi ngờ. Tôi ở khách sạn một mình. Đến trưa người dẫn đường đến cho biết người tổ chức đã bị bắt và anh ấy phải đi tìm hiểu xem sao. Vừa vặn lúc đó tôi khám phá mình đau răng khôn, buốt cả một bên mặt, sưng cả lên, phát sốt! Nhức nhối từng cơn đau vì răng làm độc! Cố tìm trụ sinh và thuốc cầm đau, uống vào tôi trở thành mơ hồ không thiết chuyện gì.

Tối đó, đang còn quay quắt giữa cơn đau và cơn buồn ngủ vì thuốc giảm đau, thì cửa phòng khách sạn bị ai dộng ầm ầm. Ra mở cửa thì thấy hai anh công an cầm súng đứng đó. Lúc đó tôi rất lờ mờ nhưng cũng biết cảm nhận là sao mình xui dữ vậy, và cố tìm cách lận lưng một ít giấy tờ, thuốc men, và tiền còm. Thế rồi một anh công an đi xe đạp lịch kịch đèo tôi, còn anh kia vừa đạp xe vừa cầm súng chĩa vào phạm nhân.

Đến chỗ tạm giam tôi bị đẩy vào một phòng đầy người tạm giam. Lúc đó nửa đêm nên không có tra vấn dài dòng. Tôi buồn ngủ quá vì thấm thuốc nên cố đẩy một đứa nhỏ khỏi cái bàn, và nằm ngủ trên bàn giữa phòng giam. Phía trên là ngọn đèn sáng chói.

Tôi mở mắt ra khi có người kêu dậy. Đó là một phụ nữ mặc áo màu nhạt hay trắng? Không thấy rõ người hay mặt vì lúc đó mắt tôi như bị lóa, bởi ánh đèn trên đầu và bởi thuốc ngủ cầm đau? Người đó nói nhỏ và rất ít. “Đi đi, ở lại sẽ bị bắt lâu lắm đó. Vượt biên phải không?” Nghe giọng nói thì có vẻ còn trẻ, giọng miền Nam. Không hiểu sao tôi cứ răm rắp nghe lời.

Cô ấy đẩy cửa đưa tôi ra phòng ngoài. Điều lạ là phòng tạm giam sao không khóa, lại rất nhiều người mà không ai để ý đến chúng tôi, tuồng như người vô hình vậy. Cô bảo tôi chạy đi. Tôi lạng quạng e dè hồi hộp nên vừa ra khỏi cửa bước xuống bực thềm thì một anh công an lại xuất hiện và hét tôi trở lại. Rồi anh ta kè súng chĩa về phía tôi và bắt tôi ngồi vào bàn viết tờ tự thú. Tôi viết vớ vẩn vào đó vài lời than vãn và tên tuổi cùng địa chỉ giả vì giấy tờ đã dấu trong người.



Anh ta dắt tôi đi bằng mũi súng vào căn phòng giam thượng hạng phía trong, nơi chỉ có một chị công an. Chị ta xét sơ qua và tịch thu túi xách, rồi cho tôi ngồi đó. Khuya quá rồi, mọi người đều có vẻ buồn ngủ. Chừng mười phút sau lại có tiếng gọi nho nhỏ, “Chị ơi. Chạy đi.” Tôi nhìn bên ngoài lại thấy cô gái áo nhạt đứng vẫy tay. Cô ta ở xa nói mà tôi nghe rõ, còn chị công an lại không nghe. Tôi vờ xin phép chị ta cho đi vệ sinh. Chị này đang ngủ gật, và có lẽ coi thường tấm thân gầy yếu của tôi. Chị cho tôi ra.

Tôi đi vội ra ngoài thì thấy cô gái đứng đó chờ. Cô ta rất kiệm lời, chỉ nói: “Chạy đi. Trống rồi đó!” Rồi lại chỉ tôi ra phòng ngoài. Lúc đó phòng canh gác bên ngoài quả thật hoàn toàn không có có bóng ma nào. Mấy anh công an mới mấy phút trước xúm xít đó sao giờ biến mất hết? Vô lý thật!

“Chạy đi. Chạy hướng này. Không sao đâu!” Cô dẫn lối lại thúc giục. Thế là tôi đâm đầu chạy về phía trước không dám ngoái lại vì sợ lại có mũi súng nào chĩa vào người. Không nghe phát súng nổ nào! Sau cùng tôi đã thành công trong việc vượt ngục!

Tôi miên man lao mình chạy thẳng, cứ như một kẻ mộng du… Sau cùng đến được một khu nhà lồng chợ. Nơi đó có rất nhiều dân bụi đời lẫn người lỡ đường vì xe lửa không đi được. Tôi kiếm chỗ chui vào nằm khoèo xuống đất, cạnh bên mấy em bé bụi đời đang chơi trò cú vào đầu nhau. Tôi không hiểu chuyện gì vừa xảy ra cho mình. Cô áo trắng đó là ai, sao lại tận tình giúp cho mình vậy, những hai lần trong sự nguy hiểm. Điều lạ là tôi không thể nhớ mặt cô ấy chút nào. Lúc nào nhìn vào cô cũng như bị lóa ánh đèn. Và tại sao mọi nơi đều trống vắng, từ nhà giam cho đến con đường? Lại nữa, làm sao mà tôi đang bệnh mà đủ sức chạy trốn, không run sợ, thoát khỏi chỗ ngục tù đầy đe dọa đó?

Sau mấy hôm lăn lộn ngoài đường phố Nha Trang tôi cũng hết thích thành phố đầy bụi bẩn và bụi đời… Sau cùng có xe lửa chạy lại. Tôi chạy lúp xúp theo khách buôn lậu, đeo lên xe, và lại được ai đó tử tế kéo lên, để rồi lại ngủ lăn dưới ghế sàn xe lửa… và sau cùng về đến nhà! Bẩn thĩu vô cùng, và… lại ngủ tiếp!

Lần thứ bảy vượt biên, chúng tôi, đội đàn bà (lần này có bổ túc thêm một cô em gái và bạn) và trẻ con, sau khi bềnh bồng trên chiếc ghe tắc xi, rốt cuộc đã thành công leo lên thuyền mẹ ra khơi. Chiếc thuyền đánh cá hai lốc chở hơn trăm người. Chúng tôi bị nhốt dưới hầm tàu ngột ngạt tanh hôi mùi cá.

Lúc đó trời vừa mới về khuya, thuyền còn đang ở cửa biển, sóng đã bắt đầu chập chờn. Càng ngày sóng gió càng mạnh hơn. Thuyền lắc lư ngày càng dữ dội, bà con chung quanh giành nhau bao ny lông để… ói mửa. Rồi tất cả đều phờ phạc nằm chết dỡ sau khi hết gì để ói mửa, nước ở đâu dâng lên từ dưới lòng thuyền. Tôi nằm ướt đẵm dưới lưng, đặt đứa con nhỏ trên mình cho đỡ ướt, còn đứa lớn hơn thì nằm kế bên. Có một anh tự xưng là bác sĩ đi theo thuyền để giúp người bệnh, thì lúc đó còn chết hơn cả người bệnh, lại cứ quay quắt đè lên con tôi. Tôi dùng hết sức còn lại đạp anh ta quay phía bên kia rồi ôm choàng thằng bé nằm trên tay thật sát. Lúc đó tôi nghĩ gì? Tất cả mình chỉ còn có hai con này thôi. Nếu có thì có cả, mất thì mất hết cả. Tôi thầm xin lỗi hai con vì đã quyết định cuộc đời cho chúng. Tuy có tính toán các thứ nhưng làm sao biết trước rủi ro?Cả đời này tôi chỉ mong cho con bình an và sống tử tế, làm người đạo đức, vì chỉ có đức độ mới là hành trang thực sự cho đời này và kiếp sau – lúc đó các con đã bắt đầu học chưởi thề và cọ quẹt nhau với trẻ em trong trường. Nếu Ơn Trên Trời Phật cho sống còn thì phải sống cho xứng đáng. Vậy thôi. Tôi có học Phật từ hồi nhỏ qua kinh sách ở nhà. Sau đó học ở trường vài lớp do các Sư dạy. Vị Thầy chủ yếu là Hòa Thượng Thích Minh Châu, phái Nguyên Thủy, dạy các khái niệm Phật mà không nhắc đến Bồ Tát. Cũng may trong kinh sách đọc hồi còn bé có Bồ Tát xuất hiện, và tôi cũng thích xem… Tây du ký. Nếu có Bồ Tát độ chúng tôi, là vì thấy khổ quá thôi chứ lúc đó tôi chưa niệm Phật nhiều!

Trời giông bão gỉảm dần khi bình minh ló dạng. Đến sáng thì hết mưa bão, biển lặng. Tinh thần và sức khỏe mọi người phấn chấn hơn. Chúng tôi được phép lên trên khoang thuyền thở. Khi đó tôi mới biết mình lại sai, trong vấn đề niệm Phật. Trên thuyền có cả một ngôi chùa đi theo, quý Tăng Ni ngồi phía trên gần chỗ lái thuyền, luân phiên đọc Kinh và Chú Đại Bi suốt đêm!

Người trên thuyền trầm trồ chỉ trỏ một đàn cá chuồn lớn bay vọt lên mặt biển, từ phía bên hông thuyền và bay dần ra trước mũi. Đó là điềm lành may mắn. Khoảng vài giờ sau ra hải phận, có hai chiếc tàu lớn đến đón chúng tôi, một tàu Pháp và một tàu Đức. Không có sự lựa chọn. Đội nhà chúng tôi được lên tàu Đức. Đó là sự may mắn, vì tàu Pháp sẽ đi thẳng về Pháp, còn tàu Đức ghé Singapore, và từ đó chúng tôi có thể đi sang Mỹ đoàn tụ với người nhà bên đó!

Đời tôi, cho đến khi đó, chưa bao giờ thấy nhẹ nhàng giải phóng bằng lúc ngồi trên chuyến xe bus Singapore đưa chúng tôi đi qua phố xem đèn rồi về trại tỵ nạn. Và chưa có món ăn nào ngon bằng một ly mì gói!!!

Giờ hồi tưởng lại tôi có cảm giác như mình đã và đang sống trong một giấc mộng dài, lúc đó và ngay cả bây giờ. Có quá nhiều điều không hiểu nổi. Mà cũng không cần phải hiểu. Nó vậy thì là vậy. Cuộc sống quá nhanh, nhìn lại tất cả đều tựa hồ chiêm bao.

Ba lần thoát nạn của tôi - của chúng tôi - sao đều giống như trong phim ảnh giả tưởng. Có một điều chắc chắn, tôi đã thực sự được cứu ra khỏi ngục tù và bất hạnh. Bởi những người mà tôi không hề thấy rõ mặt. Và những may mắn lớn lao sau cùng quả thật tôi cũng không ngờ lại đến! Những ân nhân đó, nếu là người, thì lòng tử tế và sự xuất hiện kỳ bí của họ vượt trên mức bình thường. Nhưng tâm tôi ngày càng cảm thấy đó là Phật, Phật Bà, Đức Quán Thế Âm!

Những giờ phút ngu ngơ mê mờ nguy ngập vô vọng như thế mà còn được cứu độ, thúc đẩy, đón rước… Vậy thì trong chuyến vượt biên sau cùng của đời người, tôi nhất định phải đi với niềm tin vững chắc và một sự chuẩn bị cho xứng đáng với tình thương bất tận của các đấng Thiêng Liêng Từ Bi.
Nam Mô Thập Phương Chư Phật Chư Bồ Tát
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.

(Trích Quán Thế Âm Đại Tuệ Đại Từ của Huyền Trang phát hành tháng Tư 2021. Muốn thỉnh sách xin gởi tin nhắn text về số 714-290-7747 hoặc gởi thư email đến tinhtan2018@yahoo.com.)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT