Tiêu Thụ

Bất đồng giữa khách hàng và luật sư

Friday, 28/08/2015 - 07:52:32

Nói trắng ra đây cũng là mối quan hệ mua bán – luật sư là người bán, chúng ta là người mua, và sản phẩm là dịch vụ mà luật sư cung cấp. Nhưng cũng như sự liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, sự mua bán ở đây không đơn giản như khi chúng ta mua bán một sản phẩm vật chất.

Bài ERIC TRẦN

Trong quan hệ xã hội, xảy ra va chạm là sự thường. Để giải quyết những va chạm ấy, chúng ta thường phải nại đến luật lệ, và nhờ cậy sự giúp đỡ của những nhà chuyên môn về luật pháp gọi là luật sư. Nhưng nếu sự va chạm lại xảy ra với luật sư, chúng ta còn biết nhờ cậy ai?
Nói trắng ra đây cũng là mối quan hệ mua bán – luật sư là người bán, chúng ta là người mua, và sản phẩm là dịch vụ mà luật sư cung cấp. Nhưng cũng như sự liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, sự mua bán ở đây không đơn giản như khi chúng ta mua bán một sản phẩm vật chất.
Bên cạnh quan hệ mua bán còn là lòng kính trọng dành cho những người có ăn có học mà xã hội tôn lên là bậc thầy; và sự nể sợ của một người dân đen đối với một người có khả năng tranh cãi và lý sự. Vì thế, khi có sự bất đồng với luật sư, người khách hàng thường chịu lép vế dù phải chấp nhận bất công và thiệt hại cách mấy.

Luật sư là một người ăn học cao, thường được xã hội trọng vọng



Luật sư: Người biện hộ và bênh đỡ?

Tên gọi “luật sư” chỉ nói lên cái bề dầy của học vấn, tức là người chuyên về luật, chứ chưa nói về chức năng công việc. Để chỉ công việc của luật sư, tiếng Việt ngày xưa có tên gọi “thầy cãi” hay “trạng sư,” là người biện hộ và bênh vực (advocate) kẻ yếu thế. “Thầy cãi” nghe không được hay, bởi vì nó thể hiện một cách trần trụi công việc của luật sư theo cách nói chân chất của người miền Nam, nhưng vẫn đặt đương sự lên bậc thầy. “Trạng sư” rõ ràng là một tiếng hàm ý kính trọng. Trong một bài hát, người Công Giáo đã trìu mến gọi Đức Bà Maria là “nữ vương, là trạng sư, là mẹ con,” cũng với một ý nghĩa đẹp đẽ như thế.
Nhiều người quan niệm rằng, với một trách nhiệm cao cả như vậy, luật sư đương nhiên phải được trọng vọng, và sự việc chúng ta trả tiền cho họ chỉ nên coi như sự đền đáp để tỏ lòng biết ơn, chứ không nên coi như chuyện mua bán. Nhưng trong xã hội thị trường ngày nay, quan niệm này chỉ còn giá trị như một thứ đồ cổ, quí thì quí thật nhưng không còn thực dụng nữa. Chúng ta chỉ nên coi đó như một nghề có tính chuyên môn cao, và luật sư là một người biết vận dụng luật pháp đê giành phần hơn cho những ai có tiền để thuê họ.
Như vậy, là khách hàng, chúng ta cũng có tư thế của người bỏ tiền ra mua dịch vụ, chúng ta có quyền đòi hỏi sự đáp ứng xứng đáng, bằng không chúng ta phải khiếu nại, phải nêu vấn đề ra trước công luận, để phân rõ phải trái trắng đen. Đúng ra, trong quan hệ với luật sư, chính khách hàng mới là chủ (thân chủ), luật sư chỉ là người thừa hành. Người Mỹ còn rõ ràng hơn, họ gọi việc thuê mướn luật sư là “retain a lawyer,” với đúng nghĩa “giữ lại để sử dụng.”



             Bị ngân hàng đòi nhà vì không kịp trả tiền nợ, người ta cũng nhờ cậy luật sư bênh đỡ


Thực ra, khách hàng có thể hiện được vai trò là “chủ”? Và luật sư có thể hiện hết nỗ lực của mình trong tư thế người được thuê mướn không? Có và không! Nếu luôn luôn “có” thì chẳng đáng để ì xèo. Điều đáng nói là ngay cả trong những trường hợp “không,” thân chủ cũng chẳng hề dám lên tiếng. Mặc dầu không phải là người rành luật lệ, nhiều người chúng ta cũng từng có kinh nghiệm về những trường hợp luật sư bỏ bê thân chủ, luật sư làm việc không hết lòng, làm thiệt hại quyền lợi của thân chủ, luật sư thiếu đạo đức chức nghiệp (unethical), luật sư lạm dụng sự thiếu hiểu biết của thân chủ để lấy tiền lệ phí quá đáng…. Có thể kể ra một vài trường hợp cụ thể như sau:
- Luật sư nhận hồ sơ một vụ đụng xe, đại diện cho thân chủ là người không có lỗi. Nhưng khi tìm hiểu thêm chi tiết, luật sư thấy rằng lợi lộc trong vụ việc này chẳng đáng là bao, bởi vì, khả năng đền trả của bên có lỗi không cao mà lại bị chia sẻ giữa nhiều người cùng là nạn nhân. Luật sư tỏ ra không phấn khởi, và từ từ bỏ bê “không kèn không trống.” Mỗi khi khách hàng gọi tới văn phòng thì chỉ có thư ký trả lời “Luật sư ra tòa” hay “luật sư đang tranh cãi trước tòa!” Sau một thời gian chờ đợi lâu dài, sau nhiều lần liên lạc không có kết quả, khách hàng đành chịu thua và bỏ cuộc, vì thực ra, người khách hàng ấy vốn là một bác sĩ, cũng rất bận rộn trong công việc của mình.
- Một luật sư khác nhận đại diện cho một thân chủ sắp bị mất nhà (foreclosure), với lời hứa sẽ yêu cầu ngân hàng đình hoãn việc xiết nhà để thân chủ có thể thu xếp việc trả tiền. Nhưng thực tế, luật sư chỉ cho nhân viên văn phòng làm một vài hành động biểu tượng, chứ không cố gắng làm hết sức như đã hứa trên giấy trắng mực đen. Rốt cuộc, việc xiết nhà vẫn tiến hành, nạn nhân đã mất nhà mà vẫn phải trả tiền cho luật sư. Biết rằng thiệt hại và oan ức, nhưng nạn nhân chỉ biết để lòng, chứ không dám lên tiếng khiếu nại luật sư….

                               Luật sư là người bênh đỡ khi khách hàng gặp rắc rối về luật pháp

Vả chăng, nếu khiếu nại thì khiếu nại với ai? Ai là người có thể xử luật sư? Và trước hội đồng xét xử, phải đối mặt với một người có khả năng biện bạch tranh cãi như luật sư, ai có thể nói ngược lại? Quả thực là những câu hỏi nan giải đặt ra cho chúng ta, những người bình dân trong giới tiêu thụ. Chúng ta sẽ từ từ tìm lời giải đáp cho những câu hỏi hóc búa này trong những bài kế tiếp.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT