Bình Luận

Bất cẩn và bất cần

Wednesday, 17/06/2020 - 04:03:26

Họ vào bar mua rượu, rồi ra ngoài đứng uống, lớn tiếng cười đùa. Họ không nói ra nhưng họ vẫn ý thức được việc họ phạm tội uống rượu ngoài đường.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hai chữ 'bất cẩn' và 'bất cần' chỉ khác nhau có một cái dấu huyền và một cái dấu hỏi, đang là thái độ của đa số người Mỹ trẻ, sau gần 3 tháng bị bó chân ở nhà để tránh gặp con vi khuẩn coronavirus.

Cô sinh viên Jennifer Charlera, 19 tuổi, cẩn thận tự giam mình trong nhà, nếu không có nhu cầu đi chợ mua thực phẩm, nhận xét, "Mọi người không quan tâm đến chuyện đeo mặt nạ nữa.”

Cô hiểu và thông cảm cái thiếu thốn cần đi ra ngoài, cần gặp gỡ, cần trao đổi của bè bạn, dù họ không thật sự có điều gì cần nói với nhau.

Nhưng cô không đồng ý với việc một số đông đang nhét mặt nạ vào túi, chứ không dùng mặt nạ để tránh lây lan cho mọi người, và tự bảo vệ mình. Chính Charlera cũng ra khỏi nhà nhiều hơn, nhưng ngay khi xuống xe là cô kéo cái mặt nạ đang nằm dưới cằm lên che kín cả mũi lẫn miệng.

Đôi khi cô cũng tham dự những bữa ăn ngoài trời, nhưng vẫn thận trọng giữ khoảng cách 6 phít (feet); nói cách khác cô chỉ giảm bớt thận trọng, nhưng vẫn ý thức được sự cần thiết của biện pháp ly cách giữa người này với người khác.

Charlera chỉ tỏ ra thoải mái hơn, trong lúc thái độ của nhiều cư dân New York khác nói lên tâm trạng nổi loạn sau những ngày bị gò bó.

Họ vào bar mua rượu, rồi ra ngoài đứng uống, lớn tiếng cười đùa, vì họ đã tuân hành khoảng ly cách 6 phít giữa người này với người khác. Họ không nói ra nhưng họ vẫn ý thức được việc họ phạm tội uống rượu ngoài đường.

 

 

Họ mua rượu trong Bar, rồi ra bên ngoài đứng uống

 

Một cảnh khác cũng xảy ra tại New York, bác sĩ Daniela J. Lamas, chuyên về cấp cứu, làm việc tại Elmhurst Hospital hạt Queens, đứng lặng trước khu chuyên trị bệnh nhân coronavirus, mà bà là một trong nhiều bác sĩ đã thức trắng đêm săn sóc bệnh nhân.

Khu bà phụ trách gồm khoảng 30 giường bệnh, mới vài tuần trước, giường nào cũng có người nằm; giờ này không còn ai nữa; lên thượng phiên, mà bà không còn bận tâm nhìn vào bảng ghi công tác khẩn cấp, cần làm ngay nữa.

Nhân rảnh rang, bà Lamas ngồi viết lại cảm giác của bà, "The patients are gone. The halls that were cluttered just a day ago with ventilator monitors are now empty, silent... (bệnh nhân đã biến mất. Khu chuyên trị bệnh nhân coronavirus mới ngày nào còn bừa bộn với màn hình, với máy thở hiện đang trang lặng trống rỗng, ...)

“Gần ba tháng trước, Elmhurst Hospital được biến cải thành bệnh viện chuyên trị bệnh Covid-19 để đối phó với đà bành trướng nhanh chóng của số người bị lây lan; nhờ mọi người tận tụy với trọng trách của mình, nên số bệnh nhân trong khu chúng tôi phụ trách giảm dần, từ 100, xuống vài chục, rồi xuống đến mức chỉ còn có vài người; cuối cùng, đêm nay là đêm trực đầu tiên của tôi mà chắc chắn tôi không bị đánh thức để đối phó với một trường hợp khẩn cấp nữa.

“Dĩ nhiên đó là điều đáng mừng; tuy nhiên thời điểm này vẫn chưa phải là lúc ăn tiệc mừng, uống rược mừng.

“Chúng ta chưa có quyền buông thả, chưa có quyền mất ý thức ngừa bệnh, ngày nào số người Mỹ bị con vi khuẩn coronavirus giết vẫn còn tròm trèm, trên hoặc dưới 1,000 người.

“Tôi biết tại nhiều club, nhiều tư gia tổ chức dạ vũ đông đến vài chục người, họ khiêu vũ mà không đeo khẩu trang. Thái độ đó quả là vô ý thức.

“Đứng nhìn những cái giường bệnh bỏ trống, nhưng tôi vẫn thấy hình ảnh người nam bệnh nhân thích uống cà phê lạnh, thật lạnh và thật đắng. Tôi không quên được hình ảnh cô y tá ngồi bên giường bệnh, cầm ống nói kê sát miệng ông để ông nói những lời giã biệt với gia đình ông, đến thăm ông vào những phút cuối cùng, nhưng không được phép đến gần ông, để tránh lây lan.

“Tôi ngừng lại trước một giường bệnh khác, để xót thương nhớ lại hình ảnh một 'bà ngoại' -chưa lấy gì làm già, móng tay còn sơn mầu hồng- thường hay hỏi tôi ngày nào bà có thể xuất viện để về Florida gặp đứa cháu của bà.

“Vài ngày sau, bà xuất viện trong thế nằm -cơ thể bà gói trong bọc vài, chuyển xuống nhà xác. Số phận hẩm hiu của bà bệnh nhân này đã khiến tôi ngậm ngùi.”

Hôm Chủ Nhật vừa rồi (6/14/2020) Thống Đốc Andrew Cuomo công bố là tiểu bang New York đang bị tràn ngập bởi khoảng 25,000 điện thư khiếu nại về việc một số thương gia lạm dụng và vi phạm kế hoạch phục hồi sinh hoạt bình thường; ông cảnh cáo là những nhà hàng và bar nên thận trọng, vì họ có thể mất giấy phép bán rượu nếu họ không tôn trọng luật lệ. Ông còn nói thêm là ông đã chỉ thị Nha State Liquor Authority gửi thanh tra đi kiểm soát tệ trạng thiếu thận trọng có thể gây tình thạng lây lan COVID-19 tái phát.

Thống đốc nhấn mạnh việc chính quyền cấp tỉnh, thành phố và quận cần quan tâm đến tệ trạng tụ họp đông đúc quá đáng -nhất là tại thành phố New York, khu Manhattan- với 1,628,706 người chen chúc sống trên một diện tích 87 cây số vuông.

 

 

Một cảnh sinh hoạt hàng ngày tại Manhattan

 

Ông Cuomo nói ông hiểu tâm trạng của những viên chức thanh tra không muốn phải cấm đoán sinh hoạt thông thường đông đúc của nhà hàng, quán rượu, nhưng họ vẫn phải làm thôi, vì New York đã bị tổn thất quá nặng trong đợt thứ nhất của trận đại dịch coronavirus.

Một nữ phát ngôn viên của Thị Trưởng de Blasio lên tiếng cho thành phố xã New York viết thông cáo khẳng định là viên chức thành phố Nữu Ứoc vẫn thường xuyên giải tán những đám đông, phát khẩu trang cho họ và tiếp tay với chủ các quán rượu, nhà hàng thực thi mật độ cách ly 6 phít giữa người này với người khác.

Tuy nhiên, trong bản thông cáo vẫn có câu, "Chúng tôi còn ý thức được việc dung hòa giữa nhu cầu an toàn y tế và quyền lợi của kỹ nghệ nhà hàng, quán rượu. Họ được mở cửa trở lại là theo lệnh của tiểu bang, và chúng tôi không tin là trừng phạt họ, làm họ mất sinh kế của họ là giải pháp tốt."

Câu đó tố giác tình trạng thiếu đồng thuận giữa Thống Đốc Cuomo và Thị Trưởng de Blasion- chuyện thông thường trong sinh hoạt chính trị Mỹ.

Chủ nhân ông của hai viên chức đó là cử tri; mỗi định kỳ - 2 hoặc 4 năm- ông chủ sẽ phán xét một lần xem mướn ai, và đuổi ai về vườn, ngồi vẽ chân mày cho vợ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT