Thế Giới

Bão quét qua Phi Luật Tân, 3 người chết

Tuesday, 12/09/2017 - 07:38:46

Ít nhất 7,350 người đã thiệt mạng và mất tích sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền trung nước này hồi tháng 11, 2013.



MANILA – Cơn bão Maring đã khiến 3 người thiệt mạng và gây ngập lụt nghiêm trọng ở thủ đô của Philippines, khiến nhiều trường học và công sở phải đóng cửa. Ít nhất 3 người đã chết và 6 người mất tích, sau khi bão Maring đổ bộ vào Philippines trong ngày thứ Ba, buộc nhiều trường học, văn phòng chính phủ và công ty tại thủ đô Manila phải đóng cửa. Hầu hết số thương vong đều là những người nghèo sống ở các "khu vực nguy hiểm,” bất chấp cảnh báo do chính phủ Philippines đưa ra trước khi bão đổ bộ.
"Chính quyền địa phương liên tục cảnh báo về nguy cơ sạt lở đất, nhưng họ vẫn ở lại,” một viên chức cho biết, sau vụ lở đất làm 2 thiếu niên thiệt mạng ở phía đông Manila. Một bé gái 12 tuổi đã chết đuối sau khi bị nước cuốn ở vùng ngoại ô Manila. Bão Maring đổ bộ vào thị trấn miền đông Mauban, sau đó đổi hướng tây bắc, quét qua đảo Luzon và gây ảnh hưởng nặng tới thủ đô Manila. Tại thành phố Calamba, phía nam Manila, một cơn lũ quét đã cuốn trôi một ngôi nhà hai tầng ven sông, khiến 6 cư dân mất tích.
Cơ quan dự báo thời tiết Philippines cho biết, bão Maring có gió giật 100 cây số/giờ. Tốc độ di chuyển khá chậm khiến nó gây nhiều mưa tại các khu vực ảnh hưởng, làm trầm trọng hóa tình trạng lũ lụt. Nhà chức trách đã ra lệnh di tản tại các vùng trũng, ven biển hoặc có nguy cơ sạt lở đất. Philippines thường là quốc gia đầu tiên phải hứng chịu các cơn bão nhiệt đới hình thành trên Thái Bình Dương. Ít nhất 7,350 người đã thiệt mạng và mất tích sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền trung nước này hồi tháng 11, 2013.

Nhật xây đường xe điện tại Ấn Độ
TOKYO – Vào ngày thứ Tư, 13 tháng 9, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe đã bắt đầu chuyến công du dài ba ngày tại Ấn Độ, để gặp gỡ người đồng cấp Narendra Modi và dự lễ khởi công xây dựng một tuyến đường xe điện mới, sử dụng kỹ thuật xe điện tốc độ cao do Nhật Bản cung cấp. Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết, chuyến đi này sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ.
Trước sự lấn lướt càng ngày càng tăng của Trung Cộng tại biển Đông, biển Hoa Đông và cả Ấn Độ Dương, Tokyo và New Dheli đã nỗ lực thắt chặt quan hệ giữa 2 nước, và gia tăng hợp tác quốc phòng cùng an ninh hàng hải. Tính luôn cả cuộc gặp vào thứ Tư, ông Abe và ông Modi đã gặp gỡ trực tiếp 10 lần, kể từ khi ông Modi nhậm chức vào tháng 5, 2014. Vào tháng 7 vừa qua, hải quân Nhật, Ấn Độ, và Hoa Kỳ, cũng đã tổ chức một cuộc tập trận lớn tại Ấn Độ Dương.
Trong cuộc họp lần này, ông Abe và ông Modi dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề Bắc Hàn. Ngoài ra, ông Abe cũng sẽ dự lễ khởi công một dự án xe điện nối thành phố Ahmadabad và Mumbai, sử dụng kỹ thuật xe điện cao tốc của Nhật Bản. Ấn Độ dự kiến sẽ hoàn thành và sử dụng đường xe điện này vào năm 2023. Vào tháng 7 vừa qua, 2 thủ tướng cũng đạt một thỏa thuận hợp tác về kỹ thuật nguyên tử dân sự, cho phép Nhật xuất cảng các thiết bị và kỹ thuật năng lượng nguyên tử sang Ấn Độ.

Bắc Hàn đe dọa Hoa Kỳ sẽ nếm mùi đau đớn
GENEVA - Đại sứ Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba đã bác bỏ lệnh trừng phạt mới mà cộng đồng thế giới vừa phê chuẩn. Tại Hội nghị giải trừ quân bị tại Thụy Sỹ, ông Han Ta Song, đại sứ Bắc Hàn, nói: “Bắc Hàn lên án và phản đối những sắc lệnh phi pháp mới nhất của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Hoa Kỳ luôn bị ám ảnh bởi ý định đảo ngược quá trình phát triển vũ khí hạt nhân vốn đã hoàn thiện của Bắc Hàn, và chủ động kích động sự đối đầu về chính trị, kinh tế, và quân sự.” Ông Han tuyên bố, Bắc Hàn sẵn sàng dùng đến các biện pháp cuối cùng, và Hoa Kỳ sẽ sớm phải đối mặt với “sự đau đớn chưa từng thấy,” vì những nỗ lực của Washington trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, đại diện Hoa Kỳ Robert Woods nói rằng ông hy vọng Bắc Hàn hiểu được thông điệp từ lệnh trừng phạt và lựa chọn con đường từ bỏ chương trình hạt nhân. Với sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, Hội Đồng Bảo An hôm thứ Hai đã bỏ phiếu chấp thuận lệnh trừng phạt Bắc Hàn do Hoa Kỳ soạn thảo, với tỷ lệ 15-0. Sắc lệnh mới cấm Bắc Hàn xuất cảng các loại hàng may mặc, hạn chế nhập cảng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, đồng thời giới hạn số người Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài. Biện pháp này được kỳ vọng là sẽ cắt giảm mạnh nguồn thu ngoại tệ và nguồn cung cấp năng lượng cho Bắc Hàn, hai yếu tố không thể thiếu của chương trình hỏa tiễn và hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Mỹ, Nhật tập trận giả định tấn công Bắc Hàn
TOKYO - 1,200 binh sĩ Hoa Kỳ và Nhật hôm thứ Ba bắt đầu diễn tập chiến đấu trong đô thị ở khu vực gần núi Phú Sĩ, miền trung Nhật Bản. Đây là một phần của đợt tập trận chung thường niên mang tên "Orient Shield" (Lá chắn phương Đông), giả định một cuộc tấn công vào các thành phố của Bắc Hàn. Ngoài bộ binh, Washington còn điều các trực thăng AH-64 Apache và UH-60 Black Hawk làm nhiệm vụ hỏa lực yểm trợ. Phi công Hoa Kỳ thực hiện các nhiệm vụ bắn đạn thật bên cạnh các trực thăng AH-1 Cobra và UH-1 Iroquis của Nhật.
Orient Shield là cuộc tập trận thường niên được Hoa Kỳ và Nhật tổ chức từ năm 1985. Cuộc tập trận năm nay có quân số tham gia ít hơn 25% so với mức 1,600 binh sĩ của năm ngoái. Orient Shield 2017 diễn ra trong bối cảnh Bắc Hàn vừa thử hạt nhân lần thứ sáu và có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hỏa tiễn đạn đạo.


Chính phủ Syria đang kiểm soát 85% quốc gia
ALEPPO – Quân đội Nga hôm thứ Ba cho biết, quân đội chính phủ Syria đã chiếm lại 85% lãnh thổ, vốn từng bị chiếm đóng bởi các phiến quân. Đây là một tiến triển lớn vào 2 năm sau khi Moscow chính thức can thiệp vào cuộc chiến và hỗ trợ chính phủ Damacus. Quân đội Nga đã hỗ trợ trên không cho quân đội của Tổng Thống Bashar al-Assad từ năm 2015, giúp quân Syria có nhiều lợi thế so với các tay súng đối lập và phiến quân Nhà Nước Hồi Giáo.
Trung Tướng Alexander Lapin loan báo việc giành lại căn cứ Không quân Hemeimeem ở Syria, và nói rằng các nhóm đối lập còn giữ một khu vực rộng khoảng 10,425 dặm vuông. Quân đội Syria, với hỗ trợ từ Nga và các tổ chức được Iran ủng hộ, trong những tuần qua đã đẩy lùi phiến quan ISIS ra khỏi trung tâm tỉnh Homs, gần biên giới với Lebanon, và hiện đang chiến đấu với nhóm này ở tỉnh Deir el-Zour.
Vận may của Tổng Thống Assad đã thay đổi lớn kể từ khi Nga tham gia cuộc nội chiến vào 2 năm trước. Khi đó, quân đội chính phủ Syria đã phải liên tục rút lui trước sự tấn công của phe nổi dậy ở miền bắc. Với sự trợ giúp của Nga, đến năm 2016, quân chính phủ Syria đã liên tiếp giành các thắng lợi lớn như việc chiếm lại thành cổ Palmyra từ tay ISIS, và thành phố Aleppo từ phe đối lập. Cuộc nội chiến Syria hiện đang ở trong năm thứ 7, và có lẽ đã sắp kết thúc.

Tòa án Đức ngừng xét xử cựu nhân viên SS
BERLIN – Tòa án ở Đức đã ngừng xét xử một cựu nhân viên SS thời Đức quốc xã, người từng làm nhân viên y tế tại trại tập trung Auschwitz, sau khi các chuyên gia xác định rằng sức khỏe của bị cáo 96 tuổi không phù hợp để chịu xét xử. Công tố viên vào tháng trước cho biết, họ sắp sửa ngừng truy tố với bị cáo Hubert Zafke, sau khi 2 chuyên gia xác định bị cáo mắc chứng mất trí nhớ của người già.
Zafke trước đó bị truy tố 3,681 tội hỗ trợ giết người vào năm 2015, vì đã giúp trại Auschwitz hoạt động. Luật sư của ông Zafke nói rằng ông không làm điều gì có tội. Phiên tòa của ông Zafke cũng từng bị trì hoãn rất lâu vì các vấn đề sức khỏe của ông. Vào tháng 6 vừa qua, 3 quan tòa đã bị loại khỏi vụ xét xử, sau khi công tố viên và luật sư đại diện các nạn nhân Auschwitz cáo buộc rằng họ đã thiên vị.

Sản lượng dầu của OPEC bắt đầu giảm
LONDON – Hôm thứ Ba, tổ chức các nước sản xuất dầu OPEC công bố báo cáo cho biết, sản lượng dầu thô của nhóm này đã giảm vào tháng 8, cũng là lần giảm đầu tiên tính từ tháng 4, 2017. Đây là nỗ lực của OPEC nhằm hạn chế tình trạng dư thừa xăng dầu trên toàn thế giới và nhằm kéo giá dầu đi lên. Sản lượng dầu của OPEC giảm 0.24%, xuống còn 32.76 triệu thùng 1 ngày trong tháng 8, bớt được 79,000 thùng so với tháng 7. Số lượng giảm này chủ yếu đến từ Libya, Gabon, Venezuela, và Iraq.
Báo cáo trên được công bố giữa lúc Ả Rập Saudi, cũng là thành viên lớn nhất của OPEC và nước xuất cảng dầu lớn nhất thế giới, đang tranh luận xem liệu có nên tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không, khi thỏa thuận này hết hạn vào năm tới. Vào năm ngoái, OPEC và 10 nước sản xuất dầu nằm ngoài tổ chức đã đồng ý cắt giảm khoảng 1.8 triệu thùng 1 ngày, so với mức đỉnh điểm vào tháng 10, 2016 là 33.39 triệu thùng 1 ngày.
Vào tháng 5 năm nay, thỏa thuận giảm sản lượng tiếp tục được gia hạn đến hết tháng 3, 2018. Tuy nhiên, trong tháng 6 và tháng 7, sản lượng dầu của OPEC không giảm do việc tăng sản xuất từ Libya và Nigeria, 2 nước được miễn trừ khỏi thỏa thuận vì cần khôi phục kinh tế sau nội chiến. Chỉ đến tháng 8 vừa qua, sản lượng dầu của Libya mới giảm do một số đường ống bị cắt và mỏ dầu bị đóng cửa. Cho đến nay, việc OPEC giảm sản lượng dầu có vẻ như không có tác dụng nhiều trong việc giúp dầu tăng giá, một phần là do nguồn cung cấp dầu từ những nước ngoài OPEC vẫn tăng đều đặn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT