Tiêu Thụ

Bảo hiểm y tế, làm thế nào để giới tiêu thụ có lợi nhất?

Friday, 11/08/2017 - 08:02:47

Chúng tôi không có ý kiến cá nhân về việc giữ, hay bãi bỏ Obamacare, nhưng xin trình bày một vài nguyên tắc căn bản về thị trường bảo hiểm dưới lăng kính người tiêu thụ

Bài ERIC TRẦN

Bảo hiểm y tế là một sản phẩm quan trọng mà gần như ai cũng phải dùng. Vì thế thị trường bảo hiểm sức khỏe luôn luôn là một đề tài nóng. Nhất là trong thời gian gần đây khi mà cuộc tranh luận về Obamacare – nên tiếp tục, sửa đổi, bãi bỏ và thay thế, hay cứ tiếp tục thi hành - đang khá sôi động tại Quốc Hội Hoa Kỳ và trong dư luận công chúng. Chúng tôi không có ý kiến cá nhân về việc giữ, hay bãi bỏ Obamacare, nhưng xin trình bày một vài nguyên tắc căn bản về thị trường bảo hiểm dưới lăng kính người tiêu thụ

Cung cầu và thị trường

Giống như bất cứ một dịch vụ hoặc sản phẩm nào khác trên thị trường, việc mua bán bảo hiểm y tế rơi vào một trong những trường hợp sau đây:


“Obamacare, nó đau đấy!” Mà đúng là đau thật vì chính quyền xen vào quá sâu, quá bạo.

- Trường hợp 1, hàng hóa luân chuyển tự do hoàn toàn theo qui luật cung cầu: Cung nhiều (nhiều người bán) cầu ít (ít người mua) thì giá hàng rẻ, có lợi cho giới tiêu thụ; ngược lại, cung ít (ít người bán) cầu nhiều (nhiều người mua) thì giá hàng đắt, người tiêu thụ phải chịu giá cao. Từ bản chất vận hành như vậy, thị trường tự do sẽ phát sinh cạnh tranh giữa người bán để giành khách hàng, nhờ đó giá cả sẽ được điều chỉnh ở mức độ phải chăng, tương ứng với luật cung cầu. Cơ chế tự điều chỉnh này chỉ có trong nền kinh tế tự do, hay còn gọi là kinh tế thị trường.

- Trường hợp 2, giá cả hàng hóa được qui định bởi chính quyền: Nhà cầm quyền qui định giá cả hàng hóa, bất chấp tình trạng cung cầu. Người bán không cần cạnh tranh, không cần điều chỉnh sản lượng, không cần cải thiện phẩm chất hàng hóa. Hàng hóa có lúc ứ đọng, có lúc khan hiếm, và thị trường chợ đen xuất hiện khi người mua không được cung cấp theo nhu cầu. Đó là đặc tính của nền kinh tế hoạch định.

- Trường hợp 3, thị trường nửa tự do, nửa hoạch định: Khi một đơn vị bán hàng trở nên thống lãnh, nắm được độc quyền, từ đó gạt bỏ cạnh tranh, hoàn toàn làm mưa gió trên thị trường…. thì chính quyền cần can thiệp để phá vỡ thế độc quyền, tái lập sự cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích người tiêu thụ. Trong vai trò đó, sự đóng góp của chính quyền được coi là tích cực. Nhưng nếu chính quyền không tự hạn chế, mà can thiệp nhiều hơn mức độ ấy, thì cán cân thị trường lệch về phía hoạch định hơn là tự do.


Thị trường cần phải được tự do để cán cân cung cầu tự điều chỉnh, đó là quyền lợi của người tiêu thụ.

Obamacare và thị trường

Từ những ý niệm căn bản đó, chúng ta thử tìm hiểu thị trường bảo hiểm y tế của Hoa Kỳ như thế nào? Obamacare đã tác động vào đó ra sao?

Trước khi Obamacare được áp dụng từ tháng Giêng 2014, thì bảo hiểm y tế có tính cách của một thị trường tự do với sự can thiệp hạn chế từ chính quyền. Thời đó có khá nhiều hãng bảo hiểm, và rất nhiều “gói” bảo hiểm được bày bán, với giá cả khác nhau, phẩm chất khác nhau. Giới tiêu thụ được quyền chọn mua, mua đến mức nào, hoặc không mua gì cả tùy thuộc hoàn cảnh cá nhân.

Kể từ năm 2014, đạo luật sức khỏe ACA (Affordable Care Act), chính là Obamacare theo tên gọi chính thức, ra đời thì nhiều qui định mới áp đặt trên thị trường và giới tiêu thụ, tiêu biểu như sau:

- Về phía người bán: Bắt buộc phải bán, không được từ chối người mua, mà cũng không được nâng giá hàng. Khi sản phẩm là một chương trình bảo hiểm, thì tình trạng sức khỏe của người mua là một yếu tố quan trọng. Nhưng với Obamacare, người bán không được xét yếu tố này, bất kể người mua có bệnh tật như thế nào trước đó. Đối với người làm kinh doanh, đây là một sự ép tình rất lớn, đẩy họ vào một tình thế rất rủi ro, có thể đưa đến lỗ nặng vì gặp những khách hàng đã có bệnh hiểm nghèo từ trước, đòi hỏi chi phí chữa trị nặng nề mà không được lấy bảo phí cao hơn, hoặc thậm chí từ chối để loại bớt rủi ro.

- Về phía người mua: Tất cả mọi cư dân, công dân cũng như thường trú nhân hợp pháp trên đất Mỹ, đều phải mua bảo hiểm. Người nghèo không đủ tiền, sẽ được chính phủ trợ cấp để mua. Tiền trợ cấp nhiều hay ít sẽ được tính toán tùy theo mức độ nghèo. Nghèo quá (lợi tức dưới mức nghèo khổ qui định hiện nay là $12,060 một năm/một người) sẽ được trợ cấp 100%, tức là được cấp Medicaid, MediCal hoàn toàn miễn phí. Những người được coi là “giầu” quá (lợi tức vượt trên $48,240 một năm) sẽ không được trợ cấp, phải mua bảo hiểm bằng 100% tiền túi của mình, có thể lên tới $500, $600 hoặc nhiều hơn nữa mỗi tháng. Ai không mua sẽ bị nộp phạt.

Mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường như vậy là quá nhiều: Không kể rất nhiều qui định khác, chỉ cần điều khoản buộc giới kinh doanh phải bán đã là một sự can thiệp quá … thô bạo, ngược lại bản chất thị trường tự do rồi. Dưới sự chi phối của Obamacare, cán cân đã nghiêng hẳn về phía hoạch định, không thể nói là tự do nữa.

Nhưng chưa hết, Obamacare còn buộc giới tiêu thụ phải mua, ai cũng phải mua. Phải nhận rằng đây là một đòi hỏi độc đáo, mà ngay cả những chế độ hoạch định trước đây chưa hề nghĩ ra. Trong thị trường hoạch định cổ điển, chẳng hạn như thời “tem phiếu” tại Việt Nam, nhà nước cộng sản độc quyền phân phối, mà thường là phân phối dưới mức nhu cầu, dân không đủ ăn, nên phát sinh thị trường chợ đen. Chứ không có tình trạng ép mua, như thị trường bảo hiểm y tế tại Hoa Kỳ dưới đạo luật Obamacare.
Kết quả ra sao?

Bây giờ chúng ta không còn phải lý luận xem là hoạch định tốt hơn, hay tự do tốt hơn. Mới chỉ sau ba năm áp dụng Obamacare, chúng ta đã có quá nhiều sự kiện thực tế:

1. Về phía người bán
Nhiều hãng bảo hiểm rút khỏi thị trường vì lỗ nặng do phải bỏ ra những số tiền khổng lồ để chữa chạy cho số khách hàng đã có bệnh hiểm nghèo trước đó. Rốt cục, tại một số địa phương, thị trường chỉ còn lại … một, hai công ty! Giờ đây, họ độc chiếm thị trường, có quyền tăng bảo phí lên gấp đôi, gấp ba… để tăng số thâu. Để giảm số chi, họ còn có thể vận dụng nhiều biện pháp khác như nâng Deductible và Out-of-Pocket Expenses … mà chính quyền không thể làm gì để can gián.

2. Về phía người tiêu thụ
Ít nhất có một thành phần được lợi, đó là những người bỗng dưng được hưởng Medicaid (MediCal) miễn phí vì lợi tức khai báo dưới $12,060. Những người này làm sao không vui mừng khi trước đây ba năm họ phải xoay xở tự mua bảo hiểm, hay đành liều không có bảo hiểm mà bây giờ được hưởng bảo hiểm miễn phí theo qui định của Obamacare! Có ai không mừng khi bỗng dưng được hưởng quyền lợi miễn phí?
Đối với những người trẻ tuổi, khỏe mạnh, có công ăn việc làm, không được hưởng trợ cấp, thường cả năm mới đi khám tổng quát một lần mà phải bỏ ra mỗi tháng $500, $600 thì đúng là một phí phạm lớn. Nên nhiều người chấp nhận đóng phạt, còn “dễ thở” hơn là bỏ tiền ra mua bảo hiểm. Thế nhưng, nếu lỡ lâm bạo bệnh vào lúc nào đó, đương sự lại có thể mua bảo hiểm mà không công ty nào còn có mặt trên thị trường có quyền từ chối – cũng theo qui định của Obamacare. Tình trạng “bổ ngang” thế này chắc chắn làm cho hãng bảo hiểm lỗ vốn hơn, phải nâng bảo phí, deductible và out-of-pocket… lên cao hơn… Và còn cao hơn, cao hơn nữa cho các năm sau.

Với những người mua bảo hiểm có phần nào trợ cấp cũng không vui vẻ gì khi phải đối phó bảo phí, cộng thêm deductible, out-of-pocket… mỗi lúc mỗi tăng. Đưa đến tình trạng nhiều người chỉ mua bảo hiểm cho có, để khỏi bị phạt, hoặc để phòng khi bệnh nặng, phải nằm nhà thương lâu dài, chứ còn sử dụng những khi bệnh vặt, đau đây nhức đó, đi bác sĩ hoặc xét nghiệm để truy tìm, phòng bệnh… thì không bao giờ dám. Bởi vì, tiếng rằng có bảo hiểm, nhưng đương sự lại phải bỏ tiền túi ra 100% cho đến khi đáp ứng số deductible (chừng vài ngàn một năm) mới mong hưởng được chút quyền lợi.

Rốt cuộc, có bảo hiểm nhưng không dám dùng … thì có cũng như không! Bảo phí, dù được trợ cấp, vẫn là … sự lãng phí!

3. Về phía nhà nước
Tiền tài trợ cho các tiểu bang để họ nới rộng Medicaid, MediCal… là tiền vay mượn; Tiền tài trợ cho những người mua bảo hiểm là tiền vay mượn. Cộng lại, tiền nợ đổ lên vai quốc gia đã tăng từ 10 ngàn tỷ của 43 đời tổng thống trước đó gộp lại, tăng thành 18 ngàn tỷ, tức gần gấp đôi, dưới sự chi tiêu quá tay của riêng một chính quyền Obama.

Trước tình trạng mà không có bên nào “thắng cuộc” (no one wins) ngay cả những người khai sinh ra Obamacare cũng thấy rõ nguy cơ bùng vỡ sắp đến gần, nếu không có biện pháp sửa chữa chấn chỉnh kịp thời.

Dưới lăng kính của một người trong giới tiêu thụ, chúng ta có thể kết luận rằng cần phải để thị trường tự do điều chỉnh cán cân cung cầu, với sự uốn nắn rất hạn chế từ phía nhà cầm quyền. Đó là yêu cầu và quyền lợi của cả giới kinh doanh và giới tiêu thụ. Hoàn cảnh nan giải mà Obamacare đang dẫn đưa đất nước Hoa Kỳ vào hiện nay là một điển hình rõ nét, khó có thể biện bác.

Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT