Hôm Nay Ăn Gì

Bánh tré đầu Xuân

Thursday, 11/02/2021 - 08:49:15

Đây có lẽ là lần thứ mấy rồi, tôi viết về món tré, và hình như không có lần nào giống lần nào mặc dù câu chuyện cũng chỉ xoay quanh bánh tré tai mui thơm hương vị riềng tỏi ớt, thính và một chút thanh khí đất trời mùa xuân.


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Đây có lẽ là lần thứ mấy rồi, tôi viết về món tré, và hình như không có lần nào giống lần nào mặc dù câu chuyện cũng chỉ xoay quanh bánh tré tai mui thơm hương vị riềng tỏi ớt, thính và một chút thanh khí đất trời mùa xuân, cốt chuyện hình như cũng xoay quanh bà tôi và nàng (bà xã tôi). Nhưng hình như cứ mỗi khi trời mưa dầm dề hay mưa lây rây, mưa phùn hay nắng như hạn đầu mùa đều cho tôi cảm xúc lạ, cho tôi nhớ tới mùi bánh tré cùng những năm tháng xa ngái ấy… Mùi bánh tré như hiện thực trong kỉ niệm và như kỉ niệm trong hiện thực.

Nói mùi bánh như hiện thực trong kỉ niệm bởi mỗi khi tôi nhớ kỉ niệm, hoặc giả vô tình nàng bất ngờ cho tôi dĩa bánh tré với cốc bia sau giờ làm việc, tôi lại thấy hình ảnh dĩa bánh tré của bà ở Tết năm nảo năm nào hiện về, cả cái mùi bánh tré, tỉ lệ pha thính, riềng, tỏi, tiêu và tai mui xắt mỏng độ nào… dường như giữa nàng và bà có mối liên hệ khó nói.

Nói mùi bánh tré như kỉ niệm trong hiện thực bởi mỗi khi tôi nhớ về thời thơ ấu, cái thời bà còn trong cõi đời cùng tôi và làm một chỗ dựa cho đứa bé mang họ mẹ như tôi, thì không hiểu sao, cách gì nàng cũng buộc miệng rủ tôi đi chợ, mua một ít tai mui về làm bánh tré, không nhất thiết cứ phải là ngày Tết. Đâm ra, với tôi, dường như bốn mùa đều âm vang mùa xuân và mùa xuân như một tiếng hét lớn thốt ra từ lồng ngực nhớ nhung điều gì đó không còn thuộc về…


(Tom/ Viễn Đông)

Ai từng sống ở quê, từng trải qua thời kinh tế tập thể, tập trung bao cấp, chắc còn nhớ những ông tư đề (người đi trổ nước ruộng, người không biết sợ ma, có thể đi thâu đêm suốt sáng để lội từ đám ruộng này sang cánh đồng nọ). Hồi đó, chưa có điện, máy bơm nước chạy bằng dầu, người ta chạy máy ban đêm để máy đỡ nóng và thường thì ban đêm thủy triều lên, nước sông dâng cao, ít bị bùn và rác, tránh được tình trạng hỏng máy bơm. Hồi đó, một cái máy bơm có thể đổi bằng bốn, năm con trâu. Thời lạc hậu nên cái gì thuộc về công nghiệp đều rất quí. Hồi đó nhà nào không có ruộng hợp tác xã thì lỡ làm miếng ruộng, chỉ có cách duy nhất là trổ trộm nước vào ban đêm. Bà tôi có hơn trăm mét vuông ruộng mà phải tát nước đìa, phải múc nước giếng để cứu lúa…

Tôi nhớ như in hình ảnh Ba Ti, một tư đề bị nghiện rượu và sống hết mình với quá khứ. Ông này luôn tự hào mình là chiến binh chiến trường Campuchia, từng bị lính Khơ Me Đỏ rượt chạy băng rừng và bắn đạn vèo vèo hai bên tai nhưng không chết, nhờ ông biết học hỏi cách chạy zic zắc trong rừng của chiến binh Khơ Me…
Bên cạnh đó, Ba Ti còn tự hào mình là xạ thủ số một, từng thi bắn đạt điểm mười trên mười liên tục và đoạt giải toàn quân khu…

Bà hỏi Ba Ti, “Bắn giỏi thế chú bắn được bao nhiêu người rồi?”

Ba Ti cười giả lã, nói lấp, “Bác ơi, con chỉ nói là con giải nhất toàn quân khu, như vậy bác hiểu trình độ con bắn giỏi cỡ nào rồi. Chớ ra ngoài đó, chạy được thì chạy chớ bắn chi cho tội họ vậy bác!” Nói xong, Ba Ti lại cười giả lã.

Hình như nhờ cái giả lã, nói dóc về khả năng bắn mà chưa bao giờ tỏ ra độc ác, tuyên bố mình từng bắn bao nhiêu quân đối phương của Ba Ti mà bà thương Ba Ti như con. Bởi hồi đó Ba Ti nghèo khổ, đi bộ đội về thì cưới vợ, vợ con nheo nhóc…


(Tom/ Viễn Đông)

Thi thoảng có thức ăn, bà hay gọi Ba Ti vào cho ổng mang về cho vợ con, mẹ tôi thỉnh thoảng kêu ổng vào cho vài mét vải xô để ổng mang về may áo quần cho con. Dường như mọi thứ bà cho Ba Ti tôi đều đồng tình và thấy vui, trừ mấy cục tré treo trên giàn bếp. Hồi đó bà làm cả tré và trưởi. Tré làm bằng tai mui, phần ngon, giòn và ít mỡ, trưởi làm bằng phần má lọc ra từ má hàm, có nhiều mỡ, da và có thêm chút nạc nữa nên rất nhanh chín, nhanh chua nhưng hơi lộn xộn và đậm vị riềng hơn. Ví dụ như tré chỉ cần bỏ hai lát riềng mỏng băm nhỏ trong một gói thì trưởi phải đến ba, bốn lát trong một gói.

Nếu như bây giờ, người ta thích tré hơn trưởi thì cái thời nghèo đói, người ta lại mê trưởi hơn tré, bởi trưởi vừa chua ngọt, lại vừa nhiều mỡ, ăn đằm bụng hơn tré nhâm nhi có chút xíu… May cho Ba Ti là ông chỉ được bà cho trưởi và ông chỉ chỉ xin bà gói trưởi thôi. Cứ mỗi lần chuẩn bị đi ra ruộng, Ba Ti chạy vào nhà tôi, vác cái cuốc đặt ngoài sân, bước vào nhà với bó cải xanh hoặc mớ rau má “biếu bác với chị” rồi ngồi đó chờ. Bà tôi cho một ly rượu cúng và một gói trưởi, Ba Ti ngồi nhâm nhi trưởi với rượu xong thì cảm ơn, đi ra đồng.

Gần như mỗi khi bà gói trưởi thì cách chi hai hôm sau Ba Ti cũng ghé vô nhà, biếu cải xanh hoặc đậu phụng, sau đó là ăn trưởi, uống ly rượu cúng trong chai rượu thờ rồi lại đi làm. Có lần, tôi nhớ lúc đó chừng hai giờ sáng, Ba Ti gõ cửa nhà tôi, kêu ầm lên, bà dậy mở cửa, hỏi có chuyện gì, Ba Ti đưa tay ra dấu bí mật, đừng lên tiếng, sau đó lão mang vào một nhành mai. Bà tôi hỏi sao lại có hoa mai giữa đêm khuya khoắt như vậy, ở đâu ra? Lão thú thật là lão đã cắt trộm, lão cần một ít tiền để mua thuốc cho con lão. Bà tôi nghe vậy thì chết lặng. Bà bảo lão hãy mang nhành mai về bỏ lại chỗ sân nhà người ta, nếu có thể thì tìm cách nhân lúc người ta đã nguội chuyện hãy xin lỗi. Còn tiền thì bà cho lão mượn nửa chỉ vàng để bán chữa bệnh cho con.

Năm đó, Ba Ti bỏ nhà đi kinh tế mới, nghe nói cực khổ lắm, cái nơi khỉ ho cò gáy, có làm ra tiền tấn cũng thiếu thốn đủ bề, đằng này không có tiền thì càng khổ hơn. Lão đi biền biệt hơn ba chục năm, cho đến ngày bà tôi qua đời. Không biết lão nghe tin ở đâu ra, lão bay về nhưng đã muộn. Tuần bảy ngày của bà, lão nói với tôi rằng cuộc đời đi biền biệt hơn ba mươi năm, có lúc lên voi, có lúc xuống chó, nhưng chưa bao giờ lão quên món nợ nửa chỉ vàng với bà. Lão về để trả nợ, trả ơn bà nhưng không kịp…


(Tom/ Viễn Đông)

Tôi hỏi thăm về đời sống của lão hiện nay, lão kể thật là trước đây có lên voi chút đỉnh nhờ cà phê. Nhưng diện tích cà phê khai hoang bị lấy lại trồng cao su, vậy là lão chỉ còn có mấy sào cà phê, thời kinh tế khó khăn, cà phê rớt giá, vậy là nghèo lại hoàn nghèo… Lão trả nửa chỉ vàng và trả thêm một chỉ rưỡi tiền lãi thành hai chỉ. Bà xã tôi nhận cho lão vui, xong rồi trả phần lãi một chỉ rưỡi lại cho lão, nàng bảo nhận tượng trưng như vậy cho lão yên lòng, còn nửa chỉ lão mượn trước đây, nàng cũng tặng cho con của lão mua sách vở. Nàng bảo lâu nay không nghe bà nhắc đến nửa chỉ vàng, như vậy có nghĩa là bà đã cho lão, hãy nhận cho bà vui…

Lần đó lão về lại Tây Nguyên, nàng có biếu lão mấy bánh tré và gói trưởi sau khi nghe tôi kể chuyện nhành mai, những gói trưởi thời lão đi làm tư đề… Về tới nơi, lão có gọi điện, nói rằng tré của nàng làm rất giống tré của bà hồi xưa. Thế rồi bặt tin. Mãi đến mấy ngày cuối năm, tự dưng nhớ lão, tôi gọi vào máy lão hỏi thăm, gặp đứa con út, nó bảo cha nó qua đời đã ba năm rồi. Nhưng nó vẫn giữ số của cha… Nó còn nói rằng khi nào có dịp thì nó ghé, nhờ nàng dạy cho cách gói bánh tré và trưởi.

Thì có gì đâu, một ít tai mui luộc chín, vớt ra để nguội, xắt thật mỏng, củ riềng gọt sạch, rửa sạch, để ráo nước rồi xắt nhỏ, bằm thành vụn nhỏ bằng một phần tư hạt đậu phụng rang, nhỏ hơn một chút cũng tốt, tỏi lột thành từng tép, loại củ nhỏ, tiêu để nguyên hạt, một ít bánh tráng nướng bóp vụn, giã thành bột nếu không có thính, nếu mua được bột thính thì không cần bánh tráng, và một ít mè rang, bóc vỏ sạch, giữ nguyên hạt. Khi mè rang nguội, tai mui nguội, cho riềng, một chút lá ổi xắt vụn, một chút muối bột, mè, tỏi nguyên tép, tiêu nguyên hạt và thính vào trộn đều, nhẹ tay. Trộn xong có thể nếm thử độ mặn, nếu vừa miệng, không quá nhạt hoặc mặn thì cho thêm chút xíu đường cát vào, trộn nhẹ tay lần nữa. Sau đó để chừng nửa giờ rồi gói. Cách gói cũng giống gói bánh tét hoặc chả đòn nhưng nhỏ hơn, khi gói nhớ cho một lá ổi ngoài cùng, dùng đũa nhận vừa tay cho tré khỏi bị xổm và gói kín, tránh hở gió.


(Tom/ Viễn Đông)

Gói xong treo giàn bếp hoặc để lên bàn thờ ông táo trên bếp, chừng ba ngày sau thì món tré có thể ăn được. Món trưởi thì dùng cả thịt má đầu và một ít thịt ba chỉ xắt mỏng trộn vào, cách làm và nguyên liệu cũng giống món tré nhưng sau này sẽ ướt và chua hơn tré. Cách làm của cả hai món này chỉ có công thức cho nguyên liệu chứ không có công thức tỉ lệ, bởi còn dùng công thức tỉ lệ thì khả năng nếm, cảm và đoán sẽ bị mất, mà món ăn thực sự ngon khi người ta đủ “công lực” gia giảm tỉ lệ các nguyên liệu rồi tiên đoán khi nó lên men, thành tựu. Làm lần đầu có thể nhiều riềng quá, ngon nhưng hơi cay và nhẫn, lần hai sẽ khác, lần ba sẽ khác và đương nhiên lần mình thấy ngon nhất sẽ là lần làm món này có cảm giác nhiều nhất.
Xin cầu chúc quí vị một mùa xuân Hỉ Lạc, May Mắn và Hạnh Phúc!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT