Người Việt Khắp Nơi

Băng đảng VN dùng tiệm móng tay để buôn người vào Anh quốc

Sunday, 13/08/2017 - 10:20:08

Theo ông Sobik, “Các băng đảng Việt Nam dường như mua được một phần lớn thị trường cần sa ở Anh quốc và thường xuyên đưa người Việt Nam vào làm việc, thường là trẻ em dưới 18 tuổi.”


Trong năm 2014, Anh đã có hơn 10,000 người là nạn nhân nạn buôn người. (Getty Images)


Vào đầu tháng Tám, khi cảnh sát Anh quốc đột kích vào một tiệm nail ở Southmead, Bristol, sau nhiều cuộc gọi có liên quan đến tình trạng của một phụ nữ, họ bắt giữ ba phụ nữ tuổi 46, 24, 21 và một thanh niên 18 tuổi, bị tình nghi hoạt động đường dây buôn người và tội ác nô lệ. Thanh tra Mike Ray cho biết người phụ nữ nói trên được đưa đến một nơi an toàn.

Thanh tra Mike nói với iNews, “Hiện giờ cô này nhận được mọi sự trợ giúp từ các cơ quan chuyên môn mà cô ấy rất cần, để hỗ trợ nạn nhân của tội ác nô lệ thời hiện đại. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo đảm tất cả nạn nhân của đường dây buôn người được bảo vệ, và tiến hành cuộc điều tra đầy đủ để xác định mọi tội ác.”  

Cảnh sát Avon và Somerset không cung cấp chi tiết cũng như quốc tịch của những người bị bắt, nhưng Southmead là thành phố mà cảnh sát từng theo dõi tung tích một thiếu nữ Việt Nam 16 tuổi, trong tháng Mười Một, 2013. Thiếu nữ này bị đánh đập và bị đẩy vào đường dây nô lệ tình dục. Lúc đó cô gái đang làm việc trong một tiệm nail và sống chung với một thiếu nữ trẻ khác, trong căn phòng ngột ngạt ở phía sau của tòa nhà.  

Trường hợp của thiếu nữ Việt Nam chỉ là một trong vô vàn trường hợp tương tự, khiến Bộ Trưởng Bộ Nội An lúc bấy giờ là bà Theresa May, phải thông báo kế hoạch cho Dự luật về Nô Lệ Hiện Đại, sau đó trở thành luật vào ngày 26 tháng Ba, 2015. Các bộ trưởng cho biết hành động này là “một thông điệp mạnh mẽ nhất gởi đến bọn tội phạm, nếu các ngươi dính líu vào đường dây buôn người ghê tởm, các ngươi sẽ bị bắt, bị truy tố và sẽ bị ngồi tù.”

Tuy nhiên, cách đối phó sau đó của chính phủ Anh đối với chế độ nô lệ hiện đại khiến nhiều người hoài nghi. Tháng 12 năm ngoái, 97 phụ nữ làm việc tại tiệm móng tay đã bị bắt vì tội nhập cư bất hợp pháp. Đa số là công dân Việt Nam. Nhưng trong số này cũng có di dân bất hợp pháp từ Mông Cổ, Ghana, Trung Quốc, Nigeria, Pakistan và Ấn Độ. Bộ Nội An nói rằng những ai là nạn nhân của đường dây buôn người được chính phủ cam kết hỗ trợ, trong khi những ai là di dân bất hợp pháp, không có quyền ở lại và sẽ bị trục xuất. Chính phủ nhanh chóng gọi đó là chiến thắng chống lại chế độ nô lệ hiện đại, nhưng các nhà vận động chống nô lệ cảm thấy hoang mang.

Nô lệ hiện đại là một tội ác nghiêm trọng, bao gồm chế độ nô lệ, tình trạng nô lệ, lao động cưỡng bức và nạn buôn người. Nạn nhân của đường dây buôn người thường bị những người khác mang tới một quốc gia khác. Họ bị đánh đập, đe doạ, làm cho sợ hãi, làm bị thương và bị buộc phải làm những công việc mà họ không muốn làm.

Một số tổ chức thực thi pháp luật, gồm cảnh sát, lực lượng biên giới, hội đồng địa phương, cùng một số tổ chức từ thiện, có thể đưa nạn nhân của đường dây buôn người/nô lệ thời hiện đại tới tổ chức cơ chế quốc gia (NRM). Đây là cơ quan chuyên xác định danh tính nạn nhân của đường dây buôn người/nô lệ thời hiện đại, để họ có chương trình hỗ trợ thích hợp cho nạn nhân.

Các cá nhân có thể gọi tới Đường Dây Trợ Giúp Bí Mật của tổ chức Salvation Army. Tổ chức Salvation Army ký hợp đồng với chính phủ Anh quốc để giải quyết trực tiếp với nạn nhân, và giới thiệu họ tới các dịch vụ hỗ trợ có liên quan.

Jakub Sobik là một thành viên của tổ chức quốc tế chống nô lệ, có trụ sở ở London, thắc mắc rằng, “Khi tôi đọc báo, thấy đăng tin phụ nữ bị bắt vì tội nhập cư bất hợp pháp, nhưng không thấy nói tới việc chủ của họ bị bắt vì phạm tội ác nô lệ thời hiện đại. Điều đó không chỉ làm mọi người hoang mang, mà còn cho thấy chính phủ hoàn toàn nhìn mọi chuyện qua lăng kính của luật nhập cư khi giải quyết vấn đề nô lệ hiện đại. Các tiệm nail - đặc biệt do người Việt Nam làm chủ - vẫn sử dụng đường dây buôn người để bóc lột nhân viên. Không hẳn là tất cả, nhưng dường như hầu hết các tiệm nail Việt Nam đều nằm trong dự án nghiên cứu của chúng tôi.”

Theo báo cáo “Buôn Người và Bóc Lột Sức Lao Động Ở Âu Châu” phát hành năm 2014, các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức quốc tế chống nô lệ, cho biết Việt Nam là quốc gia có đường dây buôn người lớn nhất. Đa số là trẻ em, bị đưa tới các đồn điền trồng cây cần sa. Lợi nhuận của đường dây này có thể lên tới hàng triệu Mỹ kim. Sau đó, tiền được rửa bằng cách kinh doanh những công việc khác như mở tiệm nail, trước khi chuyển tiền về Việt Nam.

Nguồn tin cảnh sát cho biết họ không hề ngạc nhiên khi thấy sự gia tăng đột ngột của việc kinh doanh cần sa trùng hợp với sự gia tăng đột ngột các tiệm nail. Số trẻ em Việt Nam được cảnh sát phát hiện đều khai rằng khi tới một thành phố nào đó ở Anh quốc, các em phải đến một tiệm nail gần nhất. Sau đó, các em được đưa đi làm việc tại một đồn điền cần sa hoặc một tiệm nail khác.

Theo ông Sobik, “Các băng đảng Việt Nam dường như mua được một phần lớn thị trường cần sa ở Anh quốc và thường xuyên đưa người Việt Nam vào làm việc, thường là trẻ em dưới 18 tuổi.”

Điều tra mới đây của New York Times cho thấy nhân viên làm móng bị trả công rất thấp, bị bóc lột, bị đối xử phân biệt và bị nhiều ngược đãi khác. Chỉ riêng thành phố New York, số tiệm nail là hơn 2,000, nhiều gấp ba lần so với một thập niên trước.

Ông Sobik nói, “Ở Anh quốc cũng không có gì khác. Một tiến trình điển hình nhất là nạn nhân ở Việt Nam được tiếp cận, được đề nghị công việc, được chu cấp mọi chi phí để bay sang Anh quốc. Nhưng khi tới nơi, nạn nhân được thông báo về số nợ 10,000 Mỹ kim. Nạn nhân bị buộc phải làm ở tiệm nail, bị nhốt trong phòng cho tới khi trả hết số nợ. Nơi ăn chốn ở của họ thường không đạt tiêu chuẩn.”

Năm 2014, Bộ Nội An ước tính có từ 10,000 tới 13,000 nạn nhân của đường dây buôn người ở Anh quốc. Đây là con số mà Cơ Quan Phòng Chống Tội Ác Quốc Gia (NCA) cho rằng nhiều nhất ở mọi thời đại. Ông Sobik tin rằng nếu chính phủ Anh quốc tách rời vấn đề nhập cư với hoạt động nô lệ thời hiện đại, kết quả mà chính phủ đạt được sẽ có ý nghĩa khác hơn. Ông đề nghị chính phủ “đừng nhìn vào passport của nạn nhân, mà nên bảo vệ họ và giúp họ.”

Bộ Ngoại Giao Anh quốc nói rằng thông qua hợp tác với các đối tác quốc tế, Bộ Ngoại Giao cam kết chấm dứt tình trạng buôn người và kinh doanh nô lệ thời hiện đại vào năm 2030. Nhưng một khi hình ảnh nhân viên tiệm nail bị bóc lột (nô lệ hiện đại trá hình) xuất hiện nhan nhản chung quanh, như trong vụ bắt giữ ở Bristol vào tuần trước, nhiều người tự hỏi liệu tình trạng buôn người và kinh doanh nô lệ thời hiện đại có thực sự bị xóa bỏ không.
(Theo tin của iNews tại Scotland)



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT