Văn Nghệ

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi kỷ niệm 30 năm

Friday, 25/10/2019 - 05:43:46

Trong tháng tới, vào 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019, tại Saigon Performing Arts Center, sẽ diễn ra chiều nhạc hòa tấu hợp xướng của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi.

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi năm 2007

 

Bài BĂNG HUYỀN

Trong tháng tới, vào 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019, tại Saigon Performing Arts Center, sẽ diễn ra chiều nhạc hòa tấu hợp xướng của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi. Đây không chỉ là một buổi hòa nhạc hòa tấu thông thường, mà là chương trình Ngàn Khơi kỷ niệm sinh nhật tuổi 30. Chương trình còn là tiếng lòng của nhiều thế hệ Việt Nam tại hải ngoại, tiếng nói nghệ thuật của cộng đồng người Việt tại hải ngoại thông qua âm nhạc, gửi đến khán giả thương yêu những hợp xướng, trường ca, ca khúc Việt Nam Hòn Vọng Phu 1, 2, và 3, Bài Ca Ngợi Tự Do, Xuân Quang Trung, trích đoạn trường ca Mẹ Việt Nam, Khỏe Vì Nước, vân vân.


Các nhạc trưởng trong Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi kỷ niệm 30 năm

Đây là những tác phẩm ngoài giá trị lịch sử còn có giá trị nghệ thuật cao, được phối khí và trình diễn như một chương trình thính phòng giao hưởng độc đáo, giàu cảm xúc do các ca viên của Ngàn Khơi trình diễn dưới sự điều khiển của các ca trưởng Trần Mộng Thủy, Nguyễn Hoàng Hương, Bùi Quỳnh Giao. Nhạc trưởng David Rentz (tiến sĩ âm nhạc, dạy tại đại học Claremont) sẽ điều khiển dàn nhạc giao hưởng Orchestra Collective of Orange County với hơn 33 nhạc sĩ, sẽ giúp tăng thêm vẻ đẹp của phần hát hợp xướng và các giọng hát của các ca sĩ trong chương trình. Gồm có ca sĩ Bích Vân, Nguyên Khang, Ngọc Hà, Bích Liên, Vasa Diệu Nga, Thu Vàng, Mê Linh, Lê Hồng Quang, ban hợp ca Cát Trắng, Sóng Xanh và nhóm thiếu nhi VS Music Studios. 

Chiều nhạc Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm không chỉ có phần hòa tấu của dàn nhạc, mà xen kẽ sẽ là phần đệm piano của nhạc sĩ Quốc Vũ, Bạch Đằng làm thăng hoa thêm các tiếng hát.
Phần giới thiệu các tiết mục, tác giả, ca sĩ sẽ do ba MC Lê Đình Y Sa, Nguyễn Hoàng Dũng và Lê Bích Trâm đảm nhận.

Cảm xúc 30 năm

Đây là một chiều nhạc hòa tấu hợp xướng, nhưng lại mang một cảm xúc rất đỗi thiêng liêng, tha thiết đối với các ca viên của Ngàn Khơi và với những khán giả thân quen đã ủng hộ và có mặt trong các chương trình của Ngàn Khơi suốt 30 năm qua.

Từng là ca viên của Ca Đoàn Trùng Dương khi còn ở Việt Nam trước 1975 và là một trong những thành viên sáng lập, gắn bó với Ngàn Khơi từ buổi đầu, cô Sương Vũ cho rằng chặng đường 30 năm của Ngàn Khơi là một điểm son của sự bền bĩ ý chí của những thành viên cũ kết hợp với lòng yêu mến nghệ thuật của những thành viên mới, giúp nhau cùng tiến và duy trì hoạt động của Ngàn Khơi 30 năm qua.


Các ca sĩ trong Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi kỷ niệm 30 năm

 

Ngàn Khơi may mắn vẫn có những ca viên cũ gắn bó khá đông, đây là những thành viên nòng cốt. Họ có khả năng tập bài hát nhanh hơn, nhưng vì sẵn sàng làm chổ dựa cho các ca viên mới, hỗ trợ các ca viên mới, cùng nuôi dưỡng sinh hoạt tốt đẹp với nhiều người cùng tham gia. Nếu chỉ khư khư cho là mình hay, không chịu làm việc với những người mới thì sẽ không có Ngàn Khơi. Cứ như thế Ngàn Khơi đã đào tạo nhiều lớp ca viên có khả năng và trình độ vững vàng thích hợp cho những chương trình nhạc hoà tấu hợp xướng. Họ cùng nhau cảm nhận được cái đẹp của nghệ thuật cho nên đây là điều gắn bó của người cũ, người mới, nhạc trưởng, ca trưởng cũ và mới.

Cô Sương Vũ chia sẻ, “Đã ra đời 30 năm, vì lâu năm nên Ngàn Khơi cũng có lúc lên xuống thăng trầm. Nhưng tinh thần của các thành viên Ngàn Khơi vẫn giữ vững là vì vẫn có những người tha thiết và gắn bó với sinh hoạt của Ngàn Khơi. Ban hợp xướng Ngàn Khơi là nơi sinh hoạt âm nhạc kỳ thú và lành mạnh nhất: khám phá, bảo tồn và vun trồng di sản, gia tài âm nhạc Việt Nam. Nơi trân trọng tri ân các tác giả sáng tác và hòa âm ca khúc nghệ thuật. Nơi các ca viên trau dồi, học và hát, thực hành, ứng dụng nhạc lý. Học vocal - luyện thanh - luyện giọng.


Nhạc trưởng Trần Anh Linh năm 1990

 

“Học diễn tả tâm tình các bài hát. Học lịch sử đất nước Việt Nam và tâm tư người Việt Nam qua những bản trường ca Việt Nam bất khuất. Học và trình diễn tất cả các ca khúc nghệ thuật và dân ca Việt Nam, các bản trường ca phong phú, sâu đậm tình cảm Việt Nam. Các ca viên Ngàn Khơi còn chịu khó đến với sinh hoạt bền bĩ lâu dài là vì có những điều trên. Họ thấy được cái đẹp của nghệ thuật cho nên đây là điều gắn bó của người cũ, người mới, nhạc trưởng, ca trưởng cũ và mới. Hầu như mỗi năm hay mỗi hai năm thì Ngàn Khơi đều có show nhạc. Nếu không phải show lớn thì là show nhỏ. Nên trong năm có khi nghỉ đôi tháng, còn lại thời gian thì hầu như chiều Chủ Nhật nào các ca viên cũng tập luyện đều đặn cùng nhau.”


Nhạc trưởng Lê Văn Khoa và nhạc trưởng Trần Chúc năm 1990


Sự ra đời của Ngàn Khơi

Nhắc lại lịch sử ra đời của Ngàn Khơi, cô Sương Vũ kể, “Vào khoảng năm 1985, nhóm ca viên cũ của Ca Đoàn Trùng Dương được dịp họp mặt lần đầu tiên trên đất Mỹ với hai cựu ca trưởng của Trùng Dương là nhạc sĩ Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Trần Chúc. Anh Lê Văn Khoa đã cho mọi người nghe cassette tape nhạc giao hưởng trình bày trường ca Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương với 4 giọng tứ ca, rồi nói “nếu chúng ta có một ban đại hợp xướng thì sẽ khác hơn nhiều.” Trong lần họp mặt lịch sử nói trên, anh đã gợi ý cho mọi người thành lập một ca đoàn, hay hơn nữa, một ban đại hợp xướng.

“Mọi người nuôi ý tưởng đó từ lời khuyên của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Nhưng mãi đến cuối năm 1988, tôi và bác sĩ Nhuận đều có con gửi học Việt ngữ tại trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng. Bác sĩ Nhuận rất thân với cô Tuyết Long (là trung tâm trưởng của trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng). Lúc đó Cô Tuyết Long vừa gặp lại cựu ca trưởng khi xưa của Trùng Dương là nhạc sĩ Trần Anh Linh, ông mới đến định cư tại Hoa Kỳ. Cô đã giới thiệu để chúng tôi gặp gỡ. Thế là từ ý niệm do anh Lê Văn Khoa phát khởi, một ban hợp xướng đã ra đời với các ca viên đầu tiên là Sương, Nhuận, chị Tuyết Long, chị Ngô Tặng v.v. cùng một số giáo viên của Trung Tâm Việt Ngữ Hồng Bàng. Đầu năm 1989 ca trưởng Trần Chúc với vài ca viên của anh từ vùng Pomona xuất hiện với mục đích cùng nhau tập luyện hai bài hợp ca đóng góp cho chương trình “Hát Cho Ngày Mai” do ban Tứ Ca Thùy Dương tổ chức.


Những ca viên của Ngàn Khơi năm 1991

 

“Tên Ngàn Khơi do anh Trần Chúc đặt được mọi người đồng lòng chấp thuận có lẽ một phần cũng do nguồn gốc Trùng Dương và cũng có thể vì mọi người đều có ý tưởng hướng về đại dương mong có ngày sum vầy với đất nước chăng? Trong dịp Ngàn Khơi ra quân lần đầu này, hai nhạc trưởng đầu tiên là Trần Anh Linh và Trần Chúc đã điều khiển Ngàn Khơi hát hai bài. Một bài là Tát Nước Đầu Đình do chính Trần Anh Linh viết, hoà âm và điều khiển, bài thứ hai là Viễn Du của Phạm Duy do Lê Văn Khoa hoà âm, Trần Chúc điều khiển.
“Sau chương trình này, vài tháng sau, nhạc sĩ Trần Anh Linh không còn cư ngụ tại Quận Cam mà chuyển sang tiểu bang khác để thuận tiện cho việc học đại học của các con, nên nhạc sĩ Trần Chúc đã lèo lái con thuyền Ngàn Khơi về mặt nghệ thuật âm nhạc suốt 15 năm trời. Riêng nhạc sĩ Lê Văn Khoa thì luôn luôn là bậc đàn anh, là ngọn đuốc dẫn đường, vừa viết nhạc, viết hòa âm, nhiều khi lại điểu khiển dàn nhạc, và là cố vấn cho Ngàn Khơi trong nhiều năm qua.

“Hơn một năm đầu Ngàn Khơi chỉ hát hợp ca với phần phụ đệm dương cầm, thường xuất hiện trên đài truyền hình Tự Do của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Ngày 15 tháng 9 năm 1990, Ngàn Khơi với hai nhạc trưởng Trần Chúc và Lê Văn Khoa mạnh dạn tổ chức Việt Nam Quê Hương Mến Yêu. Đêm nhạc hoà tấu hợp xướng Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ tại Plummer Auditorium, Fullerton, với dàn nhạc giao hưởng trên 50 nhạc sĩ. Ngoài các ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, còn có các ca sĩ Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao. Vé sold out cho 1300 khán giả, tiền lời hơn $4000 được trao tặng các Trung Tâm Việt Ngữ và quỹ giúp dân tị nạn.


Ca trưởng Bùi Quỳnh Giao năm 2015


“Sau đó Ngàn Khơi đã tạo được tiếng vang tốt đẹp trong lòng người Việt hải ngoại qua gần hai muơi buổi trình diễn lớn nhỏ, phần lớn tại vùng Little Saigon, thêm San José California và Houston Texas v.v..

“Vào năm 1995 kỷ niệm 20 năm sống trên đất Mỹ, Ngàn Khơi từng tổ chức chương trình Đêm Ngàn Khơi Tri Ân Nước Mỹ, Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi cùng với ca đoàn người Mỹ, hát bài America The Beautiful, có dàn nhạc giao hưởng và ban hợp xướng gần 90 ca viên. Tôi thấy vào nhiều năm trước cứ dịp lễ Độc Lập Mỹ là một số Đài truyền hình của cộng đồng người Việt ở đây có phát lại video clip phần trình diễn này.
“Năm 2001 và 2002 ca trưởng Trần Mộng Thủy từng điều khiển Ngàn Khơi trong chương trình nhạc thay cho ca trưởng Trần Chúc, vì lúc ấy anh bận việc, trong vài chương trình nhỏ của Ngàn Khơi. Đầu năm 2004, nhạc trưởng Trần Chúc từ chức, khi đó nhạc trưởng Vũ Tôn Bình thay thế nhạc trưởng Trần Chúc hướng dẫn các ca viên của Ngàn Khơi.

“Nếu nhạc trưởng Trần Chúc đã dày công nuôi nấng cho Ngàn Khơi trưởng thành, thì nhạc trưởng Vũ Tôn Bình với lòng đam mê mãnh liệt dành cho âm nhạc Việt thêm kiến thức sâu rộng của một nghệ sĩ kiêm học gia, không ngừng tạo nên cơ hội trau dồi kỹ năng và nghệ thuật âm nhạc cũng như khả năng lãnh đạo cho các ca viên Ngàn Khơi nhất là giới trẻ, mong đào tạo một thế hệ mới tiếp tục phục vụ cho đường hướng âm nhạc nghệ thuật, tiêu biểu là nữ nhạc trưởng Lee Lee Trương với ca đoàn Thiếu Nhi Ngàn Khơi, và tầng lớp nhiều ca viên trẻ tuổi trong Ngàn Khơi.
“Nhạc trưởng Vũ Tôn Bình chú trọng vào những chương trình trình diễn của Ngàn Khơi như Tiếng Nhạc Ngàn Khơi trên đài truyền hình SBTN từ năm 2005 - 2012. Ngoài ra Ngàn Khơi đã có hai buổi trình diễn rất thành công tai rạp La Mirada Theatre vào năm 2005 và 2007 do nhạc trưởng Vũ Tôn Bình điều khiển dàn nhạc giao hưởng.

Gặp gỡ tại nhà Lê Văn Khoa năm 1989 để thành hình chương trình Việt Nam Quê Hương Mến Yêu.

 

“Năm 2013 nhạc trưởng Vũ Tôn Bình được mời làm giám đốc của phân khoa âm nhạc trong trường Santa Ana College nên tạm nghỉ Ngàn Khơi. Sau đó Ngàn Khơi tiếp tục có sự xuất hiện của những người mới như nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao, nữ nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ, nữ nhạc trưởng Trần Mộng Thủy, nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương. Từ ca đoàn Trùng Dương, sau khi rời Việt Nam đến Mỹ định cư, anh Hoàng Hương đã mang khí chất Việt Nam đậm đà đến cho Ngàn Khơi.”

“Khi không còn điều kiện mời dàn nhạc giao hưởng cộng tác, thì Ngàn Khơi có khám phá mới là mời ban nhạc đệm đàn. Những vị nhạc sĩ của ban nhạc cộng tác với Ngàn Khơi, đều là những nhạc sĩ rất tài ba, như nhạc sĩ Hoàng Công Luận, nhạc sĩ Quốc Vũ .v.v.. Từ hợp âm của giao hưởng họ chuyển qua cho ban nhạc đàn. Ngàn Khơi làm việc với các ban nhạc trong mấy chương trình từ năm 2014-2018, cũng có những thú vị khác nhau. Phải kể thêm bên cạnh ban nhạc, tiếng đàn điêu luyện của các Dương cầm thủ Nguyễn Hải Hoàng, Trần Hoàng Bạch Đằng... vẫn luôn luôn là điểm son của các chương trình Chiều Nhạc Ngàn Khơi.”
Cô Sương Vũ cho biết, trong năm 2015 để đánh dấu 40 năm tị nạn của người Việt Nam hải ngoại, Ngàn Khơi được dịp đưa ra một số sáng tác mới của các nhạc sĩ sau năm 1975. Khi Ngàn Khơi trình bày một trích đoạn ngắn trong tác phẩm A Vietnamese Requiem (Kinh Cầu cho Việt Nam) của soạn nhạc gia P.Q. Phan, thì nữ nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ được mời tham dự chương trình. Thế là Ngàn Khơi có thêm sự điều khiển của nữ nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ trong Chiều Nhạc Ngàn Khơi 2015, và nhất là vào những dịp Ngàn Khơi cộng tác trong chương trình hòa nhạc của Hội VASCAM (VASCAM.ORG do giáo sư P.Q. Phan sáng lập).

Đây cũng là những cơ hội học hỏi và trình diễn vô cùng lý thú. Sau hai buổi trình diễn các trích đoạn của vở Nhạc Kich Chuyện Bà Thị Kính (The Tale Of Lady Thị Kinh) năm 2017 & 2018 ca viên Ngàn Khơi đã được hân hạnh trình bày gần hết (8/10) các bản hợp xướng trong vở Nhạc Kich này. Được hát tại rạp MUSCO, rạp hát mới toanh dành cho opera của Trường Đại Học Chapman University, không dùng máy phóng thanh, chỉ hát bằng giọng thật. Những ca viên của Ngàn Khơi được cơ hội thăng tiến nhiều hơn. Được cơ hội đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ hát opera chuyên nghiệp xuất thân từ đại học âm nhạc danh tiếng, cũng thật là một điều lý thú và hạnh phúc trong chặng đường 30 năm của Ngàn Khơi. Tháng 3 năm 2020 tới đây Ngàn Khơi sẽ lại hân hạnh trình diễn với VASCAM trong một chương trình mới vô cùng độc đáo! Xin quý vị đón xem.

“Ngàn Khơi có một đặc biệt là có nhiều nhạc trưởng, ca trưởng. Có người đặt câu hỏi nếu một ca đoàn nhiều ca trưởng, nhạc trưởng thì làm sao có được đường lối riêng biệt. Tuy nhiên cái mệnh cũng là cái duyên của Ngàn Khơi là thường có nhiều nhạc trưởng, ca trưởng trong mỗi chương trình. Mỗi vị có cái hay riêng, đều rất tài giỏi, để ca viên Ngàn Khơi học hỏi được nhiều khía cạnh khác nhau. Sau thời gian dài tập luyện, khi ca viên đứng hát trên sân khấu, thì lời dặn dò nhắc nhở của từng vị ca trường lại hiện rõ lên.. ân cần, thấm thía…”
Theo cô Sương Vũ, điều hay nhất để duy trì sinh hoạt và trình diễn của Ngàn Khơi là cái đẹp của nghệ thuật, nên các thành viên của Ngàn Khơi khi quyết định gắn bó với ban hợp xướng đều phải cam kết bỏ thời gian ra để tập luyện hằng tuần, nhằm mang lại thành công cho tiết mục trình diễn.

Cô Sương Vũ nhận xét về vẻ đẹp của hợp xướng, “Có những ca khúc phải hát hợp xướng, hay phải có dàn nhạc giao hưởng mới diễn tả được. Các cảm xúc khi thì êm đềm, thanh bình, lắng đọng, du dương...khi thì mãnh liệt, hùng tráng, phẫn nộ... Nghe hát hợp xướng khác với nghe hát solo. Nghe hợp xướng là nghe hát một lúc 4, 5 nốt nhạc, chứ không chỉ có một nốt nhạc, nên sự thưởng thức có thể thú vị hơn là nghe đơn ca. Nghe đơn ca cũng hay tuyệt vời, nhưng nghe hợp xướng thì có nét đẹp riêng của những tiếng nói, những ý tưởng, những diễn tả của một tập thể. Nhất là khi nó vang động tiếng lòng của quê hương mình. Càng nghe thêm sự đa âm - đa điệu của âm nhạc thì càng thấm thía… Có thể nói, vì những cái đẹp như vậy nên các ca viên Ngàn Khơi chịu bỏ thời giờ để tập luyện và cổ động người khác cùng làm với mình. Chúng tôi hài lòng khi mình chọn con đường khó khăn, và lòng vẫn kiên trì, bền bĩ, thích thú với con đường của mình. Bền bĩ của một vài người đưa đến sự bền bĩ của cả một tập thể.”
Vé của Chiều Nhạc Ngàn Khơi 30 Năm Kỷ Niệm có các loại $40, $55, $75, $100 và SPONSOR. Có bán tại Tú Quỳnh (714) 531-4284; Nhật Báo Viễn Đông (714) 379-2851 và Ban Tổ Chức (714) 675-8761. Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trân trọng kính mời.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT