Du Lịch

Bãi tắm Hoàng Hậu

Friday, 13/11/2015 - 11:46:47

Từ đó, mỗi khi sấm chớp sáng trên Ghềnh Ráng, người địa phương lại nhìn lên bầu trời tối đen tìm hình bóng người con gái năm xưa như tìm một nàng Tiên. Đó là sự tích bãi Ghềnh Ráng Tiên Sa.
Trần Công Nhung, 2015

Bài TRẦN CÔNG NHUNG

Trong thời Vua Chúa, các sinh hoạt đời thường của nhà Vua, của Hoàng Hậu, kể cả cung tần mỹ nữ, đều cách biệt riêng tư. Những địa phương nhà vua thường quang lâm ngự giá thì có biệt điện. Vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, có nhiều biệt điện để nhà vua nghỉ mát: Nha Trang, Đà Lạt, Đồ Sơn (Hải Phòng). Nam Phương Hoàng Hậu thì có riêng bãi tắm ở Ghềnh Ráng nằm cuối bãi biển về phía Nam của thành phố Qui Nhơn.

Bia mộ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)



Tương truyền rằng, trong những lần theo vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh miền Trung, lúc dạo qua bãi biển Qui Nhơn, Nam Phương Hoàng Hậu (1) thấy Ghềnh Ráng cảnh trí nên thơ kín đáo, lại có nguyên bãi “đá trứng” nên đã chọn nơi đây làm bãi tắm cho riêng mình. Từ đó có tên “Bãi tắm Hoàng Hậu.”
Nói bãi tắm, ai cũng nghĩ đến bãi cát mịn phẳng phiu màu trắng ngà, nước biển trong xanh, đối với du khách phương Tây đó là nơi đến lý tưởng. Họ có thể suốt ngày tắm và phơi nắng như một cách tanning, đẹp da lại không mất tiền.

Tem Nam Phương Hoàng Hậu (Trần Công Nhung/Viễn Đông)



Riêng bãi tắm Hoàng Hậu thì khác, không giống những bãi như Đại Lãnh, Nha Trang (Khánh Hòa), Thuận An (Huế), Cửa Lò (Vinh)... khách xuống bãi dễ như trong nhà bước ra sân. Muốn đến bãi tắm Hoàng Hậu, phải chạy xe hơn hai cây số từ trung tâm thành phố lên đỉnh Ghềnh Ráng (2) rồi đi bộ lần xuống bãi đá sâu hơn mươi mét.

Bãi đá khá đặc biệt, đá từng quả dạng trứng gà, bằng quả mít, lớn hơn cũng chỉ bằng chiếc cối xay đá bóng láng màu xanh, xám, vàng nhạt xếp lên nhau thành một bãi dài vài chục mét, ven theo chân núi Xuân Vân. Hai đầu là núi mọc lên cao, phía biển một vài mỏm đá nổi như để che chắn an toàn cho bãi tắm.

Nam Phương Hoàng Hậu (Trần Công Nhung/Viễn Đông)



Tuy là bãi tắm, nhưng có bảng cấm bơi lội cắm ngay lối xuống bãi. Cấm chẳng phải bãi dành riêng cho Hoàng Hậu mà để đề phòng rủi ro vì không người trông coi (life guard). Khách đi dạo, tụ họp ngồi chơi trên bãi thoải mái, không lo té ngã, đá nhẵn nhưng không trơn. Bãi có nhiều góc cảnh đẹp, du khách đến chơi chụp ảnh kỷ niệm là chính chứ không ai tắm.

Điều đáng nói là hể nơi nào thu hút du khách là y như nơi đó trở thành trung tâm mua bán. Năm 2005 tôi đến thăm mộ Hàn Mặc Tử, (3) khu lưu niệm nằm trên đồi cao, sau lưng mộ, nay dời xuống nằm chung với nhà hàng một dãy bên đường đi. Sinh hoạt chung chung không có gì thẩm mỹ, không thấy nét nổi bật của “danh lam thắng tích.” Tên Bãi Tắm Hoàng Hậu kẽ sơn lên tảng đá nằm xế cửa nhà hàng Hoàng Hậu cũng khó nhìn. Phải lui tới mấy lần mới thấy đường xuống bãi.
Từ bãi tắm Hoàng Hậu đi tiếp ra bãi Tiên Sa.

Bãi tắm Tiên Sa (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Tiên Sa Ghềnh Ráng đúng là bãi tắm dân dã, ai cũng có thể tha hồ vùng vẫy với biển trời bao la. Một bãi cát vàng ôm biển theo một đường cong sẵn sàng cho du khách phơi mình hứng nắng gió. Nơi đây tĩnh lặng hơn ở bãi Hoàng Hậu. Bãi Hoàng Hậu, nơi dừng chân ăn uống dạo chơi chụp ảnh, Tiên Sa nơi con người thực sự hòa nhập với thiên nhiên, rất cần cho khách đường xa lấy sức sau chuyến đi dài. Ghềnh Ráng Tiên Sa lại cũng từ một huyền thoại tình yêu mà có.

Tương truyền rằng ngày xưa, ở Bồng Sơn (Bình Định) có người con gái đẹp nổi tiếng nết na thùy mị. Hàng ngày, cô lo việc đồng áng và chăm sóc cha già mẹ yếu. Cô đã yêu một chàng trai cùng làng. Những đêm trăng sáng, dưới bóng dừa bên bờ Lại Giang, đôi bên đã nặng lời thề ước, nguyện một đời sống bên nhau.

Nhìn về thành phố Qui Nhơn (Trần Công Nhung/Viễn Đông)



Sắc đẹp của cô đã khiến viên quan huyện cùng làng mê say. Y cho người theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt nàng. Để giữ trọn lòng chung thủy với người yêu, cô khóc lạy cha mẹ, từ biệt chàng trai, bỏ làng trốn vào Quy Nhơn. Biết tin, viên quan huyện lập tức sai gia nhân đuổi theo. Tới Ghềnh Ráng thì trời nổi dông bão, cô gái biến mất trong đêm mưa gió tầm tã. Bọn sai nha lùng sục khắp nơi nhưng không tìm thấy dấu vết gì, cho rằng cô gái đã gieo mình xuống biển tự vẫn, đành trở về chịu tội với quan.
Chàng trai mất người yêu cũng đuổi theo tìm kiếm, anh leo hết tảng đá này đến tảng đá khác cất tiếng gọi người yêu. Tiếng anh kêu la vang động khắp núi rừng và biển cả, nhưng trong đêm tối, anh chỉ thấy hình bóng người tình thấp thoáng ẩn hiện, khi chập chờn trên núi đá, khi nhấp nhô theo sóng biển ngoài xa, anh chỉ biết tiếc thương kêu gọi thảm thiết.

Từ đó, mỗi khi sấm chớp sáng trên Ghềnh Ráng, người địa phương lại nhìn lên bầu trời tối đen tìm hình bóng người con gái năm xưa như tìm một nàng Tiên. Đó là sự tích bãi Ghềnh Ráng Tiên Sa.
Trần Công Nhung, 2015

Du khách đến bãi tắm (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

(1) Nam Phương Hoàng Hậu là vị Hoàng Hậu sau cùng của triều đình nhà Nguyễn. Bà tên Nguyễn Hữu Thị Lan. Bà đã quen và gặp Bảo Đại trong trường hợp nào và ở đâu, một số tác giả cho rằng họ quen nhau trên cùng một chuyến tàu thủy của hãng Messagerie Maritime từ Pháp về nước, một cuộc tình duyên kỳ ngộ, lãng mạn. Tuy nhiên tác giả Nguyễn Văn Lục đã trả lời khác. Ông Lục dẫn chứng hồi ký của vua Bảo Đại:

Bãi tắm Hoàng Hậu (Trần Công Nhung/Viễn Đông)



“…Cứ vào tập hồi ký Le Dragon d'Annam của vua Bảo Đại là đúng nhất. Vua Bảo Đại cho biết ông đã gặp Nam Phương Hoàng Hậu ở Đà Lạt, chứ không phải ở trên tầu, ông đã gặp vào cuối năm 1932. Xin trích dẫn ý của vua sau đây: "C'est alors qu'à la fin de l'année, m'étant rendu pour quelques jours à Đà Lạt où séjournait également le gouverneur général Pasquier, celui-ci, à l'occasion d'une rencontre dans les salons du Langbian Palace, me présente une jeune fille qui était en compagnie de Mme Charles, Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Hào, appartient à une famille de riches propriétaires terrien de Cochinchine. Catholique, comme ses parents elle vient de terminer ses études au Couvent des Oiseaux, en France. Elle a dix huit ans.”

Bãi đá “trứng” (Trần Công Nhung/Viễn Đông)


Tạm dịch: "Sau đó, vào cuối năm, tôi có vài ngày lên Đà Lạt nơi tôi trải qua với Toàn quyền Pasquier. Trong dịp này đã có buổi gặp gỡ tại phòng khách của Langbian Palace, tôi được giới thiệu một cô gái đi cùng với bà Charles, cô Maria Theresa Nguyễn Hữu Hào, cô thuộc về một gia đình điền chủ nổi tiếng xứ Đông Dương. Cô theo đạo Thiên Chúa giống như cha mẹ cô ta. Cô vừa tốt nghiệp trường Couvent des Oiseaux tại Pháp. Cô đã mười tám tuổi .

“Tưởng nhớ người xưa” (Trần Công Nhung/Viễn Đông)



(2) Nơi đây đá chất ngổn ngang, tạo thành hang, thành rạn, thành ghềnh, quanh năm sóng biển xói mòn. Bãi đá này tên là Nhạn Châu (Bãi Nhạn), nơi chim nhạn từng đàn thường đến tìm mồi. Còn tên Ghềnh Ráng là do người đi biển đặt ra. Qua những nơi nhiều ghềnh đá, rạn san hô, ngư dân thường “đổ bớt” gió cho buồm bớt căng gọi là “ráng.” Mỗi khi qua Nhạn Châu dân chài thường “ráng” cho ghe chậm lại, lâu ngày Bãi Nhạn có tên Ghềnh Ráng.
(3) Mộ HMT trang 165 QHQOK tập 8

Khách hành hương (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Tin sách: Cuối tháng 12/15 sẽ phát hành Chuyện Riêng, tập 1: Vào Đời, sách dày trên 350 trang, 32 ảnh phụ bản màu và hàng trăm ảnh minh họa trắng đen. Lượng sách rất giới hạn, xin thông báo để độc giả tùy nghi. Liên lạc email: trannhungcong46@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT