Hoa Kỳ

Bác sĩ gặp lại một bệnh nhân từng được cứu chân ở VN 50 năm trước

Sunday, 25/11/2018 - 08:01:57

Ông Katz cho biết đơn vị quân y đã có mọi thứ mà các bác sĩ cần: phòng mổ, trữ lượng máu và thuốc, cùng một số bác sĩ giải phẫu, y tá và chuyên viên gây mê.


Từ bên trái là bà ký giả Ann Curry, ông Roger Wagner, và bác sĩ Mayer Katz trong phim tài liệu “We'll Meet Again” (Chúng Ta Sẽ Gặp Lại Nhau). (Star Tribune)

REHOBOTH BEACH, tiểu bang Delaware - Trong một phim tài liệu được chiến trên đài PBS trong tuần qua, người ta được nghe câu chuyện của một thương binh gặp lại vị bác sĩ từng cứu chân của ông trên chiến trường Việt Nam nửa thế kỷ trước đây.

Phim kể rằng khi các nhân viên y tế đưa ông Roger Wagner vào bệnh viện Mỹ ở Việt Nam, tất cả những gì ông có thể nghe được lúc bấy giờ là những tiếng rên rỉ của những người lính bị cụt mất tay chân, tiếng khóc của những thanh niên tin rằng họ sắp chết vì những thương tích từ mặt trận.

Đó là ngày 29 tháng 12, 1967, khi cuộc chiến Việt Nam đang lên cao điểm, và ông Wagner hồi đó mới 20 tuổi (nay 71 tuổi). Ông bị lực lượng du kích Việt Cộng bắn vào chân trái. Trong buổi huấn luyện thường lệ về súng tại căn cứ quân sự, địch quân từ trong rừng đã nổ súng bắn vào họ.

Tại bệnh viện, một bác sĩ từng nói với Wagner rằng chân trái của ông cần được cắt bỏ. Tuy nhiên, khi tỉnh dậy sau mấy giờ giải phẫu và sợ hãi trong lúc kéo tấm vải che lên, ông thấy đôi chân của mình vẫn còn nguyên vẹn.May cho ông là một bác sĩ khác có tên họ là Katz, nói với Wagner rằng ông đã có thể cứu được chân Wager. Thương binh này đã không bao giờ hỏi tên của bác sĩ họ Katz, và trong nhiều thập niên sau đó, nét mặt của vị bác sĩ giải phẫu đã biến mất trong trí nhớ của ông Wagner.

Thế nên ông đã không tìm được vị bác sĩ để có thể nói lời cảm ơn ông cho đúng cách. Ông Wagner sống tại Osakis, tiểu bang Minnesota.

Phim tài liệu kể tiếp rằng vị bác sĩ đó là ông Mayer Katz, nay đã về hưu. Ông Katz từng thành lập chương trình giải phẫu mạch máu tại Beebe Healthcare. Qua câu chuyện của ông Wagner, vị bác sĩ được giới thiệu trên chương trình “We'll Meet Again” (Chúng Ta Sẽ Gặp Lại Nhau) của đài PBS, do ký giả Ann Curry dẫn chương trình.

Chương trình này ghi nhận nỗ lực của những người đã làm thay đổi cuộc sống của người khác, vào qua chương trình này thì hai ông Katz và Wagner được tái ngộ lần đầu tiên trong nửa thế kỷ.

Trong phim, ông Wagner mô tả kinh nghiệm của ông trong cuộc chiến Việt Nam, và những nỗ lực thất bại trước đây của ông khi đi tìm vị bác sĩ ở Delaware.

Những bệnh nhân trải qua loại giải phẫu này như ông Wagner có thể gặp những trở ngại với chân của họ, từ 10 cho tới 30 năm sau cuộc giải phẫu. Bác sĩ Katz cho biết ông đã không tiếp tục theo dõi người được ông giải phẫu cách đây 50 năm, nên ông không nhớ trường hợp của cựu thương binh Wagner.
Ông Katz được cử đến Việt Nam trong năm 1967, chỉ mấy tháng sau khi ông hoàn tất thời gian thường trú tại bệnh viện thành phố Boston. Lúc đó bác sĩ mới có 30 tuổi này đã để lại hai con nhỏ và vợ là Nancy, người đã viết thư cho chồng hầu như mỗi ngày trong cuộc chiến đó.

Trong một năm ở Việt Nam, ông Katz dành hầu hết thời gian ở căn cứ Phú Bài (nằm về phía nam thành phố Huế), tại một đơn vị quân y giải phẫu thuật di động. Ông nói ở đó người ta không ngừng sợ hãi về sự nguy hiểm cho tính mạng.

Ông Katz cho biết đơn vị quân y đã có mọi thứ mà các bác sĩ cần: phòng mổ, trữ lượng máu và thuốc, cùng một số bác sĩ giải phẫu, y tá và chuyên viên gây mê.

Ông đã thực hiện khoảng 400 ca mổ, và có lẽ đã điều trị một số lượng quân nhân và thường dân nhiều hơn con số đó, trong số đó có các trẻ em địa phương. Chỉ có tám bệnh nhân của ông đã qua đời.
Trong suốt thời gian phục vụ trong cuộc chiến, ông Katz ghi lại chi tiết tất cả các hoạt động của ông và các bệnh nhân trong cuốn nhật ký y tế của ông, mà ông vẫn còn giữ trong nhà ông ở Rehoboth Beach. Ông cũng giữ nhiều tấm ảnh từ chiếc máy ảnh ông mang theo. Trong số đó, hầu hết là hình ảnh chuyên nghiệp về các cuộc giải phẫu, cho thấy các động mạch và ruột mà ông Katz chữa trị.
Lúc đến Việt Nam, bác sĩ Katz đã quan tâm đến giải phẫu mạch máu, và điều này đã rất hữu ích cho ông sau này. Nhờ có kinh nghiệm trong thời gian làm bác sĩ thường trú, ông đã thực hiện được nhiều ca mổ ở Việt Nam, trong đó có vụ cứu chân của ông Wagner.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT