Thế Giới

Bắc Hàn cách chức người đứng đầu quân đội

Friday, 09/02/2018 - 09:56:54

Cơ quan chính trị là cơ quan quân sự quyền lực nhất của Bắc Hàn, chịu trách nhiệm bổ nhiệm các viên chức và kiểm soát ý thức hệ của khoảng 1.3 triệu binh sĩ.



BÌNH NHƯỠNG - Truyền thông Bắc Hàn hôm thứ Sáu xác nhận tướng quân đội Hwang Pyong So đã bị cách chức, sau khi báo chí Nam Hàn đồn đoán ông này bị sa thải vì tham nhũng. Hãng truyền thông Bắc Hàn KCNA khi đưa tin về lễ diễn binh ngày thứ Năm tại Bình Nhưỡng đã nhắc đến ông Kim Jong Gak, Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Bắc Hàn, phó nguyên soái và là lãnh đạo Cơ quan chính trị. Chức vụ này trước đây từng do ông Hwang Pyong So nắm giữ.
Cơ quan chính trị là cơ quan quân sự quyền lực nhất của Bắc Hàn, chịu trách nhiệm bổ nhiệm các viên chức và kiểm soát ý thức hệ của khoảng 1.3 triệu binh sĩ. Ông Hwang, người từng được coi là ngôi sao mới nổi trên chính trường Bắc Hàn, bị sa thải sau một cuộc điều tra nhằm vào cơ quan của ông. Ông Hwang sau đó bị điều đến một trường giáo dục tư tưởng, theo tình báo Nam Hàn cho biết biết hồi đầu tuần. Ông Hwang bị cáo buộc tham nhũng và nhận hối lộ.

Israel bắt đầu xây tường dọc biên giới Lebanon
TEL AVIV - Binh sĩ Israel vào ngày thứ Sáu đã bắt đầu xây dựng bức tường bê-tông trên biên giới với Lebanon. Bức tường này được xây dựng kéo dài từ biển Địa Trung Hải ở phía Tây tới khu vực xung quanh Mount Hermon ở phía Đông. Israel lần đầu tiên xây dựng hàng rào dọc theo biên giới với Lebanon vào năm 1948, và xem đây là một trong những biện pháp chống khủng bố hiệu quả nhất.
Trong khi đó, Hội đồng quốc phòng tối cao Lebanon đã ra lệnh cho quân đội đẩy lùi bất kỳ nỗ lực nào của Israel xâm phạm lãnh thổ Lebanon. Phía Lebanon cho rằng bức tường đi qua lãnh thổ của họ, trong khi Israel nói bức tường nằm trên ranh giới được Liên Hiệp Quốc chỉ định. Ngoài tranh chấp biên giới trên bộ, Israel và Lebanon còn mâu thuẫn về đường biên giới biển, tại một khu vực có diện tích khoảng 330 dặm vuông. Lebanon vừa thăm dò dầu tại gần khu vực này, khiến Israel lên tiếng chỉ trích. Vào năm 2006, Israel từng có cuộc chiến ngắn với phong trào Hezbollah của người Hồi giáo Shiite tại Lebanon. Cuộc chiến dài 1 tháng ngày đã khiến 1,200 người Lebanon và 160 binh sĩ Israel thiệt mạng.

Trung Quốc: Dự luật Mỹ liên quan Đài Loan gây bất ổn
BẮC KINH - Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố, dự luật Hoa Kỳ khuyến khích các chuyến thăm qua lại giữa viên chức chính phủ Washington và Đài Bắc sẽ đe dọa sự ổn định ở eo biển Đài Loan, và Hoa Kỳ cần rút lại dự luật này. Dự luật đã được Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện phê chuẩn và nay sẽ được trình lên Thượng Viện Hoa Kỳ. Bắc Kinh luôn coi đảo Đài Loan là một tỉnh phản loạn, và không đủ tiêu chuẩn để thực hiện các quan hệ cấp chính phủ. Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng bị ràng buộc bởi pháp luật để giúp đảo quốc này tự vệ, và hiện cũng là nguồn cung cấp vũ khí chính của Đài Loan. Trung Quốc vẫn thường nói rằng, Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Washington.
Lên tiếng trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng nói: “Dù các điều khoản trong dự luật Hoa Kỳ không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng dự luật này cũng vi phạm nghiêm trọng đến chính sách Một Trung Hoa. Nếu dự luật được phê chuẩn, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến quan hệ Mỹ-Trung và tình hình trên eo biển Đài Loan.” Ông Cảnh Sảng thêm rằng, Trung Quốc rất thất vọng và đã gởi lời phản đối đến phía Hoa Kỳ. Ông cũng kêu gọi Washington nên giữ lời hứa với Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Trong khi đó, chính phủ Đài Loan rất ủng hộ dự luật, vốn cho phép các viên chức chính phủ Hoa Kỳ đến Đài Loan để gặp gỡ những người đồng cấp. Đài Bắc nói rằng, việc dự luật được ủy ban chấp thuận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả 2 chính đảng Hoa Kỳ, đối với sự giao lưu qua lại giữa 2 nước.

Mỹ không kích phiến quân chống Trung Quốc
BADAKHSHAN – Lực lượng Hoa Kỳ tại Afghanistan đã tấn công một mạng lưới phiến quân chống Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh kêu gọi phương Tây hợp tác trong cuộc chiến chống phe ly khai ở tỉnh Tân Cương. Vụ không kích xảy ra tại tỉnh Badakhshan, phá hủy một khu trại huấn luyện của Taliban, chuyên hỗ trợ các tổ chức phiến quân ở Afghanistan và phiến quân thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, gọi tắt là ETIM, chủ yếu hoạt động ở biên giới Trung Quốc và Tajikistan. Đại diện NATO tại Afghanistan hôm thứ Năm tuyên bố, Hoa Kỳ ủng hộ Afghanistan bằng cách bảo đảm với các láng giềng của nước này rằng, Afghanistan sẽ không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố, những kẻ âm mưu gây ra các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Lực lượng Hoa Kỳ không cho biết chi tiết về cuộc không kích và số ước lượng thương vong, nhưng nói rằng nhóm ETIM từng gây ra một số cuộc tấn công ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, 2 thành viên của nhóm này cũng có liên quan đến âm mưu đánh bom Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Kyrgyzstan vào năm 2002. Nhóm ETIM được coi là mối đe dọa với Trung Quốc và đang được hỗ trợ bởi Taliban. Thành viên của nhóm ETIM chủ yếu là người Hồi giáo Uygur, một cộng đồng thiểu số nói tiếng Turkic sống tại Tân Cương. Trong quá khứ, nhiều nước phương Tây đã khá ngần ngại khi chia sẻ thông tin tình báo với Trung Quốc về vấn đề khủng bố, do lo ngại nguy cơ xảy ra tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng lo rằng sự bất ổn tại Afghanistan có thể sẽ tràn vào tỉnh Tân Cương, khu tự trị thường xảy ra bạo động của nước này.

Ai Cập gia tăng bố ráp khủng bố trước kỳ bầu cử
CAIRO – Chính phủ Ai Cập đang gia tăng các đợt bố ráp khủng bố, trước khi nước này bước vào cuộc bầu cử tổng thống từ ngày 26 đến 28 tháng 3. Vào thứ Sáu, Ai Cập đã khởi động một chiến dịch an ninh quy mô lớn với sự tham gia của cả cảnh sát và quân đội, nhằm đối phó với khủng bố và các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Theo quân đội Ai Cập, chiến dịch sẽ diễn ra trên khắp khu vực bán đảo Sinai - nơi được xem là trung tâm bạo lực dai dẳng do tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo gây ra, thuộc vùng châu thổ sông Nile và sa mạc phía Tây.
Kể từ khi Tổng Thống Hồi Giáo Mohamed Morsi bị quân đội lật đổ vào tháng 7, 2013, các vụ tấn công khủng bố không ngừng gia tăng tại Ai Cập. Các sự việc tập trung hầu hết tại các thành phố ở Bắc Sinai khiến hàng trăm cảnh sát và binh lính thiệt mạng. Các vụ tấn công sau đó lan rộng sang các tỉnh khác, và phạm vi mục tiêu bị mở rộng, gồm quân đội, cảnh sát, các cơ quan công quyền, cơ quan ngoại giao, người nước ngoài, các nhà thờ Thiên Chúa giáo và mới đây nhất là đền thờ Hồi giáo.

Trung Quốc tăng quan hệ với Maldives đối đầu Ấn Độ
BẮC KINH - Chính quyền Bắc Kinh đang kêu gọi phát triển quan hệ đối tác với Maldives, trong bối cảnh Trung Quốc muốn đối đầu với Ấn Độ trong việc tranh giành ảnh hưởng tại đảo quốc trên Ấn Độ Dương, nơi đang rơi vào khủng hoảng chính trị trong những ngày qua. Vào thứ Sáu, Ngoại Trưởng Vương Nghị đã nói với ông Mohamed Saeed, đặc sứ của Tổng Thống Maldives tại Bắc Kinh rằng, Trung Quốc đang theo dõi sát tình hình khủng hoảng tại thủ đô Male.
Ông Vương nói, cộng đồng thế giới nên đóng góp nhiều hơn trong việc duy trì ổn định tại Maldives, và tôn trọng ý muốn của người dân đảo quốc này. Ông Vương thêm rằng, Trung Cộng ủng hộ sự phát triển kinh tế, xã hội của Maldives, và hy vọng quan hệ đối tác hai nước sẽ đi theo chiều hướng lành mạnh. Thông điệp của ông Vương được đưa ra sau khi Tổng Thống Maldives Abdullah Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong 15 ngày, đồng thời chống lại phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Maldives, vốn yêu cầu thả tù chính trị và các chính trị gia đối lập. Tổng Thống Yameen cũng ra lệnh bao vây tòa án và bắt giam 2 thẩm phán.
Chính quyền Maldives đã gởi đặc sứ tới Trung Quốc, Pakistan, và Ả Rập Saudi để thông báo về cuộc khủng hoảng chính trị, nhưng chưa gởi đặc sứ tới Ấn Độ, viện lý do “thời điểm không thích hợp.” Tổng Thống Yameen đã tìm kiếm sự ủng hộ từ Bắc Kinh, sau khi cựu Tổng Thống lưu vong Mohamed Nasheed kêu gọi Ấn Độ can thiệp quân sự vào Maldives. Chính quyền New Delhi mới đây đã lên tiếng cùng Hoa Kỳ và Anh quốc, yêu cầu Maldives nên tôn trọng phán quyết của Tối Cao Pháp Viện.

Istanbul ngừng nhận người tị nạn Syria
THỔ NHĨ KỲ - Bộ Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ ngày thứ Sáu thông báo, nước này đã ngừng cấp giấy phép mới cho những người tị nạn Syria xin cư trú tại Istanbul, thành phố đông dân nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Istanbul là điểm đến của hầu hết người tị nạn Syria với hơn 542,000 người. Con số này có thể tăng gấp đôi nếu tính cả những người tị nạn không ghi danh.
Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu hòa bình Trung Đông quốc tế Veysel Ayhan cho biết, nhà chức trách đã quyết định ngăn ngừa và kiểm soát dòng người tị nạn Syria đến Istanbul, do nhu cầu chuyển đến thành phố này quá lớn. Theo Trung tâm nghiên cứu Tị nạn và Di cư, vấn đề người tị nạn Syria không chỉ ngày càng rõ nét hơn ở Istanbul mà trên toàn bộ Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra căng thẳng giữa người di cư và người bản địa.
Trong suốt một năm rưỡi qua, lực lượng an ninh đã lập các chốt kiểm soát tại các trạm xe bus, sân bay và đường giao thông tại Istanbul, để ngăn những người tị nạn Syria không giấy tờ vào thành phố. Hành động của Bộ Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm xoa dịu sự tức giận của người dân, trước số lượng di dân ngày càng đông. Trước đó một ngày, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói, dù Thổ Nhĩ Kỳ đang là nơi cư trú của khoảng 3.5 triệu người tị nạn Syria, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ tiếp nhận họ vô thời hạn.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT