Thế Giới

Bà Suu Kyi, Miến Điện bị chỉ trích nặng vụ khủng hoảng Rohingya

Monday, 04/09/2017 - 10:37:25

Bà Suu Kyi, cựu tù chính trị của chính phủ quân đội Miến Điện, đã bị chỉ trích mỗi lúc một nhiều, vì dư luận bên ngoài Miến Điện đã thất vọng rằng bà không lên tiếng chống lại cách thức đối xử với người Rohingya, hoặc trừng phạt quân đội.


Những sinh viên Nam Dương biểu tình chống Miến Điện với hình bà Aung San Suu Kyi tại thủ đô Jakarta ngày thứ Hai, 4 tháng 9, 2017. (Getty Images)


YANGON – Cô Malala Yousafzai, một thiếu nữ từng lãnh giải Nobel Hòa Bình, cùng các quốc gia đông dân Hồi Giáo ở Á Châu đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích Miến Điện và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, về tình cảnh bi đát của người thiểu số Hồi Giáo Rohingya đang bị xua đuổi ra khỏi Miến Điện.
Gần 10,000 người Rohingya đã tràn vào Bangladesh trong 10 ngày qua, sau khi chiến sự gia tăng giữa các chiến binh Rohingya và quân đội Miến Điện tại tỉnh Rakhine ở miền tây, nơi đang có bị tàn phá bởi xung đột.

Khu vực nghèo khổ này, nằm giáp biên giới Bangladesh, từ nhiều năm nay là một mối thử thách của những vụ căng thẳng cộng đồng giữa người Hồi Giáo và người Phật Giáo. Người sắc dân Rohingya bị buộc phải sống dưới sự hạn chế về việc đi lại và quyền công dân, tương tự như bị sống dưới một chế độ kỳ thị chủng tộc.

Tình trạng bạo động mới đây, bắt đầu hồi tháng Mười năm ngoái, khi một nhóm dân quân nhỏ thuộc sắc dân Rohingya phục kích các đồn biên giới, là đợt bạo động tệ nhất tại Rakhine trong nhiều năm. Sau đó, theo nhận xét của Liên Hiệp Quốc, quân đội Miến Điện có thể đã gây ra một cuộc diệt chủng nhắm vào người Rohingya.

Bà Suu Kyi, cựu tù chính trị của chính phủ quân đội Miến Điện, đã bị chỉ trích mỗi lúc một nhiều, vì dư luận bên ngoài Miến Điện đã thất vọng rằng bà không lên tiếng chống lại cách thức đối xử với người Rohingya, hoặc trừng phạt quân đội.

Bà đã không đưa ra lời bình luận nào, từ khi đợt chiến sự nới nhất nổ ra vào ngày 25 tháng Tám.
Cô Yousafzai, một nhà hoạt động người Pakistan, nổi tiếng nhờ sống sót sau khi bị quân Taliban bắn vào đầu mà không chết, nói trong một mục đăng trên Twitter, “Mỗi lần tôi đọc thấy tin này, trái tim tôi tan nát trước sự đau khổ của những người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện. Trong vài năm qua, tôi đã nhiều lần lên án cách thức đối xử bi thảm và đáng hổ thẹn này. Tôi vẫn đang chờ đợi bà Aung San Suu Kyi, người cũng từng lãnh giải Nobel như tôi, lên tiếng trước tình cảnh này.”

Ngoại Trưởng Mã Lai Á Anifah Aman cũng đặt câu hỏi về sự im lặng của bà Suu Kyi. Ông Anifah nói với hãng tin AFP ngày thứ Hai, “Nói thật rằng tôi không hài lòng với bà Aung San Suu Kyi. Trước đây bà từng đứng lên tranh đấu cho nguyên tắc nhân quyền. Hiện giờ dường như bà chẳng làm gì cả.”

Cuộc khủng hoảng gia tăng này đang đe dọa những mối quan hệ ngoại giao giữa Miến Điện với các quốc gia, đặc biệt các quốc gia có đa số dân chúng theo Hồi Giáo ở Đông Nam A, như như Mã Lai Á và Nam Dương, nơi người dân bày tỏ sự phẫn nộ công khai trước sự đối xử của Miến Điện với người Rohingya.
Ngày thứ Hai, Maldives loan báo rằng họ đang cắt đứt mọi mối quan hệ thương mại với Miến Điện. “Cho đến khi nào chính phủ Miến Điện dùng những biện pháp ngăn chặn những vụ tàn bạo nhắm vào người Hồi Giáo Rohingya,” theo Bộ Ngoại Giao cho biết.

Trong khi đó, tàu cứu cấp Châu Âu đã lên đường cứu dân Rohingya.
Một tổ chức từng nói họ đã cứu được 40,000 người khi các thuyền nhân này vượt biển Địa Trung Hải vào Châu Âu cho biết họ đã chuyển các hoạt động sang Miến Điện để cứu giúp người thiểu số Rohingya đang bị kẹt trong chiến tranh.

Tổ chức MOAS có trụ sở chính ở Malta, bắt đầu hoạt động từ năm 2014, đã có quyết định nói trên sau khi Liên Hiệp Quốc cho biết con số người dân Rohingya tràn qua Bangladesh đã lên đến 87,000 người.
Chiếc tàu lớn tên là Phoenix của MOAS đã lên đường tiến vế phía đông vào Vịnh Bengal và cuộc hành trình cứu nạn của nó sẽ kéo dài khoảng 3 tuần trên biển. Đại diện của MOAS cho hay “mục tiêu là làm sao cung cấp cứu giúp nhân đạo cho dân chúng Rohingya nhiều nhất.” Liên Hiệp Quốc từng mô tả “người Rohingya là sắc dân thiểu số bị hành hạ ngược đãi tàn bạo nhất thế giới.”


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT