Thế Giới

Bà Suu Kyi bênh vực việc Miến Điện bỏ tù hai nhà báo

Friday, 14/09/2018 - 12:08:56

Cuộc khủng hoảng mới nhất xảy ra khi một cuộc đàn áp quân sự tàn bạo đã được đưa ra để trừng phạt một nhóm chiến binh Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát.


Bà Aung San Suu Kyi phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới trong khuôn khổ của ASEAN được tổ chức tại Hà Nội ngày thứ Năm, 13 tháng 9, 2018. (Getty Images)

HÀ NỘI - Lãnh đạo Miến Điện bà Aung San Suu Kyi bênh vực việc chính phủ Miến Điện đã cầm tù hai nhà báo của hãng thông tấn Reuters, bất chấp sự lên án của quốc tế.

Bà Suu Kyi nói hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã vi phạm luật pháp và việc giam cầm họ “không có gì liên quan đến tự do ngôn luận.”

Cả hai nhà báo bị kết án vì sở hữu tài liệu của cảnh sát trong khi điều tra việc giết hại những người Hồi giáo Rohingya.

Bà Suu Kyi cũng nhìn nhận khi nói việc quân đội Miến Điện ruồng bắt người Rohingya có thể đã được giải quyết một cách khác hơn.

Người đoạt giải Nobel Hòa bình - không phải là tổng thống được bầu của Miến Điện nhưng được xem hầu như là người thực sự lãnh đạo nước này - đã bị áp lực mạnh mẽ để bình luận về cả cuộc khủng hoảng Rohingya và gần đây hơn là việc Miến Điện giam cầm các nhà báo.

Tuần này, một cơ quan có thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc cáo buộc Miến Điện “đang có chiến dịch chống lại các nhà báo.”

Bà Suu Kyi đã lên tiếng lần đầu tiên về vấn đề này hôm thứ Năm trong khi tham dự Diễn Đàn  Kinh Tế Thế Giới tại Việt Nam.

Trong một bài phát biểu, bà nói đây là trường hợp duy trì luật lệ và cho rằng nhiều nhà phê bình đã không thực sự đọc bản án.

Hai nhà báo này có “mọi quyền kháng cáo phán quyết của toà và vạch ra tại sao bản án sai,” bà nói.
Trong khi đó, Phó Giám Đốc Châu Á Phil Robertson nói, “Bà ấy không hiểu rằng 'luật pháp' thực sự có nghĩa là tôn trọng bằng chứng được trình bày tại tòa án, hành động được đưa ra dựa trên luật được xác định rõ ràng và cân đối, và sự độc lập của tư pháp với ảnh hưởng của chính phủ hoặc lực lượng an ninh. Trong tất cả những điều kiện này, vụ xử các nhà báo Reuters đều không đáp ứng được.”

Hai nhà báo người Miến Điện, Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị bắt năm 2017 khi mang theo tài liệu liên quan đến vụ hành hình người Rohingya được cảnh sát cung cấp

Hai nhà báo của Reuters bị kết án bảy năm tù vào ngày 3 tháng 9 vì vi phạm luật bí mật của Miến Điện trong khi điều tra vụ thảm sát người Rohingya bởi quân đội tại một ngôi làng có tên Inn Din.

Trong các phiên tòa trước, cả hai nhà báo đều cho rằng họ tuân thủ đạo đức truyền thông, và rằng họ bị 'cảnh sát cài'.

Hai nhà báo đã thu thập bằng chứng về việc hành hình 10 người đàn ông trong làng Inn Din ở miền bắc Rakhine, Miến Điện vào ngày 2/9/2017.

Theo Reuters, một nhóm nam giới người Rohingya, chạy trốn các vụ bạo động, đến một bãi biển - nơi họ bị tách biệt riêng ra và bị giết chết.

Ít nhất hai người đàn ông đã bị dân làng - là các Phật tử- đánh chết, số còn lại bị quân đội bắn thiệt mạng.Vào ngày 12/12, hai nhà báo được mời đến ăn tối với hai nhân viên cảnh sát - những người trao cho họ các tài liệu về vụ thảm sát. Họ bị bắt khi vừa rời nhà hàng.

Họ bị buộc tội “sở hữu các tài liệu quan trọng và bí mật của chính phủ liên quan đến chính quyền và lực lượng an ninh của Rakhine.” Cảnh sát cho biết thông tin đã được “mua bất hợp pháp với ý định chia sẻ với truyền thông nước ngoài.”

Luật sư của hai nhà báo cho hay việc này đã được cảnh sát Miến Điện dàn xếp vì muốn trừng phạt bởi họ đã đưa tin về vụ thảm sát.

“Chúng tôi không làm gì sai và những cáo buộc là vô căn cứ,” Wa Lone nói tại tòa tuần trước.
Một cảnh sát đứng ra làm chứng, nói ông được ra lệnh cài các tài liệu vào các nhà báo.
Người Rohingya đã đối phó trước việc bị kỳ thị ở Miến Điện trong nhiều thập niên, bị xem là những người di cư bất hợp pháp và có vấn đề từ Bangladesh.

Cuộc khủng hoảng mới nhất xảy ra khi một cuộc đàn áp quân sự tàn bạo đã được đưa ra để trừng phạt một nhóm chiến binh Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát.

Kể từ năm ngoái, ít nhất 700,000 người Rohingya đã trốn khỏi Miến Điện.
Vào tháng Tám, một bản tường trình của Liên Hiệp Quốc cho biết lãnh đạo quân sự hàng đầu ở Miến Điện phải được điều tra về tội diệt chủng ở bang Rakhine và tội ác chống lại loài người ở các khu vực khác.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT