Thế Giới

Ba người bị bắt trong vụ ám sát Kim Chính Nam

Thursday, 16/02/2017 - 10:05:42

Kim Jong-nam sống ở ngoại quốc trong nhiều năm. Ông bị thất sủng, khi ông bị bắt gặp đang tìm cách để vào Nhật Bản bằng một visa giả trong năm 2001. Ông nói rằng ông muốn đến thăm Tokyo Disneyland.


Nữ nghi can mang sổ thông hành Việt Nam (mặc áo vàng, thứ nhì từ bên trái) đang bị đưa lên xe của cảnh sát ngày thứ Năm, trong hình chiếu trên đài truyền hình Nam Hàn.


KUALA LUMPUR - Nhà chức trách Mã Lai đã thêm hai người, liên quan tới vụ giết chết người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ cộng sản Bắc Hàn. Vụ ám sát xảy ra hôm thứ Hai đã gây nên nhiều nghi vấn.
Các điều tra viên vẫn đang ráp nối lại các chi tiết của vụ án mạng. Trong số đó, có giả định rằng lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un (Kim Chính Vân) đã cử một đội sát thủ đi giết Kim Jong-nam (Kim Chính Nam), người anh cùng cha khác mẹ của ông, lâu nay đã trở nên người xa lạ. Là người có tiếng thích đánh bạc và các sòng bài, Kim Jong-nam sống ở ngoại quốc trong nhiều năm, biết rằng ông là một kẻ bị truy lùng.
Ba nghi can gồm hai phụ nữ và một người đàn ông đã bị bắt giữ một cách riêng rẽ, vào ngày thứ Tư và thứ Năm. Hai người phụ nữ này được xác định bằng những video theo dõi, từ Phi Trường Quốc Tế Kuala Lumpur. Ở đó ông Kim Jong-nam, 45 hoặc 46 tuổi, đột nhiên bị bệnh vào sáng thứ Hai.

Hôm thứ Năm, các viên chức Mã Lai cho biết ông đã chết trên đường đi tới một bệnh viện, sau khi ông nói với các nhân viên y tế tại sân bay rằng ông đã bị xịt một loại hóa chất.

Người ta tin rằng hai phụ nữ ấy là nhân viên mật vụ của Bắc Hàn. Họ giết chết ông bằng một loại chất độc, trước khi leo lên một chiếc taxi chạy trốn.

Một trong hai nữ nghi can có giấy tờ hộ chiếu của Việt Nam, ghi tên là Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, quê ở Nam Định. Cô này bị bắt đầu tiên hôm thứ Tư trong lúc chờ lên phi cơ tại trạm hàng không giá vé rẻ của phi trường, cùng một địa điểm nơi vụ tấn công xảy ra. Người phụ nữ thứ nhì mang một passport của Nam Dương, và bị bắt vào sáng sớm thứ Năm.

Các nhà ngoại giao Nam Dương đã gặp nghi can thứ nhì và xác định rằng cô là một công dân Nam Dương, theo các viên chức cho biết. Nhà chức trách xác định cô ấy là Siti Aisyah, 25 tuổi, người gốc Serang ở Banten, một tỉnh ở gần thủ đô Jakarta của Nam Dương.

Agung Sampurno, phát ngôn viên của Cơ Quan Di Trú Nam Dương, nói rằng các viên chức từ Tòa Đại Sứ Nam Dương tại Kuala Lumpur đã gặp người phụ nữ ấy ở tiểu bang Selangor, nơi cô đang bị giam giữ, và bảo đảm cô ở trong tình trạng an toàn.

Ông Sampurno nói, “Họ được phép gặp cô ấy, nhưng không thể hỏi bất cứ câu nào. Tuy nhiên, nhóm viên chức này có thể xác nhận rằng Aisyah là người Nam Dương.”

Tin tức về vụ bắt giữ thứ ba được đưa ra vào chiều thứ Năm. Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông Mã Lai, được cho là bạn trai của nữ nghi can Nam Dương.

Các nhân viên y tế cũng làm xong việc khám nghiệm tử thi của Kim Jong-nam, nhưng các kết quả vẫn chưa được công bố. Những điều được tìm thấy có thể cho biết ông có thực sự bị trúng độc hay không.
Bắc Hàn đã phản đối cuộc khám nghiệm tử thi, nhưng Mã Lai vẫn xúc tiến việc khám nghiệm, vì Bắc Hàn không nộp một kháng thư chính thức. Ông Abdul Samah Mat, một viên chức cảnh sát cao cấp của Mã Lai cho biết.

Kim Jong-nam sống ở ngoại quốc trong nhiều năm. Ông bị thất sủng, khi ông bị bắt gặp đang tìm cách để vào Nhật Bản bằng một visa giả trong năm 2001. Ông nói rằng ông muốn đến thăm Tokyo Disneyland.

Kim Jong-nam là con trai của ông Kim Jong-il (Kim Chính Nhật), nhà lãnh đạo thứ nhì của Bắc Hàn, và bà Sung Hye Rim, một nữ diễn viên. Các nhà phân tích nói rằng bà đã bị buộc phải ly dị người chồng đầu tiên của bà, để sống trong bí mật với nhà lãnh đạo tương lai trong năm 1970, cách một năm trước khi con trai họ được sinh ra.

Kim Jong-nam theo học ở Geneva và Moscow trong thời niên thiếu. Ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Sau khi Kim Jong-il qua đời vào năm 2011, Kim Jong-nam than phiền rằng Kim Jong-un, nhà lãnh đạo mới của Bắc Hàn, không đối xử với ông với lòng kính trọng, và không gửi cho ông đủ tiền. Cheong Seong-Chang, một phân tích gia tại Viện Sejong của Nam Hàn, cho biết như vậy.
Tuy nhiên, Kim Jong-nam tự kiềm chế, không công khai chỉ trích Bắc Hàn, và ít gây chú ý, sau khi Kim Jong-un xử tử Jang Song Thaek, dượng của ông và là người từng bảo vệ ông, trong năm 2013. Ông Jang từng được coi là người có nhiều thế lực đứng vào hàng thứ nhì ở nước này.

Theo Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia cho biết, trong năm năm Bắc Hàn tìm cách giết Kim Jong-nam, và ông đã gửi một bức thư cho Kim Jong-un trong tháng Tư năm 2012, cầu xin tha mạng cho chính ông và gia đình ông

Các viên chức của Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia, tức cơ quan tình báo của Nam Hàn, nói với các nhà lập pháp rằng Kim Jong-nam để lại hai người con trai và một con gái với hai người phụ nữ sống ở Bắc Kinh và Macau.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT