Bình Luận

Ba ngày, 3 giai đoạn nhận thức

Wednesday, 21/08/2019 - 06:26:38

Kinh tế là một khoa học khá phức tạp, mà chính nhiều chính khách cũng không hiểu rõ, trong số những chính khách đó có Tổng Thống Trump.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Kinh tế là một khoa học khá phức tạp, mà chính nhiều chính khách cũng không hiểu rõ, trong số những chính khách đó có Tổng Thống Trump.
Bài báo này ghi nhận thái độ của ông ta trong ba ngày 18, 19, và 20 tháng Tám 2019. Ngày đầu tiên ông đề cập đến nguy cơ kinh tế suy thoái là ngày Chủ Nhật, 18 tháng Tám, 2019. Trump cho là những hiện tượng thị trường chậm lại, trì trệ hơn là do sự toa rập có mưu tính chống lại ông.

Trump chỉ trích ông Jerome H. Powell, Chủ Tịch Cục Dự Trữ Liên Bang, cố tình phá ông, mặc dù chính Trump là người chọn và đặt ông Powell vào chức vụ có quyền ấn định lãi suất trên thị trường tài chính Mỹ.
Trump chỉ trích các quốc gia khác -kể cả những nước đồng minh với Mỹ, cố tình gây tổn thất kinh tế cho Mỹ; ông còn chỉ trích truyền thông Mỹ là toan tính gây ra tình trạng suy nhược kinh tế.

Trump tweeted, “Bọn Fake News Media làm mọi việc họ có sức làm để tạo suy thoái kinh tế, vì họ tin là suy thoái sẽ tác hại cho tôi và cho việc tôi tái đắc cử. Tuy nhiên họ vấp phải cái khó khăn lớn là kinh tế Mỹ đang quá mạnh, và đang trên đà chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại. Ai cũng biết điều đó, kể cả Trung Quốc."



Tổng Thống Donald Trump: Kinh tế Mỹ đang quá mạnh, và đang trên đà chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại. Ông Trump đang nói chuyện với báo chí tại sân Tòa Bạch Ốc ngày thứ Tư, 21 tháng 8, 2019. (Mark Wilson/Getty Images)

Trump không chỉ huênh hoang như vậy trên dư luận mà ngay cả trong những liên hệ riêng tư với thân hữu và với nhân viên làm việc với ông. Ông bảo mọi người là bọn chống đối ông muốn phá lá bài tủ của ông -sự thành công kinh tế- lá bài sẽ đem lại cho ông thêm bốn năm cầm quyền nữa.
Trump nói những sức mạnh đối nghịch với ông chỉ trích đến cả chiến thắng của ông trong trận chiến mậu dịch với Trung Quốc. Họ cho là ông tự bắn vào chân ông nếu ông tiếp tục đánh thuế nhập cảng (tariffs) quá nặng trên sản phẩm Tầu.

Mặc dù chỉ trích truyền thông, nhưng Trump cũng sợ, ông tạm ngưng đánh thuế quan trên những lô hàng Tầu mới gởi qua.
Một vài phụ tá của Trump tỏ ra đồng ý với ông là truyền thông đã khai thác quá đáng tâm lý lo sợ kinh tế suy thoái của quần chúng, khiến Trump càng tin tưởng nguy cơ kinh tế chỉ là thủ đoạn phá hoại của những người ác cảm với ông.

Qua ngày thứ nhì -19 tháng Tám, 2019, nhóm cố vấn kinh tế của tổng thống thảo luận tìm cách kích thích thị trường vượt ra khỏi tình trạng trì trệ mà họ cũng nhận thấy; hai biện pháp kích cầu (kích thích người mua) được thảo luận nhiều nhất là cắt thuế đánh trên lương công nhân (payroll tax cut), và tái xét mức thuế quan (tariffs).
Ngoài miệng Trump vẫn hùng hổ cãi là nền kinh tế Mỹ vẫn 'khỏe như voi' (doing tremendously well), mặc dù chính ông cũng đã nhìn thấy những dấu hiệu suy thoái, và đã hỏi đám cố vấn những phương thuốc chữa chạy.

Bọn này giảng dạy ông là diễn biến sắp xảy ra là các hãng xưởng Mỹ sẽ sa thải công nhân, tạo ra thật trạng là nhiều người mất việc, không có tiền mua sắm, ăn xài nữa; thật trạng đó gây ra tâm trạng lo âu cho những công nhân chưa mất việc, lo ngại và thận trọng hơn, dè dặt trong cách tiêu xài, tâm trạng đó cũng gây thêm trì trệ kinh tế.
Để trị căn bệnh trì trệ đó chỉ có cách là phát tiền cho công nhân nhiều hơn số lương họ đang lãnh, phát bằng cách không đánh thuế trên tiền lương của họ nữa (payroll tax reduction); có thêm tiền, công nhân sẽ tiêu pha, mua sắm; và đó là biện pháp kích thích nhu cầu -kích cầu.

Payroll tax là 6.2% trên số lương $132,900/năm, mỗi công nhân phải đóng; miễn thuế lương là bỏ vào túi công nhân thêm $8,000, giúp họ tiêu xài rộng rãi hơn.
Hôm Chủ Nhật, trong một cuộc họp báo, một phóng viên hỏi tổng thống xem ông sẽ sử dụng biện pháp nào để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế, ông bảo họ, “Lúc nào tôi cũng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống -kể cả giả thuyết suy thoái kinh tế, mặc dù tôi không tin là Hoa Kỳ bị đe dọa bởi một cuộc suy thoái như vậy. Người tiêu thụ Mỹ lúc nào cũng rủng rỉnh tiền bạc. Tôi rộng rãi giảm thuế cho họ. Họ muốn mua gì là mua ngay, không ngần ngừ, cân nhắc, thị trường tiêu thụ lúc nào cũng tấp nập."

Câu trả lời rất khéo, vì ngoài tình trạng thất nghiệp, không tiền tiêu xài, suy thoái kinh tế còn là một căn bệnh tâm lý -thấy người khác túng thiếu, mình cũng co lại, bớt phung phí.
Payroll tax cut là một trong những biện pháp kích cầu rất mạnh mà chính quyền Obama đã sử dụng trong suốt hai năm -2011 và 2012- để giải quyết tình trạng kinh tế trì trệ. Tuy nhiên, biện pháp miễn thuế lương bổng đòi hỏi tổng thống phải xin sự thỏa thuận của Quốc Hội, nhưng, cho đến giờ này, tổng thống vẫn chưa xin.

Một viên chức bạch cung nói tổng thống đang cứu xét nhiều thứ 'tax cuts', nhưng cắt thuế lương bổng của công nhân không phải là một ưu tiên; Trump đang nghiên cứu việc giảm thuế quan (tariffs) cho hàng Tầu, mặc dù ông vẫn khăng khăng cãi rằng thuế quan, không liên quan gì đến suy thoái kinh tế.
Chỉ trong ba ngày mà tổng thống đã đi từ thái độ không nhìn nhận tình trạng suy thoái kinh tế đến thái độ nghiên cứu biện pháp kích cầu, phải được coi là một tiến bộ quan trọng rồi.
Xin đừng đòi hỏi nhiều hơn nữa. Ổng không còn bén nhậy lắm đâu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT