Người Việt Khắp Nơi

Bà May Beane, một phụ nữ gốc Việt được giải "Hoa Hậu Cao Niên Thân Thiện"

Saturday, 12/05/2018 - 08:46:53

“Năm trước trong lúc tôi lay hoay trong bụi đằng sau cây Wisteria, tôi nghe có tiếng máy xe ồn ào, xìn xịt rồi dừng lại sát cây Wisteria bên đường.

Nhân ngày Mothers Day vinh danh Mẹ năm nay, một phụ nữ tên là May Beane đã bất ngờ gởi email đến tòa soạn Nhật Báo Viễn Đông và tâm sự bằng tiếng Việt về việc bà đang sống ở một nơi không có nhiều người Việt Nam, và cá nhân bà đã đoạt được nhiều giải trong cộng đồng địa phương và tại 4-H Fair, một hội chợ gồm nhiều tiết mục vui chơi, nghệ thuật được tổ chức hàng năm tại Elkhart County, tiểu bang Indiana và được xem là một trong những hội chợ lớn nhất trên toàn quốc, theo Wikipedia. Vào năm ngoái bà May Beane được trao giải 2017, Miss Congeniality Senior Queen USA, một giải Á Hậu và tạm dịch là Hoa Hậu Cao Niên Thân Thiện USA. Dưới đây là những lời “trải lòng” của bà May Beane với báo Viễn Đông trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy vừa qua, 12 tháng Năm, 2018.

 

“Để bắt kịp với phong trào selfie tôi cũng tự chụp cho mình vài tấm ảnh tại Thư Viện.” (Hình cung cấp)



Bà viết hôm thứ Sáu:
“Tôi là May Beane, sanh năm Quí Mùi, 76 tuổi, sống tiểu bang Indiana. Sau 28 năm liên tục tham gia công việc xã hội, tình nguyện, nghệ thuật tài tử với 4-H FAIR. Đây là Hội Chợ có năm có đến 270,000 người tham dự với nhiều ứng cử viên tham gia vào những cuộc tranh tài đủ loại trong vòng tám ngày, do Đại Học Purdue tổ chức.

“Tôi đoạt độ 200 phần thưởng lớn, nhỏ. Trophies vô địch Tiểu Bang ở Indianapolis và trophies địa phương, nhiều giải thưởng nấu ăn, trình diễn quần áo may cắt, nữ trang, trồng trọt, thủ công nghệ... Năm 2017, tôi tham dự Senior Queen Pageant trong 5 tuần lễ, gặp nhau 7 lần với 5 địa điểm khác nhau cùng các thí sinh với tuổi bắt đầu 60. Tôi là một thí sinh Á Châu và già nhất.


Bà May Beane được gởi Hoa Hậu Cao Niên Thân Thiện tại hội chợ 4-H Fair vào tháng Bảy 2017. (Hình: 4hfair.org)

“Sau những ngày dài thử thách với nhiều áp lực có khi tôi định bỏ cuộc, nhưng khi nhớ lại, mỗi ngày mình già hơn, 75 tuổi rồi, thời gian có chờ ai đâu. Ròng rã hơn tháng qua với câu phỏng vấn cuối cùng, được tuyên bố: May Beane, 2017 Miss Congeniality Senior Queen nơi khán đài lớn với trên ngàn khán giả chật ních. Trong 8 ngày, để làm bổn phận Senior Queen tôi không biết bao nhiêu lần gặp, bắt tay và trả lời rằng: “TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM” cùng chụp hình trăm, ngàn ảnh. Thỉnh thoảng có người chen vài câu hỏi hóm hỉnh: nếu bà là Queen thì tôi là King của bà có được không?.


Cây wisteria ở nhà bà May Beane (Hình cung cấp)

“Hàng năm có đám rước của đoàn convoy tôi ngồi trên xe ngựa, trên 5 giờ đồng hồ, được kéo bởi mấy con bạch mã qua thành phố, tôi vẫy cả 2 tay chào 2 bên dọc đường với ngàn người đã ngồi sẵn chờ từ sáng sớm (có khi tôi tự hỏi buồn cười, nếu mình là Queen thật thì mình có thích không? hay là mình bị mất tự do?). Đến nay có người còn nhận ra tôi, xin bắt tay và nói Hello Queen.

“Suốt thời gian ở đây hơn 35 năm, tôi mãi mê làm vườn. Vì khí hậu lạnh về đông nên vườn tôi chỉ có cây sống lại khi xuân đến. Wisteria nở rộ xum xê, lòng thòng, tím, trắng xen kẽ. Red Bud 8 cây, bông mà tím, giống bông Ô Môi Việt Nam, tranh nhau nở từng chùm nên không thấy cành lá ở đâu. Mỗi tháng Tư, mai Mỹ nở, rất tiếc không đúng vào dịp TẾT để nhớ lại quê nhà, hơn 10 bụi, màu vàng chói, đó đây đầy vườn, 6 cây Anh Đào hoa lớn, nhỏ tím nhạt với 5, 6 con cóc phun nước, đẹp đủ để tôi cùng hàng xóm cho thành phố mượn vườn để người vào thưởng ngoạn, họ bán vé và gây quỹ.

“Năm trước trong lúc tôi lay hoay trong bụi đằng sau cây Wisteria, tôi nghe có tiếng máy xe ồn ào, xìn xịt rồi dừng lại sát cây Wisteria bên đường.

“Hình năm 2016 với 55 phần thưởng đã có ba tờ báo địa phương đến phỏng vấn.” (Hình cung cấp)


Bà May Beane với các cháu (Hình cung cấp)

“Tôi nghe tiếng một phụ nữ thở dài rồi ngập ngừng, giọng thở ra: Mẹ à, mấy hôm rồi con lái xe chạy vòng vòng khu nhà này để xem bông Wisteria nở rộ, con nghĩ đến mẹ, nhân ngày Hiền Mẫu đến nhưng năm nay con không có tiền để mua cho Mẹ món gì, con nghĩ con thích bông Wisteria này, cả thành phố có mấy cây, thôi thì Mẹ hỷ xả vui lòng với con ngắm bông này mà tưởng tượng ra món quà con mua cho Mẹ, vả lại mẹ cũng ngồi trên xe lăn-tay thì Mẹ cũng đâu có cần gì, thôi thì Mẹ ngồi nghiêng đầu qua bên cửa coi bông này… 

 


Thêm một tấm selfie của bà May Beane (Hình cung cấp)

 



“Tôi lặng yên nghĩ thầm, mình còn may mắn hơn nhiều khác, mà có mình quên hay không nhận ra. Sau 10 phút to nhỏ, chiếc xe lăn bánh nặng nề tiến về phía hẽm khuất dạng.
“Lòng tôi bồi hồi, xúc động vì vô tình mình làm được một chuyện nghĩa hiệp, hòa hợp giữa Mẹ, Con nhân ngày TỪ MẪU. Câu chuyện này cũng dạy tôi một bài học, tuy nhỏ mà to đôi khi không có tiền cũng có hạnh phúc, vì có tiền không phải mua cái nào cũng được.

“Tái bút: đây là 1 trong 2 bài viết bằng tiếng Việt đầu tiên, nếu viết gì trật xin tha thứ. Cám ơn trước. Một lần nữa xin mến chào. Chúc Viễn Đông và toàn bộ biên tập thành công và mạnh khỏe luôn.”
Qua ngày thứ Bảy, bà May Beane kể tiếp với báo Viễn Đông.

“Tôi đang ở Elkhart County, Indiana (gần Đại Học Notre Dame, 15 phút lái xe, South Bend là thành phố lớn), Elkhart có khoảng 300,000 người.

“Trước kia tôi ở Saigon và tốt nghiệp trường Recina Pacis Institute (mấy Bà Soeur Pháp) và có bằng cấp Art & Kinh Tế Gia Đình (Art & Home Economics). Sau đó tôi đi dạy học cho trường của người Mỹ, Tin Lành (52 years ago) tên là Mennonite Central Committee, được vài năm. Sau đó, vì tôi làm việc giỏi và nhanh nhẹn (cũng đẹp nữa, nên ai ai cũng bảo tôi thi hoa hậu VN nhưng tôi không màng đến, đến bây giờ không biết sao, già rồi mà đi thi hoa hậu và cũng may là nó đậu). Tên VN của tôi là Huỳnh T. Ngọc May.
“Người Mennonite khuyến khích tôi đi Mỹ học tiếp để lấy Master hay Doctor họ sẽ sponsor nhưng tôi không đi học và lập gia đình với Ông Beane (Ông là Giám Đốc của Tinh Lành Mỹ ở Đông Nam Á Châu nói tiếng Việt và viết như người VN) và đến Mỹ lần đầu 1968, 69 gì đó lâu lắm rồi. Sau đó gia đình tôi trở lại VN, chồng làm việc và tôi đi dạy học bán thời gian (vì có con nhỏ), tôi dạy tiếng Việt cho người Mỹ, và cũng làm tình nguyện vài tiếng mỗi tuần.

“Sau đó 1975 mất VN tôi về Mỹ vài tháng và đi qua lại Thái Lan, (khoảng 6 năm rưỡi) tôi là người VN đầu tiên làm việc cho INS với chương trình ODP, làm đủ thứ cho đến lúc người tỵ nạn VN lên máy bay đi Mỹ, thì tôi đi vào trại tỵ nạn VN (called Boat People) đụng gì làm đó vì lúc đó chỉ có tôi là VN và biết tiếng Việt mà thôi.

“Thấy hoàn cảnh đồng bào VN chết vì đói, hết nước, chết ở biển khơi, bị hiếp dâm,.. tôi khóc mỗi ngày, tưởng chừng không còn nước mắt để khóc nữa... Trong lúc đó tôi cũng đi học tiếng Thái để làm thông dịch, để bảo vệ đồng bào VN trong trại, tránh cảnh sát Thái Lan hà hiếp, có chuyện gì xảy ra là tôi chạy đến liền. (Trước kia tôi nói tiếng Thái khá lắm, bây giờ quên nhiều).

“Gia đình tôi phải dọn về Mỹ vì con tôi phải vào trung và đại học. Tôi cũng cắp sách đến trường học gần 5 năm.

“Ở Elkhart này nhiều khi tôi quên tưởng chừng như tôi còn ở VN, tôi sống như ở VN, chỉ có khác là tôi chưa bao giờ nói tiếng Việt vì chưa bao giờ gặp người VN, tôi hoạt động xã hội nên quen cả thành phố và vì tôi chỉ là người Á Châu ra mặt làm việc với public [công chúng].
“Mỗi năm báo đăng hình tôi 3, 4 lần vì tôi đậu nhiều giải nhất ở hội chợ. Rất nhiều người khuyến khích tôi viết sách về đời tôi.

“Tôi rất tiếc, nghe nói có vài gia đình Việt Nam làm nail ở đây mà tôi chưa bao giờ gặp ai cả vì giờ giấc trái ngược. Tôi làm vườn suốt mỗi ngày nên chân tay lấm bùn và ít khi chưng diện vì cũng ít có thì giờ để đi đâu nên không cần đẹp.


Hoa đào sau vườn nhà bà May Beane (Hình cung cấp)

“Trước khi bãi trường năm rồi, trường trung học có mời tôi vào nói chuyện về Hội Chợ 4-HFAIR và ART là gì với các em học sinh. Thi cắm bông thì bông phải được trồng ở vườn nhà mình. Thi trình diễn thời trang thì quần áo chính mình đo cắt may và trình diễn trên sân khấu, và ban giám khảo họ phỏng vấn thí sinh đủ thứ câu hỏi tùy theo họ.

“Trước khi tôi đến trường nói chuyện vài ngày, nhà trường có kêu điện thoại lại và nói với tôi, Nghe nói Việt Nam có Chả Giò ngon lắm và họ xin một ít được không? Tôi làm cho họ khoảng 100 cái. Hôm tôi đến trường nói chuyện, nhà trường cho một em Á Châu ra xe giúp tôi đem chả giò vào. Tôi hỏi, Em từ nước nào đến đây? Em trả lời, Tôi là người Việt Nam. Tôi mừng quá vì lần đầu tiên gặp một em Việt Nam sau hơn 35 năm ở đây. Nhưng vì không có thì giờ và tôi không biết em có biết tiếng Việt bao nhiêu, và tôi cũng muốn biết nhiều về em nên chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Mỹ.
“Vài hàng gởi đến Viễn Đông. Xin lỗi. Mới viết đến đây tôi mất internet nên vào thư viện viết tiếp tục.”

Và bà May Beane đã viết tiếp:

“Điều may mắn nhất là đời tôi rất bình an trong tâm hồn, mạnh khỏe về thể xác. Tôi nghĩ là mình đã có tất cả rồi. Tôi vui vẻ chấp nhận, bằng lòng, an vui với cái gì tôi có.

“Đôi khi coi internet về VN tôi buồn lắm cho đất nước VN. Chúc mỗi Bà Mẹ Được Bình An Vui Vẻ, Hạnh Phúc trong ngày Mothers Day.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT