Văn Nghệ

Bà Bầu Thúy Uyển mừng 55 năm gắn bó sân khấu

Friday, 23/03/2018 - 08:10:12

Dù chỉ là vai phụ, không có nhiều lớp diễn, nhưng diễn viên Qúy Bình đã đem lại những tiếng cười sảng khoái cho người nghe khi anh thể hiện vẻ tưng tửng, ba phải của chàng người yêu Yến Oanh và là bạn thân của Vĩnh Kỳ.

Bài BĂNG HUYỀN

Đã có 55 năm phục vụ nghệ thuật cầm ca, với vai trò là nhà tổ chức các show diễn nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật cải lương, thoại kịch, nghệ sĩ Thúy Uyển, vốn quen với danh xưng là bà bầu, đã tổ chức đại hội minh tinh kỳ 12 live show thu hình ca nhạc, bi hài kịch vào Chủ Nhật tuần qua, 18 tháng 3, 2018, với hai xuất diễn lúc 1 giờ 30 trưa và 7 giờ tối, tại sân khấu Saigon Performing Arts Center, thành phố Foutain Valley, để nghệ sĩ Thúy Uyển kỷ niệm chặng đường 55 năm thủy chung gắn bó với sân khấu, đem đến cho khán giả những chương trình nghệ thuật đặc sắc.


Bà bầu Thúy Uyển gửi lời tri ân và lời chào khai mạc trong buổi diễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Các tiết mục ca nhạc, vọng cổ màu sắc

Các tiết mục trong chương trình được dàn dựng rất công phu, phần một mở màn tươi vui, màu sắc, qua các ca khúc kết nối nhau như một liên khúc, với phần trình diễn của các cặp đôi diễn viên điện ảnh, ca sĩ đến từ Việt Nam và các nghệ sĩ tại hải ngoại. Nhạc phẩm “Đoản Ca Xuân” của nhạc sĩ Thanh Sơn, qua ba tiếng hát Thy Nhung, Đông Quân và Hồ Quang Lộc; Ca khúc “Vào Hạ” của Lê Hựu Hà do Kha Ly, Thanh Duy, Kim Hiền và Đồng Thanh Tâm ca. “Mùa Thu Cho Em” của Ngô Thụy Miên, qua tiếng hát của Trí Quang, Trang Thảo, Lương Thế Thành và Thúy Diễm. “Mùa Đông Của Anh” của Trần Thiện Thanh với tiếng hát của Minh Luân, Thụy Văn, Hồng Loan và Qúy Bình (lần đầu góp mặt trên sân khấu của Kịch Đoàn Dân Nam Thúy Uyển).
Bài vọng cổ “55 năm Thúy Uyển,” lời vọng cổ của soạn giả Viễn Châu qua tiếng hát của các nghệ sĩ Phượng Liên, Ngân Linh, Hồng Loan, Thy Nhung và Hồ Quang Lộc, đã kể về cuộc đời làm nghệ thuật 55 năm, gắn bó nợ dâu với sân khấu của nghệ sĩ Thúy Uyển.


Các diễn viên kết thúc phần trình diễn mở màn phần một. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đôi song ca Thủy Vân và Đông Quân đã hát Phượng Buồn. Ca khúc Chiếc Lá Cuối Cùng của Tuấn Khanh được Thanh Duy thể hiện thật nồng đượm cảm xúc. Ca khúc Đắp Mộ Cuộc Tình qua tiếng hát nồng nàn Minh Luân (diễn viên điện ảnh, thoại kịch và giải nhì Tình Bolero 2016 tại Việt Nam). Ca khúc Tàn Xuân của Thanh Sơn qua tiếng hát Vạn Trường Thanh và Đào Công Nguyên. Ca khúc Đoạn Tuyệt của Thái Thịnh qua tiếng hát rất tình của Qúy Bình (diễn viên điện ảnh, thoại kịch và giải nhất Tình Bolero 2016).


Nghệ sĩ Bảo Quốc và diễn viên Trí Quang (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ca khúc Đêm Tâm Sự của Trúc Phương qua phần song ca của Qúy Bình- Hà Phương. Giọng ca Hà Phương rất ngọt ngào khi hát Nhớ Người Tình Xa, sáng tác Cao Nhật Minh. Ca sĩ Thanh Tuyền hát Nhớ Một Chiều Xuân của Nguyễn Văn Đông để tưởng nhớ cố Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vừa mới từ giã cõi đời (Sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932, mất ngày 26 tháng 2 năm 2018 tại Sài Gòn). Ca sĩ Đồng Thanh Tâm hát ca khúc Yêu Giận Hờn. Ca khúc Tình Nhỏ Sao Quên của Hàn Châu do Thy Nhung và Hồ Quang Lộc hát.

Bà Bầu Thúy Uyển

Cũng trong phần một của chương trình, “bà bầu” Thúy Uyển đã xúc động khi nhận những tràng pháo tay của các khán giả ngồi kín hết các dãy ghế trong rạp hát tán thưởng bà xuất hiện, gửi lời phát biểu mở màn buổi diễn và gửi những lời tri ân đến với mọi người.

Bà nói, “Đời người 60 năm được chia làm hai phần, 30 năm đầu trưởng thành và lập nghiệp. Ba mươi năm sau dựng nghiệp và hết. Sống qua 60 tuổi, trong đó có 40 năm nghề, được cho là sống bonus, vui ngày nào mừng ngày đó. Hôm nay, được đứng trước quý vị để mừng 55 năm sống trên sân khấu, Thúy Uyển vô cùng cảm động, Thúy Uyển chỉ biết xin ơn trên tiếp tục cho thêm bonus để mỗi năm Thúy Uyển làm được hai show thật là hay, thật là giá trị như ngày hôm nay để cống hiến cho quý vị. Ít ra, đến ngày gặp lại quý vị trong đêm 60 năm. Xin quý vị cho Thúy Uyển lời cầu nguyện chúc lành để hầu quý vị thêm năm năm nữa.”
Bà đã gửi lời cảm ơn các mạnh thường quận, các nghệ sĩ và nhất là các quý khán giả. Nếu không có quý khán giả ủng hộ thì không thể có những xuất hát như thế này. Bà mong quý khán giả tiếp tục ủng hộ. Cuối cùng bà nghẹn ngào cảm ơn đạo diễn Nguyễn Minh Phương, người bạn đời của bà trong một phần tư thế kỷ và bạn đường nghệ thuật suốt 55 năm nay. Bà mong là cả hai còn đứng bên nhau ngày kỷ niệm 60 năm sân khấu. Bà xúc động nói lời cảm ơn “hai con gái của má là Trúc Uyển (con ruột) và Hà Phương (con nuôi), từ hôm nay má giao sân khấu lại cho hai con, gắng giúp má để đến đêm kỷ niệm 60 năm và sau đó các con tiếp tục con đường của má đến 100 năm.”

Trong phần một của chương trình, MC Thanh Tùng đã hoàn thành rất tốt vai trò giới thiệu các tiết mục, không chỉ thế, MC Thanh Tùng còn giúp khán giả hiểu hơn về “bà bầu” Thúy Uyển đa tài trong những lĩnh vực nghệ thuật, từng tham gia ca hát những nhạc phẩm đậm tình quê hương khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Từng là chủ nhiệm tuần báo Thẩm Mỹ Tân Tiến ở Sài Gòn, nhà sản xuất điện ảnh trước 1975, chủ trung tâm băng nhạc, dàn dựng sân khấu, tổ chức show, chuyên gia thẩm mỹ, chủ nhà hàng với tài nấu ăn tuyệt khéo, vẽ kiểu áo dài khi bà sang định cư Pháp Quốc (từ 1977 đến 1985) và chuyên tổ chức show đại nhạc hội tại Hoa Kỳ khi bà đến đây định cư tại Nam California từ 1986 đến nay.

Vở kịch Trời Làm Cơn Bão

Phần hai cũng là phần chờ đợi nhiều nhất của các khán giả đến xem buổi diễn, với vở bi hài kịch “Trời Làm Cơn Bão” được MC Thanh Tùng giới thiệu, “Đường dây cốt truyện là của Tuyết Sĩ (Tức đạo diễn Nguyễn Minh Phương) và Thúy Uyển viết kịch bản màn 1, 2, 3. Còn màn 4 do Thúy Uyển và Nguyễn Thị Minh Ngọc. Viết kịch bản màn 5 là màn diễn ra ở tòa án và cũng là màn cuối là Nguyễn Minh Phương. Đạo diễn của cả vở kịch là Nguyễn Thị Minh Ngọc, cố vấn đạo diễn Nguyễn Minh Phương.

Các diễn viên tham gia gồm có, Hồng Loan vai Dương Nga. Kha Ly vai Yến Oanh. Kim Hiền vai Bảo Ngọc (Yến Nhi). Bảo Quốc vai Nguyễn Bảo. Minh Luân trong vai Vĩnh Kỳ (Trần Hồng Hạc). Lương Thế Thành trong vai Trần Đạt Thiên. Trí Quang trong vai Lê Nguyên Quốc. Qúy Bình trong vai Tuấn Đức. Đoàn Thanh Tài trong vai Nguyễn Sơn Khanh. Đào Công Nguyên vai bác sĩ pháp y. Phúc béo trong vai Tịnh. Vạn Trường Thanh trong vai lục sự. Minh Ngọc trong vai chánh án.

Màn một của chuyện kịch được kết thúc bằng cái chết của ông chủ hãng phim Thiên Đàng, đạo diễn Nguyễn Sơn Khanh, vì bị con dao đâm trúng tim. Trước đó người đàn ông háo sắc, dâm dục này đã tìm cách cưỡng bức Bảo Ngọc, cô gái trẻ đến thử vai để được đóng vai nữ chính của bộ phim Chuyện Tình Tha La, mà hãng phim đang chuẩn bị thực hiện. Bà Dương Nga vì biết rõ nguy hiểm sẽ đến với cô gái trẻ, trước khi chồng bà về, bà đã khuyên cô gái đừng dự tuyển nữa, hơn nữa khi đó bà phát hiện ra cô gái chính là đứa con gái bị thất lạc của mình với người chồng trước.

Nhưng Bảo Ngọc nhất định không chịu, vẫn muốn dự tuyển để có cơ hội đóng phim, kiếm tiền giúp cha chữa bệnh, trước khi cô lên xe hoa về nhà chồng. Trong lúc hoảng loạn dằn co với Nguyễn Sơn Khanh để thoát thân trong căn phòng bị khóa trái cửa, Bảo Ngọc đã lấy được con dao để thủ thân. Khi bà Dương Nga phá cửa vào được trong phòng, thì Bảo Ngọc xém bị làm nhục, được bà Dương Nga lao đến kéo Nguyễn Sơn Khanh, nên đã kịp thoát thân, còn lại trong căn phòng chỉ có người chú của Nguyễn Sơn Khanh là ông Nguyễn Bảo và rồi tiếng hét sợ hãi của bà Dương Nga khi thấy máu chảy từ người Nguyễn Sơn Khanh.


Bà bầu Thúy Uyển và các diễn viên, nghệ sĩ chào kết thúc buổi diễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Chuyện kịch sau đó được hé lộ dần để người xem biết được về bi kịch đến với cuộc đời của Dương Nga (nghệ sĩ Hồng Loan), người đàn bà có nhan sắc, vốn thuộc con nhà giàu, sống tại Trảng Bàng Tây Ninh, trong hai người bạn trai thân thiết đều yêu cô là Trần Đạt Thiên (diễn viên Lương Thế Thành), Lê Nguyên Quốc (diễn viên Trí Quang), cô đã chọn Trần Đạt Thiên, khiến Lê Nguyên Quốc vì thất tình, đã rời đi xứ khác sống. Vợ chồng Dương Nga có với nhau ba người con, hai con gái và một con trai út. Họ đã thất lạc nhau trong trận bão lụt lịch sử năm Nhâm Thìn (1952).

Lớp diễn của Hồng Loan và Lương Thế Thành. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Người chồng vì phải cõng mẹ, tay bồng con gái lớn, để tạm con gái nhỏ trong cái thúng cột ngay cây bàng tại nhà, khi quay lại thì cái thúng đựng con đã trôi mất, chỉ còn cọng dây. Còn vợ thì ẵm con trai và lạc mất chồng, con, trôi dạt đến Sài Thành gặp Nguyễn Sơn Khanh (Đoàn Thanh Tài). Vì thấy cô có nhan sắc, nên đã hứa giúp cô tìm chồng con, nhưng rồi đã lấy cô làm vợ hai, sau khi bỏ người vợ đầu. Khi đó Dương Nga bị thương hàn, phải vào nhập viện, khi về lại cô được nghe hung tin con trai cô bị giựt kinh phong chết rồi. Ông chú Nguyễn Bảo thấy Dương Nga vật vã đau đớn, đã khai thật là bị Sơn Khanh buột ông bỏ con trai Dương Nga trong trại trẻ mồ côi. Khi cô tìm đến thì con trai cô đã được người ta nhận nuôi với yêu cầu cắt đứt liên lạc. 



Cảnh trùng phùng của cha con (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nội dung kịch bản vẫn còn vài tình tiết hơi phi lý, chưa đủ thuyết phục các khán giả khó tính, nhưng các diễn viên đã hoàn thành rất tốt khi hóa thân vào các vai diễn của mình, nêu bật được tính cách, diễn biến tâm lý từng nhân vật, tạo được sức cuốn hút, sự rung cảm, xúc động cho người xem.

Tài năng của diễn viên

Nghệ sĩ trẻ Hồng Loan thật đằm thắm khi vào vai Dương Nga, người đàn bà đẹp nhưng bất hạnh. Cô diễn bằng nội tâm, biểu lộ nỗi buồn, nỗi đau qua nét mặt, ánh mắt, giọng nói. Cô đã thể hiện được hình ảnh một người mẹ mà suốt mấy mươi năm qua luôn đau khổ, sống trong nỗi thương nhớ con cái bị thất lạc và càng đau đớn hơn khi phải chung sống với người đàn ông mà mình không hề thương yêu, rất hận vì sự dâm dục, nhưng vì sự nhu nhược của bản thân nên đã nhắm mắt làm ngơ khi hắn ta mượn nghệ thuật làm nơi chốn để thỏa mãn tính háo sắc. Ánh mắt hạnh phúc khi gặp lại con, ôm con vào lòng, nhưng phải dằn lòng không nhận con vì nghịch cảnh mà mình đang vướng vào.

Lớp diễn khi cô gặp lại người chồng (diễn viên Lương Thế Thành) mà cô tưởng đã chết trong cơn bão, khi ông tìm tới trại giam, cảnh trùng phùng trong đau đớn đã được cả hai diễn tả rất xúc động, lấy không ít nước mắt của người xem.

Diễn viên Lương Thế Thành vào vai người chồng vẫn một lòng thủy chung với vợ, một mình nuôi dạy con gái nên người, trở thành luật sư Yến Oanh, giúp bào chữa cho Dương Nga, mà cả hai mẹ con đều không biết mối dây cốt nhục thâm tình. Anh đã vào vai diễn rất ngọt từ dáng vẻ, ánh mắt, giọng nói đúng âm vực của người lớn tuổi, phong thái đỉnh đạc, đầy thương yêu người vợ đã vì hoàn cảnh mà không giữ tròn trinh tiết với chồng.

Diễn viên Trí Quang thể hiện thuyết phục hình ảnh người đàn ông chân quê, trọng tình trọng nghĩa, vì không thể lấy được người mình yêu, đã ở vậy và nuôi con gái Bảo Ngọc đã lượm được trong trận bão mà ông rất thương như con đẻ của mình, để rồi cuối cùng ông mới biết rằng ông đã nuôi giùm con gái bị thất lạc của người bạn thân và người đàn bà mà ông yêu thương nhưng không được đáp lại.

Nữ diễn viên khả ái Kha Ly vào vai luật sư Yến Oanh, con gái lớn của Dương Nga, đã thể hiện tròn vai nữ luât sư có cá tính, thông minh, quyết một lòng bảo vệ thân chủ của mình thoát khỏi tội giết người mà thân chủ cô đã không phạm phải.


Màn cuối của vở diễn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Diễn viên Kim Hiền vào vai một thiếu nữ nhà quê, nghèo, chân chất, ngây thơ, hiếu thảo, yêu thương cha rất mực. Lớp diễn khi cô nghe cha nuôi cho biết mình không phải con ruột của ông và lớp diễn cô gặp lại cha ruột, chị ruột đã được Kim Hiền diễn tả rất tự nhiên như không diễn, đã lột tả được cái hồn của nhân vật, khiến rất nhiều khán giả phải sụt sùi khi xem.

Dù chỉ là vai phụ, không có nhiều lớp diễn, nhưng diễn viên Qúy Bình đã đem lại những tiếng cười sảng khoái cho người nghe khi anh thể hiện vẻ tưng tửng, ba phải của chàng người yêu Yến Oanh và là bạn thân của Vĩnh Kỳ.

Diễn viên Minh Luân trong vài công tố Vĩnh Kỳ đầy háo thắng, luôn cho rằng mình đúng khi tìm mọi cách, bất chấp thủ đoạn để chứng minh bà Dương Nga vì ghen tuông mà giết chồng. Vì anh tin rằng khi kết tội được bà Dương Nga, sẽ làm gương cho những người đàn bà vì ghen đã mất hết nhân tính, phá hủy nhan sắc của tình địch thậm chí là giết người, sẽ giúp xã hội bớt nhiễu loạn. Nhưng đến cuối vở, khi nghe ông Nguyễn Bảo cho biết anh chính là con trai ruột của bà Dương Nga, nỗi đau đớn khi biết mình đang tìm mọi cách đưa mẹ ruột vào tù, được Minh Luân thể hiện qua sự hoảng loạn, dằn vặt, khiến người xem vừa giận, vừa thương.

Nghệ sĩ Bảo Quốc vào vai người chú Nguyễn Bảo của nạn nhân đã chết, ông không cần lên gân, cứ thả những miếng hài nhẹ như không mà khán giả phải cười hết cỡ, ông khiến người xem rất giận khi thể hiện một nhân vật vì tham lam, muốn chiếm hết gia tài sau khi Nguyễn Sơn Khanh chết, đã khai giả rằng Dương Nga giết chồng vì ghen. Nhưng cuối cùng khi đối diện trước tòa án lương tâm, ông đã khai thật Sơn Khanh chết vì tự vấp ngã vào con dao sau khi cướp lại được từ tay Bảo Ngọc.

Vở diễn gây xúc động mạnh nơi người xem bởi những cao trào của bi kịch được đẩy lên tột đỉnh, các nhân vật chuyện kịch đã góp phần tạo nên nhiều tình huống kịch cao trào, dẫn dắt tâm trạng người xem kịch lúc vui tươi, nhẹ nhàng, lúc lại đắng cay, đau thương… Là tổng hòa các mảnh ghép khác nhau của cuộc sống để kể về một câu chuyện rất đời với nhiều cảm xúc mà ở đó, mỗi nhân vật đại diện cho lát cắt khác nhau của xã hội cùng những ý nghĩa nhân văn mà tác giả và đạo diễn đã gửi gắm trong vở kịch: Tình mẫu tử, đạo vợ chồng, nghĩa bạn bè, tình người.
Cái xấu, điều tốt cứ luân chuyển, bao nỗi đoạn trường khiến người ta tin kiếp người là khổ sở. Nhưng đích đến cuối cùng của vở diễn vẫn là vẻ đẹp dung dị của cái thiện, của tình người. Để giúp người xem có thể sống tốt hơn, yêu thương nhau hơn, đủ mạnh mẽ vượt qua quá khứ đớn đau, đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau, đủ yêu thương để mở rộng lòng tha thứ. Thông điệp ấy là điều mà người viết cảm nhận được từ vở diễn và đó cũng là tấm lòng mà nghệ sĩ Thúy Uyển luôn trăn trở trong suốt 55 năm gắn bó với sân khấu. Bởi bà luôn mong muốn đem đến cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, không chỉ để giải trí, mà còn để giữ đạo làm người đủ đầy vẻ đẹp chân, thiện, mỹ, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín! (bh)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT