Địa Ốc

Thị trường địa ốc hồi phục mới cứu được nền kinh tế

Friday, 10/10/2008 - 01:33:53

Tổng thống Bush đã nhanh chóng ký thành luật ngay sau đó.   Lâu nay, giới đầu tư tài chính co cụm lại nên các ...

Anh_DiaOc.jpgMinh Nguyên

 

Chắc hẳn mọi người thở phào nhẹ nhõm khi hay tin Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật chống sụp đổ hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế bằng cách cho phép chính phủ liên bang dùng $700 tỉ đô la mua lại các món nợ xấu.



Tổng thống Bush đã nhanh chóng ký thành luật ngay sau đó.

 

Lâu nay, giới đầu tư tài chính co cụm lại nên các công ty tài trợ địa ốc cũng không có bao nhiêu tiền và cũng không dám khinh suất cho vay tiền một cách dễ dãi. Thị trường địa ốc thì tràn ngập nhà bị siết nợ và người có nhu cầu mua nhà thì khó vay tiền. Nó là cái vòng luẩn quẩn làm khốn đến nền kinh tế Mỹ.

 

Bây giờ, đạo luật đã có, chính phủ sẽ mua ngay cái khối nợ mà hệ thống ngân hàng cũng như các nhà đầu tư tài chính đang ôm để tiền lại chảy vào thị trường tài trợ nhiều hơn, sự nhộn nhịp có thể quay lại và nền kinh tế Mỹ sẽ thóat cơn đại nạn phải không?

 

Không phải. Nhiều kinh tế gia không tin như vậy.

 

Họ cho rằng muốn cái số tiền khổng lồ $700 tỉ đó tạo được tác dụng, điều đầu tiên là thị trường địa ốc phải ngừng tuột dốc.

 

Giá nhà ngừng tuột dốc là cái tín hiệu mà giới đầu tư tài chính cảm thấy yên tâm để mở hầu bao trở lại.

 

Vì vay nợ quá khó khăn, chỉ những người có điểm số tín dụng thật tốt và có nhiều tiền trả trước mới nhiều hy vọng vay được tiền mua nhà. Điều này có nghĩa là khối lượng nhà tồn đọng trên thị trường hiện tại rất lớn cần phải giải quyết một phần lớn thì thị trường địa ốc mới có thể ngóc đầu lên được. 

 

Thị trường địa ốc được coi như cái xương sống của nền kinh tế Hoa Kỳ. Bởi vậy, vay được tiền mua nhà hay không, nó quyết định đến sự an nguy kinh tế của cả nước chứ không hẳn chỉ liên quan đến mái nhà che đầu của một gia đình hay cá nhân. Khoảng một trong 8 việc làm ở nước này hoặc liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến địa ốc (từ công nhân xây dựng đến chuyên viên tài trợ địa ốc ở ngân hàng một tỉnh nhỏ cho đến những đại gia ở Wall Street). Cho nên, khi giá nhà không còn tuột dốc nữa, nó giúp gia tăng sự tin tưởng cho cả nền kinh tế và nhờ đó, các ngân hàng mở rộng vòng tay đón khách tới vay tiền mua nhà.

Gary Thayer, kinh tế gia của ngân hàng đầu tư tài chính Wachovia Securities nhận xét: “Địa ốc, theo truyền thống và qua lịch sử, hướng dẫn nền kinh tế vượt thoát các khó khăn quay trở lại thịnh vượng. Tôi nghĩ lần này nó cũng sẽ là mấu chốt của chu kỳ hồi phục.”

 

Vấn đề ngân hàng hay công ty tài trợ cho người ta vay tiền hay không, tóm gọn ở một điểm mấu chốt: sự tin cậy. Ông hay bà là người đáng tin, họ đưa tiền cho vay liền.

 

Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế tại đại học Cal State Channel Islands, phát biểu: “Tín dụng, theo định nghĩa, là sự tin được để cho vay. Nhiều lý do khác nhau đã làm tổn hại lòng tin.” Theo Gs. Sohn, nước Mỹ ở bên bờ vực suy thoái nên rất là nguy hiểm để cho vay. Các ngân hàng nhỏ và vừa trên cả nước tự thấy cần phải thủ thế nên rất đắn đo khi cứu xét đơn xin vay tiền. Gs. Sohn cũng từng là một viên chức cao cấp ngành ngân hàng.

 

Nhưng, chính phủ liên bang hy vọng rằng, bằng cách bỏ ra hàng tỉ đô la nhận mua các khỏan nợ xấu vay mua nhà, các ngân hàng sẽ có thể thoát được đại nạn để rồi bắt đầu chuỗi ngày cho vay mới.

 

Theo dân biểu Barney Frank (Dân Chủ - đơn vị Massachussetts) chủ tịch Ủy Ban Dịch Vụ Tài Chính của Hạ Viện nói đạo luật cứu nguy hệ thống ngân hàng mới chỉ là bước khởi đầu của một nhiệm vụ nặng nề hơn mà Quốc Hội sẽ phải tiến hành vào năm tới. Tức là chỉnh đốn lại các chính sách về gia cư địa ốc và các luật lệ tài chính.

 

Trong khi đó, Bộ Tài Chính Liên Bang thì nhanh chóng tiến hành các bước cần thiết để áp dụng các điều khỏan của đạo luật nói trên. Bộ trưởng Henry Paulson cho biết ông đã không đợi cho tới khi đạo luật ban hành mới sửa soạn. Ông đã chuẩn bị sẵn các cố vấn ở bên ngòai guồng máy trong khi chuyên viên dưới quyền ông chuẩn bị các chi tiết của những vấn đề phức tạp.

 

Tuy nhiên, nhiều trở ngại có thể cản trở tiến hành kế hoạch.

 

Một số ngân hàng có thể, sau khi đã bán cái đống nợ xấu, ôm tiền ngồi đó chờ xem tình hình diễn biến ra sao chứ chưa cho vay ngay. Điều này nếu xảy đến sẽ làm cho thị trường trở nên tồi tệ hơn, theo ý kiến của ông Vincent R. Reinhart, nguyên giám đốc Cục dịch vụ Tiền Tệ của Quĩ Dự Trữ Liên Bang: “Họ (ngân hàng) có thể ngồi chờ xem kế hoạch của chính phủ tiến hành ra sao. Giả sử mọi ngân hàng hành động giống như vậy, đó là điều rất nguy hiểm.”

 

Nó là cái vòng luẩn quẩn: Không tin được thì không cho vay. Siết chặt điều kiện cho vay có nghĩa là người ta khó mua được nhà. Người này khó mua nhà thì người kia khó bán nhà. Rốt cuộc giá nhà sẽ còn tuột dốc. Khi giá nhà tiếp tục xuống dốc, những đợt nhà bị siết nợ vẫn không ngừng nghỉ. Ngân hàng lại phải tiếp tục siết chặt tín dụng.

 

Giá nhà trên cả nước tháng vừa qua đã giảm mất 20% so với một năm trước và chưa có dấu hiệu gì là nó sẽ ngừng lại. Để nó có thể đi lên, nó phải ngừng ở một điểm nào đó. Nhiều chuyên gia kinh tế cho là có lẽ cả năm nữa may ra giá nhà mới ngưng tuột dốc.

 

Tuy nhiên, Jim Gillespie, tổng giám đốc điều hành của hệ thống công ty dịch vụ địa ốc Coldwell Banker Real Estate nói ông hy vọng giá nhà thấp cộng với hành động cứu nguy của chính phủ liên bang sẽ kích thích nhu cầu mua nhà của quần chúng, đẩy thị trường địa ốc ra khỏi trì trệ: “Chương trình của chính phủ cho người ta hiểu là tiền mua nhà đã sẵn sàng cho mọi người cần đến.”

 

Công việc làm (jobs) ngày càng mất nhiều hơn hiện cũng đang là một mối quan ngại lớn. Các ngân hàng siết chặt tín dụng đã làm cho toàn thể các công ty lớn cũng như nhỏ nghẹt thở. Họ cần đến tiền vay của ngân hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

 

Cuối tuần trước, Bộ Lao Động loan báo 159,000 người thất nghiệp trong tháng Chín, số người mất việc nhiều nhất trong một tháng trong vòng 5 năm qua. Nhiều chuyên viên tin là số người thất nghiệp còn tăng lên trong những ngày sắp tới do ảnh hưởng của tín dụng địa ốc khó khăn lan truyền đến các khu vực của nền kinh tế.

 

Tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước hiện nay là 6.1%. Một năm trước, chỉ có 4.7% thất nghiệp. Số người thất nghiệp hiện nay là 9.5 triệu người.

 

Một số kinh tế gia sợ rằng tỉ lệ thất nghiệp có thể lên đến 7.5% vào cuối năm tới. Nếu điều tiên đóan này xảy đến, tỉ lệ thất nghiệp mới sẽ tương tự như thời suy thóai kinh tế 1990-1991.

 

Gia tăng việc làm là cốt lõi của gia tăng tín dụng. Chuyện giản dị. Nơi nào có việc làm, nơi đó có tiền. Khi lợi tức phát triển nhiều hơn người ta tiêu tiền.

 

Cả giới tiêu thụ cũng như các công ty kinh doanh đã thụt lùi thủ thế nên một số nhà phân tích tình hình sợ là nền kinh tế khựng lại. Bộ Lao Động tường trình là đồng lương tăng trưởng chậm lại, có nghĩa là họ sẽ rất đắn đo khi chi tiêu, nhất là khi nghĩ tới những khỏan chi lớn như mua nhà.

 

Nhiều kinh tế gia dự đoán nền kinh tế thụt lùi vào quí cuối năm nay và quí đầu năm tới. Nếu đúng như thế xảy ra sẽ là dấu báo hiệu đúng sách vở cho một sự suy thoái. Hai quí thụt lùi liên tiếp của nền kinh tế.

 

Ảnh minh hoạ: Vien Dong Daily News

 

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT