Ngày xưa khi mới học lớp Đệ Tứ thì đã nghe tiếng tăm lẫy lừng của cặp nhạc sĩ Khánh Băng - Phùng Trọng. Khánh Băng tôi gặp lại trong trại tù vượt biên và nay đã ra đi. Phùng Trọng thì nay gia nhập đạo quân vé số. Ôi! Cuộc sống nầy có nhiều điều khó hiểu
Tôi biết rất muộn, khi nghe nhạc sĩ Bảo Thu và Hoàng Nhạc Đô cho biết rằng, tay trống một thời lừng lẫy Phùng Trọng từ năm 1960… nay là tay bán vé số dạo!
Phùng Trọng tên thật là Bùi Hữu Trí sinh năm 1936 tại Saigon. Tính từ năm sinh đến nay Phùng Trọng đã 88 tuổi-một tuổi nghỉ ngơi-nhưng anh vẫn miệt mài mưu sinh đi bán những tấm vé số dạo khắp nẻo đường Saigon! Ngày xưa tiếng trống của anh theo nhịp tiếng ca, nay tiếng rao vé số của anh theo nhịp lững thững bước…
Anh là một tay trống “lừng lẫy miền Nam, cấn động phòng trà” trong ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng, mà tất cả nhạc sĩ, ca sĩ thời bấy giờ cũng phải kính trọng và tôi đã từng thấy anh đánh trống “tiếng trống át tiếng bom rơi”.
Có một cuộc gặp mặt các nhạc sĩ cũ hôm qua 11.8 tại quán cà phê: Đô Thành 376/1 Võ Văn Tần P5 Q3 (tôi được nhạc sĩ Bảo Thu mời, nhưng trong người không được khỏe, nên rất tiếc là không đi được). Cuộc gặp mặt này, trước là uống cà phê để “tâm sự đời tôi” kẻ chân mây, người góc biển, sau là nhận một món quà rất đặc biệt của ca sĩ Sơn Ca từ Úc gởi về tri ân những nhạc sĩ cũ.
Nghe tin có tay trống Phùng Trọng đến dự, tôi tiếc quá vì không gặp được anh, nhưng tôi được nhạc sĩ Bảo Thu gởi cho tôi một tấm ảnh mới nhất của Phùng Trọng, và tôi tìm trên mạng và bìa nhạc cũ thấy ảnh Phùng
Trọng… một thời huy hoàng của anh.
Nay đưa hình cũ, mới lên để so sánh.
Làm việc này, tôi thành thật xin lỗi anh, vì đã gợi lại chuyện quá khứ vàng son của anh.
Ôi thời gian…
Ôi thời cuộc…
Ôi lòng người…
Ôi cuộc đời…
Dù chưa gặp được anh, nhưng xin anh nhận nơi đây một tấm lòng của một đứa em nhà quê đã từng ngưỡng mộ anh từ những năm tháng mịt mù khói lửa.
Kính chúc anh được nhiều sức khỏe.
- Một tay trống của một thời quá khứ đã xa, rất xa.
- Một tay bán vé số của một thời hiện tại đã gần, rất gần.
Trần Hữu Ngư
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Sài Gòn tan tầm và tiếng sáo cô gái mù
5 ngàn đồng một cây bút bi để chuyên chở một giấc mơ một ngày mai nhìn thấy lại cuộc đời!
Vì sao khi cúng giao thừa vào ngày Tết Âm Lịch bắt buộc trong mâm cúng phải có con gà trống thiến
Tại sao gà trống thiến được chọn để cúng trong đêm Giao thừa? Đây có lẽ là câu hỏi không ít người quan tâm.
Đêm Sài Gòn hoa lệ. Hoa cho ai và Lệ cho ai?
Tay trái của con bị liệt. Tay phải con yếu lắm. Cô cầm lấy dùm con..