Địa Ốc

Luật tha thuế cho chủ nhà bị xiết nợ mất nhà sắp hết hiệu lực

Vũ Đức Hiền/Viễn Đông Friday, 07/12/2012 - 04:34:53

Số tiền thuế phải trả càng lên nhiều hơn nếu số tiền thua lỗ của ngân hàng nhiều hơn, dễ nhìn thấy ở những khu vực thị trường nhà giá cao như ở California.

Vũ Đức Hiền/Viễn Đông

Chỉ còn hơn ba tuần nữa là đạo luật tha thuế cho các người chủ nhà bị ngân hàng xiết nợ mất nhà hoặc bán nhà dưới trị giá thị trường sẽ hết hiệu lực nếu Quốc Hội liên bang không triển hạn.
Đạo luật có tên “The Mortgage Forgiveness Debt Relief Act of 2007” do Tổng Thống George W. Bush ký ban hành sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2012. Do vậy, các người chủ nhà nào bị ngân hàng xiết nợ mất nhà (foreclosed), bán nhà dưới món nợ (short sale) hoặc được điều chỉnh (giảm) món nợ (loan modification) qua các chương trình của chính phủ, sẽ phải đóng thuế trên những số tiền được “tha tào”.
Thí dụ, nếu quý vị còn đang nợ ngân hàng 300.000 Mỹ kim nhưng bị ngân hàng xiết nợ và căn nhà bán lại trên thị trường chỉ thu được 250.000 Mỹ kim, Sở Thuế Liên Bang có thể đánh thuế quý vị trên số tiền 50.000 Mỹ kim bị coi như lợi tức dù số tiền này quý vị không sờ thấy ở đâu.
Giả sử quý vị ở khoảng biểu suất thuế lợi tức (tax bracket) là 25%, thuế trên số tiền 50.000 Mỹ kim sẽ là 12.500 Mỹ kim. Quý vị sẽ nhăn nhó là đã bị xiết nợ mất nhà, bao nhiêu đồng tiền trả trước, bao nhiêu năm tháng trả nợ nay mất trắng, lại còn phải trả thuế cho cái lợi tức “ma” kia thì đào ở đâu ra tiền mà trả?
Trên nguyên tắc, sau khi xiết nợ, bán nhà bị lỗ, chủ món nợ báo lỗ cho Sở Thuế và nói đã tha cho con nợ một số tiền trên căn nhà thế chấp.
Số tiền thuế phải trả càng lên nhiều hơn nếu số tiền thua lỗ của ngân hàng nhiều hơn, dễ nhìn thấy ở những khu vực thị trường nhà giá cao như ở California.
Thí dụ, người chủ nhà nợ ngân hàng 500.000 Mỹ kim trên căn nhà thế chấp. Căn nhà bán lại được có 350.000 Mỹ kim. Thêm vào đó, ngân hàng có những phí tổn khác liên quan đến xiết nợ và bán nhà tổng cộng 50.000 Mỹ kim. Hai số tiền 150.000 và 50.000 Mỹ kim cộng lại thành lỗ tổng cộng tới 200.000 Mỹ kim. Ngân hàng chủ nợ khai báo với Sở Thuế Liên Bang (IRS) tiền “tha tào” cho con nợ và coi như lợi tức của người chủ nhà. Nếu chủ nhà ở mức thuế suất 30%, tiền thuế sẽ phải nộp là 60.000 Mỹ kim. Nếu thuế suất 25% cũng phải trả 50.000 Mỹ kim.
Tương tự, những ai được ngân hàng chủ nợ chấp thuận cho bán nhà dưới món nợ cũng phải trả thuế cho phần sai biệt mà chủ nợ đã bị mất.
Theo thống kê, mỗi tháng có khoảng 50.000 chủ nhà trải qua thủ tục xiết nợ mất nhà trên cả nước. Trong khi đó, tỉ lệ các người chủ nhà được ngân hàng chủ nợ chấp thuận cho bán nhà dưới số tiền đang nợ, đã gia tăng gấp 3 lần trong ba năm qua. Tính ra, mỗi năm trung bình khoảng nửa triệu căn nhà đã bị bán dưới số tiền đang nợ.
Hiệp Hội Địa Ốc Hoa Kỳ đang cố vận động để Quốc Hội triển hạn và hiện đang có một số vị dân cử cả tại Hạ Viện và Thượng Viện đang chuẩn bị các dự luật triển hạn cần thiết. Nhưng nó có kịp trước cuối năm hay không vẫn là một dấu hỏi vì đây là thời kỳ gọi là “lame duck” tức là giai đoạn quốc hội sắp sửa mãn nhiệm, nhiều vị sẽ phải ra đi và những ai đắc cử trong kỳ bầu phiếu vừa qua sẽ thay thế, không có nhiều hoạt động.
Ngay từ giữa tháng Hai 2012 vừa qua, khi Tổng Thống Obama công bố bản dự thảo ngân sách liên bang năm 2013, ông đã đề nghị quốc hội nên triển hạn đạo luật nói trên đến năm 2015.
Đến cuối tháng Ba, hai Nghị Sĩ Debbie Stabenow (Dân Chủ - Michigan) và Dean Heller (Cộng Hòa - Nevada) và một số nghị sĩ khác cùng bảo trợ một dự luật triển hạn đạo luật trên đến năm 2015. Nhưng cho đến nay, trước nhiều vấn đề khác cần tranh cãi hơn, đặc biệt là ngân sách, dự luật vẫn chưa được biểu quyết.
Vì khi chủ nhà để cho ngân hàng xiết nợ hoặc để cho bán nhà dưới món nợ, người chủ nhà đã không còn lựa chọn nào khác trong hoàn cảnh tiền bạc khốn đốn của mình. Họ đào đâu ra tiền mà trả thuế trên cái lợi tức họ không sờ thấy.
Chính vì vậy mà đã có đạo luật “The Mortgage Forgiveness Debt Relief Act of 2007”.
Khi thị trường địa ốc tồi tệ, trị giá nhà tuột dốc lại còn gặp khó khăn tài chính, một số chủ nhà không muốn đột ngột buông tay cho ngân hàng xiết nợ, mà muốn điều đình để bán nhà dưới trị giá món nợ. Một trong những lý do chính là chủ nhà không muốn bản tiểu sử tín dụng quá xấu như khi bị xiết nợ. Nhờ không quá xấu, sau này, khi tình hình tiền bạc gia đình hồi phục, họ có thể vay tiền mua căn nhà khác thay vì bị từ chối.
Dùng cái thí dụ tương tự ở trên, chủ nhà đang nợ ngân hàng 500.000 Mỹ kim, khi chấp thuận bán dưới giá thị trường (short sale) được 400.000 Mỹ kim. Các chi phí liên quan đến vụ bán nhà mà ngân hàng phải bỏ ra mất thêm 40.000 Mỹ kim nữa. Trừ đi tiền bán lỗ và chi phí, ngân hàng chỉ thu lại được 360.000 Mỹ kim và số tiền lỗ 140.000 Mỹ kim được coi như “lợi tức” của chủ nhà phải chịu thuế.
Nếu thuế suất là 30% thì thuế phải đóng cho IRS là 42.000 Mỹ kim, còn nếu thuế suất 25% thì cũng phải nộp 35.000 Mỹ kim tiền thuế.
Nói tóm, nếu đạo luật không triển hạn, trên thực tế, chính phủ cũng không lấy được cái số tiền thuế kia từ người chủ nhà vì nó không nằm ở đâu cả ngoài trên mấy bản tính lỗ. Khi một người thọ thuế trong hoàn cảnh này, thường người ta nhờ một luật sư hay chuyên viên thuế vụ viết thư cho IRS trình bày hoàn cảnh tài chính “túi rỗng”, không có gì để trả thuế. Trong hầu hết các trường hợp, người ta tin rằng IRS hiểu điều này và không truy đuổi ráo riết.
Theo một số chuyên viên, nếu đạo luật nói trên không được triển hạn, sẽ có nhiều người bỏ nhà cho ngân hàng xiết nợ hơn thay vì cố gắng bán nhà dưới món nợ.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT