Thế Giới

Argentina bắt 12 người trong vụ tấn công bằng bom

Thursday, 15/11/2018 - 08:39:09

Trong sự việc thứ 2, một người đàn ông bị bắt sau khi ném một túi chứa chất nổ vào nhà của Thẩm Phán Claudio Bonado, người đang dẫn đầu cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào các viên chức của chính phủ tiền nhiệm.

BUENOS AIRES – Nhà chức trách Afgentina hôm thứ Năm đã bắt giữ 12 người, được cho là những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, có liên quan đến 2 vụ tấn công bằng bom tự chế. Sự việc xảy ra vào 2 tuần trước khi các lãnh đạo thế giới tề tựu về Buenos Aires để dự Hội nghị G20. Một trái bom đã phát nổ vào tối thứ Tư, gần lăng mộ của một lãnh đạo cảnh sát bị ám sát vào năm 1909 bởi những kẻ vô chính phủ. Trái bom được cho là đã phát nổ trên tay một nữ nghi can. Người phụ nữ này đã bị thương và đang hôn mê trong bệnh viện.
Trong sự việc thứ 2, một người đàn ông bị bắt sau khi ném một túi chứa chất nổ vào nhà của Thẩm Phán Claudio Bonado, người đang dẫn đầu cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào các viên chức của chính phủ tiền nhiệm. Thiết bị này không phát nổ và sau đó bị phá hủy trong một vụ nổ có kiểm soát của các chuyên gia. Mười người khác đã bị bắt tại một ngôi nhà ở thủ đô Buenos Aires, và nhiều vật liệu nổ đã được tìm thấy tại đây.
“Chúng tôi đã thu giữ nhiều ngòi nổ, thuốc súng, ống sắt, và đinh,” cảnh sát cho biết. Nhà chức trách không cho biết vụ tấn công có liên quan đến hội nghị G20 hay không, nhưng Bộ Trưởng Tư Pháp German Garavano nói an ninh sẽ được tăng gấp đôi trong sự kiện. Tổng Thống Donald Trump, Tổng Thống Nga Vladimir Putin, và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng nhiều lãnh đạo thế giới khác, sẽ tham dự hội nghị G20 tại Buenos Aires, bắt đầu từ ngày 30 tháng 11.

4 bộ trưởng Anh liên tiếp từ chức phản đối Brexit
LONDON – Vào sáng thứ Năm, 4 bộ trưởng Anh đã liên tiếp từ chức, vì bất bình trước bản dự thảo về thỏa thuận Brexit của Thủ Tướng Theresa May. Các bộ trưởng từ chức bao gồm Bộ trưởng các vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara, Bộ Trưởng Brexit Dominic Raab, Phó Bộ Trưởng Brexit Suella Braverman, và Bộ Trưởng Lao Động và Hưu Trí Esther McVey.
Trước đó vào tối thứ Tư, sau cuộc họp kéo dài gần 5 tiếng với nội các tại phủ thủ tướng, bà May thông báo đã thuyết phục thành công nội các ủng hộ bản dự thảo thỏa thuận "chia tay" với Liên Âu (EU). Diễn biến này được EU ca ngợi là bước tiến mang tính quyết định, mở ra khả năng EU sẽ họp vào tháng 11 để phê chuẩn thỏa thuận, trước khi các bên trình bản thỏa thuận này cho quốc hội quyết định. Nước Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào ngày 29 tháng 3, 2019.
Trước khi rời nhiệm sở, Bộ Trưởng Lao Động và Hưu Trí Esther McVey nói: “Bản dự thảo được sẽ sớm được người dân phán xét. Dự thảo này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đưa cho EU hơn $49 tỷ Mỹ kim mà không nhận lại được gì. Chúng ta sẽ kẹt lại trong một liên minh quan thuế, dù thủ tướng đã hứa rằng chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng đó. Ngoài ra, các chính phủ trong tương lai cũng không thể theo đuổi chính sách thương mại thật sự tự do. Chúng ta không lấy lại quyền kiểm soát, thay vào đó chúng ta trao quyền kiểm soát cho EU hay thậm chí một nước thứ 3. Từ chỗ thà không có thỏa thuận còn hơn có một thỏa thuận xấu, chúng ta đã đi đến vị thế thỏa thuận nào cũng được, còn hơn là không có thỏa thuận.”

Ả Rập Saudi xác nhận ký giả Khashoggi bị tiêm thuốc và bị phân xác
RIYADH - Phòng công tố Ả Rập Saudi hôm thứ Năm cho biết có tất cả 11 người bị buộc tội liên quan đến vụ giết ký giả Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán ở Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào tháng trước, trong đó 5 nghi can đối mặt với án tử hình vì trực tiếp "ra lệnh và thực hiện hành vi phạm tội.” Thông báo cũng nói rằng, cựu phó giám đốc tình báo Ahmed al-Assiri đã ra lệnh cho một nhóm gồm 15 người buộc ông Khashoggi phải quay lại Ả Rập. Họ được chia thành 3 nhóm nhỏ: nhóm đàm phán, nhóm tình báo và đội hậu cần. Người đứng đầu nhóm đàm phán đã ra lệnh giết ông Khashoggi.
Ông Khashoggi bị giết sau "một cuộc tranh cãi và ẩu đả" tại lãnh sự quán. Ông bị trói và bị tiêm thuốc an thần quá liều, dẫn đến tử vong. Nhóm sát thủ sau đó cắt xác nạn nhân và giao cho một người địa phương. Tuy nhiên, thông báo của phòng công tố không cho biết thi thể vị ký giả hiện đang ở đâu. Công tố viên cũng tiết lộ rằng cố vấn hoàng gia Saud Qahtani đã bị cấm xuất cảnh trong lúc cuộc điều tra diễn ra. Ông Qahtani, người đứng đầu nhóm truyền thông của Thái Tử Ả Rập Saudi Mohamed bin Salman, đã bị sa thải hồi tháng trước sau cái chết của ông Khashoggi.
Ngoài 11 người bị truy tố, 10 nghi can khác đang bị điều tra để xác định trách nhiệm trong vụ án. Ký giả bất đồng chính kiến Khashoggi biến mất từ hôm 2 tháng 10 sau khi bước vào lãnh sự quán Saudi ở thành phố Istanbul để làm thủ tục kết hôn. Riyadh thừa nhận nhà báo 60 tuổi chết trong lãnh sự quán và vụ sát hại được lên kế hoạch trước, nhưng từ chối dẫn độ 18 nghi can tới Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu của Ankara.

Duterte: Trung Quốc đã sở hữu biển Đông
SINGAPORE - Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte hôm thứ Năm tuyên bố, Trung Quốc “đã sở hữu” biển Đông, và các cuộc tập trận của Hoa Kỳ cùng đồng minh sẽ gây căng thẳng, phá hoại nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.
Tuyên bố của ông Duterte được đưa ra bên lề hội nghị Asean tại Singapore, đồng thời, vị tổng thống này còn thêm rằng, việc Trung Quốc sở hữu biển Đông “là một thực tế, Hoa Kỳ và mọi nước khác cần thừa nhận điều này.” Ông Duterte nói, nếu chiến tranh bùng nổ tại biển Đông, Phi Luật Tân sẽ là quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng, do nước này có hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ.
Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông với các nước Phi Luật Tân, Việt Nam, Myanmar, Brunei, và Đài Loan. Ông Duterte cho rằng, các tranh chấp này nên được giải quyết thông qua đối thoại giữa Trung Quốc và Asean, Hoa Kỳ và các đồng minh không cần làm phức tạp thêm tình hình bằng các nhiệm vụ tự do hàng hải. Tổng thống Phi Luật Tân cho biết, Asean và Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được bộ quy tắc cư xử trên biển trong vòng 3 năm tới.
Tổng Thống Duterte đã ngã sang Trung Quốc kể từ khi nhậm chức vào năm 2016, để đổi lấy các khoản đầu tư hào phóng của Bắc Kinh. Vị tổng thống này cũng cấm Hải quân Phi Luật Tân tham gia tuần tra với Hoa Kỳ trên biển Đông, và ra lệnh quân đội giảm bớt quy mô các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ. Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Phi Luật Tân vào tuần tới nhằm đàm phán nhiều dự án đầu tư, bao gồm cả việc hợp tác thăm dò dầu mỏ và khí đốt trên biển Đông.

Indonesia bỏ tù phụ nữ tố cáo quấy rối tình dục
LOMBOK – Cô Baiq Nuril Maknun, 37 tuổi, một cô giáo ở đảo Lombok, Indonesia, đã ghi âm cuộc trò chuyện qua điện thoại với hiệu trưởng, người từng nhiều lần gạ gẫm cô quan hệ tình dục. Một đồng nghiệp của Maknun sau đó dùng đoạn ghi âm này làm bằng chứng tố cáo vị hiệu trưởng. Tuy nhiên, thay vì được bảo vệ, cô Maknun hôm thứ Năm đã bị tòa án Indonesia tuyên án 6 tháng tù và phạt tiền $34,000 Mỹ kim, vì tội ghi âm và phát tán tài liệu "không đứng đắn.”
Các nhà hoạt động bênh vực nữ quyền gọi phán quyết này là "trò hề.” "Một phụ nữ trở thành tội phạm chỉ vì cô ấy thực hiện các hành động để tự cứu mình khỏi sự lạm dụng,” giám đốc Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tại Indonesia Usman Hamid cho biết. "Thật là một trò hề khi nạn nhân bị lạm dụng tình dục lại bị kết tội, thay vì chính quyền nên điều tra những thông tin đáng tin cậy từ cô ấy.” Theo một khảo sát được chính phủ công bố năm ngoái, 1 phần 3 phụ nữ Indonesia đã phải đối mặt với bạo lực thể xác hoặc tình dục. Luật sư của cô Maknun, Joko Jumadi, cho biết sẽ kháng án.

Hoa Kỳ sắp tung ra dự án đầu tư đối đầu với Trung Quốc
SINGAPORE - Phó Tổng Thống Mike Pence dự kiến sẽ có bài diễn văn quan trọng về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, tại hội nghị kinh tế ở Papua New Guinea vào cuối tuần này, công bố kế hoạch của Washington để chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Theo một viên chức Hoa Kỳ cho biết vào tối thứ Tư, kế hoạch mới của Washington sẽ hoàn toàn đối lập với các bẫy nợ nguy hiểm mà Trung Quốc đang lập ra tại châu Á.
Được công bố vào năm 2013, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh được quảng bá là nhằm tạo ra một mạng lưới hạ tầng nối liền Trung Quốc với khu vực Âu – Á, thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, hải cảng, được tài trợ và xây dựng bởi các công ty quốc doanh Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, Bắc Kinh đang bị cáo buộc đã lợi dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để khiến các nước nghèo vướng vào các khoản nợ khổng lồ, và buộc phải đưa ra một số nhượng bộ để xóa nợ. Bằng chứng rõ ràng nhất của bẫy nợ là Sri Lanka, quốc gia vào cuối năm 2017 đã phải trao hải cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc quản lý trong vòng 99 năm.
Một số nước trong năm nay, như Malaysia và Maldives, đã hủy bỏ hoặc điều chỉnh các hợp đồng với Trung Quốc, đối với các dự án quá đắt đỏ hoặc không cần thiết. Viên chức Hoa Kỳ cho biết, bài diễn văn của Phó Tổng Thống Pence tại Port Moresby vào thứ Bảy sẽ quảng bá cho một hình mẫu về các dự án tư nhân, cho thấy rõ ràng cách thức các công ty Hoa Kỳ sẽ tạo việc làm và đem lại thịnh vượng cho khu vực.

Vợ cựu thủ tướng Malaysia bị buộc tội nhận hối lộ $45 triệu
KUALA LUMPUR - Công tố viên Malaysia hôm thứ Năm cáo buộc bà Rosmah Mansor, vợ của cựu Thủ Tướng Najib Razak, đã nhận hối lộ hơn $45 triệu Mỹ kim từ một công ty đấu thầu dự án của chính phủ. Bà Mansor đến tòa cùng chồng là cựu Thủ Tướng Najib Razak. Công ty đưa hối lộ được xác định là Jepak Holdings, nhà thầu dự án gắn pin mặt trời trị giá $298 triệu Mỹ kim cho 369 trường học ở bang Sarawak trên đảo Borneo, phía đông Malaysia. Bà Mansor nhận $44.7 triệu vào năm 2016, từ giám đốc điều hành của Jepak Holdings, và $358,000 Mỹ kim vào năm sau từ các lãnh đạo trong hãng này.
Nếu bị buộc tội, bà Mansor có thể phải đối mặt với mức án 20 năm tù và nộp phạt gấp 5 lần số tiền đã nhận. Bà Mansor phủ nhận cả hai cáo buộc này. Công tố viên cũng truy tố ông Rizal Mansor, cựu cố vấn đặc biệt của bà Mansor, vì vai trò trung gian của ông này trong vụ hối lộ giữa Jepak Holdings và Mansor. Ông Rizal có thể đã nhận được $1.3 triệu Mỹ kim. Trước đó, các công tố viên đã cáo buộc bà Mansor phạm 17 tội rửa tiền và gian lận thuế, trong khi chồng bà cũng đang đối diện 38 cáo buộc về lạm dụng quyền lực, rửa tiền và tham nhũng quỹ 1MDB.
Chính phủ Malaysia đang điều tra việc gia đình Najib bị nghi đã lấy trộm nhiều tỷ Mỹ kim từ quỹ đầu tư 1MDB của chính phủ. Số tiền này biến mất đầy tinh vi, có thể được rửa tiền ở nhiều nước như Singapore và Thụy Sỹ, để mua bất động sản hay những tác phẩm nghệ thuật đắt tiền.

Trung Quốc bị cáo buộc nới lỏng lệnh trừng phạt Bắc Hàn
"Trung Quốc dường như đã nới lỏng việc thực hiện các lệnh trừng phạt quốc tế, bất chấp cam kết giữ nguyên tình trạng này tới khi Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân,” theo báo cáo hôm thứ Năm của Ủy Ban Đánh Giá Kinh Tế và An Ninh Mỹ - Trung. "Các công nhân Bắc Hàn đã trở lại làm việc tại phía đông bắc Trung Quốc, hoạt động kinh tế và du lịch tiếp tục diễn ra ở những thị trấn biên giới. Những chuyến bay hai chiều cũng được nối lại. Hai nước còn trao đổi viên chức cấp cao để thảo luận về phát triển kinh tế.”
Ủy ban Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc luôn để lại "những dây cứu sinh chủ chốt" cho Bắc Hàn, và có "những lỗ hổng" trong quá trình tuân thủ lệnh trừng phạt, bao gồm việc trao đổi hàng hóa từ tàu sang tàu trên biển. Ủy ban này còn kêu gọi Bộ Tài Chính đưa ra một báo cáo về việc thực hiện lệnh trừng phạt của Bắc Kinh trong vòng 180 ngày, trong đó cung cấp danh sách các tổ chức tài chính, công ty, và viên chức Trung Quốc liên quan đến việc giao dịch với Bắc Hàn - những đối tượng có thể bị trừng phạt trong tương lai.
Trung Quốc và Nga gần đây cho rằng Hội Đồng Bảo An nên nới lỏng trừng phạt Bắc Hàn, vì những tiến triển ngoại giao giữa Bình Nhưỡng, Seoul và Washington. Tuy nhiên, Hoa Kỳ khẳng định sẽ duy trì lệnh trừng phạt cho tới khi Bắc Hàn giải trừ hạt nhân hoàn toàn.

Nam Hàn phá nổ trạm gác gần biên giới với Bắc Hàn
SEOUL – Vào thứ Năm, Nam Hàn đã dùng thuốc nổ phá hủy tiền đồn ở gần biên giới liên Triều, trong nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo. Quân đội Nam Hàn đã mời một nhóm phóng viên tới dự sự kiện đánh sập trạm gác ở vùng Cheorwon, khu vực trung tâm biên giới. Phóng viên được yêu cầu đứng cách xa vài trăm mét trong lúc khói đen bốc lên bao trùm toàn bộ ngọn đồi. Sau đó, họ chứng kiến các binh sĩ và công nhân san phẳng một trạm gác khác bằng xe ủi đất.
Các trạm gác này nằm trong Khu phi quân sự DMZ rộng 4 cây số, trải dài 248 cây số. Theo Bộ Quốc Phòng Nam Hàn, hầu hết trạm gác của nước này đều được dỡ bỏ bằng máy móc, nhưng trạm gác trên đồi được phá bằng thuốc nổ do cơ sở này nằm trên đỉnh đồi cao, khó điều động máy xúc. Truyền thông Nam Hàn đưa tin Bắc Hàn cũng sẽ phá dỡ các trạm gác tương tự ở biên giới. Hai miền bán đảo Triều Tiên đã đồng ý dỡ bỏ hoặc rút hết vũ khí tại 11 trạm gác trong tháng 11. Trong khu vực DMZ, Nam Hàn có 60 tiền đồn với binh sĩ trang bị vũ khí canh gác và được hàng rào thép bao quanh. Theo ước tính, phía Bắc Hàn có 160 trạm.
Tuần trước, Nam Hàn và Bắc Hàn đã hoàn thành việc rút quân và vũ khí khỏi một số trạm gác biên giới trước khi bắt đầu dỡ bỏ. Đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa hai nước láng giềng. Tuy nhiên, điều này đang gây lo ngại cho Hoa Kỳ, khi giải pháp ngoại giao không đưa đến nhiều tiến triển trong kế hoạch giải trừ hạt nhân tại Bắc Hàn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT