Thế Giới

Anh ruột của bà Suu Kyi muốn bán đấu giá ngôi nhà gia đình bên bờ hồ

Sunday, 28/10/2018 - 03:11:26

Vấn đề rắc rối pháp lý mới này xảy ra trong lúc bà Suu Kyi bị thất sủng thảm hại trên sân khấu quốc tế, sau khi bà không ngăn chặn được những tội ác do quân đội gây ra cho những người thiểu số Hồi Giáo Rohingya của Miến Điện trong năm ngoái.



Bà Aung San Suu Kyi đang mời Ngoại Trưởng Anh William Hague đi dạo trước sân nhà của bà tại Yangon tháng Giêng, 2012. (Getty Images)

YANGON – Chuyện xui xẻo tiếp tục bám theo bà Aung San Suu Kyi. Trong cả năm qua bà bị bị cộng đồng quốc tế xa tránh vì cách thức bà giải quyết cuộc khủng hoảng Rohingya. Giờ đây nhà lãnh đạo Miến Điện đang bị khốn đốn trong nội bộ gia đình. Người anh thường xung khắc với bà đang có một nỗ lực mới để bán ngôi nhà của gia đình họ.

Ông Aung San Oo là kỹ sư và sống phần lớn thời gian tại Hoa Kỳ. Ông Oo và bà Suu Kyi là hai người con duy nhất sống sót của cố thủ tướng Aung San.

Vào ngày 17 tháng 10, ông Oo nộp đơn kháng cáo tại Tòa Án Tối Cao của Miến Điện, để yêu cầu tòa cho phép bán đấu giá ngôi biệt thự màu trắng đã có từ thời thuộc địa Anh. Ngôi nhà này là nơi em ông, bà Suu Kyi, bị quản thúc tại gia trong 15 năm khi bà tranh đấu cho dân chủ.

“Số tiền kiếm được, từ việc đưa ngôi nhà và khu đất này ra đấu giá, sẽ được chia đều giữa chúng tôi,” ông Oo nói với các phóng viên bên ngoài tòa án, theo tin của báo Frontier Myanmar.  “Đây là cách thức rõ ràng nhất. Tôi không có một yêu sách không công bằng.”

Ngôi biệt thự một thời lộng lẫy này, ở số 54 đường University Avenue, đối diện với Hồ Inya của thành phố Yangon (Ngưỡng Quảng), đã trở thành một biểu tượng cho cuộc tranh đấu kéo dài cho nền dân chủ, chống lại nhóm tướng lãnh cầm quyền đã giam bà trong ngôi nhà đó từ năm 1989 tới năm 2010.
Bà đã đọc những bài diễn văn đầy cảm xúc mãnh liệt trước những đám đông ủng hộ bà, qua những cổng kim loại của ngôi biệt thự. Ngôi nhà này đã được dùng làm trung tâm của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, trước đây là một đảng bất đồng chính kiến mà bà vẫn đứng đầu, trong cương vụ lãnh đạo dân sự của đất nước.

Bà Hillary Clinton, hồi đó là ngoại trưởng Mỹ, từng ôm bà Suu Kyi - lúc đó là một nữ nữ anh hùng nhân quyền toàn cầu - một cách nồng nhiệt trên các bậc cấp của biệt thự, và đi bộ trong vườn của ngôi nhà đó trong năm 2011. Chuyến thăm của bà Clinton tại tư gia của bà Suu Kyi được nối tiếp bằng một chuyến viếng thăm lịch sử của Tổng Thống Barack Obama sau đó mấy tháng.

Từ khi trở thành một chính trị gia đắc cử trong năm 2012, dời đến ở thủ đô mới Naypyitaw, nơi đặt trụ sở Quốc Hội, bà Suu Kyi chỉ trở về ngôi nhà thời thơ ấu trong những ngày nghỉ.

Thế nhưng đằng sau địa vị mang tính cách biểu tượng của ngôi biệt thự là một cuộc tranh chấp cay đắng giữa anh em với nhau, đã âm ỉ từ năm 2001, khi ông Oo lần đầu tiên kiện để đòi một phần của tài sản, mà luật sư của ông lượng giá là $90 triệu Mỹ kim.

Trong năm 2016, một tòa án ở Yangon phán quyết rằng bà Suu Kyi sở hữu tòa nhà chính, trong khi một tòa nhà khác và một số trong khu đất xung quanh là thuộc về người anh trai.

“Quyết định trước đó có tính cách thiên vị, và họ đã cho bà hơn một nửa, vì vậy tôi không hài lòng và tôi đang đòi điều này ngay bây giờ,” Aung San Oo nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Tôi đã để cho bà ấy sống miễn phí trong 12 năm. Cái gì cũng có giới hạn.”

Luật sư U Aye Lwin của ông nói rằng vụ kháng cáo tại tòa án đã được thúc đẩy một phần bởi nỗi lo ngại rằng ngôi nhà đang rơi vào tình trạng hư hại. “Tòa nhà chúng tôi có đã bị sập,” ông nói với tờ báo điện tử. “Phía bên kia có tòa nhà chính hai tầng. Họ sống ở đó suốt thời gian qua, và chúng tôi thì không thể. Ông ấy phải sống ở bên ngoài.”

Vấn đề rắc rối pháp lý mới này xảy ra trong lúc bà Suu Kyi bị thất sủng thảm hại trên sân khấu quốc tế, sau khi bà không ngăn chặn được những tội ác do quân đội gây ra cho những người thiểu số Hồi Giáo Rohingya của Miến Điện trong năm ngoái.

Cho đến nay nhà lãnh đạo Miến Điện không nói gì cả về vụ kiện. Tuy vậy những người ủng hộ từ trong đảng chính trị của bà đã chỉ trích vụ bán nhà có thể xảy ra. Nyi Nyi, một thành viên của quốc hội khu vực Yangon, đã thề quyết sẽ gây quỹ cho cuộc chiến pháp lý.

“Khu nhà này sẽ trở thành một nơi chốn lịch sử của một nhà lãnh đạo từng tranh đấu cho nền dân chủ, và như vậy, với tư cách là một công dân, mặc dù tôi không giàu có, tôi không thể mất đi khu nhà đó,” ông Nyi Nyi nói.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT