Thế Giới

Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ lo ngại Biển Đông sẽ bất ổn

Thursday, 29/08/2019 - 07:17:38

Anh, Pháp và Đức khẳng định sự lo ngại về sự căng thẳng ở Biển Đông, sợ rằng tình thế sẽ “có thể dẫn tới mất an ninh và ổn định trong khu vực.”


Ông Raveesh Kumar, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Ấn Độ, trong buổi họp báo hồi tháng Năm 2019 tại thủ đô Tân Đề Li, Ấn Độ. (Getty Images)


Anh, Pháp và Đức khẳng định sự lo ngại về sự căng thẳng ở Biển Đông, sợ rằng tình thế sẽ “có thể dẫn tới mất an ninh và ổn định trong khu vực.”
Đây là nội dung trong tuyên bố chung giữa ba quốc gia Âu Châu do Bộ Ngoại Giao Anh phát cho báo chí ngày thứ Năm.

Bản tin của Reuters lưu ý Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tranh cãi trong thời gian dài về hoạt động ở Biển Đông. Hoa Thịnh Đốn tố cáo Bắc Kinh đã và đang quân sự hóa Biển Đông thông qua việc xây dựng, tôn tạo phi pháp các đảo nhân tạo trong vùng biển này.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi tàu Hải Quân Mỹ hoạt động gần những đảo bị Trung Cộng chiếm đóng và xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại Anh cũng xuất hiện chỉ một ngày sau khi Liên Minh Âu Châu (EU) nêu quan điểm về những diễn biến bất ổn trên Biển Đông trong thời gian qua.
Phát ngôn viên của EU nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhất là việc tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Cũng trong ngày thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Ấn Độ khẳng định quốc gia lớn thứ nhì tại Á Châu ủng hộ quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển.
"Biển Đông là một phần của chung trên toàn cầu. Ấn Độ, vì vậy, đã tôn trọng sự lợi ích của hòa bình và ổn định khu vực. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng nước quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS," phát ngôn viên Raveesh Kumar nói trong cuộc họp báo chiều 29-8.
Phát biểu của ông Kumar được đưa ra trong lúc Biển Đông đang căng thẳng, khi Trung Cộng đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, vốn được quy định trong UNCLOS 1982.

Bản thân Trung Quốc cũng là thành viên của UNCLOS, nhưng không màng tôn trọng công ước này trước phản ứng và áp lực của cộng đồng quốc tế.
Ngoài những hành động phi pháp trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, Trung Cộng cũng bị các nước cáo buộc can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam, cũng như các hành động bồi đắp, tôn tạo và quân sự hóa mà Bắc Kinh triển khai.
Trong phát biểu liên quan tới Biển Đông, phát ngôn viên của Ấn Độ cũng nêu rõ, "Ấn Độ cũng tin rằng bất cứ sự khác biệt nào cũng cần được giải quyết một cách ôn hòa bằng việc tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao và không có chỗ cho sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.”
Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 ra khỏi EEZ và thềm lục địa Việt Nam.

Dư luận quốc tế lên án hành động của Trung Quốc, cả việc vi phạm chủ quyền Việt Nam lẫn các hành động can thiệp vào việc khai thác dầu khí hợp pháp, lâu dài của Việt Nam.
Trong khi đó lãnh đạo các nước như Úc và Mã Lai Á gần đây trong các chuyến thăm Việt Nam cũng nêu bật tầm quan trọng của UNCLOS và yêu cầu tuân thủ công ước này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT