Thế Giới

Anh: Nghi can bị bắt vụ bom tàu điện ngầm

Saturday, 16/09/2017 - 09:46:01

Danh tính người này chưa được tiết lộ, và cảnh sát đã yêu cầu giới truyền thông không nên loan truyền các tin tức chưa được xác nhận, cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất.



LONDON – Cảnh sát Anh hôm thứ Bảy đã bắt giữ một thanh niên 18 tuổi, bị nghi có liên quan đến vụ đánh bom tàu điện ngầm ở thủ đô London. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn giữ mức báo động cao, vì lo ngại một vụ tấn công khác có thể xảy ra. Nghi can 18 tuổi bị bắt ở cảng Dover, nới có chuyến phà đi tới Pháp. Đồng thời, cảnh sát cũng tổ chức một vụ bố ráp lớn ở Sunbury, phía tây nam London, và lập vùng cấm bay phía trên khu vực bị kiểm tra.
Nhà chức trách chưa xác nhận nghi can này có phải là kẻ đặt bom hay không, nhưng Bộ Trưởng Nội Vụ Amber Rudd nói rằng đây là một vụ bắt giữ quan trọng. Thanh niên 18 tuổi bị bắt theo đạo luật chống khủng bố, và đã được đưa về London để thẩm vấn. Danh tính người này chưa được tiết lộ, và cảnh sát đã yêu cầu giới truyền thông không nên loan truyền các tin tức chưa được xác nhận, cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất.
Vào sáng thứ Sáu, một trái bom tự chế đặt trong một cái xô đã phát nổ trên toa tàu điện ngầm đông đúc ở ga Parsons Green, phía tây London. Vụ tấn công khiến 29 người bị thương, hầu hết bị phỏng, không có người thiệt mạng. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công. Nhà chức trách Anh lo ngại, những đồng phạm của kẻ đánh bom có thể vẫn còn những thiết bị nổ tương tự. Vào ngày thứ Bảy, hàng trăm quân nhân đã đi tuần trên các khu vực công cộng ở Anh quốc, để cảnh sát được rảnh tay tập trung điều tra về vụ đánh bom.

Bắc Hàn chiếu video phóng hỏa tiễn qua Nhật lần hai
BÌNH NHƯỠNG – Đài truyền hình quốc gia Bắc Hàn KRT hôm thứ Bảy đã chiếu hình ảnh vụ phóng hỏa tiễn Hwasong-12 bay qua Nhật Bản ngày 15 tháng 9. Video có kèm hình ảnh nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, xung quanh là một số viên chức, đang quan sát hỏa tiễn rời bệ phóng bay lên bầu trời. Bắc Hàn trong cùng ngày cũng tuyên bố nước này muốn đạt được "sự cân bằng" sức mạnh quân sự với Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Washington cảnh báo sự kiên nhẫn của họ với con đường ngoại giao đang giảm dần sau vụ phóng hỏa tiễn ngày 15 tháng 9 của Bắc Hàn, lần phóng thứ hai bay qua lãnh thổ Nhật Bản trong vòng chưa đầy một tháng. Nhật và Nam Hàn đều lên án vụ thử vũ khí của Bắc Hàn.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp với ngoại trưởng các nước, tập trung bàn về vấn đề Bắc Hàn, vào tuần tới. Cuộc họp ngoại trưởng các nước sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 9, trong thời gian các lãnh đạo thế giới tập trung về New York, để dự họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thường niên. Theo thông báo, cuộc họp sẽ "thảo luận cách thức để Hội Đồng Bảo An có thể thực hiện các lệnh trừng phạt hiện có một cách hiệu quả hơn,” và ngăn công nghệ hỏa tiễn và hạt nhân rơi vào tay "những kẻ nguy hiểm nhất thế giới.”

Kuwait trục xuất 5 nhà ngoại giao Bắc Hàn
KUWAIT – Chính phủ Kuwait đã quyết định trục xuất năm nhà ngoại giao Bắc Hàn và ngừng cấp visa mới cho công dân của quốc gia Đông Bắc Á, sau một loạt vụ thử hỏa tiễn gây tranh cãi của nước này. Trong báo cáo gởi Hội Đồng Bảo An, Kuwait cho biết nước này đã quyết định cắt giảm số lượng nhà ngoại giao Bắc Hàn tại Kuwait từ 9 người xuống còn 4 người. Trong danh sách trục xuất của chính phủ Kuwait lần này có Đại Sứ Bắc Hàn tại Kuwait So Chang-sik. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ thời hạn 5 nhà ngoại giao Bắc Hàn phải rời khỏi Kuwait.
Ngoài ra, Kuwait cũng thông báo ngừng cấp visa mới cho các công dân Bắc Hàn nhập cảnh vào Kuwait. Báo cáo cho biết, các công dân Bắc Hàn đang sống tại quốc gia Trung Đông này sẽ bị yêu cầu rời đi ngay sau khi giấy phép cư trú của họ hết hạn. Ước tính có khoảng 6,000 người Bắc Hàn đang làm việc tại Kuwait. Như vậy, Kuwait đã trở thành quốc gia thứ 3 trục xuất Đại Sứ Bắc Hàn về nước, sau Mexico và Peru, theo lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo An.

Qatar 'đốt' gần $40 tỷ trong hai tháng
DOHA – Sau ba tháng chịu đựng sự cô lập chưa từng có từ các nước láng giềng, Qatar đang dần cảm nhận được thiệt hại về kinh tế. Hãng đánh giá tín dụng Moody's ước tính, quốc gia nhiều dầu mỏ này đã tiêu tốn $38.5 tỷ Mỹ kim dự trữ tài chính trong tháng 6 và tháng 7. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy sự bất hòa giữa Qatar và khối Ả Rập sẽ sớm được giải quyết.
Ngày 5 tháng 6, Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt quan hệ ngoại giao và các đường giao thông với Qatar, vì cho rằng nước này hỗ trợ khủng bố và thân cận với Iran. Tuy nhiên, Qatar đến nay vẫn phủ nhận điều này. Trước đây, Qatar phụ thuộc khá nhiều vào Ả Rập Saudi và UAE để nhập cảng một phần ba lương thực. Họ cũng nhập vật liệu xây dựng chủ yếu từ hai nước này. Giờ đây, họ phải chuyển hướng sang các nguồn khác, như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đồng thời cũng phải trả nhiều hơn cho lương thực và thuốc men.
Cuộc khủng hoảng cũng gây áp lực lên tiền tệ của Qatar, khiến họ phải dùng đến dự trữ quốc gia để giữ giá đồng riyal so với Mỹ kim. "Tỷ giá đã biến động đáng kể suốt từ tháng 6. Nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao này tiếp tục, không biết chính phủ Qatar sẽ có thể cầm cự đến bao giờ", một chuyên gia tài chính nhận xét. Qatar đã bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để bù đắp lượng vốn bị rút ra trong tháng 6 và 7. Theo ước tính, khoảng $30 tỷ Mỹ kim đã rời hệ thống ngân hàng Qatar trong các tháng này. Con số này được dự báo sẽ tăng nữa. Dù vậy, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF cho rằng, Qatar đã biết cách "điều chỉnh trước biến cố” và hệ thống ngân hàng "vẫn rất vững chắc, với phẩm chất tài sản tốt và vốn hóa cao.”

Singapore: Dân biểu tình phản đối tân tổng thống
SINGAPORE – Hàng trăm người Singapore đã biểu tình hôm thứ Bảy, sau khi bà Halimah Yacob trở thành tân tổng thống nước này mà không qua bầu cử, chỉ vì bà là ứng cử viên duy nhất đủ tiêu chuẩn. Cuộc biểu tình, việc vốn hiếm xảy ra tại Singapore, được tổ chức tại một công viên, theo sau làn sóng giận dữ trên mạng xã hội lên án việc tân Tổng Thống Halimah Yacob đắc cử không qua bỏ phiếu.
Bà Halimah, cựu chủ tịch quốc hội đến từ cộng đồng người Mã Lai theo đạo Hồi, tuyên thệ nhậm chức hôm 14 tháng 9. Một ngày trước đó, bà được tuyên bố là tổng thống đắc cử, trong cuộc chạy đua mà mọi đối thủ đều bị loại trước ngày dự kiến tổ chức bầu cử. Chức vụ tổng thống tại Singapore chỉ mang tính tượng trưng, nhưng tổng thống vẫn có quyền phủ quyết đối với việc đề cử các vị trí quan trọng trong chính phủ, cũng như bảo đảm dự trữ tài chính của quốc gia.
Nhà hoạt động xã hội Gilbert Goh, người tổ chức biểu tình, cho biết ông muốn thể hiện "cảm giác bị phản bội" mà người dân Singapore trải qua, sau khi bị tước đi cơ hội bầu ra lãnh đạo của đất nước họ. Những người biểu tình mặc quần áo màu đen đi vòng quanh công viên. Một số người giơ bảng viết chữ "(S)eletion" (ám chỉ việc tổng thống không được bầu mà được chỉ định). Một số người khác mặc áo thun in hashtag "not my president" (không phải tổng thống của tôi).

Malaysia bắt 7 nghi can đốt trường học
KUALA LUMPUR – Vào đêm thứ Sáu, nhà chức trách Malaysia đã bắt giữ 7 thiếu niên, bị nghi là thủ phạm gây ra vụ cháy tại một trường nội trú tôn giáo vào ngày 14 tháng 9, khiến 23 người thiệt mạng. Cảnh sát trưởng Kuala Lumpur, ông Amar Singh, cho biết 7 thiếu niên tuổi từ 11 đến 18 đã bị bắt sau khi bị cảnh sát nhận dạng từ camera an ninh của một tòa nhà. Hình ảnh từ camera cho thấy, 7 người này xuất hiện gần ngôi trường vào đêm xảy ra vụ cháy.
"Theo điều tra, động cơ gây án là để trả thù, sau khi các nghi can và một số học sinh của trường tranh cãi với nhau vào vài ngày trước sự việc,” ông Singh nói. Ông cho biết 6 trong số 7 nghi can dương tính với ma túy sau khi được xét nghiệm. Hai trong số những nghi can này đã có tiền sự và từng bị giam trước đó, 1 người bị buộc tội ăn cắp xe, người còn lại bị kết tội nổi loạn.
Cảnh sát cho biết, 2 thùng chứa khí đốt đã được đưa lên tầng trên cùng của ngôi trường để phóng hỏa. Lửa lan rộng nhanh chóng và lực lượng cứu hỏa phải mất 1 giờ để dập tắt. Cả 7 người đều đang bỏ học và sẽ bị tạm giam trong 1 tuần. Vụ cháy tại ngôi trường 3 tầng khiến 2 bảo vệ và 21 học sinh, tuổi từ 6 đến 17, thiệt mạng. Sự việc cũng tạo thêm áp lực đối với nhà chức trách Malaysia, về việc quản lý các trường học tôn giáo, chủ yếu do tư nhân điều hành và không thuộc sự giám sát của Bộ Giáo Dục.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT