Đạo và Đời

Ánh mắt yêu thương

Wednesday, 02/11/2016 - 09:01:40

Anh đã cố gắng thay đổi và sống một cuộc đời hoàn lương giữa những phong ba thử thách và đã giúp đỡ biết bao nhiêu người khốn cùng khác. Cuối đời Jean Valjean đã chết một cái chết bình an.

Les Misérables: Những Kẻ Khốn Cùng là câu chuyện cảm động của nhiều thế kỷ, nó còn làm xúc động biết bao người cho tới ngày nay. Đó là tác phẩm của văn hào Vitor Hugo về cuộc đời tên tù khổ sai Jean Valjean và những kẻ khốn cùng trong xã hội thời đó. Tác phẩm này xuất hiện lần đầu vào năm 1862 và là một tác phẩm rất dài. Cho đến ngày nay tác phẩm này được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và trở thành đề tài cho nhiều nhạc kịch và phim ảnh. Ở đây, xin trích ra một đoạn trong câu chuyện đó để thấy tính cách cảm động và tình người trong đại tác phẩm này: Jean Valjean là một thanh niên nghèo. Cha mẹ đều chết cả. Chị của anh cùng những đứa con của chị không có thứ gì để ăn. Jean Valjean đã ăn cắp bánh mì cho họ. Cảnh sát đã bắt và bỏ tù anh. Anh đã phải ở tù 18 năm chỉ vì ăn cắp bánh mì cho kẻ đói. Khi được trả tự do, anh đã sống cô độc, không bạn bè hay người thân. Có một người duy nhất đã giúp đỡ anh đó là Giám Mục Myriel. Đêm hôm đó ngài đã cho anh được tá túc và ăn uống. Nhưng chính đêm hôm đó anh đã đánh cắp những chân đèn bằng bạc quí giá của vị Giám Mục. Anh đã không trốn thoát và bị cảnh sát bắt lại và giải tới vị Giám Mục. Vị Giám Mục đã không tố cáo anh, lại còn cho anh thêm những đồ giá trị khác nữa và đã kín đáo khuyên anh hãy thay đổi cuộc sống. Jean Valjean đã không bao giờ quên những lời nói của vị Giám Mục.

Anh đã cố gắng thay đổi và sống một cuộc đời hoàn lương giữa những phong ba thử thách và đã giúp đỡ biết bao nhiêu người khốn cùng khác. Cuối đời Jean Valjean đã chết một cái chết bình an.

"Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi.” Đây là lời của Chúa Giêsu nói với Giakêu, một tên trùm thu thuế giầu có. Tên này thật đáng ghét đối với người Do Thái, vì hạng thu thuế làm thuê cho người Roma là những con người đáng khinh bỉ, được coi như kẻ tội lỗi, không còn được gọi là con cháu của tổ phụ Abraham nữa. Nhưng Giakêu, một người thu thuế quyền lực nhưng lại nhỏ bé về vóc dáng, phải trèo lên cây mới nhìn thấy Chúa đã vội bước xuống trong sự vui mừng vì đã có Người nâng đỡ ông dạy, giúp ông bước ra khỏi cuộc đời tham ô tăm tối, giúp ông hoán cải. Ông đã hăng say thưa với Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần tài sản của tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn." Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất.”

Trong câu chuyện Những Kẻ Khốn Cùng, Jean Valjean đã chấp nhận ánh mắt yêu thương và sự nhân hậu của vị Giám Mục để làm lại cuộc đời của mình. Sự yêu thương và tha thứ của vị Giám Mục này, chính là cái cầu nối dài ánh mắt yêu thương và tha thứ của Chúa Giêsu Kitô đã nhìn và đã mời gọi ông Giakêu cách đây gần hai ngàn năm. Không mấy người trong chúng ta gặp hoạn nạn như Jean Valjean, không mấy người trong chúng ta tham ô và giầu sụ như Giakêu. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi rằng cả cuộc đời làm người tín hữu Ki tô giáo, cả cuộc đời làm con Chúa, có bao giờ chúng ta đã cảm nhận được ánh mắt yêu thương và dịu hiền của Chúa chưa?

Lm Trần Văn Kiểm

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT