Thế Giới

Anh có thể biết nghi can đầu độc cựu điệp viên Nga

Friday, 20/07/2018 - 12:01:53

Bà Sturgess có thể đã tìm thấy nó ở một địa điểm tại thành phố Salisbury. Bà Sturgess đã xịt trực tiếp chất độc lên da mình. Việc phát hiện cái chai là bước đột phá quan trọng cho cuộc điều tra vụ Skripal.

LONDON – Một số hãng truyền thông vào thứ Năm đưa tin, nhà chức trách Anh quốc đã xác định được danh tính một số người Nga, được cho là đứng sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok nhắm vào cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông. "Các nhà điều tra tin rằng đã xác định được nghi can trong vụ tấn công bằng Novichok qua camera an ninh, đồng thời đã kiểm tra hồ sơ những người nhập cảnh vào Anh trong thời gian này. Họ chắc chắn các nghi can là người Nga,” theo truyền thông dẫn các nguồn tin trong cảnh sát Anh.
Tuy nhiên, Bộ Trưởng An Ninh Anh Quốc vào thứ Năm vẫn viết trên Twitter rằng, các tin tức này chỉ “dựa trên các thông tin sai lệch và các tin đồn.” Đại sứ Nga tại Anh, ông Alexander Yakovenko, nói rằng các viên chức Anh không chia sẻ các thông tin mà họ có, và cũng không tiết lộ gì về các nghi can. Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia được phát hiện bất tỉnh ở Salisbury hôm 4 tháng 3, sau khi có tiếp xúc với chất độc thần kinh Novichok. Cả hai đã xuất viện và được chính phủ Anh bảo vệ.
Hai người Anh khác là ông Charlie Rowley, 45 tuổi và bạn gái Dawn Sturgess, 44 tuổi, bị bất tỉnh tại nhà riêng hôm 30 tháng 6, cũng vì nhiễm chất Novichok ở cùng khu vực với cha con Skripal tại miền tây nam nước Anh. Bà Sturgess qua đời hôm 8 tháng 7, còn ông Rowley đã tỉnh lại và đang trong tình trạng ổn định. Các nhà điều tra tin rằng bà Sturgess đã tiếp xúc lượng chất độc cao ít nhất 10 lần so với cha con nhà Skripal. Cảnh sát tìm thấy một chai nước hoa tại nhà ông Rowley ở Amesbury và cho rằng chất độc nằm trong chai này. Bà Sturgess có thể đã tìm thấy nó ở một địa điểm tại thành phố Salisbury. Bà Sturgess đã xịt trực tiếp chất độc lên da mình. Việc phát hiện cái chai là bước đột phá quan trọng cho cuộc điều tra vụ Skripal.

Israel thông qua đạo luật quốc gia dân tộc
JERUSALEM - Quốc Hội Israel hôm thứ Năm thông qua dự luật mới với 62 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 2 phiếu trắng, đưa tiếng Hebrew trở thành ngôn ngữ quốc gia, và xác định việc thành lập các cộng đồng người Do Thái là lợi ích quốc gia. Đạo luật mới nói rằng, Israel là quê hương lịch sử của người Do Thái và chỉ người Do Thái có quyền tự quyết định vận mệnh quốc gia dân tộc. Tiếng Ả Rập, từng là một ngôn ngữ chính thức, bị hạ cấp thành "tình trạng đặc biệt.”
Dự luật gây tranh cãi được phê chuẩn sau lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đất nước Israel. Nhiều thành viên phe đối lập đã lên án việc bỏ phiếu, xem đây là sự kỳ thị chủng tộc đối với người Ả Rập. Khi được Liên Hiệp Quốc trao quyền lập quốc vào năm 1948, những người Do Thái lưu lạc khắp nơi trở về và xây dựng nên đất nước Israel như ngày nay. Người Ả Rập chiếm khoảng 17.5% trong số hơn 8.5 triệu dân của Israel. Người đứng đầu đảng Liên minh Ả Rập Ayman Odeh gọi luật mới là "cái chết của nền dân chủ.” Tổng Thống Israel Reuven Rivlin và Phó Bộ Trưởng Tư Pháp Raz Nizri cũng phản đối dự luật mới. Ông Benny Begin, con trai của cựu Thủ Tướng Menachem Begin, người sáng lập đảng cầm quyền Likud của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu, đã không tham gia bỏ phiếu, cho rằng đảng này đang ngày càng xa rời nhân quyền.
Tại khu tự trị Ma'alot-Tarshiha, gồm thị trấn Ma'alot của người Do Thái và thị trấn Tarshiha của người Palestine, những người Palestine đều bày tỏ sự phẫn nộ, vì cho rằng đạo luật mới là một đạo luật kỳ thị chủng tộc. Người Ả Rập ở Israel ngày nay vẫn có đầy đủ quyền lợi trước pháp luật. Tuy nhiên, họ thường than phiền về việc phải đối mặt với sự kỳ thị trong các dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, nhà ở.

Singapore chấp thuận hiệp ước CPTPP
SINGAPORE - Chính phủ Singapore vừa phê chuẩn Hiệp ước đối tác toàn diện Thái Bình Dương CPTPP, trở thành quốc gia thứ 3 chấp thuận hiệp ước này sau Mexico và Nhật Bản. Bộ Thương Mại Và Công Nghiệp của Singapore trong thông cáo ngày thứ Năm nói rằng, CPTPP là một bản thỏa thuận phẩm chất cao, giúp giảm bớt các rào cản thị trường, thúc đẩy thương mại trong một thị trường kết hợp của 500 triệu người, với tổng sản phẩm nội địa là $10 ngàn tỷ Mỹ kim. Hiệp ước CPTPP sẽ thiết lập quy tắc cho nhiều lĩnh vực mới, như ngành thương mại điện tử, và sẽ có hiệu lực vào 60 ngày sau khi được 6 trong 11 nước thành viên phê chuẩn. Mexico phê chuẩn hiệp ước vào tháng 4, và Nhật Bản nối tiếp vào đầu tháng 7. Các thành viên còn lại trong nhóm là Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, và Việt Nam.
Việc đàm phán CPTPP hoàn tất vào ngày 23 tháng 1 tại Tokyo, và thỏa thuận được ký vào ngày 8 tháng 3 ở Santiago, Chile. CPTPP là phiên bản đã chỉnh sửa của hiệp ước đối tác Thái Bình Dương TPP, vốn đã thất bại sau khi Hoa Kỳ rút lui vào tháng 1, 2017. Trong thông cáo báo chí, Bộ Trưởng Thương Mại và Công Nghiệp Singapore, ông Chan Chun Sing, gọi CPTPP là một thỏa thuận quan trọng, và sẽ giúp hoàn thiện mạng lưới các thỏa thuận thương mại song phương hiện nay của Singapore. Theo ông Chan, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều xung đột thương mại và tư tưởng chống toàn cầu hóa, CPTPP sẽ là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Singapore ủng hộ thương mại tự do và hệ thống thương mại có quy tắc rõ ràng. Bộ trưởng Singapore cũng thêm rằng nước này chào đón các quốc gia khác gia nhập CPTPP sau khi hiệp ước có hiệu lực.

Bắc Hàn có 2.6 triệu nô lệ thời hiện đại
ÚC – Theo ước tính của một báo cáo gần đây, Bắc Hàn đang có số lượng nô lệ thời hiện đại cao nhất thế giới, với tỷ lệ cứ 1 trên 10 công dân là nạn nhân bị buộc lao động khổ sai. Hơn 2.6 triệu người đang sống trong tình trạng nô lệ thời hiện đại tại Bắc Hàn, với phần lớn trong số này bị ép buộc lao động bởi chính phủ Bình Nhưỡng, theo báo cáo Chỉ Số Nô Lệ Toàn Cầu 2018 (Global Slave Index 2018). Báo cáo này cũng cho rằng Bắc Hàn là nước có phản ứng kém nhất đối với tình trạng nô lệ, so với mọi quốc gia khác được nghiên cứu, do chính bản thân Bình Nhưỡng cũng trực tiếp tham gia vào việc cưỡng ép lao động, cả trong và ngoài nước. Bản báo cáo định nghĩa nô lệ thời hiện đại bao gồm các nạn nhân của tình trạng nô lệ, buôn người, cưỡng ép lao động, buộc làm việc để trả nợ, cưỡng ép kết hôn, buôn bán và bóc lột trẻ em.
Báo cáo mới được công bố giữa lúc Bắc Hàn đang có nhiều cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và Nam Hàn về việc giải trừ hạt nhân và các vấn đề quân sự, và không bàn tới chủ đề nhân quyền. Ông Andrew Forrest, người sáng lập tổ chức Walk Free Foundation, cho rằng thế giới chỉ tập trung vào bom và hỏa tiễn của Bắc Hàn, nhưng nước này vẫn còn rất nhiều thảm kịch, bắt nguồn từ sự đàn áp của chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của ông Forrest, một nhà hoạt động người Úc chống chế độ nô lệ, tổ chức Walk Free đã công bố báo cáo Chỉ Số Nô Lệ Toàn Cầu mỗi năm kể từ năm 2013. Báo cáo này thường ước tính số nô lệ thời hiện đại tại một quốc gia, thay vì chỉ đếm những trường hợp được thông báo.

Nga đề nghị giảm trừng phạt Bắc Hàn
NEW YORK - Vào thứ Tư vừa qua, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc đã đề nghị Hội Đồng Bảo An nên cân nhắc việc giảm trừng phạt Bắc Hàn, trong lúc Hoa Kỳ kêu gọi tạm đình chỉ việc xuất cảng dầu tinh chế tới Bình Nhưỡng. Đại Sứ Nga Alexander Matsegora nói, bán đảo Triều Tiên đang có nhiều thay đổi rõ ràng, và Nga sẵn sàng giúp hiện đại hóa hệ thống năng lượng của Bắc Hàn, nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và nếu Bình Nhưỡng có thể chi trả cho kế hoạch này. Hội Đồng Bảo An kể từ năm 2006 đã siết chặt các lệnh trừng phạt Bắc Hàn, nhằm cắt đứt nguồn tài trợ cho các chương trình hỏa tiễn và nguyên tử của nước này, bằng cách cấm Bắc Hàn xuất cảng than đá, sắt, chì, hàng dệt may, và hải sản, đồng thời giới hạn mức nhập cảng dầu thô và các sản phẩm dầu tinh lọc.
Trung Quốc vào cuối tháng trước đã cố gắng thuyết phục Hội Đồng Bảo An ra thông cáo khen ngợi cuộc họp ngày 12 tháng 6 giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un, và nói rằng Trung Quốc sẵn sàng điều chỉnh các lệnh trừng phạt nhắm vào Bắc Hàn. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã ngăn chận nỗ lực này với lý do Washington và Bình Nhưỡng đang có các cuộc đàm phán nhạy cảm. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo dự kiến sẽ có cuộc họp không chính thức với Hội Đồng Bảo An cùng Nam Hàn và Nhật vào thứ Sáu. Giới ngoại giao dự đoán ông Pompeo sẽ tái khẳng định sự cần thiết của việc duy trì áp lực đối với Bắc Hàn.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT