Hoa Kỳ

Anh ấy nhảy đè lên trái lựu đạn: Cựu chiến binh chiến tranh VN tưởng nhớ sự hy sinh của đồng đội giúp họ còn sống đến ngày nay

Sunday, 26/05/2019 - 10:11:47

Thượng Sĩ Fleek được chôn cất tại nghĩa trang Petersburg. Vào tháng 8 năm 2018, một đoạn bang lộ KY 20 xuống dốc về phía thung lũng sông đã được đặt theo tên ông để vinh danh ông.


Ông Charles Fleek, thứ nhì từ bên trái, trong hình lưu niệm của gia đình. (Cincinnati.com/The Enquirer)


Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong Hoa Kỳ

Nhân dịp Memorial Day 2019, ký giả Chris Mayhew đã viết về cố Thượng Sĩ Charles Fleek và hành động quả cảm của ông trong thời chiến Việt Nam mà đến nay các đồng đội vẫn nhắc tới, dù họ đã có con, có cháu không hề biết về cuộc chiến ngăn chặn làn sóng cộng sản từng xảy ra ở Đông Nam Á nửa thế kỷ trước đây. Bài viết được đăng trên nhật báo The Cincinnati Enquirer trong tuần qua, và dưới đây là bản tóm lược từ bài viết về sự hy sinh của ông Charles Fleek để cứu các chiến hữu của ông.
*
Ngày 27 tháng 5, 1969, một ngày bình thường như bao ngày khác đối với những quân nhân Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam. Thế nhưng với một số cựu binh cùng nhóm tham chiến với Thượng Sĩ Bộ Binh Charles Fleek, đó là một ngày không thể nào quên.

Thượng Sĩ Charles Fleek lúc đó mới có 21 tuổi, chưa học hết trung học. Ông lớn lên ở miền quê tiểu bang Kentucky, ngoại ô thị trấn Petersburg nằm cạnh bờ sông Ohio River, nơi ông được biết đến với cái tên "Chalkie." Trong 308 ngày mà ông Fleek có mặt ở Việt Nam, ông là tiểu đội trưởng của một nhóm 10 binh sĩ Hoa Kỳ trong nhiệm vụ cuối cùng của ông. Hôm đó tất cả họ đều mặc đồng phục rộng rãi, không có đồ lót hoặc vớ, để có thể chiến đấu hiệu quả hơn trong khí hậu nóng bức miền nhiệt đới.
 

Charles Clinton Fleek, 1947-1969. (Cincinnati.com/The Enquirer)

Vào hôm đó của năm 1969, một ngày thời tiết oi bức, nhóm quân nhân được lệnh phục kích đối phương tại một đồn điền cao su cũ của người Pháp ở tỉnh Bình Dương. Đây là khu vực bắn tự do, tức là khu vực mà quân đội Hoa Kỳ được cho biết họ có thể bắn bất cứ thứ gì di chuyển. Đây là nơi hoạt động của du kích Việt Cộng.

Khoảng 4 giờ chiều, họ nghe thấy tiếng nổ từ xa khi các đơn vị khác dồn bộ đội cộng sản Bắc Việt (NVA) tiến về vị trí của họ. Fleek nhận ra có hai người lính Bắc Việt phát hiện ra chỗ nhóm ông phục kích và hét lên để người của mình bắn về phía đối phương, Fleek và đồng đội buộc phải nổ súng và xếp đội hình thành chữ U để phòng ngự.

Một quả lựu đạn được ném xuống ngay cạnh Fleek, ông chỉ kịp hét lên và nhảy xổ tới nằm đè lên nó. Một tiếng nổ phát ra, thân thể ông gần như nát nhừ. Cách đó chưa tới 2 mét, Binh Nhì Milton Johnson cũng bị văng ra bởi lực đẩy của vụ nổ. Cả hai được đưa ra ngoài bằng trực thăng, tuy nhiên Fleek không thể sống sót và đã trút hơi thở cuối cùng trên chiếc trực thăng. Năm ngày sau Binh Nhì Milton Johnson cũng ra đi vĩnh viễn.

Vì lòng cam đảm hiếm có khi lao thân mình che lựu đạn để những người khác được sống sót, ông Fleek được xem là một anh hùng và được trao tặng danh hiệu cao nhất của quân đội – Huân Chương Danh Dự. Và đây chỉ là một trong số 269 huân chương được trao cho những người lính trong Chiến tranh Việt Nam.
Fleek đã bỏ mình ở trận địa, nhưng quyết định hy sinh của ông đã giúp những đồng đội được sống sót để trở về quê hương, như Binh Nhì Thomas Cuthbertson, Binh Nhì Joe Williams, Hạ Sĩ Emil S. Kosco, Binh Nhì George Kelly Jr., Binh Nhì Stephen F. Kyle, Hạ Sĩ Paul Burke và Binh Nhì Avelino G. Moura.

Khuôn mặt và sự hy sinh đầy can đảm của ông Charles Fleek vẫn hiện lên trong tâm trí cựu chiến binh George Kelly Jr, khi ông nhìn vào 5 đứa cháu của mình. Vào ngày đó, George Kelly Jr chỉ cách Fleek khoảng 3 thước, và hôm nay, khi đã 71 tuổi, ông tự hỏi liệu lúc đó ông sẽ làm gì nếu quả lựu đạn lăn bên cạnh mình. “Tôi vẫn chưa bao giờ thôi nghĩ về ông ấy,” cựu binh George Kelly Jr nói.

Moura là một di dân gốc Bồ Đào Nha, vào lúc đó, ông cũng cách Thượng Sĩ Fleek không tới hai thước, nhưng đang quay lưng lại và dùng khẩu M-16 của mình bắn vào phía Việt Cộng khi lựu đạn nổ, ông vẫn cứ bắn.

Vì hành động của mình ngày hôm đó, ông Moura đã được trao tặng Huân Chương Khen Thưởng của Quân Đội vì coi thường sự an toàn của chính mình trong khi đặt "hỏa lực tàn phá vào vị trí của quân thù." Ông trở về nhà, sau đó định cư ở Lake Carmel và nuôi hai con trai của mình bằng tiền lương của một người thợ hồ. Năm nay ông đã 71 tuổi và đã trở thành ông nội.

Hạ Sĩ Emil "Butch" Kosco ở Stowe, Ohio, cũng tiếp tục nổ súng vào ngày hôm đó. Ông được trao tặng Huân Chương Ngôi Sao Đồng, và trở về với người phụ nữ mà ông đã kết hôn một tháng trước khi nhập ngũ. Ông trở lại làm việc cho một công ty điện thoại. Hai vợ chồng có một đứa con trai và một đứa con gái, hiện ông có bốn đứa cháu.

Khi nhớ về chỉ huy trưởng Fleek, ông Kosco thường nghĩ về thời gian thượng sĩ đã có mặt ở Việt Nam và sắp đến ngày về quê hương ở Kentucky.

Cũng vào hôm đó, ông Dennis Harvey đứng cách đó khoảng 30 thước khi ông Fleek lao người đè lên trên quả lựu đạn. Ông nghe tiếng hét cảnh báo của Fleek.

Harvey đã chứng kiến cảnh bác sĩ quân y Richard Kerkhoff cố gắng hết sức để cứu Fleek. Kerkhoff có vẻ tuyệt vọng, Harvey nhớ lại, sau khi Fleek được trực thăng bốc đi. Hẳn ông ấy biết rằng Fleek có rất ít cơ hội để sống. Chưa đến ba tuần sau đó, chính bác sĩ Kerkhoff cũng tử thương trong một trận đánh.

Ông Harvey năm nay 70 tuổi. Ông lưu giữ tên của cố thượng sĩ Fleek, bác sĩ Kerkhoff cùng với tên của 9 người khác trong tiểu đội bị giết trong năm đó, trong một căn phòng ở nhà của ông tại Saginaw, Michigan. Ông làm việc trong phòng đó mỗi ngày.

Theo lời của bà Tracy, chị dâu của ông Charles Fleek, hai ngày sau khi Fleek qua đời, anh trai của ông, Wayne đã thấy ra hai quân nhân đến trước nhà lúc sáng sớm. Cha mẹ của Fleek vẫn còn trên giường khi ông Wayne mời các sĩ quan quân đội vào trong ngôi nhà của gia đình ở đường Front Street cùng với bức điện tín trong tay.

"Khi họ báo hung tin, anh Wayne đã gần như ngất xỉu," bà Tracy kể. "Anh ấy ngã quỵ."
Trong tuần lễ Fleek qua đời, 242 quân nhân Hoa Kỳ khác cũng đã hy sinh mạng sống cho lý tưởng bảo vệ tự do. Tuần báo Life đã in từng bức ảnh của người đã chết lúc đó, cho thấy "khuôn mặt của cuộc chiến" và ông Fleek là một trong số họ.

Thượng Sĩ Fleek được chôn cất tại nghĩa trang Petersburg. Vào tháng 8 năm 2018, một đoạn  bang lộ KY 20 xuống dốc về phía thung lũng sông đã được đặt theo tên ông để vinh danh ông.

Cho tới nay cha của ông Fleek, cụ Wilford, vẫn không bao giờ quên sự mất mát của chính mình và không thôi nhớ về con trai: Mỗi lần gia đình nói lời chúc phúc khi họ ngồi ăn tối, ông đều khóc về đứa con vắng mặt.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT