Tiêu Thụ

Ăn gì thay tôm nhiễm trụ sinh?

Friday, 31/07/2015 - 10:13:50

Ông Andy Sharpless, tổng giám đốc Oceana, tổ chức lớn nhất thế giới chuyên về khảo cứu môi trường đại dương, đã khẳng định, “Tôm là một trong những thứ đồ biển nguy hại nhất.” Với những lời cảnh giác như trên, chúng ta phải làm gì? Liệu có thể bỏ hẳn không ăn tôm nữa được không?

 Bài ERIC TRẦN


                         Tôm nhập cảng xuất phát từ những môi trường sinh sống của các loài vi trùng

 

Vấn đề tôm nhiễm thuốc trụ sinh đã được báo động nhiều năm nay. Tuy nhiên, sau kết quả xét nghiệm được tạp chí Consumer Reports công bố tháng Tư vừa qua, vấn đề càng trở nên “nóng” hơn, gây ra một phong trào cảnh giác cao hơn trong giới tiêu thụ. Có lẽ chỉ trừ những người chủ trương … nhậu chết bỏ là không để ý! Tại sao vấn đề lại đáng quan tâm như vậy? Bởi vì, xét về trọng lượng, tôm là món đồ biển được dân Mỹ ăn nhiều nhất.
Ông Andy Sharpless, tổng giám đốc Oceana, tổ chức lớn nhất thế giới chuyên về khảo cứu môi trường đại dương, đã khẳng định, “Tôm là một trong những thứ đồ biển nguy hại nhất.” Với những lời cảnh giác như trên, chúng ta phải làm gì? Liệu có thể bỏ hẳn không ăn tôm nữa được không?
Trong cuốn sách mới xuất bản, có tên The Perfect Protein (đạm chất hoàn hảo nhất), ông Sharpless đề ra một kế hoạch nhằm kiến tạo những vùng biển lành mạnh hơn – từ đó có những thế hệ con người khỏe mạnh hơn. Cuốn sách trước hết trình bầy những rủi ro dính liền với tôm nhập cảng, và thói quen nuôi trồng hoặc đánh bắt hiện nay. Sau cùng, tác giả cũng đưa ra những đề nghị rất cụ thể về việc phải làm gì, nếu món đồ biển bạn vốn ưa thích bị khám phá ra là không lành mạnh.


                                Hãy thay thế tôm nhập bằng những thủy sản đánh bắt được từ Mỹ


I. Rủi ro của phương pháp nuôi trồng thủy sản và đánh bắt hiện tại

1. Trại tôm là nơi sinh sôi nẩy nở của vi trùng và vi khuẩn
Nước Mỹ nhập cảng hơn 90% số tôm chúng ta ăn – tương đương 1.3 tỷ pounds tính riêng năm 2011. Đa phần số tôm này là nhập từ các trại tôm ở Việt Nam, Bangladesh, và Thái Lan… là nơi mà tôm được nuôi trong những cái ao chật hẹp, môi trường thuận lợi cho mọi thứ dịch bệnh sinh sôi nẩy nở. Trong khi đó, chỉ có 2% số seafood nhập cảng vào nước Mỹ là được cơ quan FDA (Food and Drug Administration) kiểm tra mà thôi. Đa phần còn lại đều lọt lưới!
2. Tôm có nhiễm kháng sinh và chất sát trùng
Những cuộc khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy lượng kháng sinh có tiềm năng gây ung thư như nitrofuranzone trong tôm là rất cao, gấp 30 lần so với mức độ được cho phép trong thực phẩm.
3. Trại tôm tàn phá ngư sản địa phương
Sau khi đã thải nước ô nhiễm vào sông ngòi địa phương, các trại chủ nuôi tôm thường bỏ những vuông tôm đã khai thác để đi đến nuôi trồng tại một vùng mới, để lại những dấu vết ô nhiễm làm thoái hóa môi trường.
4. Nuôi tôm làm tăng nhiệt địa cầu
Trong suốt 50 năm qua, khoảng 5% tới 80% các khu rừng lá thấp ven biển Thái Lan, Ecuador, Mexico, Indonesia, Trung Hoa và Việt Nam (6 nước dẫn đầu về nuôi tôm) đã bị phá sạch để lấy chỗ làm ao tôm. Theo các khoa học gia từ Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, rừng lá thấp hấp thụ độc khí Carbon Dioxide, là một thứ khí thải làm thay đổi khí hậu, nhiều hơn tất cả mọi hệ sinh thái khác trên mặt địa cầu, hơn cả các khu rừng nhiệt đới âm u. Rừng lá thấp cũng là nơi phát triển nhiều loài thủy sản khác, đồng thời chúng cũng giữ cho bờ biển được an toàn hơn nhờ ngăn cản được bão lụt.
5. Phung phí hải sản kéo qua lưới càn
Trong khi việc nuôi tôm “đẻ” ra những vấn nạn như trên, thì việc đánh bắt tôm ngoài biển cũng chẳng khá gì hơn. Ngư phủ đánh bắt tôm bằng cách thả lưới, kéo vào đủ mọi loại thủy sản. Ông Sharpless cho biết, ngay tại Hoa Kỳ, là nơi qui luật đánh bắt khá chặt chẽ, cũng có tới 76% thủy sản do lưới kéo vào không phải là tôm. Ông cho biết, “Các loài thủy sản kia bị thương tích trong khi kéo lưới, phần lớn bị liệng bỏ trở về biển dù đã chết hay đang ngấp ngoải. Ước tính, trong số hải sản kéo lên bằng lưới có tới 9,000 loài thủy sinh nằm trong danh sách tuyệt chủng hoặc những loài rùa biển đang bị đe dọa tuyệt chủng hằng năm….


    Lưới càn đánh bắt ngoài biển, kéo vào cả những loài thủy sinh trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng


II. Thực phẩm đề nghị

Tác giả “The Perfect Protein” biết rằng cổ động giới tiêu thụ bỏ tôm nhập cảng sẽ để lại một lổ hổng lớn trong “dạ dầy” thực khách, nên ông đã đề nghị nhiều món hải sản khác để thay thế:
1. Oysters (sò hến): Đây là một trong những thứ seafood tin cậy được. Trong biển, con sò là sinh vật làm sạch đại dương, thịt nó chứa nhiều khoáng chất như zinc, giúp tăng cường hệ miễn nhiễm của con người. Ngay cả khi được nuôi trong ao, con sò cũng không để mất những đặc tính nói trên.
2. Clam (nghêu): Được nuôi trong nội địa Hoa Kỳ, clam là một thứ hải sản được thâu hoạch sớm, khi còn bé, nên không phải hấp thụ nhiều chất ô nhiễm như các loài tôm cá khác. Hơn nữa, qui luật về vấn đề nuôi trồng thủy sản của Hoa Kỳ ngặt nghèo hơn qui luật nuôi tôm của các nước khác.
3. Mussels (sò, trai): Là loại thủy sản có thể thâu hoạch lâu dài, chứa nhiều Vitamin B12 bổ óc. Ngoài ra còn có nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể như zinc, iodine, và selenium.
4. Cá Salmon đánh bắt từ ngoài khơi Alaska: Việc đánh bắt không tàn hại môi trường bằng việc đào ao nuôi cá. Cá Salmon nhiễm ít độc chất, lại có nhiều chất acid béo Omega-3.
5. Cá Sardines và Anchovies (cá cơm biển): Đây là những loài cá nhỏ đánh bắt ngoài khơi, nhưng không cần dùng tới những loại lưới càn có khả năng tiêu diệt hết cả bầy đàn những loài thủy sinh sống hằng thế kỷ dưới đáy biển.
Và sau cùng, nếu chúng ta vẫn muốn ăn tôm, xin ăn những con tôm nuôi trong các trang trại Hoa Kỳ, bởi vì luật lệ nuôi trồng và giữ gìn môi sinh tại xứ này nghiêm nhặt hơn nhiều so với các xứ đang xuất cảng tôm vào thị trường nước Mỹ.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT