Thế Giới

Ấn Độ: Xác đạo sĩ được giữ đông đá

Wednesday, 05/07/2017 - 07:33:25

Luật sư của ông Jha phản đối quyết định của tòa án, “Nếu như thế, các quan tòa cũng thừa nhận là đạo sĩ này còn sống hay sao?”


Hai tín đồ đứng cạnh những hình ảnh của đạo sĩ Ashutosh Maharaj tại một lễ hội mấy năm trước đây. (Getty Images)


Một tòa án của Ấn Độ đã đồng ý cấp giấy phép cho các tín đồ của một giáo phái được quyền dùng tủ đông đá để trữ xác của sư phụ của họ qua đời là ông Ashutosh Maharaj, người sáng lập ra giáo phái Divya Jyoti Jagriti Sansthan.
Tuy ông mất vì một chứng đau tim vào tháng Giêng năm 2014. Nhưng các đồ đệ của ông thì tin chắc là thầy của họ đang “thiền định sâu” và sẽ quay lại trần thế một ngày nào đó. Họ giữ cho xác của đạo sĩ trong một ngăn freezer lớn trong trang trại của ông ở bang Punjab.
Trong khi đó ông Dalip Kumar Jha nhất quyết tự nhận là con của thầy và yêu cầu cho hỏa thiêu xác cha mình, nhưng các đồ đệ của đạo sĩ đã chống lại. Sau ba năm kiện tụng, cuối cùng các đồ đệ đã chiến thắng về pháp lý và được quyền bảo quản thân xác của đạo sĩ trong tủ lạnh.
Luật sư của ông Jha phản đối quyết định của tòa án, “Nếu như thế, các quan tòa cũng thừa nhận là đạo sĩ này còn sống hay sao?”

Trung Quốc hăm dọa Ấn Độ
Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ phải cho rút quân nhân của họ ra khỏi một cao nguyên ở vùng Hy Mã Lạp Sơn đang có tranh chấp về lãnh thổ giữa hai nước, trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cảnh cáo, “Ấn Độ sẽ bị thiệt hại nặng hơn vào năm 1962, nếu giờ đây New Delhi muốn gây ra chiến tranh biên giới.”
Một cuộc chạm trán đẫm máu vào năm đó giữa quân đội hai nước xảy ra tại vùng biên địa này, làm nhiều ngàn quân nhân từ hai bên thương vong. Từ đó đến nay, nhiều lần hai bên gặp gỡ thương thảo vế vấn đề tranh chấp biên giới nhưng đều gặp thất bại.
Trung Quốc cho là Ấn Độ phải cho rút quân của họ về nước như là điều kiện tiên quyết để đàm phán. Willy Lam, giáo sư môn Trung Hoa học ở Hong kong, nhận xét, “Trung Quốc muốn lên dây cót tinh thần qua bài báo này.”
Trung Quốc nói nhiều chục ngàn dặm vuông của tỉnh Arunachai Pradesh của Ấn Độ là lãnh thổ của Trung Quốc, vì theo họ đây là vùng đất thuộc “phía nam Tây Tạng” trước đây.

Trump gặp nhiều khó khăn ở Âu Châu
Tổng Thống Donald Trump đến Ba Lan trước, trong chuyến du hành sang Châu Âu, và đây là chuyến xuất ngoại lần thứ nhì của ông, và các quan sát viên nhận định sẽ không dễ dàng cho ông.
Chuyến công du lần thứ nhì Âu Châu lần này của ông Trump, sau chuyến đi đầu tiên vào tháng 5, diễn ra trong bối cảnh có nhiều căng thẳng trên thế giới, nhất là chuyện Bắc Hàn mới bắn hỏa tiễn liên lục địa và chuyện hai lãnh tụ Nga-Mỹ sẽ diện kiến nhau trực tiếp lần đầu tiên.
Ông Trump cho hay ông ưu tư khi sắp gặp Bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel, vì ông nghĩ là bà Merkel và nhiều lãnh tụ châu Âu khác sẽ chỉ trích ông mạnh mẽ về vụ Mỹ rút khỏi Hiệp Ước Khí Hậu Paris và về chính sách nhập cảnh cứng rắn của Washington. Có khoảng 20,000 nhân viên an ninh Đức làm việc bảo vệ các yếu nhân cho Hội Nghị G 20. Các tổ chức quan trọng như Liên Hiệp Quốc, IMF, World Bank cũng gửi lãnh đạo tham dự.

Kim Chính Vân rất tự tin
Lãnh tụ Kim Chính Vân tỏ ra tự tin về khả năng nguyên tử của xứ mình và hứa là Bắc Hàn sẽ cương quyết chứng tỏ sức mạnh cho Hoa Kỳ thấy và sẽ không bao giờ đặt vũ khí nguyên tử của mình lên bàn đàm phán. Các phương tiện truyền thông của Bắc Hàn đều đưa tin và ảnh của Kim Chính Vân với nụ cười rạng rỡ khi theo dõi hỏa tiễn rời bệ phóng. Kim hối thúc các khoa học gia Bắc Hàn hãy “gửi quà cho bọn Yankees” không ngừng nghỉ.
Hoa Kỳ và Nhật lên tiếng đòi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải có phiên họp gấp vào hôm nay. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson thì tuyên bố “Mỹ sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn và Bắc Hàn phải chịu trách nhiệm hành vi mới của mình.”
Hoa Kỳ cũng chỉ trích Trung Quốc không chịu làm gì mạnh gây sức ép lên Bình Nhưỡng, trái lại còn gia tăng buôn bán với Bắc Hàn. Cả Nga lẫn Trung Quốc đều cho là “các phía đối nghịch trong vấn đê bán đảo Triều Tiên cần phải bắt đầu thương thuyết với nhau.”

Anh thu hồi hết thi hài vụ cháy Grenfell Tower
Nhà chức trách tại thủ đô London loan báo họ “đã thu hồi tất cả những thi hài thấy được” trong trận hỏa hoạn tòa nhà Grenfell Tower, nhưng phải mất nhiều tháng nữa mới hy vọng có được con số chính xác bao nhiêu người đã thiệt mạng. Tuy sau ba tuần tìm kiếm cảnh sát Anh nói có 87 dấu vết con người được thu hồi, nhưng không có nghĩa là 87 người khác nhau đã chết.
Tuy cảnh sát nói có thể có đến 80 người đã chết hay mất tích, nhưng chỉ có 21 người là được thông báo chính thức đã thiệt mạng. Toàn bộ cư dân của 23 căn nhà của tổng số 129 căn trong khu chung cư bị xem đã chết hết. Cảnh sát trưởng Stuart Cundy thừa nhận “công việc nhận dạng rất khó khăn.”
Trận hỏa hoạn xảy ra vào ngày 14 tháng 6 này được xem là “tệ hại nhất từ hàng thế kỷ nay tại Anh.” Chính phủ Anh cho biết một ủy ban độc lập sẽ thành hình nhằm giúp các giới chức địa phương dọn dẹp và tổng kết thảm họa.

Nga dùng hỏa tiễn tối tân đánh Syria
Các pháo đài bay chiến lược của Nga hôm thứ Tư đã bắn hỏa tiễn hành trình từ một khoảng cách xa đến gần một ngàn cây số cây số vào các vị trí của nhóm IS trên lãnh thổ Syria. Các tin tức từ giới quân sự Nga cho hay có bốn vị trí của IS đã bị đánh trúng, gồm một bộ chỉ huy và ba kho trữ đạn được.
Bộ Quốc Phòng Nga cho hay vụ tấn công do pháo đài bay Tupolev-95MS chiến lược thực hiện. Chúng cất cánh từ lãnh thổ của Nga và được tiếp nhiên liệu trên không, trước khi bắn hỏa tiễn vào các mục tiêu nằm giữa hai tỉnh Hama và Homs của Syria.
Hỏa tiễn bắn ra là loại Kh-101, có khả năng đánh trúng mục tiêu xa đến 4,500 cây số và cũng có khả năng mang theo đầu đạn nguyên tử. Mỗi chiếc Tupolev-95 MS có thể chở 8 hỏa tiễn Kh-101 trong mỗi lần xuất phát. Bộ Quốc Phòng Nga lần này không cho biết có bao nhiêu chiếc Tupolev-95MS đã cất cánh, nhưng cho hay có nhiều chiến dấu cơ Sukhoi-30SM bay theo hộ tống.

Úc khoanh vùng những nơi thổ dân bị tàn sát
Các nhà khoa học Úc đã thiết lập một bản đồ khoanh vùng tổng quát ghi nhận khá chi tiết những nơi từng xảy ra những vụ thổ dân Úc bị người Châu Âu tàn sát khi họ đặt chân đến vùng đất này. Hơn 150 địa điểm được đưa lên online cho vùng duyên hải phía đông của Úc. Vào năm 1788 khi người Anh đổ bộ vào Úc, con số bao nhiêu thổ dân bị tàn sát vẫn còn là đề tài tranh cãi, nhưng nhiều nhà sử học cho là cũng phải lên đến hành chục ngàn nạn nhân.
Các khoa học gia hy vọng các bản đồ online của họ sẽ giúp đỡ trong việc giáo dục học sinh và lập các đài tưởng niệm các nạn nhân. Nhiều chi tiết về con số, loại vũ khí nào đã được xài và ai là kẻ chịu trách nhiệm cũng được phơi bày trong các bảng đồ chi tiết này. Trong 4 năm tìm tòi, các nhà khoa học đã lục lạo nhiều nguồn, từ nhật ký cá nhân dến báo chí, hồ sơ tòa án và thư từ để hoàn tất việc làm nhân đạo và công bằng này.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT