Thế Giới

Ấn Độ mua hỏa tiễn của Nga bất chấp Mỹ

Friday, 05/10/2018 - 08:58:15

Ngoài hợp đồng hỏa tiễn, Ấn Độ và Nga còn ký 8 thỏa thuận khác liên quan đến các lĩnh vực không gian, năng lượng nguyên tử, và đường sắt. Nga cũng sẽ giúp Ấn Độ thiết lập một trạm không gian có người điều khiển vào năm 2022.

NEW DELHI - Chính phủ Ấn Độ vào thứ Sáu đã đồng ý mua hệ thống hỏa tiễn đất đối không S-400 của Nga, bất chấp các khuyến cáo rằng thương vụ này có thể dẫn đến lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Dù không có lễ ký kết công khai, nhưng thương vụ đã được chấp thuận trong chuyến thăm của Tổng Thống Nga Vladimir Putin đến New Delhi và gặp gỡ Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hợp đồng mua vũ khí này có giá trị ước tính trên $5 tỷ Mỹ kim, giúp quân đội Ấn Độ có khả năng bắn rơi các máy bay và hỏa tiễn ở tầm xa chưa hề đạt được từ trước đến nay. Hoa Kỳ trước đó từng nói rằng, các nước có giao dịch với cơ quan quốc phòng và tình báo Nga sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt, theo đạo luật CAATSA, tức đạo luật chống trả đối thủ bằng lệnh trừng phạt.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong tuần này nói rằng, việc áp đặt trừng phạt sẽ tập trung vào những nước mua các vũ khí như hệ thống hỏa tiễn S-400. Vào tháng trước, Hoa Kỳ đã trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc, sau khi cơ quan này mua nhiều chiến đấu cơ và hệ thống hỏa tiễn S-400 của Nga trong năm nay. Ấn Độ đang hy vọng rằng chính phủ Trump sẽ có ngoại lệ đặc biệt đối với thương vụ mua vũ khí này, vốn được New Delhi coi là phương tiện để đối đầu với quân đội khổng lồ và hùng mạnh của Trung Quốc. Ngoài hợp đồng hỏa tiễn, Ấn Độ và Nga còn ký 8 thỏa thuận khác liên quan đến các lĩnh vực không gian, năng lượng nguyên tử, và đường sắt. Nga cũng sẽ giúp Ấn Độ thiết lập một trạm không gian có người điều khiển vào năm 2022.

Duterte bất ngờ nhắc đến tình trạng sức khỏe
MANILA - Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte vào tối thứ Năm thông báo ông đang chờ các kết quả xét nghiệm y khoa, và khẳng định sẵn sàng công bố tình trạng sức khỏe cho dù đó là bệnh ung thư. "Tôi không biết tình hình sức khỏe của tôi hiện nay ra sao. Tôi phải chờ kết quả,” Tổng Thống Duterte nói trong buổi tiệc tối thứ Năm tại phủ tổng thống để tiếp đón các sĩ quan quân đội và cảnh sát Philippines.
Bài nói chuyện này được chiếu trực tiếp trên toàn quốc. "Nếu tôi có mắc bệnh ung thư và ở giai đoạn 3, thì tôi đã không còn cơ hội chữa trị nữa. Tôi sẽ không kéo dài nỗi đau của mình khi đang tại chức hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác,” ông Duterte nói.
Đây là lần đầu tiên Tổng Thống Duterte thừa nhận ông có vấn đề về sức khỏe. Nhà lãnh đạo 73 tuổi đã không xuất hiện trước công chúng trong tuần qua, làm dấy lên nhiều hoài nghi về sức khỏe của ông. Tuy nhiên, đại diện chính phủ Phi Luật Tân đều phủ nhận các nghi vấn này. Trước đó, trong buổi họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Harry Roque cho biết Tổng Thống Duterte đã nghỉ vài ngày vì cảm thấy mệt mỏi. Ông bác bỏ thông tin nhà lãnh đạo đã phải nhập viện trong thời gian qua.
Trong khi đó, thư ký Salvador Medialdea lại xác nhận ông Duterte có nhập viện ngày 3 tháng 10 để nội soi đại tràng, nhưng khẳng định đây là việc kiểm tra sức khỏe thường kỳ của tổng thống. Thời gian qua, ông Duterte đã nhiều lần nhắc đến khả năng từ chức. Tại hai sự kiện đầu tháng 8, ông Duterte đều nói ông "sẵn sàng ra đi.” Ông cũng cho biết bản thân rất thất vọng khi không thể chiến thắng trong cuộc chiến chống ma túy và nạn tham nhũng trong chính phủ.

Kim Jong-un có thể thăm Nga trước cuối năm
SEOUL - Lãnh đạo Bắc Hàn được cho là sẽ sớm thăm Nga trong bối cảnh các bên đang thúc đẩy quá trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo."Moscow và Bình Nhưỡng đang thảo luận để sắp xếp thời gian và chương trình cho chuyến thăm Nga của Chủ Tịch Kim Jong-un,” theo viên chức phủ tổng thống Nam Hàn tiết lộ, dẫn lời Chủ Tịch Thượng Viện Nga Valentina Matviyenko. Bà Matviyenko từng dự lễ Quốc Khánh Bắc Hàn hôm 9 tháng 9 theo lệnh của Tổng Thống Vladimir Putin và đã có cuộc gặp với ông Kim Jong-un.
Dựa trên thông tin do bà Matviyenko cung cấp, truyền thông Nam Hàn dự đoán ông Kim Jong-un sẽ tới thăm Nga trước cuối năm nay. Trước đó, hồi tháng 7, ông Alexander Matsegora, đại sứ Nga tại Bắc Hàn, cũng cho biết 2 nước đang đàm phán về cuộc gặp giữa Tổng Thống Putin và ông Kim.

Nhật bỏ diễn hải quân tại Nam Hàn vì cờ hiệu
TOKYO - Nhật Bản đã quyết định không cử tàu chiến tới sự kiện hải quân ở đảo Jeju do bất đồng với yêu cầu treo cờ từ Nam Hàn. "Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) sáng thứ Sáu gởi thông báo cho quân đội Nam Hàn, xác nhận sẽ không cử tàu chiến tới sự kiện diễn binh của Hải quân quốc tế ở đảo Jeju vào tuần sau,” theo một nguồn tên trong chính phủ Nam Hàn tiết lộ. JMSDF ban đầu dự định cử tàu chiến tới tham gia sự kiện kéo dài 5 ngày. Nhưng Seoul sau đó kêu gọi Tokyo không treo lá cờ "Mặt trời mọc" trên chiến hạm tại buổi diễn binh.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã từ chối yêu cầu của Nam Hàn. Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera tuyên bố việc các tàu Hải quân treo cờ "Mặt trời mọc" là bắt buộc theo luật pháp và nó có vai trò xác định quốc tịch của tàu hải quân Nhật theo luật hàng hải quốc tế. Cờ hiệu của JMSDF có một hình tròn đỏ ở giữa tượng trưng cho Mặt Trời, tỏa ra 16 đường giống 16 tia nắng, minh họa cho tên gọi "đất nước Mặt Trời mọc.” Tuy nhiên, nhiều người Nam Hàn liên tưởng lá cờ này với hình ảnh quân đội Nhật trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, và gọi nó là "lá cờ tội ác chiến tranh.”
Bất đồng này khiến JMSDF hủy kế hoạch điều khu trục hạm, thay vào đó Nhật chỉ gởi một phái đoàn tới tham gia các cuộc họp trong khuôn khổ sự kiện. Cuộc diễn binh Hải quân trên biển sẽ diễn ra ngày 10 đến 15 tháng 10 ngoài khơi đảo Jeju, phía nam Nam Hàn, với sự tham gia của tàu chiến từ 13 quốc gia. Hải quân Nam Hàn yêu cầu các nước tham gia chỉ treo quốc kỳ nước mình kèm cờ Nam Hàn trên chiến hạm.

NATO mở cuộc tập trận lớn nhất tính từ năm 2002
BRUSSELS – Lực lượng NATO đang chuẩn bị tổ chức một cuộc tập trận lớn nhất tính từ năm 2002 đến nay, nhằm gởi thông điệp khuyến cáo đến Nga. Cuộc tập trận Trident Juncture sẽ diễn ra tại Na Uy và những vùng biển lân cận trong thời gian từ 25 tháng 10 đến 7 tháng 11, với sự tham gia của 45,000 binh sĩ từ 29 nước NATO, cùng các đối tác Thụy Điển và Na Uy. Với khoảng 150 máy bay, hơn 60 chiến hạm, 10,000 xe quân sự, cuộc tập trận cho thấy cách NATO sẽ đáp trả đối với bất kỳ sự xâm phạm nào xảy ra ở các nước thành viên.
“Trident Juncture sẽ có tác dụng ngăn ngừa đối với bất kỳ nước nào có ý định xâm phạm biên giới, nhưng đặc biệt nhắm vào 1 quốc gia,” Đô Đốc James Foggo, chỉ huy Hoa Kỳ hàng đầu tại châu Âu, cho biết hôm thứ Sáu. NATO đã mời Nga tham dự tập trận, nhưng Đô Đốc Foggo cho biết Moscow vẫn chưa trả lời. “Tôi muốn Nga có mặt tại đây để thấy cách chúng tôi làm việc với nhau,” ông Foggo nói. Vị đô đốc cũng nói rằng Nga đã không còn năng lực hải quân như thời Chiến Tranh Lạnh, nhưng vẫn có sức mạnh đáng kể trong chiến tranh tàu ngầm. Theo ông Foggo, Nga có 6 tàu ngầm lớp Kilo hoạt động trên Hắc Hải và Địa Trung Hải, trang bị hỏa tiễn Kalibr có thể bắn trúng bất kỳ thủ đô nào của châu Âu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT