Thế Giới

Ấn Độ mời hơn 1,000 công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc

Thursday, 07/05/2020 - 06:34:10

Theo truyền thông Hoa Kỳ dẫn lời các viên chức Ấn Độ ẩn danh, chính phủ của Thủ Tướng Nerandra Modi

NEW DELHI - Theo truyền thông Hoa Kỳ dẫn lời các viên chức Ấn Độ ẩn danh, chính phủ của Thủ Tướng Nerandra Modi trong tháng 4 đã liên lạc với hơn 1,000 công ty Hoa Kỳ để chào mời đầu tư. Thông qua các cơ quan ngoại giao, Ấn Độ đã đề nghị nhiều ưu đãi để nhà sản xuất nước ngoài chọn nước này làm điểm đặt chân một khi họ rời Trung Quốc. New Delhi ưu tiên cho các ngành sản xuất thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, thuộc da và linh kiện xe hơi. Tổng cộng có 550 loại mặt hàng sản xuất đang được thảo luận.
Nỗ lực khuyến khích công ty Hoa Kỳ dời sang Ấn Độ diễn ra giữa lúc Tổng Thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc cần chịu trách nhiệm về đại dịch. Căng thẳng song phương có thể khiến quan hệ thương mại toàn cầu xấu đi, buộc các công ty phải di dời nguồn lực khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhật Bản đã đồng ý chi khoảng $2.2 tỷ Mỹ kim để hỗ trợ các công ty dời nhà máy khỏi Trung Quốc. Các thành viên Liên Âu (EU) cũng lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, Thủ Tướng Narendra Modi cần một làn sóng đầu tư mới để củng cố nền kinh tế quốc gia, hiện đã bước sang tuần phong tỏa thứ 8 để kiểm soát đại dịch Covid-19. Ấn Độ đang có 122 triệu người thất nghiệp vì những thành phố lớn đều đóng cửa. Một nguồn tin cho biết Bộ Thương Mại Ấn Độ đang thu thập ý kiến từ các công ty Hoa Kỳ đối với các luật về thuế và lao động để hấp dẫn đầu tư hơn.
Theo các nguồn tin, khi chào mời các hãng Hoa Kỳ, viên chức Ấn Độ mô tả nước này là sự lựa chọn kinh tế hơn về quyền lợi đất đai, đồng thời lao động vừa có chuyên môn vừa có giá rẻ so với việc trở về Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản, mặc dù chi phí có thể cao hơn Trung Quốc. Ấn Độ kỳ vọng sẽ lôi kéo thành công những công ty trong lĩnh vực thiết bị và sản phẩm y tế. Một viên chức chính phủ tiết lộ họ đang làm việc với hai tập đoàn Medtronic và Abbott Laboratories.
Ngoại Trưởng Mike Pompeo vào tháng 4 từng khẳng định Washington đang làm việc với nhiều nước về cách "tái cấu trúc chuỗi cung ứng để những gì đang xảy ra hiện nay sẽ không bao giờ tái diễn.” Ngoài ra, Washington cũng đang thúc đẩy một sáng kiến chấm dứt sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng toàn cầu vào Trung Quốc, thay thế bằng "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế" với những đối tác đáng tin cậy.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT