Người Việt Khắp Nơi

Alcoh Wong, tất cả cho thuyền nhân Việt Nam

Thursday, 18/06/2020 - 06:18:15

“Nếu không gặp các bạn về đây viếng mộ Thuyền Nhân Việt Nam, tôi đã tưởng sẽ phải đốt hết gần 2,000 cuốn sách Guidebook sau 10 năm phát hành không ai biết đến."


Bà quả phụ Alcoh Wong tại Nghĩa Trang Terengganu năm 2017. (Hình Ngọc Ân cung cấp)


Bài NGỌC ÂN

(Tiếp theo bài “Để Tưởng Nhớ Ông Alcoh Wong, Vị Ân Nhân của Thuyền Nhân Việt Nam.” Ông là tác giả của Sách Hướng Dẫn Đến Nghĩa Trang Thuyền Nhân Việt Nam Tại Mã Lai Á - The Guidebook of the graveyards of The Vietnamese Boat People along the East Coast of Malaysia Peninsula.)

“Nếu không gặp các bạn về đây viếng mộ Thuyền Nhân Việt Nam, tôi đã tưởng sẽ phải đốt hết gần 2,000 cuốn sách Guidebook sau 10 năm phát hành không ai biết đến, thôi thì số phận của cuốn sách là phải theo tác giả của nó chôn vùi trong quên lãng!” Bà quả phụ Alcoh Wong vừa khóc, vừa ôm chặt cuốn sách nhỏ bé trong tay, nghẹn ngào nói, “Alcoh còn sống thì ông sẽ mừng lắm, sẽ quay sang tôi mà nói, Thấy không, người Việt tị nạn, VBP (Vietnamese Boat People) không bao giờ quên đồng bào của họ, tôi luôn tin sẽ có một ngày, khi cuộc sống ổn định ở quê hương mới, họ sẽ quay về tìm lại dấu tích của nhau.”

Đó là một ngày cuối tháng Ba năm 2017, cả đoàn gần 60 người chúng tôi đã mệt nhoài sau cuộc hành trình một tuần lễ đầy bão tố (và chắc chắn là đẫm nước mưa và nước mắt) đến đảo địa ngục Ko Kra, Thái Lan, sau đó di chuyển bằng xe bus từ miền nam Thái qua Mã Lai, viếng các Nghĩa Trang Thuyền Nhân Việt Nam dọc theo con đường đến Terengganu, trước khi xuống tàu qua đảo Bidong.

Theo sách Guidebook của ông Alcoh Wong, nghĩa Trang Terengganu (nằm trên con đường Wireless Road, ngay trong trung tâm thành phố, đối diện với nhà thương chính của tỉnh bang này) là nghĩa trang của người Hoa có nhiều ngôi mộ tập thể và cá nhân của Thuyền Nhân Việt Nam nhất trong các nghĩa trang dọc theo bán đảo Mã Lai Á. Nghĩa trang được chia làm 4 Zone, A, B, C, D. Zone A lớn nhất, có năm mộ tập thể (trong đó mộ lớn nhất có đến 137 thuyền nhân, trong sách Guidebook có ghi rõ, cả con thuyền tử nạn tại cửa sông thuộc Kuala Teregganu, vào khoảng trưa ngày 13/11/1978) và 108 mộ cá nhân. Zone B có năm mộ tập thể và 24 mộ cá nhân. Zone C có 9 mộ. Zone D là nghĩa trang Thiên Chúa Giáo, có hai mộ thuyền nhân Việt Nam khang trang nhất trong cả bốn Zone, trên mộ có cả tên Thánh trước họ tên, ngày & nơi sanh, ngày mất. Tổng cộng Zone A có hơn 400 thuyền nhân được chôn cất. B, C và D hơn 200.


Chân dung Alcoh Wong tại mộ phần của ông. (Hình: Trùng Dương)



Bà quả phụ Alice Wong ký sách Guidebook của ông Alcoh Wong. (Hình Ngọc Ân cung cấp)

Vì thì giờ hạn hẹp và nghĩa trang quá lớn, chúng tôi chia nhau ra đi thắp nhang và dọn dẹp cỏ ở từng Zone. Vì quay phim cho đài truyền hình, nhóm ba người chúng tôi chọn bắt đầu đi từ khu C & D, đang quay hình ở khu D thì có người bạn trong nhóm hớt hải chạy xe Honda ôm tơi (từ khu A tới khu D khá xa, có thể phải tới 3 cây số) vừa thấy chúng tôi, anh la lớn, “Bà Wong tới, Bà Wong tới, Bà đang đợi ở Zone A.”

Đến bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn còn thấy ớn lạnh, vì chỉ vài phút trước đó, giành nhau coi cuốn sách Guidebok của ông Alcoh Wong, một anh trong nhóm đã kêu lên “Phải chi được gặp Bà Wong, tụi mình mua thêm vài cuốn sách, khỏi phải giành nhau!” (Anh có kể cho chúng tôi nghe một năm trước đó, tình cờ đến thăm viện bảo tàng Terengganu, có gặp một phụ tá Giám Đốc Quản Trị Bảo Tàng Viện, người này có giới thiệu cho anh một người gốc Hoa điạ phương có giữ sách Guidebook các Nghĩa Trang có mộ Thuyền Nhân Việt Nam, anh năn nỉ mua hết 5 cuốn sách ông có, ông người Hoa đó có cho biết tác giả của cuốn sách, ông Alcoh Wong đã mất năm 2006, nhưng nếu gặp được bà Wong thì có thể bà còn sách. Anh bạn này đã cố gắng liên lạc theo địa chỉ trong sách, nhưng thư không được hồi âm.)

Cầu được ước thấy, ba người chúng tôi chạy như điên trong sư vui mừng, vì cuối cùng, chúng tôi sắp được gặp bà quả phụ của vị ân nhân đã chôn cất, an táng thuyền nhân Việt Nam. Anh bạn đang ngồi đằng sau xe ôm la lớn, “Trời đất, từ từ để gọi thêm xe tới chở, xa lắm, chạy sao kịp!” Anh cameraman vì máy quay phim khá nặng đứng lại đợi xe, một anh còn lại vác chân máy quay, tôi thì tay còn đang ôm khư khư quyển sách và microphone, vừa chạy vừa trả lời, “Khỏi kêu, mừng quá không đứng đợi xe được đâu!”


Ông Abu, bà Alice Wong, và Ngọc Ân. (Hình Ngọc Ân cung cấp)

Tại Zone A, Bà quả phụ Alcoh Wong đang trả lời phỏng vấn của hai trong ba đài truyền hình đến từ Úc và Mỹ thì nhìn thấy chúng tôi hối hả chạy đến, thật bất ngờ, nhìn thấy quyển sách Guidebook trên tay tôi, bà bật khóc, “Ở đâu cô có quyển sách của Alcoh đây? Alcoh,sách đã đến đúng người rồi, sách đã đến đúng người rồi!”
Bà xúc động quá, một người đàn ông to lớn đi cùng bà, tay che dù, phải đỡ lấy bà. Chúng tôi cũng khóc, bà cũng khóc, khói hương từ những ngôi mộ thuyền nhân chung quanh bay trong nắng và gió của ngày tiết Thanh Minh, cảm giác nghẹn ngào và linh thiêng tràn ngập trong mỗi người chúng tôi.

Bà kể đêm hôm trước trằn trọc khó ngủ, ở tuổi ngoài 70 thì khó ngủ cũng không có gì khác lạ, khác lạ ở đây là bà chợt nghĩ đến ông nhiều hơn những mùa Thanh Minh năm trước. Bà dự định sáng mai dậy sớm, sẽ sắp xếp xe về quê bà thăm mộ ông. Từ Kuala Lumpur, nơi bà và các con ở, xuống Teregganu nơi có mộ ông phải mất 7, 8 tiếng lái xe. Từ ngày phải mổ xương hông, bà ngại đi lại, nhất là ngồi xe đường xa. Yên tâm, bà định ngủ lại, thì có điện thoại của Abu từ Terengganu gọi.

Bà kể, vẫn còn nghẹn ngào, tay chỉ vào người đàn ông to lớn, khuôn mặt chất phác, đứng bên cạnh che dù cho bà, “Đây là Abu, Abu cũng giống như quản gia cho gia đình chúng tôi. Abu từng cùng Alcoh tự tay chôn cất thuyền nhân Việt Nam trong một khoảng thời gian dài, từ 1978 tới 1990. Sau khi các trại t ị nạn đã đóng cửa, hai người đàn ông (bà âu yếm gọi là hai người “điên khùng”) vẫn như hình với bóng, chăm sóc những ngôi mộ vô chủ tội nghiệp của thuyền nhân Việt Nam.”

Khi được hỏi làm sao có đủ tài chánh để từ chôn cất, đến chăm lo cho hơn 500 ngôi mộ rải rác khắp các vùng bờ biển phía đông của bán đảo Mã Lai, bà vừa cười, vừa trả lời, “Tôi đã nói Alcoh nhà tôi điên khùng. Abu cũng điên khùng không kém, gia đình chúng tôi có xưởng xuất nhập cảng gỗ quí để làm furniture đã nhiều năm, nhờ vậy Alcoh có phương tiện tài chánh đi nhiều nơi, tình cờ những nơi chúng tôi có cửa tiệm lại cũng lại là những nơi có xác thuyền nhân Việt Nam tấp vào. Vậy là từ một mộ thành hai, hai thành 10, 10 thành 100, rồi nhiều trăm sau đó. Alcoh và Abu nhiều khi bỏ cả việc của xưởng gỗ, đi năn nỉ Hiệp Hội Người Hoa ở tất cả các tỉnh bang của Mã Lai, để có đất chôn cất người tị nạn, có nhiều nghĩa trang ngay cả những người có tiền cũng không mua được đất, vậy mà cũng phải xiêu lòng với Alcoh!”


Viếng mộ ông Alcoh Wong ở Terengganu, trên đường ra đảo Bidong. Ông Abu đứng cạnh bà Wong. (Hình Ngọc Ân cung cấp)

Trời đã về chiều, cả nhóm thúc hối nhau lên xe về khách sạn để mai dậy sớm, đi thăm mộ Ông Alcoh Wong, trước khi xuống tàu sang đảo Bidong. Bà chỉ vào những chiếc nón lá chúng tôi đội, vui mừng nói, “Chiều tối hôm qua Abu gọi tôi, la lớn qua điện thoại VBP về rồi, VBP về rồi. Hồi chiều tôi cảm thấy bồn chồn, nghĩ là chắc tới mùa Thanh Minh, Alcoh nhắc tôi phải chăm sóc mộ VBP nhiều hơn bình thường, tôi chạy xe xuống nghĩa trang, từ xa đã thấy có nhiều phụ nữ đội nón lá Việt Nam đi thăm mộ VBP ở Zone A. Chạy xe tới nơi thì họ đã lên xe bus, tôi chỉ kịp ghi số xe bus rồi liên lạc với hãng xe du lịch, thì được biết họ sẽ trở lại ngày mai trước khi ra Bidong. Alice (nhũ danh của bà quả phụ Alcoh Wong) phải thu xếp xuống đây ngay, tôi nghĩ Alcoh cũng muốn Alice được gặp họ.”

Bà gạt nước mắt, nói tiếp “Cả đêm tôi mừng đến nỗi không ngủ được, từ ngày Alcoh mất đã hơn 10 năm, đêm hôm qua là lần đầu tiên tôi cảm thấy nhẹ nhàng, như có Alcoh bên cạnh, cùng chờ trời sáng để gặp các người anh, người chị, người em, các con cháu của ông, VBP của ông, như ông vẫn gọi đầy tình thương mến khi còn sống.”

Ở trước mộ ông, bà xin tôi đứng bên cạnh, cầm quyển sách Guidebook, như thay thế cho sự hiện diện của ông. Mỗi người chúng tôi được Abu trao cho cành hoa cúc vàng, cùng một loại hoa trước kia ông dặn Abu mua đem đến mộ thuyền nhân. Xếp thành hàng đôi, chúng tôi lần lượt đi tới đặt hoa trước mộ ông, rồi quay sang cúi đầu cảm tạ Bà. Bà đáp lời, từng người một, nhẹ nhàng, ân cần, “Cám ơn Anh, Cám ơn Chị, Cám ơn Em, Cám ơn các Con. Thank you Brother. Thank you Sister. Thank you, Alcohs Children.”


Mộ tập thể 137 thuyền nhân Viêt Nam tại Zone A, Nghĩa Trang Terengganu. (Hình Ngọc Ân cung cấp)

Bà chia tay chúng tôi, “Ra Bidong bằng an, mùa này biển êm, sóng không lớn lắm, Alcoh lúc nào cũng chọn mùa Thanh Minh ra Bidong thăm mộ.”

Terengganu, buổi sáng trời còn diụ mát, mùi nhang nhẹ nhàng lan tỏa trong không gian, những đóa cúc vàng lay động trong gió. Có phải không? Chúng tôi như thấy ánh mắt trìu mến của ông nhìn theo. Alcoh của Alice, vị đại ân nhân của thuyền nhân Việt Nam, ông đã xin bà chôn ông ở Terengganu, “để tiện cho VBP về Bidong, sẵn tiện cho tôi được gặp!” Bà lắc đầu, “Ông điên khùng chẳng hề nghĩ đến vợ con phải đi xa thăm ông, chỉ lo cho VBP, từ phương xa tốn kém về thăm đồng bào của họ!”

(Tháng Sáu 2020)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT